Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: “Nếu không thực hiện được thì từ chức..."

07/08/2014 07:48
Ngọc Quang
(GDVN) - Thủ tướng nhấn mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước là nhiệm vụ trọng tâm, trong đó phải sắp xếp lại đội ngũ lãnh đạo.

Ngày 6/8/2014, tại Hà Nội, Chính phủ đã tổ chức Hội nghị giao ban, sơ kết về tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước 7 tháng đầu năm. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh tham dự và chủ trì Hội nghị.

Theo báo cáo của Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, kết quả cổ phần hoá trong các tháng đầu năm được đánh giá là khả quan, cho thấy mục tiêu cổ phần hóa 432 doanh nghiệp nhà nước còn lại từ nay đến hết năm 2015 là có thể thực hiện được.

Đến thời điểm hết tháng 7, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt toàn bộ 20 đề án tái cơ cấu của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ. Cả nước đã sắp xếp được 76 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hoá được 55 doanh nghiệp, giải thể 2 doanh nghiệp, bán 1 doanh nghiệp, sáp nhập 15 doanh nghiệp và đề nghị phá sản 3 doanh nghiệp. Thực tế cho thấy, ở những bộ, ngành, địa phương nào mà lãnh đạo trực tiếp giám sát, chỉ đạo thì kết quả sắp xếp, cổ phần hóa rất tích cực, như Bộ Giao thông vận tải, Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam.

Thủ tướng chỉ đạo tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước: "Quan trọng nhất là sắp xếp lại đội ngũ cán bộ chủ chốt. Nếu không thực hiện được kế hoạch đặt ra thì tự nguyện từ chức”.
Thủ tướng chỉ đạo tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước: "Quan trọng nhất là sắp xếp lại đội ngũ cán bộ chủ chốt. Nếu không thực hiện được kế hoạch đặt ra thì tự nguyện từ chức”.

Tuy nhiên, theo Báo cáo, một số bộ ngành, địa phương đang chậm tiến độ trong tái cơ cấu như Bộ Văn hoá, Thể thao Du lịch, Bộ Y tế, Công Thương, tỉnh Bình Định, Nghệ An, Quảng Ninh, Tây Ninh, Tập đoàn Công nghiệp hoá chất. Đặc biệt, có tới 84 doanh nghiệp hiện chưa có bất kỳ tiến triển nào, thậm chí là chưa thành lập Ban Chỉ đạo Cổ phần hóa. Cũng trong 7 tháng đầu năm, hoạt động thoái vốn đã đạt được 2.975 tỷ đồng, gấp 3 lần so với cả năm 2013 nhưng so với số vốn cần thoái thì tiến độ vẫn là chậm.

Kết luận tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các Bộ, ngành, các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước cần phải đẩy mạnh hoạt động kinh doanh đồng thời với việc thực hiện tái cơ cấu, tập trung vào và kiện toàn đội ngũ cán bộ lãnh đạo doanh nghiệp.

“Quan trọng nhất là sắp xếp lại đội ngũ cán bộ chủ chốt. Nếu không thực hiện được kế hoạch đặt ra thì tự nguyện từ chức”, Thủ tướng yêu cầu.

Nhấn mạnh tái cơ cấu là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương phải tập trung chỉ đạo quyết liệt nhằm đảo bảo thực hiện có kết quả mục tiêu, tiến độ đã đề ra; đồng thời, yêu cầu quá trình thoái vốn cần tiến hành một cách chặt chẽ, không được tùy tiện, không để nảy sinh tiêu cực, thất thoát. Các Bộ, ngành cũng cần tiếp tục rà soát để tiếp tục hoàn thiện, bổ sung các cơ chế chính sách nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai tái cơ cấu.

Trước đó, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 7 vừa qua, trao đổi về dự án Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, bà Trương Thị Mai – Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội đã đề cập rất thẳng thắn tới các quy định về lương, thưởng: "Nguyên tắc đầu tiên để trả lương, thưởng phải phù hợp Bộ Luật Lao động. DN dù là 100% vốn nhà nước đầu tư hay DN tư nhân thì vấn đề liên quan lương, thưởng phải dựa trên nguyên tắc cơ bản của Bộ luật Lao động. Nếu quy định thêm thì phải với điều kiện có gì khác hơn chứ không phải chỉ vì lý do nhà nước đầu tư 100% vốn vào DN. Có lẽ yếu tố 100% vốn nhà nước buộc anh phải quản lý lương thưởng là một yêu cầu đặt ra với luật này, còn nếu không đặt ra vấn đề đó thì tôi đề nghị phải bình đẳng. DNNN và DN khác phải có tiền lương, tiền thưởng như nhau, không có lý do gì mà tiền lương, thưởng của người làm việc trong DNNN phải khác với DN ngoài nhà nước.

Lâu nay, chúng ta thấy các DNNN trả lương không như qui định Bộ Luật lao động, trả lương cao hơn mức cho phép và không căn cứ vào hiệu quả sản xuất kinh doanh. Có khi có những DNNN làm ăn không tốt, không hiệu quả lương vẫn cao ngất. Xã hội người ta bình luận".

Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, trong 2 năm 2011- 2012, tại các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước có gần 20 vị Chủ tịch, Tổng giám đốc hưởng thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm. Mức thu nhập "khủng" này gấp 4-5 lần so với thu nhập bình quân chung của các lãnh đạo khối doanh nghiệp nhà nước và gấp vài chục lần so với lương của người lao động.

Tính đến cuối năm 2011, tổng các khoản lỗ lũy kế của 13 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước lên tới 48.988 tỷ đồng. Mức lỗ bình quân của các tổng công ty, doanh nghiệp Nhà nước cao gấp 12 lần các doanh nghiệp ngoài Nhà nước. Tổng lỗ lũy kế của các tập đoàn, tổng công ty đến hết năm 2011 là 26.100 tỷ đồng. Trong đó, tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đóng góp 78% số lỗ này khi lỗ lũy kế tới 38.104 tỷ đồng. Theo báo cáo, EVN lỗ do sản xuất kinh doanh điện là 11.437 tỷ đồng và lỗ 26.667 tỷ đồng vì chênh lệch tỷ giá.

Vào cuối năm 2012, 13 tập đoàn, tổng công ty lỗ lũy kế 48.988 tỷ đồng năm ngoái. Trong số này, EVN dẫn đầu với khoản lỗ 38.104 tỷ đồng, tiếp theo là Vinalines, Petrolimex, Xăng dầu Quân đội...

Ngọc Quang