Thủ tướng Nhật quyết liệt theo đuổi Abenomics và cơ hội cho Việt Nam

09/06/2016 07:24
Ngọc Việt
(GDVN) - Doanh nghiệp Nhật Bản tham gia ngày càng mạnh vào thị trường bán lẻ Việt Nam là một sự chuyển hướng rõ rệt trong đầu tư của họ.

Reuters ngày 5/6 đưa tin, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe quyết tâm thúc đẩy Abenomics, cho dù gặp nhiều khó khăn và thách thức. Với những bất lợi sau G-7 Ise Shima 2016, Thủ tướng Nhật đã xem việc giải quyết bất bình đẳng trong lao động tại Nhật Bản là trọng tâm của Abenomics.

Hiện tại số lượng lao động làm việc tạm thời đã chạm mức cao kỷ lục, đặt ra một thách thức rất lớn đối với chính phủ Abe trước cuộc bầu cử Thượng viện vào tháng 7 này.

“Người làm việc bán thời gian và lao động tạm thời hiện nay chiếm gần 40% lực lượng lao động Nhật Bản, khiến cho Abe đấu tranh, buộc các công ty phải trả công ngang nhau cho công việc như nhau, không phân biệt hình thức lao động.

Thủ tướng Abe xem đây là kế hoạch trọng tâm trong việc kích cầu nội địa. Và đây cũng là cuộc đấu tranh của Thủ tướng Nhật cho Abenomics vì một nền kinh tế với nền tảng công bằng”, Reuters bình luận.

Trước đó, Thủ tướng Shinzo Abe đã quyết định hoãn tăng thuế tiêu thụ đến tháng 10/2019, điều này khiến cho chính phủ Nhật bị kẹt giữa thâm hụt ngân sách và nợ công gia tăng.

Quyết dịnh này dấy lên nhiều ý kiến hoài nghi về tính hiệu quả của chương trình thúc đẩy kinh tế Abenomics của ông Abe. Các đảng đối lập đã kêu gọi nội các của ông Abe từ chức vì không thực hiện được cam kết, theo Bnews ngày 6/6. 

Thủ tướng Abe đã tìm ra công cụ để thúc đẩy Abenomics. Ảnh: Reuters / The Japan Times.

Thủ tướng Abe đã tìm ra công cụ để thúc đẩy Abenomics. Ảnh: Reuters / The Japan Times.

Có thể thấy rằng, với những bất lợi như vậy, việc Thủ tướng Abe quyết tâm thúc đẩy Abenomics đã thể hiện sự cố gắng của chính phủ và cá nhân ông. Ông Abe chọn bình đẳng lao động làm trọng tâm của Abenomics cho thấy chính phủ Nhật rất cần sự ủng hộ của người dân Nhật Bản để Abenomics có đủ thời gian và điều khiện phát huy hiệu quả.

Tuy nhiên đây cũng có thể được xem là cố gắng cuối cùng của Thủ tướng Abe cho chương trình kinh tế lớn này.

Chính phủ Abe đột phá vào bất bình đẳng lao động, đảm bảo sức sống cho Abenomics

Có thể thấy rằng hậu quả của suy thoái kéo dài đã khiến cho lực lượng lao động không có việc làm ổn định tại Nhật Bản đã gia tăng nhanh chóng. Đặc biệt, nó khiến cho tuyền thống làm việc việc suốt đời trờ thành sự mơ mộng với nhiều người.

“Hiện nay khó có thể thực hiện được hệ thống lao động truyền thống của Nhật Bản là việc làm suốt đời và hưởng tiền lương theo thâm niên”, ông Masaki Kuwahara, nhà kinh tế cao cấp tại Nomura Securities nhận định.

Còn Cố vấn đặc biệt của Thủ tướng Abe, ông Masahiko Shibayama thì nhấn mạnh: "Bất bình đẳng lao động đang trở thành một vấn đề nghiêm trọng, ngay cả khi các công ty có lợi nhuận cao kỷ lục. Để thúc đẩy tiêu dùng thì cần phải phải cải thiện mức thu nhập của người lao động không thường xuyên”.

Và Chính phủ Abe đặt mục tiêu làm giảm sự khác biệt về mức lương giữa lao động thường xuyên và không thường xuyên tại Nhật Bản, theo Reuters.

Qua các số liệu cho thấy, khoảng cách về số lượng giữa lao động "thường xuyên" và lao động "không thường xuyên" ngày càng thu hẹp. Trước khi nền kinh tế bong bóng xì hơi vào đầu thập niên 1990, thì có tới 80% công nhân là nhân viên làm việc toàn thời gian – lao động thường xuyên.

Tuy nhiên đến năm 2015, tỷ lệ lao động không thường xuyên trong lực lượng lao động tại Nhật Bản đã đạt mức kỷ lục là 37,5%. Trong khi đó, tiền lương của lao động không thường xuyên giảm sút và không ổn định.

“Cô Fumiko Kasai trở lại làm sau một thập kỷ nghỉ việc để lấy chồng và sinh con, nhưng không được làm lại việc mà cô ưa thích tại một công ty xe hơi. Hiện cô là nhân viên làm việc tạm thời tại một cửa hàng thực phẩm.

Thu nhập của cô chỉ là 200.000 yên/tháng – bằng khoảng một nửa lương của nhân viên toàn thời gian làm công việc đó”, Reuters lấy ví dụ.

Với truyền thống tiết kiệm của người Nhật Bản thì rõ ràng với thu nhập không ổn định, có bất bình đẳng giữa lao động thường xuyên và lao động không thường xuyên, thì đây là một thách thức với Abenomics trong việc kích thích kinh tế với bắt đầu bằng kích thích tiêu dùng nội địa.

Bởi lẽ, dân số già – lực lượng có nhu cầu tiêu dùng ít - chiếm tỳ lệ khá cao, còn lực lượng có nhu cầu tiêu dùng thì lại có một bộ phận lớn có thu nhập thấp và không ổn định.

Thủ tướng Abe chọn đột phá vào bất bình đẳng trong thu nhập lao động là một quyết định đúng đắn đảm bảo cho Abenomics có sức sống trong xã hội, qua đó đảm bảo sự nghiệp chính trị của bản thân ông.

Ước vọng là một Nakasone – lão luyện về chính trị trong thế kỷ 21, khát khao là một Miyazawa – chuyên gia tài chính trong việc khắc phục hậu quả của kinh tế bong bóng xì hơi, là những khát vọng có thể thành hiện thực nếu ông Abe giải quyết tốt bài toán này.

Thủ tướng Nhật quyết liệt theo đuổi Abenomics và cơ hội cho Việt Nam ảnh 2

G-7 vô tình tiếp tay Trung Quốc "khóa" Shinzo Abe

(GDVN) - Shinzo Abe gần như đã bị G-7 bó tay bó chân trong cuộc so găng với Tập Cận Bình, nhưng ông đã không thể thuyết phục các đối tác của mình tại G7 về điều đó.

Tuy nhiên, việc giải bài toán nan giải này phải đi cùng với việc có tiền, trong khi tài chính công thì eo hẹp do không tăng thuế và nợ công hạn chế gia tăng, vậy là chỉ còn trông chờ vào tài chính doanh nghiệp.

Rõ ràng, đây là một thách thức với Thủ tướng Abe trong thời buổi kinh tế xám màu. Ông Abe sẽ mất quyền chủ động nếu không khéo léo sử dụng công cụ của mình, đó là cân bằng trong quan hệ giữa giới chủ doanh nghiệp và nghiệp đoàn lao động. 

"Đây là một bước tiến hướng tới thay đổi khoảng cách trong nguồn nhân lực. Nhưng thật khó để thực hiện nếu không có hỗ trợ từ quản lý và sự hiểu biết của người lao động thường xuyên, những người lo lắng có thể  bị cắt giảm lương để trả công ngang nhau cho lao động không thướng xuyên", ông Yuriko Kinoshita, thành viên của Seikyo Roren – một tổ chức đại diện cho quyền lợi của người lao động, nhận định.

Còn đối với các doanh nghiệp Nhật Bản, điều này cũng không dễ dàng khi nó làm tăng chi phí tiền lương, đồng nghĩa với giảm lợi nhuận của doanh nghiệp.

Vì vậy, dù ủng hộ Abenomics, nhưng người đứng đầu bộ phận truyền thông của Liên doàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản (Keidanren), ông Sadayuki Sakakibara vẫn cho biết là phải xem xét hệ thống trả lương gắn liền với công việc thực tế, chứ chưa hứa trả lương như nhau cho cùng một công việc, theo Reuters.

Như vậy là, dù còn những nghi ngại nhưng cả đại diện người lao động và người sử dụng lao động đều thống nhất với chính phủ trong việc “cứu” Abenomics thông qua việc trả lương ngang nhau giữa lao động thường xuyên và lao dộng không thường xuyên.

Vấn đề bây giờ là phải làm sao để doanh nghiệp tăng thêm chi phí, người lao động thường xuyên chia sẻ với đồng nghiệp của mình, đây là đòi hỏi ở khả năng của chính phủ. 

Chính sách dần cân bằng lợi ích và sự khẳng định hiệu quả của Abenomics 

Qua hơn 3 năm triển khai, Abenomics đã có những hiệu quả nhất định qua sự hồi phục tỷ lệ tăng trưởng GDP lần lượt là 1,8% vào năm 2013, 1,5% vào năm 2014, 2,2% vào năm 2015 và 0,5% của 3 tháng đầu năm 2016.

Tuy nhiên, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vẫn còn nhiều mặt trì trệ dù biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ đã được thực hiện nhằm đẩy lùi giảm phát, nhưng khuyến khích đầu tư của doanh nghiệp và kích thích tiêu tiêu dùng nội địa còn yếu, theo Bnews.

Trong khi đó, theo số liệu của Viện Chính sách Lao động và Đào tạo Nhật Bản thì tiền lương theo giờ cho làm việc bán thời gian tại Nhật Bản chỉ bằng 56,8% của làm việc toàn thời gian mà lại không có những lợi ích khác. Trong khi tại Pháp là 89%, tại Đức là 79%, tại Anh và Italy là khoảng 70%.

Bên cạnh đó, tiền lương trung bình tại Nhật lại giảm đi từng năm theo sự suy giảm kinh tế, khi năm 1997 là 4.670.000 yên, thì đến năm 2014 chỉ còn 4.150.000 yên.

Điều đó cho thấy, thu nhập của lao động không thương xuyên tại Nhật Bản chịu bất bình đẳng “kép” và điều đó cho phép việc thực hiện bình đẳng thu nhập lao động tại nước này có thể diễn ra theo hai giai đoạn với nhiều tỷ lệ khác nhau.

Giai đoạn 1 là phấn đấu ngang bằng với từng tỷ lệ của các nước phát triển tại Châu Âu và giai đoạn 2 là phấn đấu có tỷ lệ cân bằng với lao động thường xuyên tại Nhật Bản.

Như vậy là, thay vì phải cân bằng ngay với lao động thường xuyên thì nay thu nhập của lao động không thường xuyên tại Nhật Bản chỉ cần đạt mức ngang bằng của Châu Âu – chuyển từ bất bình đẳng “kép” sang bất bình đằng “đơn” trước khi phấn đấu trở nên bình đẳng.

Điều này trở nên khả thi hơn rất nhiều cho việc doanh nghiệp thực hiện tăng chi phí tiền lương trả cho lao đông không thường xuyên.

Công bằng lao động tạo động lực kích thích tiêu dùng nội địa – một đột phá khẩu của Abenomics và kinh tế Việt Nam có thể hưởng lợi từ chính sách này của chính phủ Nhật Bản. Ảnh: Internet.
Công bằng lao động tạo động lực kích thích tiêu dùng nội địa – một đột phá khẩu của Abenomics và kinh tế Việt Nam có thể hưởng lợi từ chính sách này của chính phủ Nhật Bản. Ảnh: Internet.

Xin phân tích bài toán cân bằng thu nhập để chứng minh. Hiện tại thu nhập của lao động không thường xuyên (TNLĐKTX) tại Nhật bằng 56,8% của lao động thường xuyên (TNLĐTX).

Nếu TNLĐKTX Nhật = TNLĐTX Nhật, doanh nghiệp phải tăng chi:  100% - 56,8% = 43,2%.

Nếu TNLĐKTX Nhật = TNLĐKTX Pháp, doanh nghiệp phải tăng chi: 89% - 56,8% = 32,2%.

Nếu TNLĐKTX Nhật = TNLĐKTX Đức, doanh nghiệp phải tăng chi:  79% - 56,8% = 22,2%.

Nếu TNLĐKTX Nhật = TNLĐKTX Anh, doanh nghiệp phải tăng chi:  70% - 56,8% = 13,2%.

Rõ ràng, với những nấc tăng từng bước thu nhập, thu hẹp sự chênh lệch giữa thu nhập của lao động thường xuyên và lao động không thường xuyên như trên, khiến cho việc đột phá vào bất bình đẳng lao động của Thủ tướng Abe đã trở nên rất khả quan.

Bởi lẽ, việc tăng dần chi phí trả lương cho lao động không thường xuyên đã không còn là rào cản quá lớn cho doanh nghiệp Nhật Bản nữa và việc chia sẻ của lao động thường xuyên cũng không gây sốc nữa.

Quan trọng hơn là kích cầu nội địa đã có đòn bẩy thực hiện – đó chính là thu nhập gia tăng của những người lao động không thường xuyên khi niềm vui trở thành động lực kích thích nhu cầu tiêu dùng của họ.

Và qua đó, việc kích thích xã hội mua sắm không còn là điều không thể - chính sách kích cầu nội địa của Abenomics được hiện thực hoá. Như vậy, bình đẳng thu nhập lao động trở thành đột phá khẩu cho Abenomics trong kinh tế nội địa.

Với kế hoạch trọng tâm này, cá nhân Thủ tướng Shinzo Abe cũng như đảng Dân chủ Tự do (LDP) và chính phủ của ông có thể tự tin hơn trong cuộc bầu cử Thượng viện sắp tới.

Và qua đó, Thủ tướng Abe có thể hoá giải chỉ trích của phe đối lập khi cho rằng việc Chính phủ Nhật Bản duy trì thâm hụt ngân sách khổng lồ mà lại không tăng nợ công cũng như không tăng thuế thì chẳng khác nào chấp nhận chương trình chấn hưng kinh tế mang tên Abenomics đã phá sản. 

Chính phủ Nhật Bản “trả ơn” doanh nghiệp và cơ hội cho kinh tế Việt Nam

Có thể thấy rằng, qua chính sách cân bằng thu nhập lao động của chính phủ Nhật Bản, tài chính doanh nghiệp đã “cứu nguy” cho tài chính công khi những công cụ của nó – tăng nợ công và tăng thuế - không được chính phủ sử dụng.

Hệ thống doanh nghiệp Nhật Bản đã giúp chính phủ Nhật Bản vượt qua rào cản lớn nhất trong việc thực thi chính sách kích thích tăng trưởng kinh tế, đảm bảo cho Abenomics tiếp tục tồn tại và có điều kiện phát huy hiệu quả.

Vì vậy, chắc chắn chính phủ của Thủ tướng Abe sẽ “trả ơn” doanh nghiệp. Có thể thấy rằng, trong lúc này thì việc trả ơn doanh nghiệp chỉ còn công cụ duy nhất là chính sách.

Người viết cho rằng Chính phủ Nhật Bản sẽ có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nước này cả trong kích thích đầu tư nội địa lẫn chính sách ngoại giao kinh tế phá rào. Cả hai chính sách này đều quan trọng và có thể mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp Nhật Bản, giúp cho nền kinh tế khởi sắc. 

Không khó nhận diện trọng tâm của việc chính phủ Nhật Bản trả ơn doanh nghiệp Nhật Bản là tiếp tục công cụ tài chính với lãi suất ưu đãi, thậm chí tiếp tục lãi suất âm như vừa qua.

Nếu như trước đây lãi suất âm không mang lại hiệu quả thì nay với kế hoạch cân bằng thu nhập, kích thích tiêu dùng nội địa, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng khiến cho công cụ tài chính với lãi suất ưu đãi của ngân hàng trở nên rất hiệu nghiệm.

Điều đó có thể thấy rõ qua chu trình được xác lập :

Thủ tướng Nhật quyết liệt theo đuổi Abenomics và cơ hội cho Việt Nam ảnh 4

Shinzo Abe chính thức thách thức Tập Cận Bình

(GDVN) - Cuộc tỉ thí giữa Tokyo và Bắc Kinh sẽ ảnh hưởng đến các thực thể kinh tế khác, trong đó có Việt Nam.

Doanh nghiệp tăng chi phí – lao động xã hội tăng thu nhập – xã hội tăng nhu cầu tiêu dùng – doanh nghiệp tăng công suất – doanh nghiệp tăng nhu cầu vốn đầu tư – chính phủ ưu đãi doanh nghiệp.

Như vậy, chu trình kích thích tăng trưởng khiến cho quan hệ chính phủ - doanh nghiệp trở thành quan hệ cộng sinh và Abenomics đã đảm bảo cho một nền kinh tế mạnh tại nội địa.

Với kinh tế đối ngoại, như người viết đã phân tích, tài chính doanh nghiệp chia sẻ trách nhiệm với tài chính công với áp lực đầu tư nước ngoài phải có hiệu quả sớm nhất, khiến cho doanh nghiệp Nhật Bản phải thay đổi truyền thống của mình.

Và có thể nhìn thấy 3 sự thay đổi rõ nhất là thay đổi về quy mô đầu tư, hình thức đầu tư và môi trường đầu tư. Việc thay đổi của doanh nghiệp Nhật Bản trong đầu tư có thể được nhận diện là cơ hội tốt cho kinh tế Việt Nam. 

Theo Financial Times ngày 30/5: “Do căng thẳng chính trị và chi phí lao động tại Trung Quốc ngày một tăng, khiến số lượng nhà đầu tư Nhật quyết định đóng cửa nhà máy tại Trung Quốc để chuyển sản xuất sang Việt Nam ngày một nhiều”.

Còn theo số liệu của Bộ Thương mại Trung Quốc, 4 tháng đầu năm nay đầu tư trực tiếp của các doanh nghiệp Nhật Bản vào thị trường Trung Quốc chỉ đạt 1,6 tỷ USD, giảm tới 46,8% so với cùng kỳ năm 2015.

Như vậy là, việc doanh nghiệp Nhật chuyển hướng đầu tư đã như một sự tất yếu khi môi trường đầu tư tại Trung Quốc không tốt, nay có thêm lực đẩy của chính phủ Abe qua việc “trả ơn” trong vụ cứu Abenomics sẽ khiến làn sóng doanh nghiệp Nhật hướng đầu tư vào khu vực Đông Nam Á sẽ mạnh hơn với nhiều lợi thế.

Trong số đó, Việt Nam có lợi thế so sánh lớn nhất bởi ổn định chính trị, tập quán tương đồng và sự thân thiện của cá nhân ông Abe với Việt Nam.

Nhưng quan trọng nhất vẫn là hiệu quả đầu tư mà doanh nghiệp Nhật Bản có thể có được từ Việt Nam. Từ việc giảm quy mô đầu tư đến thời gian phát sinh hiệu quả - những hệ quả của từ sức ép của Abenomics thời hậu G-7 Ise Shima 2016 – kinh tế Việt Nam đều là nơi mà doanh nghiệp Nhật Bản có thể hiện thực hoá.

Có thể thấy, việc doanh nghiệp Nhật Bản tham gia ngày càng mạnh vào thị trường bán lẻ Việt Nam là một sự chuyển hướng rõ rệt trong đầu tư của họ.

Như vậy, Abenomics quan trọng không chỉ với kinh tế Nhật Bản mà còn rất quan trọng cả với kinh tế Việt Nam khi nó khiến cho doanh nghiệp Nhật Bản ”tước bỏ” cơ hội của Trung Quốc và “trao lại” cho Việt Nam.

Vấn đề còn lại chỉ là phụ thuộc vào khả năng tiếp nhận của Việt Nam với những cơ chế, chính sách của chính phủ Việt Nam chuyển hoá cơ hội thành lợi ích cho cả kinh tế Việt Nam và kinh tế Nhật Bản.

Tóm lại, “trong cái khó” chính phủ Nhật Bản đã tìm ra “đất sống” cho Abenomics với đột phá khẩu vào bất bình đẳng lao động như một mũi tên trúng nhiều đích. Sự nghiệp chính trị của Thủ tướng Abe có thể được khẳng định qua cuộc bầu cứ Thượng viện sắp tới đây, còn kinh tế Nhật Bản và cuộc sống của người dân Nhật Bản thì có lẽ sẽ đổi thay ngay với chính sách ấy. 

Ngọc Việt