Bàn cờ chính trị tại Trung Đông gần đây liên tục nóng lên với sự xuất hiện những nước cờ mới, những quân cờ mới tại vùng đất khói lửa này. Tuy nhiên, có một điểm chung giữa những nhân tố mới này là tất cả đều bất lợi cho Mỹ và quyền lợi của Mỹ tại Trung Đông. Chắc chắn Washington phải có những điểu chỉnh sách lược để đối phó với những mối nguy hại này.
Cả đông minh lẫn kẻ thù đều nguy hiểm hơn với Mỹ
Ngày 3/6 lãnh tụ tinh thần tối cao Iran, Đại giáo chủ Ali Khamenei đã lên tiếng chỉ trích Mỹ không thật lòng nên không thể hợp tác. Nhà lãnh tối cao này cho rằng, Washington và đồng minh tráo trở trong việc tước bỏ bảo bối chương trình hạt nhân của Iran để đổi lấy những lợi ích kinh tế.
Ông Ali Khamenei chỉ trích Hoa Kỳ nuốt lời và dối trá, theo The New York Times.
Trong khi đó, một lãnh đạo bảo thủ khác là ông Ali Larijani đã được bầu lại làm Chủ tịch Quốc hội mới của nước này vào ngày 27/5, dù kết quả cuộc bầu cử Quốc hội trước đó được xem là thắng lợi của phe cải cách thân chính quyền của Tổng thống đương nhiệm Hassan Rouhani, trước phe bảo thủ trung thành với những giá trị và định chế của cuộc Cách mạng 1979.
Ngày 3/6 qua là vừa tròn 27 năm ngày mất của cố Đại giáo chủ Ayatollah Khomenei – người lãnh đạo thành công cuộc Cách mạng 1979 và được xem là người sáng lập nên nhà nước Cộng hoà Hồi giáo Iran. Dù đã qua đời hơn 1/4 thế kỷ nhưng tư tưởng của Khomenei vẫn luôn được xem là nền tảng cho mọi hoạt động chính trị tại Iran.
Nhiều người cổ vũ cho làn gió mới cải cách đã từng khấp khởi mừng vui khi Hassan Khomenei – cháu nội của nhà lập quốc khởi xướng một cuộc cải cách trong việc bầu chọn Hội đồng Chuyên gia, cơ quan cao nhất có nhiệm vụ bầu chọn lãnh tụ tinh thần tối cao. Mục đích của Hassan là nhằm giảm ảnh hường của định chế lãnh tụ tinh thần tối cao trong đời sống xã hội.
Lãnh tụ tinh thần tối cao Iran Al Khamenei – cái gai mà Washington không thể nhổ. Ảnh: Reuters. |
Tuy nhiên Hassan đã thất bại, khi giáo sĩ Ahmad Jannati – người có quan điểm bảo thủ và cứng rắn đã được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Chuyên gia vào ngày 24/5.
Kết quả này đồng nghĩa với những chính sách như những làn gió mới mà Tổng thống Rouhani hy vọng sẽ có thể làm đảo chiều hay làm dịu những những cái đầu nóng tại Teheran chưa dễ thực hiện.
Điều này khiến cho những gì mà Mỹ và đồng minh kỳ vọng vào việc Iran sẽ có thể dễ kiểm soát hơn khi đã bị “bẻ nanh” trở thành sự lạc quan hơi sớm.
Thậm chí, nếu những lợi ích kinh tế mà Iran nhận được trong thời gian tới vẫn gây thất vọng vỉ sự kiềm toả từ xa của Washington, thì có thể Teheran sẽ đảo kèo với mức độ cực đoan hơn, nguy hiểm hơn trước.
Tứ giác bảo thủ “tư tưởng Khomenei – tinh thần Khamenei – quan điểm Jannati – vị thế Larijani” đủ sức kiểm toả các chính sách của chính quyền Tổng thống Rouhani ôn hoà.
Với những đổi thay ngoài dự kiến của Washington, “kẻ thù” Teheran đã trở nên nguy hiểm hơn, cực đoan hơn và có thể sẽ có những hành động không thể lường trước được.
Khi đó thì tại chính trường Thổ Nhĩ Kỳ đúng như dự đoán, Tổng thống Erdogan đã trở nên ngang ngược hơn sau khi Ankara tìm được người thay thế Davutoglu.
Ngày 22/5, ông Binali Yildirim - Bộ trưởng Giao thông đã được bầu giữ chức Chủ tịch AKP, đồng nghĩa với việc nắm giữ chức vụ Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo giới quan sát thì Binali Yildirim là người “cùng chiến tuyến, cùng chiến hào” với Erdogan chứ không chỉ đơn giản là đồng minh chính trị như quan hệ Davutoglu – Erdogan trước đó.
Với quân cờ mới này, Tổng thống Erdogan đã gần như một mình một ngựa kiểm soát và chi phối chính trường Thổ Nhĩ Kỳ theo ý muốn của mình.
Việc Ankara có được “công cụ dân nhập cư” đã có thể phần nào bù đắp được thiệt hại kinh tế do phải chịu thiệt thòi khi Nga áp cấm vận sau “sự kiện 17 giây”.
Erdogan đã “được ăn được nói” khi có công cụ hữu hiệu này. Thổ Nhĩ Kỳ vừa nhận quyền lợi từ EU, vừa “mắng chửi” EU là vô nhân đạo khi xem mạng người như cỏ rác, khiến Mỹ phải dè chừng.
Việc có được lợi ích từ gánh vác trách nhiệm trong làn sóng dân nhập cư khiến cho Ankara có thể xem Washington không là gì khi ông lớn này đang cùng với Nga giải quyết dứt điểm nước cờ tàn Syria và đánh đuổi IS, nhằm nhanh chóng sắp xếp lại bàn cờ chính trị tại Baghdad đang vô cùng hỗn loạn.
Điều đó cũng đồng nghĩa với quyền lợi của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bỉ ảnh hưởng.
Với sự xáo trộn tại Trung Đông và việc các đồng minh của Mỹ tại khu vực này đang ngày càng muốn thoát khỏi vòng tay Washington, không khó nhận diện Mỹ và các đồng minh phương Tây đang chuẩn bị cho việc ra đời một nhà nước của người Kurd tại đây.
Kurdistan có thể ra đời và tồn tại theo cơ chế như Kosovo, thậm chí theo một nghị quyết “kiểu 181” của Liên Hợp Quốc.
Dù chưa có một Kurdistan ngay trong nay mai, nhưng với việc người Kurd đã trở thành một lực lượng quan trọng tham gia vào đánh đuổi IS và được Mỹ nâng vai trò ngày càng lớn trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế, Ankara không thể không nhìn thấy thảm hoạ đối với mình.
Vì vậy, Erdogan sẽ ngổ ngáo hơn, gây nguy hại cho Mỹ nhiều hơn là không tránh khỏi.
Trong khi đó, trên chính trường Israel – đồng minh quan trọng nhất của Mỹ tại vùng đất nóng Trung Đông, Avigdor Lieberman, một chính trị gia cực hữu và hiếu chiến bậc nhất tại Israel trong một phần tư thế kỷ qua tái xuất trở lại.
Việc đảng Likud của Netanyahu liên minh với đảng Yisrael Beiteinu của Lieberman, tạo nên liên minh cực đoan nhất lịch sử chính trị Israel, theo VOA ngày 26/5.
Avigdor Lieberman, ảnh: The Telegraph. |
Khi Thủ tướng Benjamin Netanyahu bổ nhiệm Avigdor Lieberman làm Bộ trưởng Quốc phòng khiến cho chính phủ của ông vượt qua chính phủ của cựu Thủ tướng Yitzhak Shamir, trở thành chính phủ cứng rắn và hiếu chiến nhất trong lịch sử chính trị Israel. Yitzhak Shamir từng khiến cả Ronald Reagan và George.W.Bush – hai vị Tổng thống Mỹ cứng rắn cũng phải nhượng bộ.
Khi Netanyahu chưa liên minh với Lieberman, Israel đã rất “cứng đầu và khó bảo”, khiến cho Mỹ và phương Tây phải nhiều lần thất vọng.
Chính phủ cực hữu của Netanyahu cùng với sự cực đoan của nhóm Hamas đã khiến cho Hiệp định Hòa bình Oslo năm xưa đang rơi vào bế tắc và giá trị của bản hiệp định lịch sử này đang bị xem thường.
Nay thêm nhân vật hiếu chiến Lieberman bên cạnh thì có lẽ công sức của cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton kiến tạo nên hiệp định lịch sử năm nào sẽ trở nên vô nghĩa. Tổng thống Obama vốn đã không ưa gì Thủ tướng Netanyahu, nay với liên minh hiếu chiến Netanyahu – Lieberman, có lẽ ông phải để dành cho người kế nhiệm việc uốn nắn đồng minh này.
Người bạn lớn Saudi Arabia thì đang chờ những động thái cuối cùng từ Capital Hill và Nhà Trắng để thể hiện quan điểm của mình, mà chắc chắn là biện pháp trả đũa nếu như Washington đồng ý cho công dân Hoa Kỳ kiện chính phủ Hoàng gia Saudi về trách nhiệm trong sự kiện 11/9.
Nghĩa là Washington và Riyah đang “cơm không lành, canh không ngọt”.
Như vậy là cả đồng minh quan trọng lẫn kẻ thù nguy hiểm của Mỹ tại Trung Đông đều trở nên rất khó lường với Washington. Điều này một phần do cách đối xử của Washington “thiếu hợp tình, không hợp lý”, một phần do có “kẻ thứ ba” đang xen vào sự xáo trộn này để hưởng lợi và gây hại cho Washington từ cả đồng minh và kẻ thù của Mỹ.
Trung Quốc sẽ được hưởng lợi từ những nước cờ, quân cờ gây hại cho Mỹ tại Trung Đông
Có thể thấy rằng, quan hệ Trung Quốc – Israel nồng ấm và phát triển nhất dưới thời Benjamin Netanyahu ngồi ghế Thủ tướng. “Chủ tịch Tập Cận Bình cho rằng Netanyahu là vị Thủ tướng Israel đầu tiên thăm Trung Quốc hai lần trên cương vị người đứng đầu chính phủ, chứng tỏ Chính phủ Netanyahu rất coi trọng quan hệ giữa hai nước”, theo Times of Israel ngày 8/5/2013.
Trung Quốc đang tìm cách gây ảnh hưởng ở Trung Đông, sau khi Bắc Kinh đã bỏ quên điều này trong quá khứ. Thông qua chính sách khuyến khích đầu tư trong khu vực, Trung Quốc xây dựng mối quan hệ mạnh mẽ với Israel.
Năm 2015, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Israel, còn Tel Aviv là nhà cung cấp các mặt hàng công nghệ quân sự lớn thứ 2 cho Bắc Kinh.
Không khó nhận diện việc Israel sẽ làm mình làm mẩy với Mỹ để có thêm nhiều quyền lợi hoặc sẽ xao nhãng nhiệm vụ chiến lược của mình, đồng nghĩa với việc Tel Aviv muốn xa dần vòng kiểm toả của Washington. Điều đó không có gì bất ngờ nhất là khi Iran – kẻ thù nguy hiểm nhất của Israel - được Washington tháo vòng kim cô cấm vận mà Tel Aviv bị phớt lờ.
Tổng thống Barack Obama và Thủ tướng Israel Netanyahu. Ảnh: The Telegraph. |
Khi liên minh hiếu chiến Netanyahu – Lieberman khiến cho Tel Aviv không còn là “khối óc và trái tim” của Washington ở Trung Đông nữa, đó là cơ hội tốt nhất cho Bắc Kinh nhảy vào khai thác lợi ích từ sự lủng củng giữa hai đồng minh chiến lược này. Điều thuận lợi nhất của Bắc Kinh có lẽ chính là sự tương đồng hiếu chiến với liên minh Netanyahu – Lieberman.
Việc Bắc Kinh cân bằng quan hệ với cả hai anh nhà giàu OPEC – Iran và Saudi Arabia – khiến cho Tập Cận Bình có thể gây ảnh hưởng, tạo bất lợi cho Washington đối với cả đồng minh Riyah và kẻ thù Teheran. AIIB sẽ là nơi mà lợi ích tài chính của Saudi Arabia có thể thu về ở cả vai trò người đi vay lẫn người cho vay.
Điều đó rất phù hợp với công cuộc cải cách của Riyah hiện nay khi muốn giảm phụ thuộc vào xuất khẩu dầu thô. Trong khi Trung Quốc cũng đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng, xuất khẩu vũ khí và khai thác tài nguyên ở các nước vùng Trung Đông càng khiến cho thế mạnh của Saudi được khai thác.
Và sự lạnh nhạt của Washington sẽ khiến cho quan hệ Bắc Kinh – Riyah nồng ấm.
Trong khi đó, với kẻ thù Iran thì Mỹ chưa dễ trực tiếp kết giao với phe ôn hoà vì rào cản của tư tưởng bảo thủ tại Iran vẫn còn quá mạnh. Thậm chí với cách hành xử “đầu voi đuôi chuột” trong việc đổi trao “chấm dứt chương trình hạt nhân lấy xoá cấm vận” thì sẽ khiến cho ngay cả Rouhani cũng ngờ vực sự chân tình của Obama và các đồng minh.
Washington phải nhờ tay của New Delhi trong việc kiểm toả Iran một cách gián tiếp. Xét về hiệu quả thì đương nhiên không thể so với quan hệ trực tiếp Bắc Kinh – Teheran được, ngay cả khi tài năng của Narendra Modi có làm giảm tấm quan trọng của Tập Cận Bình trong mắt Teheran đi chăng nữa.
Obama phải đi đường vòng qua New Delhi để nhờ Narendra Modi truyền thông điệp tới Teheran. Cho dù cà Iran và Mỹ đang sát cánh tấn công IS trên mặt trận Iraq, nhưng cái lá chắn “phòng hơn thủ” đã cảnh báo cho Teheran sự nguy hiểm.
Do đó, dù biết là bắt tay với Bắc Kinh không khác gì cầm dao hai lưỡi nhưng rõ ràng nó vẫn đảm bảo cho Teheran giảm bớt nguy hiểm khi tên lửa Mỹ luôn chĩa thẳng vào mục tiêu cố định – Iran.
Với những biến động trên chính trường Iran, có thể thấy rằng Tập Cận Bình sẽ tìm cách nguy hiểm hoá sự đe doạ từ Washington để hướng Teheran xích gần lại với Bắc Kinh hơn.
Còn việc Washington hy vọng xúi bẩy Thổ Nhĩ Kỳ có thể dùng con bài người Duy Ngô Nhĩ để gây tổn hại cho Bắc Kinh thì có lẽ dính đòn “gậy ông đập lưng ông” khi Tập Cận Bình phản đòn, dùng lá bài người Kurd để thổi vào Erdogan sự bất mãn với Obama và đồng minh.
Nghĩa là Thổ Nhĩ Kỳ là vô hại, thậm chì có lợi cho Bắc Kinh trong việc gây ảnh hưởng với đồng minh của Mỹ tại Trung Đông.
Tóm lại, những quân cờ đang di động trên bàn cờ chính trị tại Trung Đông đang gây bất lợi cho Mỹ và cả các đồng minh phương Tây. Trong khi tại Anh, Mỹ, Nhật, Pháp đều chuẩn bị diễn ra những sự kiện chính trị lớn có thể làm thay đổi vị thế và quan điểm của chính phủ hiện tại ở các những quốc gia ấy, điều đó khiến cho các đồng minh của Mỹ tại Trung Đông phải độc lập hơn.
Cùng với đó là những kẻ thù của Mỹ và đồng minh tại khu vực này cũng sẽ khó lường hơn vì họ phải có những kịch bản đối phó với những đổi thay lớn trên chính trường nước Mỹ và các đồng minh quan trọng khác.
Tuy nhiên, kẻ thù của Mỹ càng nguy hiểm, đồng minh của Mỹ cáng khó lường thì Trung Quốc càng hưởng lợi. Chắc chắn Tập Cận Bình sẽ tìm cách khai thác tối đa lợi ích cho Bắc Kinh và gây thiệt hại cho tối đa cho Washington tại vùng đất nóng Trung Đông.