Thượng tôn “quyền con người”

04/06/2013 13:53
Ngọc Quang - Mai Nguyễn
(GDVN) - “Tôi rất quan tâm là các quy định phải cụ thể, dễ thực hiện, khả thi cao và được luật hóa. Đặc biệt là phải xác định thật rõ ràng ranh giới giữa quyền con người và đương nhiên có được quyền công dân là những quyền mà luật pháp quy định”.
ĐB Vũ Thị Nguyệt - Hưng Yên
ĐB Vũ Thị Nguyệt - Hưng Yên

ĐBQH nêu quan điểm về Chương II, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân về dự thảo sửa đổi hiến pháp.

Theo ĐB Vũ Thị Nguyệt - Hưng Yên, điều 15, 16, 17 chương II về quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân là điểm mới so với Hiến pháp năm 1992 đã thể hiện và nhấn mạnh vai trò của Hiến pháp trong việc tôn trọng, bảo đảm bảo vệ quyền lợi của con người.

Tại Điều 17, ĐB đề nghị thay từ "người" bằng cụm từ "công dân" ("Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật") vì nếu đã mất quyền công dân thì không thể bình đẳng trước pháp luật. Tương tự điều 34 nên sửa lại thành: "Mọi công dân có quyền tự do kinh doanh hợp pháp", bởi những người đã bị tước quyền công dân thì cũng không thể được tự do kinh doanh…

ĐB Nguyệt cũng đề nghị bổ sung vào điều 40 cụm từ "mọi hành vi" sau cụm từ "nghiêm cấm" thành "nghiêm cấm mọi hành vi hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em" vì quy định như vậy sẽ rõ ràng hơn.

ĐB Trần Văn Tư (tỉnh Đồng Nai) nhận định “quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” là một địa vị pháp lý được pháp luật quy định, nhưng “quyền con người” là quyền tự nhiên, sinh ra đã có quyền này. Do vậy, trong phần “quyền con người và quyền nghĩa vụ cơ bản của công dân” cần làm rõ và tách bạch ra giữa hai điểm này, cần định nghĩa rõ hơn về quyền con người, bởi vì tại một thời điểm nào đó thì quyền công dân có thể bị mất nhưng không thể mất quyền con người.

“Theo tôi quyền con người không thể bị xâm phạm. Công dân tiếp cận mỗi việc thì cần phải biết cái gì được phép làm, cái gì bị hạn chế”, ông Tư nói.

ĐB Phạm Đức Châu (tỉnh Quảng Trị) đề nghị xem lại Điều 15 nói về quyền con người. Nếu quyền con người, quyền công dân được quy định trong hiến pháp và luật là khó khả thi vì không thể quy định hết tất cả quyền con người trong hiến pháp và luật, quy định này chỉ đúng với quyền công dân.

ĐB Châu phân tích: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế trong trường hợp khẩn cấp. Theo tôi, quy định như vậy là không đúng, vì trong thực tế thì tùy vào điều kiện chính trị, kinh tế - xã hội, đạo đức, phong tục, tập quán của mỗi quốc gia vào từng thời kỳ nhất định mà cho phép hay hạn chế quyền con người, quyền công dân, chứ không phải chỉ là trong trường hợp khẩn cấp.

Thí dụ, quyền tự do kinh doanh (điều 34) trong các ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì ai đó có thể bị hạn chế quyền do không đáp ứng được quy định về ngành nghề kinh doanh có điều kiện chứ không bị hạn chế trong trường hợp khẩn cấp”.


ĐB Nguyễn Thanh Phương - TP Cần Thơ cho rằng Chương II, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân là một chương rất quan trọng của bản Hiến pháp sửa đổi lần này.

“Các hoạt động của chúng ta, hay nói khác là sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của nhà nước đều nhằm mục đích phục vụ quyền con người. Chính vì thế tôi rất quan tâm là các quy định phải cụ thể, dễ thực hiện, khả thi cao và được luật hóa. Đặc biệt là phải xác định thật rõ ràng ranh giới giữa quyền con người và đương nhiên có được quyền công dân là những quyền mà luật pháp quy định”.

ĐB Phương đề nghị ban soạn thảo cân nhắc thêm và điều chỉnh cho rõ ý và chính xác hơn. Ví dụ ở Điều 15, Khoản 2 quy định "quyền con người là quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế ở mức độ cần thiết trong trường hợp khẩn cấp về lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự công cộng, đạo đức, sức khỏe cộng đồng", cần được bổ sung thuật ngữ theo luật định để đảm báo tính chặt chẽ và cơ sở thực thi.

Bên cạnh đó điều 50 quy định "mọi người có nghĩa vụ nộp thuế" có thể dẫn đến hiểu nhầm là trẻ em, người già, người tàn tật, không có thu nhập đều phải nộp thuế. ĐB đề nghị sửa thành "mọi người có thu nhập, có quyền và nghĩa vụ nộp thuế" sẽ đầy đủ và chính xác hơn.

ĐB Vũ Xuân Trường cho rằng hiến pháp đã khẳng định “quyền bất khả xâm phạm” về thân thể của con người.
ĐB Vũ Xuân Trường cho rằng hiến pháp đã khẳng định “quyền bất khả xâm phạm” về thân thể của con người.


Đồng tình với dự thảo, ĐB Vũ Xuân Trường - Nam Định cho rằng nội dung "không ai bị bắt nếu không có quyết định của Toà án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân trừ trường hợp phạm tội quả tang" đã khẳng định “quyền bất khả xâm phạm” về thân thể của con người.

Các Hiến pháp năm 1959, 1980, 1992 đều có quy định, nhưng các dự thảo gần đây lại không đưa vào nội dung này. Dự thảo lần này đã bổ sung nội dung nói trên, rất cần thiết. Nó khẳng định sự tôn trọng của pháp luật đối với quyền tự do của con người, quyền bất khả xâm phạm thân thể của con người.

Song ĐB Trường cũng đề nghị bổ sung thêm một trường hợp bắt người trong trường hợp khẩn cấp. Vì khi phát hiện một người phạm tội quả tang, hoặc một người vừa phạm tội xong, đã phạm tội hoặc đã phạm tội nhưng đang tiêu huỷ, tẩu tán tang vật đang bỏ trốn... nếu không được ngăn chặn bắt giữ kịp thời thì tội phạm sẽ tẩu thoát hoặc bị phi tang. Đó là trường hợp khẩn cấp cần bắt giữ ngay không cần có quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát.

ĐB Phạm Hồng Hương - Hải Dương thì cho rằng chương II đã khắc phục được khá nhiều hạn chế về kỹ thuật lập hiến, cân bằng được cấu trúc giữa các nhóm quyền lực. Nó thể hiện được bản chất của Hiến pháp là văn bản gốc giữa nhà nước và người dân nhằm thiết lập cơ chế kìm chế quyền lực nhà nước thông qua việc chế định quyền con người và quyền công dân.

Tại Khoản 2 của Điều 15 có quy định về giới hạn quyền là sự tiến bộ và sự cần thiết. Tuy nhiên tại khoản này chưa quy định cơ quan nào có thẩm quyền để giới hạn và cũng chưa xác định những quyền nào là quyền không thể bị giới hạn. ĐB Hương đề nghị điều chỉnh theo hướng quyền con người, quyền của công dân chỉ có thể bị giới hạn vì các lý do như đã nêu trong dự thảo và phải được công bố theo thủ tục của luật định.

ĐB Phùng Đức Tiến - Hà Nam lưu ý với quy định phản bội tổ quốc là tội nặng nhất. Bởi vì phản bội tổ quốc thuộc về nhóm tội xâm phạm an ninh quốc gia được quy định trong Bộ luật Hình sự. Nếu quy định tội phản bội tổ quốc là tội nặng nhất thì hình phạt áp dụng nguyên sẽ là cao nhất chứ không có hình phạt nào khác. Có như vậy mới đảm bảo sự công bằng.
Ngọc Quang - Mai Nguyễn