Tin thế giới đọc nhanh cuối ngày 30/9/2011

30/09/2011 18:07
M.Phương
(GDVN) - Cơn bão mới sắp đổ bộ vào Philippine; lãnh đạo Hàn Quốc thăm Triều Tiên; Ấn Độ-Nga đàm phán quân sự song phương... là những tin nổi bật chiều nay.
1. Một cơn bão nhiệt đới nữa sắp đổ bộ vào Philippines khi ít nhất một triệu người dân nước này vẫn phải sống trong cảnh ngập lụt do hậu quả của bão Nesat. Cơn bão nhiệt đới có tên gọi Nalgae đang di chuyển về phía đảo lớn Luzon của Philippines, nơi có 48 triệu người sinh sống. Mưa lớn do ảnh hưởng của bão Nalgae sẽ làm nghiêm trọng thêm tình hình tại Philippines khi người dân nước này còn chưa khắc phục xong hậu quả bão Nesat. Ít nhất 43 người thiệt mạng trong khi 30 người khác mất tích tại Philippines trong bão Nesat. Nhiều vùng rộng lớn của đảo Luzon vẫn còn bị ngập nặng, thậm chí một số làng mạc còn bị chìm trong mức nước ngang với ngôi nhà hai tầng. (AFP)
2. Các mật vụ liên bang Mỹ đã bắt giữ 37 người với cáo buộc buôn bán ma tuý tại một nhà máy lắp ráp máy bay của hãng Boeing tại Pennsylvania. Hãng Boeing đã được cảnh báo về đường dây mua bán ma tuý bởi chính các nhân viên trong nhà máy. Các nhà quản lý sau đó đã gọi cho FBI. Các mật vụ FBI đã bí mật đóng giả vào bên trong nhà máy để điều tra. Công tố viên Zane David Memeger cho hay 23 người đã bị buộc tội bán ma tuý, trong khi 14 người khác bị buộc tội sở hữu các loại ma tuý khác nhau. Các nghi phạm là những nam giới và phụ nữ, hầu hết trong độ tuổi 40 và 50. (BBC)
3. Pakistan đã triệu tập một hội nghị toàn thể các đảng phái, với sự tham dự của các lãnh đạo phe đối lập, các thành viên liên minh cầm quyền và các tư lệnh quân đội, nhằm tập hợp sự đoàn kết trước sức ép của Mỹ đòi Islamabad mạnh tay hơn trong cuộc chiến chống khủng bố. Pakistan cũng bác bỏ các cáo buộc dính líu đến mạng lưới khủng bố Haqqani, đồng thời từ chối yêu cầu của Mỹ về việc triển khai một chiến dịch truy quét tổ chức này với lý do quân đội Pakistan đã bị dàn trải quá căng trong cuộc chiến chống Taliban. (Reuters)
4. Chính phủ Myanmar đã quyết định ngừng dự án xây dựng con đập trị giá 3,6 tỉ USD do Trung Quốc đầu tư, theo thông báo của Tổng thống Thein Sein trước quốc hội nước này. Đập Myitsone, dự án thủy điện lớn nhất của Myanmar, vốn gây ra một làn sóng chỉ trích hiếm hoi tại Myanmar. Việc ngừng xây dựng đập là một chiến thắng thấy rõ của những người ủng hộ lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi. Bà Suu Kyi nói con đập đe dọa dòng chảy của sông Irrawaddy và từng cảnh báo rằng có khoảng 12.000 người dân ở 63 ngôi làng sẽ phải di dời để xây đập. (Reuters)
5. Nhà lãnh đạo cánh tả Venezuela đã bác bỏ và chỉ trích tin đồn Tổng thống Hugo Chavez nhập viện cấp cứu do suy thận vào ngày 28/9 đã gây lo lắng không đáng có, và thậm chí một vài nguyên thủ đã gọi điện hỏi thăm ông.  Tổng thống Chavez thừa nhận hiện tại ông chỉ làm việc "với một nửa cường độ" do vẫn phải tuân thủ các yêu cầu y tế để bình phục sau giai đoạn điều trị ung thư. Ông đồng thời tái khẳng định sẽ trở lại tiếp xúc với công chúng trong thời gian ngắn sắp tới và tiếp tục tranh cử tổng thống năm 2012. (Xinhua)
6. Ngoại trưởng Hillary Clinton cho hay Mỹ là bạn và đối tác tận tâm của Trung Quốc, khi bà gửi lời chúc mừng quốc khánh 1/10 tới Bắc Kinh. Ngoại trưởng Mỹ còn cho rằng hai nước có thể tìm ra giải pháp cho những thách thức toàn cầu cấp bách nhất bằng cách làm việc cùng với nhau. Phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ được đưa ra trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước có những diễn biến mới, sau khi giới chức và truyền thông Trung Quốc phản ứng mạnh mẽ trước việc Washington thông qua hợp đồng vũ khí có trị giá 5,85 tỷ USD cho Đài Loan, bao gồm việc nâng cấp 145 máy bay chiến đấu F-16 A/B. (AFP)
7. Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ AK Antony sẽ đến thăm Nga vào tuần tới để xem xét và đề xuất các dự án quân sự song phương, bao gồm cả việc thuê một chiếc tàu ngầm hạt nhân K-152 Nerpa có thời hạn 10 năm và một dự án máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm (FGFA), theo các quan chức Ấn Độ cho biết. Được biết, dự án FGFA đặc biệt quan trọng vì trong những năm tới, nó sẽ trở thành một chương trình quốc phòng chung lớn nhất. Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề gây mẫu thuẫn như Ấn Độ không hài lòng về việc Nga không tuân thủ lịch trình giao hàng, tạo rào cản trong việc chuyển giao công nghệ và không cung cấp các phụ tùng hỗ trợ. (Xinhua)
8. Các tổ chức nghiệp đoàn Hungary đã phát động cuộc biểu tình, kêu gọi Chính phủ nước này ngừng thực thi các biện pháp kinh tế khắc khổ, cũng như bảo đảm chế độ lương hưu cho những người nghỉ hưu sớm. Cuộc biểu tình, được gọi là "D-day", đã diễn ra ở trung tâm thủ đô Budapest, với sự tham gia của khoảng 800 người. Những người biểu tình phản đối Chính phủ của Thủ tướng Viktor Orban vì đã ban hành luật nhằm cắt giảm lương hưu của những người nghỉ hưu sớm và cắt giảm một số quyền lợi của người lao động. (BBC)
9. Chủ tịch Đảng Đại Dân tộc (GNP) cầm quyền của Hàn Quốc ông Hong Joon-Pyo, bắt đầu chuyến thăm CHDCND Triều Tiên với hy vọng sẽ phá vỡ tình trạng bế tắc dai dẳng trong các mối quan hệ liên Triều. Quan hệ hai miền liên Triều bị căng thẳng khi những vòng đàm phán giải giáp hạt nhân bị ngừng trệ. Tuy nhiên, chính phủ Hàn Quốc vẫn cho phép những tổ chức tôn giáo đến CHDCND Triều Tiên để tham gia các hoạt động cứu trợ, chuyển lương thực hỗ trợ cho người già, phụ nữ và trẻ em. (Xinhua)
10. Các nguồn tin cấp cao cho biết, Ấn Độ đã phóng thử thành công tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân Agni II từ căn cứ quân sự tại huyện Bhadrak thuộc bang Orissa ở miền Đông nước này. Hôm 26/9, Ấn Độ cũng thử thành công tên lửa đạn đạo tự chế tạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân Prithvi-II ở ngoài khơi bờ biển Orissa. (Reuters)
M.Phương