Trái dừa rớt trúng đầu, 50 năm ôm đơn kiện đại gia Sài thành

12/11/2011 06:41
Pháp luật và Thời đại
Người phụ nữ ấy không may bị trái dừa rớt trúng đầu khi còn trẻ, 40 năm sau vẫn ôm đơn đi kiện chủ cây dừa.
Chuyện ông Hứa Bổn Hòa (chú Hỏa) là người giàu nhất mọi thời đại, chuyện ngôi biệt thự của chú nay là Bảo tàng Mỹ thuật Tp HCM nghi bị “ma ám”… thì người dân nào ở Sài Thành cũng biết. Thế nhưng câu chuyện 40 năm trước, một thiếu nữ bán hàng rong ngang qua biệt thự này bị trái dừa rớt trúng đầu khiến “đại gia” méo mặt đền tiền thì bây giờ người ta mới rõ. Bị hại trong kỳ án năm xưa nay vẫn còn sống, đã thành bà lão vẫn ôm đơn đi tìm … con cháu chú Hỏa để đòi thêm tiền với câu chuyện có những tình tiết “cười ra nước mắt”.
ảnh minh họa
ảnh minh họa

Vụ án trái dừa rớt
Đó là những năm miền Nam còn bị Mỹ - Ngụy đô hộ. Thời kỳ mà quan chức ngụy quyền ăn chơi phè phỡn, ngập chìm trong bã vinh quang hư ảo mà đế quốc Mỹ dựng lên. Đối lập là những người dân nghèo dầm mưa dãi nắng ngày đêm kiếm miếng ăn. Năm 1972, cô bé Nguyễn Thị Tâm (nay ngụ hẻm 9A, đường Lạc Long Quân, phường 3, quận 11) mới 12 tuổi, cái tuổi đúng ra chỉ biết ăn chơi học hành nhưng đã phải cùng ba mẹ lăn lộn trên các đường phố để kiếm sống. Hàng ngày, cô bé ôm mớ chổi lông gà đi rao bán cho các gia đình trên các “phố nhà giàu” như tuyến đường Phó Đức Chính, Nguyễn Thái Bình,… Chỉ cần bán được vài chiếc chổi lông gà cho họ là đủ tiền mua gạo cả ngày cho cả nhà. Nhưng người nhà giàu cũng ít mua mấy đồ dạo bán ngoài đường, thỉnh thoảng lắm mới có một nhà vẫy vào mua”, bà Tâm nhớ lại. Những lúc rảnh rỗi, cô bé thường lang thang ngắm nhìn các căn nhà lớn trên phố, nhất là căn nhà của chú Hỏa (tức ông Hứa Bổn Hòa, chủ nhân của ngôi biệt thự số 99, đường Phó Đức Chính, nay là Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM). Đó là căn biệt thự lớn và lộng lẫy nhất con phố mà cô bé ước ao một lần được đặt chân mình. Có lúc cô nhìn vào hàng giờ để hy vọng rằng biết đâu một lúc nào đó mình sẽ trở thành người như chú Hỏa, bởi nghe đâu chú cũng xuất thân là người nghèo khó, khởi nghiệp từ việc lượm ve chai mà thành giàu có. “Những lúc như vậy tôi thường đứng lấp ló dưới bóng mát hàng dừa trồng trước cổng ngôi biệt thự mà nhìn vào trong. Có lẽ là số đen, cũng có thể là do ngôi nhà đó có ma thật nên đọc được tâm tư suy nghĩ của tôi. Một lần giữa năm 1972, khi đang mải mê nhìn ngắm ngôi biệt thự, tôi bị trái dừa bự chảng rớt trúng đầu và ngất lịm đi”, vẫn lời bà Tâm thuật lại. Khi tỉnh lại, cô bé thấy mình nằm trong bệnh viện, đầu óc choáng váng, mấy ngày sau đó đầu óc choáng váng, không ăn được gì, bất cứ thứ gì cho vào miệng cũng nôn thốc nôn tháo ra ngoài. Việc cô bé bị trái dừa rơi trúng đầu, gia đình coi như một tai nạn xui xẻo nên không dám nghĩ đến chuyện kiện cáo. “Hơn nữa chúng tôi ít học nên không biết mình có quyền kiện để đòi bồi thường thiệt hại. Lại sợ người ta giàu có, nếu kiện liệu chúng tôi có thắng nổi không? Nhiều người thấy gia cảnh khó khăn của chúng tôi đều khuyên ba mẹ tôi nên xin chú Hỏa một chút tiền để phụ vào phần viện phí nhưng chúng tôi nào dám”, bà Tâm nói. Vậy nhưng nằm viện khoảng 6 ngày, có một cảnh sát thuộc chế độ cũ tới hỏi hản tình hình và khuyên gia đình nên làm đơn yêu cầu đền bù. Người cảnh sát này hứa sẽ làm đại diện cho gia đình để thương lượng chuyện tiền bạc. Lúc đầu bà mẹ cũng sợ hãi, nhưng vì không có tiền lo thuốc thang viện phí nên sau cũng “nhắm mắt làm liều”. Ai ngờ được tiền thật, khoảng hai ngày sau người cảnh sát vào đưa cho gia đình 30 ngàn đồng và bảo ký vào tờ giấy biên nhận.Gã “cò” tham lam
Thời ấy 30 ngàn là một số tiền lớn đến mức có thể mua được cả một căn nhà lớn. Số tiền này giúp cô bé sống và ra viện sau nhiều ngày nằm bẹp trên giường bệnh. “Tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống”, rồi gia đình cô lại rơi vào cảnh khốn cùng vì tiền thuốc thang mong chữa những cơn đau đầu hành hạ. Không có tiền lo lắng cho con, lại nghe nói chủ nhân ngôi nhà rất thương và hay giúp đỡ người khác, nên bà mẹ nén nỗi sợ đến gặp ông chủ nhà xin thêm chút tiền. Theo lời bà mẹ kể thì khi vào bên trong, ngôi biệt thự lớn hơn rất nhiều so với bề ngoài. Phòng ốc nhiều vô kể, người qua kẻ lại tấp nập như ngoài chợ. Khi bà lão trình bày sự việc, họ mở cổng và đưa bà vào gặp quản gia nhà họ Hứa và được ông đưa tới một cái sảnh lớn ngồi chờ. Một lúc sau người chủ đã xuất hiện và ân cần hỏi chuyện bà mẹ. Người giàu nhất Sài Gòn hóa ra lại là một người thân thiện và hiền lành. Khi mẹ của nạn nhân kể về hoàn cảnh và số tiền 30 ngàn đã nhận, ông tỏ ra hết sức ngạc nhiên. Bà Tâm kể lại: “Ông nói đã hỗ trợ 100 ngàn chứ không phải 30 ngàn như mẹ tôi đã nói. Ông còn đưa giấy biên nhận và ký ra cho bà xem. Khi bà nói không biết chữ, chỉ ký theo chỉ dẫn của người cảnh sát, ông tỏ ra rất tức giận. Thì ra người cảnh sát kia đã ăn bớt của gia đình tôi 70 ngàn. Uất ức vì bị mất số tiền khổng lồ, người nhà cô bé nhiều lần đi tới bốt cảnh sát tìm gặp người “ăn gian” nhưng không lần nào tìm thấy. Đánh liều đến gặp người nhà chú Hỏa nhiều lần nữa thì lần nào ông cũng đi vắng. Vụ kiện đang đến hồi “gay cấn”, khi gia đình cô bé định đâm đơn kiện thì chiến sự lan đến, rồi Sài Gòn giải phóng. Nhà chú Hỏa cũng chuyển đi đâu mất, muốn đến xin thêm chút tiền, cũng không biết tìm ông ở đâu. Kể đến đây bà trầm giọng vẻ sợ sệt: “Mẹ tôi hồi trước đã có lúc tính xin và nhà ông Hỏa làm thuê nhưng bà ngoại và ba tôi cản không cho bởi nghe nói nhiều người đã chết vì quên lời dặn của ông chủ. Rằng bất cứ ai vào làm đều phải thề phải đi lùi và không được quay đầu lại để nhìn vào trong khi đưa đồ cúng lên bàn thờ con gái chú Hỏa. Nhiều người tò mò, có người vì quên đã quay đầu lại đều bị chết ngay lập tức. Trước đây nghe kể thì bán tín bán nghi, nhưng sau sự việc bị trái dừa rớt trúng đầu tôi càng gờn gợn. Liệu việc tôi bị tai nạn là do xui xẻo hay do bị hồn ma con gái chú Hỏa trêu ghẹo?”.40 năm vẫn … tiếc của
Bà Tâm kể, những năm gần đây nghĩ về tai nạn trước kia của mình bà lại càng tiếc nuối: “Giá như lúc ấy tôi đủ lớn để hiểu biết, ba mẹ tôi không bỏ cuộc giữa chừng hay người cảnh sát kia không ăn chặn hơn nửa số tiền được đền bù thì cuộc sống gia đình tôi hiện nay sẽ không khó khăn như vậy. Nếu như người nhà chú Hỏa biết gia đình chúng tôi không được trả số tiền còn lại ấy và khốn khổ đến mức nào thời gian sau đó thì chắc ông không nỡ đứng nhìn”. Sau nhiều năm tìm hiểu, bà được biết gia đình chú Hỏa đã định cư ở Pháp và rất giàu có. Bà nghĩ “nếu giàu như vậy, chắc họ không nỡ đứng nhìn người đàn bà trước đây từng bị trái dừa nhà ông làm hại tới mức … mất sức lao đồng” nên nuôi mộng tiếp tục kiện tụng. Cứ ở đâu có Việt kiều Pháp về thăm quê là bà Tâm mò tới hỏi han. Rồi bà cũng được chỉ cho cách tìm gia đình ông Hỏa thông qua Đại sứ quán Pháp. Họ cho bà địa chỉ và nói viết thư gửi sang bên ấy trình bày mong muốn. Bà lão nhờ người viết lá thư bằng tiếng Tây qua bên đó một thời gian sau thì có hồi âm từ cơ quan chức năng bên Pháp. “Họ nói tôi làm visa qua bên đó sẽ giúp tôi tìm ra nhà họ Hứa. Tôi cũng muốn qua bên đó nhưng để đạt được các điều kiện thì khó hơn… tát cạn biển Đông: Phải biết tiếng Pháp, phải có nghề nghiệp, phải có người bảo lãnh cho qua”. Và thế là giấc mơ đòi người giàu nhất Sài Thành bồi thường thiệt hại vẫn chỉ là giấc mơ. Người phụ nữ 52 tuổi lại ngày ngày ngồi trong căn phòng trọ trên đường Lạc Long Quân, tiếc hùi hụi cơ hội “moi tiền” đại gia Sài Thành ngày xưa.
Chú Hỏa (hay Hứa Bổn Hòa, Hui Bon Hoa, Jean Baptiste Hui Bon Hoa) là một thương nhân người Việt gốc Hoa. Ông nổi tiếng vì là một trong những người giàu nhất Sài Gòn vào nửa đầu thế kỷ 20 và có đóng góp quan trọng trong sự hình thành bộ mặt thành phố trong thời gian này
Pháp luật và Thời đại