Trung đoàn 113 đặc công với các lần đánh sân bay Biên Hòa và Tổng kho Long Bình

30/04/2018 07:01
Đại tá ĐẶNG VIỆT THỦY
(GDVN) - Trước đó, sân bay Biên Hòa và Tổng kho Long Bình đã bị đặc công và pháo binh ta tấn công nhiều lần nhưng ở quy mô nhỏ, mức độ thiệt hại của địch còn hạn chế.

LTS: Tiếp tục gửi đến bạn đọc bài viết thứ 5 về Trung đoàn 113 đặc công với những lần đánh sân bay Biên Hòa và Tổng kho Long Bình góp phần tạo nên thắng lợi của cuộc cách mạng nước ta, Đại tá Đặng Việt Thủy có bài viết chia sẻ.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Trung đoàn đặc công 113 được thành lập ngày 3/6/1972.

Ngay trong ngày thành lập, Bộ chỉ huy Miền giao nhiệm vụ: hai mục tiêu chủ yếu mà trung đoàn phải thường xuyên tấn công là sân bay Biên Hòa và Tổng kho Long Bình. Đây là hai căn cứ chiến lược sống còn của quân Mỹ và chính quyền Sài Gòn.

Trước đó, sân bay Biên Hòa và Tổng kho Long Bình đã bị đặc công và pháo binh ta tấn công nhiều lần nhưng ở quy mô nhỏ, mức độ thiệt hại của địch còn hạn chế.

Trung đoàn đặc công 113 chiếm lĩnh trận địa. Ảnh: tư liệu
Trung đoàn đặc công 113 chiếm lĩnh trận địa. Ảnh: tư liệu

Sau khi thành lập, Trung đoàn 113 hạ quyết tâm đánh thắng ngay trận đầu ra quân, nên ngay trong tháng 6/1972 đã tổ chức nhiều lần luồn sâu vào căn cứ địch để nắm chắc tình hình.

Sân bay Biên Hòa ở phía bắc thành phố Biên Hòa, rộng 40 ki lô mét vuông, có hai đường băng bê tông xi măng 3.050m x 45m.

Do Pháp xây dựng sau chiến tranh thế giới thứ II, được Mỹ mở rộng, hiện đại hóa thành sân bay quân sự lớn nhất miền Nam Việt Nam, thường xuyên đậu 500 máy bay các loại.

Sau trận bộ đội đặc công đánh năm 1966, Mỹ đưa Lữ đoàn quân cảnh sang làm nhiệm vụ bảo vệ, nơi đây còn là sở chỉ huy Quân đoàn 3, Quân khu 3 của địch, tổng số quân địch ở đây có khoảng 4.000 tên.

Tổng kho Long Bình là cái dạ dày khổng lồ có diện tích 24 km vuông, nằm ở hai bên trục Lộ 1 và cách Sài Gòn 21km về phía bắc.

Trung đoàn 113 đặc công với các lần đánh sân bay Biên Hòa và Tổng kho Long Bình ảnh 2Toàn cảnh cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968

Các kho nằm trên dãy đồi phía bắc gồm 16 mỏm theo hình vòng cung, trong đó mỏm 50 và 53 có kho đạn dự trữ lớn nhất miền Nam, chứa hàng trăm nghìn tấn.

Lực lượng địch ở đây chủ yếu là Bộ tư lệnh hậu cần Mỹ, Bộ tư lệnh hậu cần Việt Nam cộng hòa, chuyên viên kỹ thuật... Số quân Mỹ có khoảng 2.000 tên.

Hai căn cứ sân bay Biên Hòa và Tổng kho Long Bình nằm trong hệ thống phòng thủ tây bắc Sài Gòn, bao quanh là hàng rào dày đặc ra-đa mắt thần, mìn, chông, bẫy điện, đèn chiếu sáng... tinh vi, hiện đại nhất, có 100 chó béc-giê cùng lính ngày đêm tuần tra, hàng ngày lính biệt kích thường xuyên lùng sục.

Xung quanh căn cứ cách từ 4 đến 6km địch san ủi, tàn phá môi trường, không cho dân sinh sống.

Qua nghiên cứu các phương án tấn công, chỉ huy Trung đoàn 113 quyết định chọn phương pháp tập kích bí mật bằng pháo lủi.

Đây là loại hỏa tiễn DKB, mỗi viên gồm liều phóng và trái phá nặng 54kg, một viên cần 2 người mang vác. Hỏa tiễn điểm hỏa bằng điện, bắn ứng dụng không cần nòng và thân pháo.

Trận địa pháo lủi có thể bố trí ở sát hàng rào địch, có thể tập kết được nhiều đạn, song công tác quan trọng nhất là vận chuyển đạn từ cách xa 30km đến trận địa.

Lúc này đang mùa mưa, nước các sông đang lên cao và chảy xiết, đường lầy lội khó đi, địch lại thường xuyên lùng sục. Ta thử dùng bè tre nứa, song nước xiết dễ vỡ bè, không ổn.

Một sáng kiến được đưa ra và áp dụng thành công, đó là dùng phuy xăng đục nắp cho đạn vào, dùng ống bương ghép thành phao hai bên, mỗi phuy chở được 3 viên đạn. Trung đoàn sử dụng 100 người, cùng du kích cơ sở địa phương hành quân theo đường bí mật, tập kết an toàn.

Trung đoàn 113 đặc công với các lần đánh sân bay Biên Hòa và Tổng kho Long Bình ảnh 3Đại thắng mùa Xuân 1975 - Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc

Với phương pháp tập kích bằng pháo lủi, trong tháng 8 và 9/1972, Trung đoàn đặc công 113 đánh thắng liền 3 trận vào sân bay Biên Hòa:

Trận ngày 1/8/1972 phá hủy 50 máy bay, diệt 300 tên địch; trận ngày 31/8/1972 phá hủy 48 máy bay, diệt 50 tên địch;

Trận đêm 10/9/1972 phá hỏng hàng trăm máy bay, nổ lớn 4 kho chứa bom hơn 1.000 quả, diệt hàng trăm tên địch trong đó có hơn 20 cố vấn cao cấp Mỹ, sân bay phải ngừng hoạt động 7 ngày đêm.

Ở Tổng kho Long Bình, ngày 13/8/1972, Tiểu đoàn 9 gồm 57 chiến sĩ tập kích vào Kho 53, phá hủy 15.000 tấn đạn, 200 tấn thuốc nổ, diệt hàng trăm tên địch.

Ngay sau trận này, do khan hiếm đạn nên viên tư lệnh Quân đoàn 3 ngụy ra lệnh mỗi ngày mỗi khẩu pháo chỉ được bắn 3 viên.

Trong thời gian này, viên tổng tham mưu trưởng quân lực Việt Nam cộng hòa khẩn cấp thành lập Ủy ban chống Đặc công cộng sản do một viên đại tá phụ trách, đặt trụ sở ngay tại Long Bình.

Một sáng tạo lớn của Trung đoàn 113 là xây dựng căn cứ lớn nay tại núi Bùng Binh, chỉ cách sân bay Biên Hòa 3km.

Căn cứ có địa đạo dài 450m, rộng 1,4m, chạy vòng vèo trong lòng núi. Căn cứ chứa được 300 người, có kho lương thực chứa đủ cho sinh hoạt trong 2 tháng.

Từ căn cứ này trung đoàn tỏa đi các nơi xây dựng cơ sở, đào hầm bí mật xung quanh sân bay. Địch phát hiện, càn quét đánh phá rất dữ dội, song căn cứ vẫn tồn tại suốt những năm chiến tranh.

Như vậy, từ tháng 6/1972 (ngày trung đoàn thành lập) đến tháng 4/1975, Trung đoàn 113 đặc công đánh địch ở khu vực Biên Hòa, với quyết tâm rất cao, khắc phục mọi khó khăn, tích cực tấn công địch, luồn sâu đánh hiểm, đánh trúng chỗ yếu của địch, đánh trên bộ, đánh dưới nước đều giỏi.

Trung đoàn 113 đặc công với các lần đánh sân bay Biên Hòa và Tổng kho Long Bình ảnh 4Nhật ký Chiến dịch Hồ Chí Minh

Lập nhiều chiến công xuất sắc, diệt hơn 1.500 tên địch, hầu hết là giặc lái và nhân viên kỹ thuật (có 392 tên Mỹ), đánh thiệt hại nặng 3 tiểu đoàn, 8 bộ chỉ huy sư đoàn, quân đoàn;

Phá hủy 458 máy bay, 250 xe quân sự, 2 dàn ra-đa, 2 dàn tên lửa, hàng trăm nhà lính, nhà sửa chữa máy bay; đốt cháy hàng trăm triệu lít xăng, hơn 200 kho chứa vũ khí và phương tiện chiến tranh khác; đánh chìm 5 tàu vận tải lớn.

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, trung đoàn đã tấn công căn cứ Hốc Bà Thức (Bắc Biên Hòa), nhanh chóng đánh chiếm và giữ cầu Ghềnh, tạo điều kiện thuận lợi cho Quân đoàn 2 của ta tiến đánh Sài Gòn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Với những chiến công vang dội, Trung đoàn 113 được thưởng 4 Huân chương Quân công, 34 Huân chương Chiến công cùng nhiều phần thưởng cao quý khác; nhiều cán bộ chiến sĩ của trung đoàn được tặng thưởng hàng trăm huân chương các loại.

Ngày 12/9/1975, Trung đoàn 113 đặc công vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Tài liệu tham khảo:

- Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Tập 2, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội - 1996.

- Những điều ít biết về Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (Hỏi và đáp), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội - 2010.

Đại tá ĐẶNG VIỆT THỦY