Trung Quốc bất mãn vì phương Tây ngăn cản làm lái súng kiếm tiền

22/09/2015 07:37
Việt Dũng (nguồn Tin tức Tham khảo)
(GDVN) - Các khách hàng vũ khí lấy Trung Quốc để ép giá với các nhà cung cấp vũ khí khác, trong khi phương Tây ngăn cản Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ... mua vũ khí Trung Quốc.

Tờ "Tin tức Tham khảo" Trung Quốc ngày 21 tháng 9 dẫn tờ "Minh báo" Hồng Kông ngày 17 tháng 9 đưa tin, mặc dù Trung Quốc đầu năm nay thay thế Đức trở thành nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ ba thế giới, nhưng Trung Quốc mở rộng thị trường gặp không ít lực cản, Thái Lan đã gác lại việc mua sắm tàu ngầm mới từ Trung Quốc, bị tình nghi là do sức ép của Mỹ.

Tàu ngầm S26T Trung Quốc
Tàu ngầm S26T Trung Quốc

Theo bài báo, phó hội trưởng Hội nghiên cứu quân sự quốc tế Macao Hoàng Đông cho rằng, tàu ngầm thông thường thế hệ mới S20 và S26 Trung Quốc đến nay vẫn chưa tìm được khách hàng nước ngoài, Trung Quốc cũng nóng lòng tìm người mua, nhưng Ai Cập có mua hay không thì bây giờ nói còn quá sớm.

Hoàng Đông suy đoán, Ai Cập có thể đang "so sánh giá cả", dựa vào Trung Quốc để mặc cả với Đức, tranh thủ giá rẻ hơn.

Theo bài báo, đây cũng là cách làm của các nước như Pakistan. Truyền thông Pakistan tháng 8 cho biết, Chính phủ Pakistan đồng ý mua 8 tàu ngầm mới của Trung Quốc, nhưng thỏa thuận vẫn chưa được thực hiện.

Theo Hoàng Đông, Pakistan bày tỏ ý mua tàu ngầm Trung Quốc đã lâu, đồng thời cũng tiếp xúc với nhà chế tạo của các nước khác, có ý đồ ép giá đối với Trung Quốc, cách làm này đã gây bất mãn cho một bộ phận dư luận Trung Quốc.

Hệ thống tên lửa phòng không tầm xa HQ-9 do Trung Quốc tự chế tạo
Hệ thống tên lửa phòng không tầm xa HQ-9 do Trung Quốc tự chế tạo

Bài báo cho rằng, Trung Quốc có quan hệ hữu nghị với Ai Cập. Vào thập niên 1980, Trung Quốc đã từng bán 4 tàu ngầm cho Ai Cập. Khi thăm Trung Quốc vào tháng 12 năm ngoái, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi cũng bày tỏ hy vọng triển khai hợp tác quân sự và an ninh nhiều hơn với Trung Quốc.

Tháng 9 năm 2015, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi cũng đến Bắc Kinh tham dự lễ duyệt binh kỷ niệm tròn 70 chiến thắng phát xít. Có phân tích tin rằng, Ai Cập lôi kéo Trung Quốc là do liên quan đến sự lạnh nhạt của Mỹ.

Sau chính biến quân sự 2 năm trước ở Ai Cập, Mỹ tạm dừng cung cấp quân bị cho Ai Cập, tháng 4 năm nay tuyên bố khôi phục.

Thái Lan - một đồng minh Đông Nam Á của Mỹ vốn có triển vọng trở thành khách hàng tàu ngầm mới của Trung Quốc, nhưng giao dịch đã bị gác lại.

Trung Quốc gần đây tập trung tuyên truyền, hy vọng xuất khẩu tàu hộ vệ tên lửa Type 054A cho Nga
Trung Quốc gần đây tập trung tuyên truyền, hy vọng xuất khẩu tàu hộ vệ tên lửa Type 054A cho Nga

Cuối tháng 6, Quân đội Thái Lan phê chuẩn mua sắm 3 tàu ngầm S26T Trung Quốc, tổng giá trị khoảng 1 tỷ USD, đến giữa tháng 7 lại tạm dừng giao dịch, Thái Lan tuyên bố cần đánh giá lại nhu cầu mua sắm tàu ngầm.

Thái Lan bất ngờ thay đổi thái độ đã gây xôn xao dư luận. Có bình luận suy đoán liên quan đến Mỹ gây sức ép.

Hoàng Đông cho rằng, Trung Quốc mở rộng thị phần vũ khí mặc dù đạt được tiến triển rất lớn trong 10 năm qua, nhưng vẫn phải kiêng dè phương Tây, lực cản không ít.

Chẳng hạn, Thổ Nhĩ Kỳ có kế hoạch mua hệ thống phòng thủ tên lửa HQ-9 Trung Quốc, nhưng do chịu sức ép của phương Tây, đến nay vẫn chưa thực hiện.

Theo bài báo, Viện nghiên cứu hòa bình Stockholm tháng 3 năm nay công bố số liệu mới nhất cho biết, xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc từ năm 2009 đến năm 2014 tăng 143%, cho thấy Trung Quốc đã thay thế Đức trở thành nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ ba thế giới, chỉ sau Mỹ và Nga.

Ngoài Pakistan, chưa có quân đội nước nào mua sắm, sử dụng máy bay chiến đấu JF-17 Thunder do Trung Quốc-Pakistan hợp tác sản xuất
Ngoài Pakistan, chưa có quân đội nước nào mua sắm, sử dụng máy bay chiến đấu JF-17 Thunder do Trung Quốc-Pakistan hợp tác sản xuất

Mặc dù xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc chỉ chiếm 5% thị trường vũ khí tổng trị giá 300 tỷ USD toàn cầu, nhưng vẫn gây quan tâm của không ít truyền thông phương Tây.

Một số bình luận phê phán, Trung Quốc khai thác thị trường mà các nước phương Tây không sẵn sàng bán vũ khí, đe dọa sự ổn định khu vực, nhưng, việc xuất khẩu vũ khí của các nước luôn gây tranh cãi.

Tháng 2 năm nay, Đức phê chuẩn bán vũ khí cho Saudi Arabia - quốc gia có kỷ lục nhân quyền kém, đã dẫn đến sự phê phán của dư luận trong nước. 

Việt Dũng (nguồn Tin tức Tham khảo)