Trung Quốc có đang bị "mắc kẹt" bởi Bắc Triều Tiên?

26/03/2017 07:56
Hồng Thủy
(GDVN) - Triều Tiên là con bài có giá trị nhất trong tay Trung Quốc hiện nay khi đàm phán với Hoa Kỳ. Do đó điều Trung Nam Hải quan tâm là làm sao tối đa hóa lợi ích.

Giáo sư Hemant Adlakha chuyên nghiên cứu về Trung Quốc từ Đại học Jawaharlal Nehru, ngày 25/3 có bài viết đáng chú ý trên The Diplomat về cuộc tranh luận trong xã hội Trung Quốc xung quanh quan hệ giữa nước họ với Bắc Triều Tiên.

Đầu tháng này, Trung Quốc đã ngừng nhập khẩu than từ nước láng giềng Đông Bắc Á sau khi Bình Nhưỡng bắn 4 quả tên lửa Scud ra vùng biển Nhật Bản. Triều Tiên phản ứng bằng cách chỉ trích Bắc Kinh chạy theo Mỹ.

Đây không phải lần đầu tiên Bình Nhưỡng công khai chỉ trích Bắc Kinh, tuy nhiên đã có những bất ngờ khi một số chuyên gia, nhà bình luận thời sự nổi tiếng ở Trung Quốc đã kêu gọi các nhà lãnh đạo Trung Nam Hải hãy bỏ rơi Triều Tiên.

Thời gian gần đây điều khiến dư luận Trung Quốc quan tâm và tranh luận không phải căng thẳng Trung - Nhật leo thang, cũng không phải bất ổn trong quan hệ Trung - Mỹ dưới thời Donald Trump khó đoán.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un theo dõi một vụ phóng tên lửa, ảnh: nknews.org.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un theo dõi một vụ phóng tên lửa, ảnh: nknews.org.

Họ tập trung vào nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, cả trên truyền thông chính thức cũng như các diễn đàn mạng xã hội tại Trung Quốc. Hiện có những quan điểm đối nghịch nhau về quan hệ Trung - Triều trong dư luận nước này.

Quan điểm thứ nhất thuộc nhóm người vẫn "không nao núng" trong việc cho rằng, Bắc Kinh cần tiếp tục duy trì quan hệ đồng minh với Bình Nhưỡng vì vai trò phên dậu đặc biệt quan trọng của Triều Tiên với Trung Quốc.

Lý do thứ nhất giải thích cho quan điểm này là, duy trì quan hệ Trung - Triều mạnh mẽ giúp Bắc Kinh không bị cô lập bởi Mỹ - Nhật - Hàn trên bán đảo Triều Tiên.

Lý do thứ hai, có Triều Tiên bên cạnh thì Bắc Kinh yên tâm hơn để đối phó với xu thế chống Trung Quốc trên toàn thế giới.

Quan điểm thứ hai đòi Bắc Kinh hoàn toàn từ bỏ (bảo trợ) Bình Nhưỡng. Đây phần lớn là những người ủng hộ cải cách, theo đuổi thị trường tự do.

Những người này tin rằng, chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng là cái cớ chủ yếu để Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa (THAAD) tại Hàn Quốc, trong khi hệ thống này nhằm vào Trung Quốc chứ không phải Triều Tiên.

Do đó những người này muốn Trung Nam Hải cắt đứt quan hệ với Bình Nhưỡng kể cả về ngoại giao, chính trị và kinh tế.

Trung Quốc có đang bị "mắc kẹt" bởi Bắc Triều Tiên? ảnh 2

Máu của dân tộc nào cũng đỏ và nước mắt nào cũng mặn như nhau

Họ lập luận, quan hệ láng giềng, đồng chí môi hở răng lạnh thời Mao Trạch Đông đã qua lâu, Trung Quốc đã thay đổi rất nhiều còn Triều Tiên vẫn thế.

Đại diện cho nhóm quan điểm bảo vệ quan hệ Trung - Triều là một cựu chiến binh, chủ blog rất có ảnh hưởng trên mạng xã hội Trung Quốc Zhang Zhikong. Ông viết:

"Về mặt lịch sử, Trung Quốc chúng ta chưa bao giờ bỏ qua tầm quan trọng của Triều Tiên.

Ngày nay khi dân tộc Trung Hoa phục hưng không có nghĩa là Trung Quốc phải từ bỏ bất kỳ khu vực nào nằm trong vùng ảnh hưởng truyền thống của mình".

Gương mặt đại diện cho nhóm quan điểm thứ hai là nhà bình luận chính trị Trung Quốc khá có tiếng, nhà báo Triệu Linh Mẫn (người đã thắc mắc tại sao người Việt Nam thiện cảm với Nhật Bản và ác cảm với Trung Quốc).

Bà Mẫn bình luận: "Quyết định của Mỹ triển khai THAAD tại Hàn Quốc là một thảm họa đối với Trung Quốc. Đã đến lúc Bắc Kinh cần thay đổi suy nghĩ của mình".

Theo bà Mẫn, Bình Nhưỡng đã "bắt cóc" chương trình nghị sự trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc.

Giáo sư Hemant Adlakha nhận xét, điều thú vị là Zhang Zhikong phản bác quan điểm của nhóm Triệu Linh Mẫn bằng lập luận:

"Những quan điểm như vậy là quyết liệt chống Trung Quốc, chống chủ nghĩa cộng sản.

Nhưng khi nói đến Bắc Triều Tiên họ lại giả vờ là mình cực kỳ yêu nước.

Và cũng giống như một người yêu nước thực sự, họ sẽ cắn bất cứ ai không đồng ý với họ, giống một con chó điên lao ra cắn tất cả mọi người".

Vấn đề Triều Tiên rõ ràng đang nằm trong tâm trí của các nhà lãnh đạo Trung Nam Hải trước hội nghị thượng đỉnh Trung - Mỹ tại Florida vào tháng Tư tới.

Tuy nhiên, có một sự thật là các nhà lãnh đạo mạnh mẽ của Trung Quốc như Mao Trạch Đông hay Đặng Tiểu Bình đã từng khiến cả thế giới ngạc nhiên bởi các động thái chính trị và ngoại giao của họ.

Đồng thời cần lưu ý rằng, ông Tập Cận Bình hiện đang là nhà lãnh đạo mạnh nhất Trung Quốc trong nhiều thập kỷ qua.

Câu hỏi đang được dư luận Bắc Kinh đặt ra là, liệu ông Bình sẽ có ảnh hưởng như thế nào đối với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un?

Người viết cho rằng, Giáo sư Hemant Adlakha rất tinh tế khi nhắc lại chuyện Mao, Đặng từng khiến cả thế giới bất ngờ.

Có lẽ ông muốn nói đến những thay đổi chiến lược trong quan hệ đối ngoại Trung Quốc dưới thời 2 nhà lãnh đạo này.

Trung Quốc có đang bị "mắc kẹt" bởi Bắc Triều Tiên? ảnh 3

Kim Jong-un đang phá thế cờ bao vây, kiềm tỏa của nước lớn?

Mao Trạch Đông nổi tiếng với cái bắt tay xuyên Thái Bình Dương với Richard Nixon tại Thượng Hải năm 1972. Cái bắt tay này đánh dấu thời kỳ mới, Bắc Kinh liên kết với Washington chống lại Moscow (Liên Xô).

Bên cạnh đó cái bắt tay này còn một hệ lụy khác.

Đó năm 1974 Hạm đội 7 Mỹ làm ngơ cho hải quân Trung Quốc xâm lược nốt nửa phía Tây quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, lúc đó đang do Việt Nam Cộng hòa kiểm soát và thực thi chủ quyền theo tinh thần Hiệp định Geneva 1954 chờ ngày Tổng tuyển cử.

Trung Quốc, Hoa Kỳ đều là thành viên có đại diện tham dự Hội nghị Geneva. Hoa Kỳ là đồng minh của Việt Nam Cộng hòa thời điểm đó.

Đặng Tiểu Bình thăm Mỹ từ 29 tháng Giêng đến mùng 4 tháng Hai năm 1979, thì ngày 17/2 họ Đặng xua hàng trăm ngàn quân Trung Quốc xâm lược toàn tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam và gây ra cuộc xung đột âm ỷ chục năm sau đó.

Cuộc xâm lược biên giới này gây ngạc nhiên cho phần còn lại của thế giới, vì một nước lớn phe xã hội chủ nghĩa cất quân xâm lược biên giới một nước khác cùng phe.

Bài học năm xưa được Giáo sư Hemant Adlakha khéo léo gợi lại một cách nhẹ nhàng với lưu ý, ông Tập Cận Bình đang là lãnh đạo mạnh nhất Trung Quốc suốt mấy chục năm qua.

Phải chăng ẩn ý Giáo sư Hemant Adlakh muốn nói rằng, Bình Nhưỡng rất có thể lại trở thành con cờ trên bàn cờ Trung - Mỹ trong hội nghị sắp tới?

Cá nhân người viết cho rằng, những tranh luận giữa Zhang Zhikong và Triệu Linh Mẫn chỉ phản ánh nhận thức của cá nhân họ về thời cuộc. Cả hai đều có những biểu hiện của chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, tư tưởng Đại Hán khi nhìn nhận về quan hệ quốc tế, cho dù cách biểu hiện của họ trái ngược nhau.

Còn trên thực tế, vai trò Triều Tiên đối với Trung Quốc như thế nào, Trung Nam Hải đã có sự tính toán, sắp đặt.

Thực tế đã cho thấy, vấn đề bán đảo Triều Tiên là con bài có giá trị nhất trong tay Trung Quốc hiện nay khi đàm phán với Hoa Kỳ. Do đó điều Trung Nam Hải quan tâm là làm sao tối đa hóa lợi ích từ con bài đó, chứ không phải bỏ hay không bỏ.

Tài liệu tham khảo:

http://thediplomat.com/2017/03/chinas-north-korea-debate/

Hồng Thủy