Thời báo Hoàn Cầu

"Trung Quốc có thể sử dụng tàu sân bay và tàu đổ bộ 071 ở biển Đông"

04/09/2012 06:00
Đông Bình (nguồn báo Hoàn Cầu, Phương Đông, TQ)
(GDVN) - Hải quân Trung Quốc phát triển thế nào tùy thuộc vào nhiệm vụ của họ như giải quyết tranh chấp chủ quyền ở biển Đông, bảo vệ lợi ích ở nước ngoài...
Hạm đội tàu sân bay Trung Quốc tương lai (tưởng tượng).
Hạm đội tàu sân bay Trung Quốc tương lai (tưởng tượng).

2 tờ báo “Hoàn Cầu”, “Phương Đông” Trung Quốc dẫn bài viết từ trang mạng tạp chí “Quan chức Ngoại giao” Nhật Bản đã tiến hành phê phán đối với 2 loại quan điểm có liên quan đến sự phát triển của Hải quân Trung Quốc.

Loại thứ nhất cho rằng, Trung Quốc sẽ giống Liên Xô cũ, xây dựng một lực lượng “hải quân nước xanh” tầm toàn cầu có thể đối đầu với Hải quân Mỹ; loại quan điểm thứ hai cho rằng, trong mấy chục năm tới, Hải quân Trung Quốc khó mà tạo ra mối đe dọa cho Mỹ.

Theo bài viết, 2 loại quan điểm này lần lượt đã đi theo 2 hướng cực đoan, việc xây dựng Hải quân Trung Quốc hoàn toàn không phải là cấp thấp hay cấp cao toàn bộ, mà là xoay quanh lợi ích tự thân và nhiệm vụ đối mặt hiện nay, triển khai theo 2 tầng nấc.

Trước tiên, Trung Quốc đã phát triển và vẫn đang tiếp tục phát triển nhanh chóng khả năng hải quân và “chống hải quân” cấp cao, mạnh ở duyên hải, giống với hải quân của các nước khác, việc xây dựng bộ phận này chủ yếu là để giải quyết tranh chấp lãnh thổ ở xung quanh Trung Quốc.

Thứ hai, Trung Quốc còn đang phát triển khả năng tác chiến viễn dương cấp thấp có hạn, chủ yếu là để đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ cường độ thấp ở biển xa trong thời bình.

Những năm gần đây, những thông tin về việc xây dựng lực lượng biển xa liên tục thu hút sự chú ý của các phương tiện truyền thông. Để mở rộng vai trò ảnh hưởng chính trị tự thân, bảo vệ lợi ích quan trọng mà TQ tuyên bố ở nước ngoài cũng như công dân TQ đang làm việc ở các khu vực bất ổn của nước ngoài, Bắc Kinh đang phát triển lực lượng tác chiến ngoài khu vực hạn chế.

Tàu sân bay Varyag
Tàu sân bay Varyag

Về bản chất, Trung Quốc vừa không muốn gánh vác những chi phí cần thiết và trách nhiệm chính trị trong việc xây dựng một lực lượng hải quân cấp cao mang tính toàn cầu thực sự, vừa muốn thông qua thể hiện sức mạnh ở bên ngoài khu vực để giành được lợi ích đặc biệt.

Những nỗ lực của Trung Quốc chủ yếu vẫn đặt vào khu vực xung quanh. Mặc dù thông qua lần đầu tiên thăm Israel và cảng của Bulgaria, tàu chiến của Hải quân Trung Quốc đã thực hiện chuyến thăm mang tính lịch sử tới Biển Đen (Black Sea) và Địa Trung Hải (Mediterranean Sea), nhưng Hải quân Trung Quốc vẫn quan tâm hơn tới tranh chấp chủ quyền ở các vùng biển xung quanh nước này, tức là các vùng biển duyên hải gồm biển Hoàng Hải, biển Hoa Đông và biển Đông.

Hai nước Trung Quốc và Mỹ nếu xảy ra xung đột quân sự trên biển, ở mức độ rất lớn sẽ là khu vực duyên hải xung quanh Trung Quốc.

Là một siêu cường thế giới xây dựng và lãnh đạo trật tự quốc tế sau chiến tranh, Washington muốn thông qua hợp tác với đồng minh và đối tác để bảo vệ hệ thống thương mại tự do toàn cầu, làm cho việc đi lại của các nước ở các vùng biển quốc tế không bị trói buộc; đồng thời tránh để các nước sử dụng vũ lực giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ hoặc chính trị.

Nhưng, là một nước lớn từng chịu nhiều nỗi nhục, Bắc Kinh đang cố gắng trỗi dậy và hy vọng lãnh đạo khu vực duyên hải (biển gần), để khu vực này không bị ràng buộc bởi các quy tắc của vùng biển quốc tế.Hơn lúc nào hết đó là âm mưu thâu tóm toàn bộ biển Đông.

Tàu vận tải đổ bộ 071
Tàu vận tải đổ bộ 071

Bài viết cho rằng, do các vấn đề đứng trước hiện nay khó mà được giải quyết trong thời gian ngắn, Trung Quốc không có nhiều khả năng lắm trong việc xây dựng được một lực lượng hải quân tầm xa mang tính toàn cầu thực sự như Liên Xô cũ có thể sánh vai với Mỹ trước đây.

Trong tương lai, Trung Quốc đương nhiên cũng sẽ phát triển “hải quân nước xanh” (hải quân tầm xa), nhưng phần nhiều là một lực lượng mang tính khu vực, như các nhà chiến lược Trung Quốc đã nói, đó là một lực lượng hải quân mang “tính tấn công phòng ngự khu vực”.

Theo bài viết, Trung Quốc hiện cần bảo vệ lợi ích biển trên 3 phương diện. Trước tiên là, vấn đề ở duyên hải (chủ yếu là biển Hoa Đông và biển Đông) và việc tranh đoạt vai trò ảnh hưởng với Mỹ và Nhật Bản ở Tây Thái Bình Dương.

Thứ hai, chuỗi cung ứng tài nguyên của Trung Quốc đã trải rộng toàn cầu, trong khi đó Bắc Kinh lại đang đối mặt với mối đe dọa cướp biển và các thế lực khác ở khu vực Ấn Độ Dương.

Tuyến đường hàng hải nước sâu liên quan đến lợi ích của Trung Quốc đi qua khu vực Đông Nam Á (đặc biệt là eo biển Malacca, Sunda và Lombok), sau đó tiếp tục đi qua Ấn Độ Dương và vịnh Ba Tư, Biển Đỏ (Red Sea) và Đông Phi.

Những năm gần đây, Hải quân Trung Quốc luôn tiến hành nhiệm vụ chống cướp biển ở vịnh Aden, đây là ví dụ điển hình trong việc Trung Quốc phát triển khả năng tác chiến trên biển ngoài khu vực hạn chế để bảo vệ lợi ích quốc gia.

Tàu hộ vệ tên lửa Từ Châu, Hải quân Trung Quốc.
Tàu hộ vệ tên lửa Từ Châu, Hải quân Trung Quốc.

Thứ ba, cùng với việc Trung Quốc tăng cường đầu tư ra nước ngoài, số lượng công dân Trung Quốc ra nước ngoài làm ăn đang gia tăng nhanh chóng, có một số công dân làm việc ở những khu vực bất ổn. Cùng với việc sức mạnh của Hải quân Trung Quốc tăng lên, Chính phủ Trung Quốc đang đối mặt với sức ép ngày càng lớn trong các vấn đề như bảo vệ an toàn cho công dân ở nước ngoài.

Tháng 2/2011, tàu hộ vệ tên lửa Từ Châu đã được điều đến khu vực Địa Trung Hải để hỗ trợ cho nhiệm vụ rút Hoa kiều ra khỏi Libya. Nếu sau này xảy ra các cuộc khủng hoảng tương tự, Hải quân Trung Quốc rất có thể sẽ có sự hưởng ứng tương tự.

Theo tác giả bài báo, chiến lược phát triển hải quân của Trung Quốc được quyết định bởi nhiệm vụ của nó. Mục tiêu cụ thể chính là, ở khu vực duyên hải (biển gần) có thể ứng phó với xung đột cường độ cao dưới sự hỗ trợ quy mô lớn của tàu ngầm động cơ thông thường, tên lửa bố trí trên bộ và máy bay.

Tàu sân bay sắp đưa vào hoạt động cùng với tàu vận tải đổ bộ 071 của Trung Quốc có thể phát huy vai trò nhất định khi xảy ra xung đột hạn chế với các đối thủ nhỏ yếu (đặc biệt là ở khu vực biển Đông).

Tuy nhiên, Trung Quốc phát triển hạn chế tàu chiến cỡ lớn rất có thể là để thực hiện các mục tiêu dưới đây: (1) Thể hiện sức mạnh ở khu vực tranh chấp xung quanh, đồng thời muốn răn đe đối thủ tiềm tàng; (2) thực hiện các nhiệm vụ an ninh phi truyền thống như tấn công cướp biển, bảo vệ/rút công dân Trung Quốc bị đe dọa và ứng phó thảm họa ở khu vực Tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. (3) Giống như việc tới thăm cảng ở Biển Đen gần đây, thông qua ngoại giao thăm hỏi để tuyên truyền cho nước ngoài những thông tin về việc Trung Quốc đang trở thành một nước lớn mang tính toàn cầu thực sự.

Máy bay trực thăng săn ngầm Z-9EC thả ngư lôi
Máy bay trực thăng săn ngầm Z-9EC thả ngư lôi
Đông Bình (nguồn báo Hoàn Cầu, Phương Đông, TQ)