Trung Quốc dùng APEC 2014 để tạo "hình tượng nước lớn"

09/11/2014 07:38
Việt Dũng
(GDVN) - Ông Tập Cận Bình bận rộn đón lãnh đạo các nước tại APEC như Barack Obama, Vladimir Putin..., dùng "phát triển hòa bình" để biến mình thành trung tâm...
Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình
Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình

Tờ "Tin tức Tham khảo" Trung Quốc ngày 8 tháng 11 dẫn trang mạng tuần san "The Economist" Anh ngày 7 tháng 11 đưa tin, bắt đầu từ ngày 10 tháng 11, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ lần lượt đón tiếp nhà lãnh đạo các nước, tham dự Hội nghị cấp cao APEC năm 2014.

Sau Olympic năm 2008, chưa có nhiều chính khách "tề tụ" ở Thủ đô Trung Quốc như vậy. Đây là một thời khắc mang tính quyết định của chính sách ngoại giao Tập Cận Bình. Ở trong nước, ông Tập đã xây dựng mình thành một trong những nhà lãnh đạo Trung Quốc "có năng lực nhất", hiện nay, ông hầu như muốn có được nhiều hơn, đó chính là để cho Trung Quốc giành được vị thế "quan trọng hơn, được tôn trọng hơn".

Theo bài báo, ông Tập Cận Bình sẽ tiếp đón Tổng thống Mỹ Barack Obama thăm chính thức Bắc Kinh. Đây là cuộc gặp lần thứ hai giữa lãnh đạo Trung-Mỹ, lần trước là cuộc gặp ở California vào năm 2013. Nhưng, mục đích chính của cuộc gặp không rõ ràng như lần trước.

Trong cuộc gặp trước, phía Trung Quốc nói nhiều về xây dựng "quan hệ nước lớn kiểu mới" với Mỹ. Nhưng, do điều này ám chỉ vị thế của Mỹ đi xuống, vì vậy, ông Obama hầu như không sẵn sàng hưởng ứng.

Cuộc gặp Tập Cận Bình-Barack Obama tại California, Mỹ năm 2013
Cuộc gặp Tập Cận Bình-Barack Obama tại California, Mỹ năm 2013

Hai nhà lãnh đạo có lẽ cũng có thể hợp tác trong một số lĩnh vực, bao gồm biến đổi khí hậu, thương mại và đầu tư. Họ sẽ đồng ý tăng cường trao đổi về hoạt động quân sự trên biển, trên không ở khu vực xung quanh Trung Quốc. Nhưng hy vọng có bầu không khí hòa hợp như ở California năm 2013 để quan hệ hai nước "nở hoa toàn diện" là không thực tế.

Bài báo cho rằng, trên thực tế, phía Trung Quốc cho rằng, ông Barack Obama thiếu chủ kiến trong chính sách ngoại giao. Trong khi đó, ông Tập Cận Bình có nhiều tham vọng hơn ở phương diện khác.

Bài báo cho rằng, các nước láng giềng của Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông biết rõ thái độ này của Trung Quốc. Nhưng, chính quyền Bắc Kinh còn đang dùng khẩu hiệu "phát triển hòa bình" để lấy lòng bạn bè. Ông thúc đẩy nhiều đề xướng, bao gồm Ngân hàng đầu tư hạ tầng cơ sở châu Á mới thành lập. Trung Quốc sẽ còn cùng với các nước BRICS như Brazil, Nga, Ấn Độ và Nam Phi thành lập một Ngân hàng phát triển mới.

Ông Tập Cận Bình và người đồng cấp Nga Vladimir Putin
Ông Tập Cận Bình và người đồng cấp Nga Vladimir Putin

Theo bài báo, một trong những đối tác của Tập Cận Bình là Tổng thống Nga Vladimir Putin. Trung-Nga có một giai đoạn lịch sử không tin cậy, nhưng tháng 3 năm 2013, sau khi lên nắm quyền, ông Tập thực hiện chuyến thăm nước ngoài đầu tiên là tới Moscow. Đàm phán khí đốt đình trệ từ lâu của hai nước đã kết thúc thành công. Ngoài ra, theo tờ "Kommersant" Nga, hai nước cũng đã ký kết thỏa thuận an ninh mạng.

Bài báo cho rằng, buộc chặt hai nước vào một dây thừng là sự thống trị của Mỹ đối với các vấn đề quốc tế. Tại một hội nghị cấp cao an ninh đầu năm 2014, ông Tập nói rằng, bất cứ nước nào đều không nên tìm cách lũng đoạn các vấn đề an ninh khu vực, xâm phạm quyền lợi chính đáng của nước khác. Ông Putin cũng nhận lời mời tham dự hội nghị cấp cao này.

Theo bài báo, cách làm cứng rắn (hung hăng, đe dọa) của Trung Quốc ở trên biển đã đẩy các nước láng giềng về phía Nhật Bản và Mỹ. Nhưng, nhìn vào lâu dài, Trung Quốc vẫn sẽ là đối tác thương mại lớn nhất của các nước châu Á.

Trung Quốc đang tập trung thúc đẩy các thỏa thuận thương mại khu vực và song phương, trong khi đó sáng kiến thương mại do Mỹ lãnh đạo đã rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Trong thời gian Hội nghị APEC, Tập Cận Bình sẽ cố gắng thúc đẩy những quan hệ kinh tế này. Xét tới tầm ảnh hưởng của Trung Quốc, ông Tập cơ bản có thể sẽ đạt được “thành công”.

Các nước láng giềng biết rõ tham vọng của Trung Quốc
Các nước láng giềng biết rõ tham vọng của Trung Quốc
Việt Dũng