Trung Quốc lo lắng khi Mỹ - Nhật bàn bạc hợp tác quân sự toàn diện?

06/01/2013 08:00
Đông Bình

(GDVN) - Mối quan hệ an ninh Nhật-Mỹ đang được tăng cường rất mạnh, Lực lượng Phòng vệ đã sẵn sàng được điều động ra nước ngoài, ngân sách quốc phòng tăng lên.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sắp có chuyến thăm Mỹ tăng cường quan hệ đồng minh Nhật-Mỹ
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sắp có chuyến thăm Mỹ tăng cường quan hệ đồng minh Nhật-Mỹ

Ngày 4/1, tờ Nihon Keizai Shimbun Nhật Bản đăng bài viết “Lực lượng Phòng vệ và quân Mỹ mở rộng hợp tác”.

Bài viết cho rằng, với tính chất là một biện pháp cụ thể tăng cường quan hệ đồng minh, chính phủ hai nước Nhật-Mỹ bắt đầu bàn thảo cách thức mở rộng hợp tác với quân Mỹ, trong đó có khả năng điều Lực lượng Phòng vệ ra nước ngoài.

Trong tháng này, hai bên sẽ bàn bạc sửa đổi Phương châm hợp tác phòng vệ Nhật-Mỹ, định nghĩa lại vai trò của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản.

Sau đó, Chính phủ Nhật Bản sẽ bắt tay xây dựng bộ luật mang tính vĩnh viễn để tạo lập căn cứ pháp lý cho hợp tác Nhật-Mỹ. Chính phủ Barack Obama và Chính phủ Shinzo Abe sẽ chính thức bắt tay xây dựng cơ chế hợp tác toàn diện giữa quân Mỹ và Lực lượng Phòng vệ, trong đó có chống khủng bố liên hợp.

Hai bên đang triển khai phối hợp về việc tổ chức hội đàm giữa các nhà lãnh đạo vào hạ tuần tháng này. Tại hội nghị đó, Tổng thống Barack Obama và Thủ tướng Shinzo Abe sẽ cố gắng đạt được đồng thuận về việc mở rộng hợp tác giữa quân Mỹ và Lực lượng Phòng vệ.

Hai bên dự định viết vào Phương châm mới 4 lĩnh vực hợp tác: phòng chống thiên tai và cứu nạn; tấn công cướp biển, bảo đảm an toàn các tuyến đường giao thông trên biển; bảo vệ không gian mạng và vũ trụ; viện trợ cho dân chủ hóa ở Trung Đông và Bắc Phi.

Mỹ-Nhật diễn tập liên hợp trên biển
Mỹ-Nhật diễn tập liên hợp trên biển

Về hợp tác Nhật-Mỹ ngoài trường hợp “xảy ra sự cố” ở khu vực xung quanh Nhật Bản, ngôn từ Phương châm hiện có khá trừu tượng, đã không phù hợp với sự thay đổi của môi trường an ninh. Hơn nữa, Luật các biện pháp đặc biệt hiện hành thường bị chi phối bởi tình hình chính trị, khó có thể kịp thời điều Lực lượng Phòng vệ ra nước ngoài.

Do chịu ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế, Chính phủ Obama đang đối mặt với sức ép cắt giảm lớn về ngân sách quốc phòng, chiến lược ngoại giao cơ bản của họ chính là cùng đồng minh gách vác trách nhiệm. Mặc dù Chính phủ Obama đã đặt dấu chấm hết cho cuộc chiến chống khủng bố và chiến tranh Iraq, nhưng tình hình Trung Đông vẫn bất ổn.

Việc chính quyền Obama sẽ dành bao nhiêu thời gian và tinh lực cho châu Á, nơi Trung Quốc tiếp tục trỗi dậy, vẫn còn là một ẩn số. Vì vậy, Mỹ trông đợi Lực lượng Phòng vệ phát huy vai trò lớn hơn.

Ngày 4/1/2012, tờ Sankei Shimbun Nhật Bản cũng có bài viết cho biết, ngày 3/1 Chính phủ Nhật Bản quyết định tăng thêm 1000 tỷ yên cho ngân sách quốc phòng trong năm tài khóa 2013, dùng để mở rộng biên chế Lực lượng Phòng vệ.

Tàu ngầm thông thường tiên tiến của Nhật Bản - tàu ngầm diesel lớp Soryu
Tàu ngầm thông thường tiên tiến của Nhật Bản - tàu ngầm diesel lớp Soryu

Khi thành lập chính phủ liên minh, Đảng Tự do Dân chủ và Đảng Công minh đã từng đưa ra phương châm “bảo đảm ngân sách cần thiết cho phòng vệ và bảo đảm an ninh trên biển để bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải và không phận”.

Vào thời điểm lập phương án ngân sách quốc phòng cho năm tài khóa 2013, Chính phủ sẽ dựa trên phương châm này, áp dụng cách làm linh hoạt.

Yêu cầu dự toán do Bộ Quốc phòng Nhật Bản đưa ra cho thấy, ngân sách quốc phòng năm 2013 là 4585,1 tỷ yên, giảm 60,2 tỷ yên so với năm tài khóa 2012.

Chính phủ và Đảng Tự do Dân chủ quyết định, trên nền tảng đó, tăng thêm 100 tỷ yên, cố gắng khôi phục được mức 4.700 tỷ yên trước khi họ mất chính quyền vào tay Đảng Dân chủ năm 2009.

Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản vốn có kế hoạch cắt giảm biên chế 1.220 quân so với năm trước. Sau khi tăng ngân sách, Chính phủ Abe sẽ xem xét lại kế hoạch này. Ngoài ra, chính phủ còn dự định cấp một phần kinh phí cho việc cải thiện mức độ hiện đại hóa cho các chiến đấu cơ F-15 để ứng phó với các hành động xâm phạm không phận quần đảo Senkaku của các máy bay Trung Quốc.

Chiến đấu cơ F-15J của Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản.
Chiến đấu cơ F-15J của Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản.
Đông Bình