Trung Quốc muốn chế tạo gì hàng loạt cũng phải "nhìn sắc mặt của Nga"

21/10/2013 08:33
Đông Bình
(GDVN) - Bài báo phỏng đoán, Trung Quốc đã có đột phá về động cơ WS-15, có lợi cho sản xuất hàng loạt máy bay J-20, sẽ chế tạo máy bay V/STOL trong tương lai.
Động cơ chính của máy bay chiến đấu V/STOL Yak-141 là động cơ R-79
Động cơ chính của máy bay chiến đấu V/STOL Yak-141 là động cơ R-79

Ttuần san "Người đưa tin công nghiệp quân sự" Nga, "Aviation Week" Mỹ phỏng đoán, Công nghiệp hàng không quân dụng Trung Quốc đạt được đột phá trong chương trình động cơ WS-15. Máy bay chiến đấu tàng hình J-20 Trung Quốc có triển vọng trang bị loại động cơ nội địa này. Điều này giúp cho việc sản xuất hàng loạt máy bay J-20 thoát khỏi sự lệ thuộc vào động cơ do Nga chế tạo, do đó, Không quân Trung Quốc sẽ có thể nhanh chóng mở rộng lực lượng máy bay chiến đấu tàng hình.

Tuần san "Người đưa tin công nghiệp quân sự" Nga phỏng đoán, hiện nay ít nhất có một máy bay chiến đấu tàng hình mẫu J-20 đã trang bị động cơ WS-15, đồng thời đưa vào thử nghiệm. Loại động cơ này ngoài lực đẩy đủ lớn, nó cũng đã trang bị hệ thống điều khiển điện tử số hóa.

Điều này cho thấy, chương trình động cơ WS-15 của Trung Quốc đã đạt ít nhiều thành công

Tờ "Aviation Week" cho rằng, cùng với tính năng của máy bay J-20, động cơ WS-15 được sự đồng ý của giới công nghiệp động cơ hàng không Trung Quốc. Bài báo phỏng đoán, động cơ hàng không Trung Quốc thực hiện sự "phát triển mang tính nhảy vọt", đặc biệt là đạt được đột phá về công nghệ động cơ máy bay tiêm kích tàng hình, điều này có lợi cho việc xóa bỏ trở ngại sản xuất hàng loạt máy bay chiến đấu J-20.

Hình ảnh động cơ WS-15
Hình ảnh động cơ WS-15

Theo bài báo, hai loại máy bay chiến đấu chủ lực hiện có J-11 và J-10 của Trung Quốc đều sử dụng động cơ AL-31 do Nga sản xuất. Máy bay chiến đấu JF-17 Thunder do Trung Quốc-Pakistan hợp tác nghiên cứu chế tạo cũng phải sử dụng động cơ RD-93, một sản phẩm nâng cấp của động cơ RD-33 dùng cho máy bay MiG-29 của Nga.

Những máy bay chiến đấu này của Trung Quốc muốn tiến hành sản xuất hàng loạt đều phải "nhìn sắc mặt" của Nga - nước cung ứng động cơ. Nhưng, việc sản xuất hàng loạt máy bay chiến đấu J-20 sử dụng động cơ nội địa có hy vọng sẽ thoát khỏi hạn chế này.

Nhà phân tích Minnick thường trú ở khu vực Đông Á của tờ "Tin tức Quốc phòng" Mỹ cho rằng, động cơ WS-15 có lực đẩy khoảng 18 tấn có thể đã định hình, điều này đã đặt nền tảng vững chắc cho Không quân Trung Quốc phát triển lực lượng máy bay chiến đấu tàng hình J-20.

Thoát khỏi nguy cơ "có thể chế tạo, không thể sửa chữa"

Mạng tin tức công nghiệp quân sự Nga cho rằng, Trung Quốc bắt chước đặc điểm kỹ thuật phát lực đầy đủ của động cơ máy bay chiến đấu cất/hạ cánh thẳng đứng Yak-141 do Nga chế tạo, tăng cường lực đẩy cho động cơ dòng WS.

Máy bay chiến đấu tàng hình J-20 Trung Quốc đang được phát triển.
Máy bay chiến đấu tàng hình J-20 Trung Quốc đang được phát triển.

Theo bài báo, năm 1992, nước Nga bị rơi vào khó khăn kinh tế, buộc phải chấm dứt chương trình máy bay chiến đấu cất/hạ cánh thẳng đứng/cự ly ngắn, theo đó, động cơ R-79-300 được chế tạo cho máy bay Yak-141 đã không có cơ hội được sử dụng.

Bài báo phỏng đoán, năm 1996, Nga ký thỏa thuận chuyển nhượng loại công nghệ động cơ này với Trung Quốc, phía Trung Quốc có thể đã có được nguyên mẫu của một động cơ R-79-300. Năm 1998, Nga xuất khẩu bổ sung cho Trung Quốc vòi phun và công nghệ có liên quan của động cơ R-79-300.

Dư luận từng cho rằng, công nghệ cất/hạ cánh thẳng đứng của máy bay chiến đấu Yak-141 mà Trung Quốc quan tâm "không ngờ được công nghệ động cơ của nó trở thành then chốt để động cơ hàng không Trung Quốc đạt được đột phá".

Theo trang mạng tổ hợp công nghiệp quân sự Nga, phía Nga từng cho rằng,  Trung Quốc mặc dù đột phá được công nghệ chế tạo động cơ, họ cũng đối mặt với sự khó xử "có thể chế tạo, không thể sửa chữa", sau khi phát triển được động cơ tiên tiến, việc duy tu bảo dưỡng nó rất khó khăn.

Nhưng, bài báo phỏng đoán, Quân đội Trung Quốc đã ra “chiêu” mới: Bỏ qua Nga, mời Ukraine hỗ trợ trong việc sửa chữa, bảo dưỡng động cơ. Ngay từ năm 1992, Công ty Motor Sich, Ukraine đã hỗ trợ Trung Quốc sửa chữa động cơ AL-31F, sau đó hai bên đi sâu hợp tác, phía Ukraine không chỉ đưa ra phương án sửa chữa động cơ, mà còn có thể giúp Trung Quốc đào tạo nhiều nhân viên sửa chữa, bảo dưỡng động cơ hơn, điều này đã xóa bỏ nỗi lo về sau khi Quân đội Trung Quốc sử dụng hoàn toàn động cơ tự chế tạo.

Binh sĩ Trung Quốc đang lắp động cơ cho máy bay chiến đấu Phi Báo (JH-7)
Binh sĩ Trung Quốc đang lắp động cơ cho máy bay chiến đấu Phi Báo (JH-7)

Đổi sang trang bị toàn bộ động cơ tự chế

Tờ "Bình đẳng quân sự" Nga phỏng đoán, Trung Quốc phát triển động cơ WS-15 nội địa trên nền tảng động cơ R-79-300 sử dụng cho máy bay Yak-141, đánh dấu Trung Quốc đã có sự đột phá quan trọng về động cơ hàng không quân dụng trong nước. Loại động cơ này là một loại trong dòng động cơ WS, phiên bản cải tiến trong tương lai của nó sẽ chủ yếu dùng để trang bị cho máy bay chiến đấu tàng hình J-20.

Bài báo chỉ ra, ngoài việc động cơ WS-15 hỗ trợ cho chương trình J-20, dòng động cơ WS khác có triển vọng hoàn toàn thay thế các động cơ do Nga chế tạo như AL-31F và RD-93.

Chẳng hạn, động cơ WS-10A sẽ dùng để trang bị cho máy bay chiến đấu J-10, động cơ WS-15-1X sẽ dùng để trang bị cho một loại máy bay chiến đấu tàng hình J-1X của Quân đội Trung Quốc, động cơ WS-15CJ sẽ dùng để trang bị cho máy bay chiến đấu cất/hạ cánh thẳng đứng cự ly ngắn do Trung Quốc phát triển.

Động cơ AL-31FN do Nga chế tạo.
Động cơ AL-31FN do Nga chế tạo.
Đông Bình