Trung Quốc xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa để chống ai?

05/02/2013 07:30
Theo VOR
Rõ ràng là hệ thống phòng thủ tên lửa Trung Quốc nhằm bảo vệ trước sự tấn công tên lửa từ các nước láng giềng châu Á đang ở giai đoạn đầu của sự phát triển chương trình tên lửa hạt nhân.  
Trung Quốc đã trở thành nước thứ hai trên thế giới thực hiện được việc đánh chặn tên lửa đạn đạo ở quỹ đạo tầm trung. Điều này đã được Tân Hoa Xã công bố vào cuối tháng Giêng. Sau đây là ý kiến của ông Vasily Kashin, chuyên gia Trung tâm phân tích chiến lược và công nghệ đánh giá hệ thống phòng thủ tên lửa của Trung Quốc.

Hệ thống phòng thủ tên lửa chiến lược là một loại vũ khí đặc biệt. Tên lửa chống tên lửa được thiết kế để bắn hạ các tên lửa xuyên lục địa và tên lửa tầm trung của đối phương, hầu như luôn luôn có chi phí tốn kém hơn so với tên lửa đạn đạo mà nó phải tiêu diệt. Trong khi đó, để tiêu diệt một mục tiêu cần phải bắn hai quả tên lửa hoặc nhiều hơn nữa.
Hệ thống phòng thủ tên lửa thử nghiệm ở Trung Quốc đã sử dụng tên lửa đánh chặn KT-2. KT-2 là tên lửa hạng nặng, dựa trên tên lửa đạn đạo liên lục địa nhiên liệu rắn DF-31. Trung Quốc không công bố số liệu về chi phí các tên lửa chiến lược của mình. Nhưng chúng ta có thể truy cập thông tin về chi phí của các tên lửa tham gia trong hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ.
Tên lửa GBI của Mỹ được sử dụng trong hệ thống phòng thủ tên lửa trên mặt đất GMD có chi phí ban đầu là 70 triệu USD, sau khi thay đổi thiết kế thì lên đến 90 triệu $. Với mức giá như vậy không thể nói đến chuyện mua sắm tên lửa với quy mô lớn. GBI được mua với số lượng rất ít và không phải năm nào cũng mua. Tên lửa không mạnh bằng được thiết kế để đánh chặn các tên lửa tầm trung, được mua với số lượng 20-50 đơn vị mỗi năm. Ngay cả Hoa Kỳ với ngân sách quân sự rất lớn cũng không đủ khả năng để mua nhiều tên lửa đánh chặn. Nếu như Hoa Kỳ không có khả năng cho phép xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa khối lượng lớn thì không có lý do để hy vọng rằng Trung Quốc đủ sức làm việc đó hiện nay.

Hệ thống KT-2 của quân đội Trung Quốc.
Hệ thống KT-2 của quân đội Trung Quốc.

Hệ thống phòng thủ tên lửa chỉ là một phần của hệ thống bảo vệ chống lại các cuộc tấn công tên lửa của đối phương, thường rất tốn kém, nhưng không phải là quan trọng nhất. Sự bảo vệ tốt nhất chống tên lửa đạn đạo vẫn là tấn công phòng ngừa và tiêu diệt các tên lửa trước khi khai trương. Hệ thống phòng thủ tên lửa giá thành siêu cao rất cần thiết để đánh chặn các tên lửa của đối phương không bị phá hủy trên mặt đất và sẽ có thời gian để phóng lên.
Hệ thống phòng thủ tên lửa của Trung Quốc được xây dựng để chống ai? Không chắc là để chống Hoa Kỳ và Nga - kho vũ khí chiến lược của Trung Quốc là quá nhỏ và Trung Quốc không có cơ hội để gây ra thiệt hại đáng kể cho tiềm năng chiến lược Nga và Mỹ.
Như vậy, rõ ràng là hệ thống phòng thủ tên lửa Trung Quốc nhằm bảo vệ trước sự tấn công tên lửa từ các nước láng giềng châu Á đang ở giai đoạn đầu của sự phát triển chương trình tên lửa hạt nhân. Các mục tiêu có khả năng nhất cho hệ thống phòng thủ tên lửa Trung Quốc là Ấn Độ. Lực lượng tên lửa Ấn Độ không lớn, nhưng được xây dựng chủ yếu nhằm kiềm chế Trung Quốc. Người ta cho rằng Ấn Độ có chỉ vài chục đầu đạn hạt nhân. Tuy Ấn Độ đang thực hiện những bước tiến lớn trong việc xây dựng tên lửa đạn đạo tầm trung, nhưng số lượng tên lửa của họ cũng chỉ mới có mấy chục chiếc.


Tuy nhiên cần phải được lưu ý rằng ngay cả các lực lượng này cũng không thể chống đỡ chỉ bằng mỗi hệ thống phòng thủ tên lửa. Tên lửa đạn đạo tinh vi nhất và đắt nhất của Ấn Độ là Agni 5 tầm xa hơn 5000 km, theo chính phủ Ấn Độ thì giá thành chỉ có 9 triệu USD, rẻ gấp 10 so với GBI của Mỹ. Và có lẽ rẻ hơn nhiều lần so với tên lửa KT-2 của Trung Quốc, có thể đảm bảo đánh chặn Agni 5. Hơn nữa, chưa có sự đảm bảo chắc chắn rằng kết quả đánh chặn sẽ là 100%. 

Trung Quốc sẽ phải đầu tư rất lớn cho do thám vũ trụ và do thám phòng không, cũng như hệ thống tấn công phi hạt nhân có khả năng vô hiệu hóa tiềm năng của Ấn Độ. Về phần mình, Ấn Độ sẽ phải thực hiện những nỗ lực để đẩy nhanh sự phát triển hệ thống phòng không mà từ lâu đã bị lãng quên. Ngoài ra, Ấn Độ sẽ cần phải tăng cường nỗ lực để phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia.
Được biết rằng Đài Loan đang thực hiện chương trình phát triển tên lửa đạn đạo tầm trung. Mặc dù căng thẳng giữa hòn đảo này và Hoa lục đã giảm xuống, công việc cải thiện tên lửa của Đài Loan đang được tiến hành. Nếu như trước đây các tên lửa đó có thể đạt đến Thượng Hải, thì bây giờ, theo tuyên bố của Đài Loan, các tên lửa như vậy có thể đe dọa khu vực trung tâm Trung Quốc, và có lẽ đe dọa cả Bắc Kinh.
Hàn Quốc cũng đang thực thi chương trình tên lửa đạn đạo tầm xa lên đến 800 km. Cuối cùng, Pakistan và Bắc Triều Tiên cũng có kho vũ khí với các tên lửa tầm trung và vũ khí hạt nhân. Tuy cả hai nước đều đang có mối quan hệ hữu nghị với Trung Quốc, nhưng với mối đe dọa nghiêm trọng về bất ổn chính trị nội bộ, tương lai không thể đoán trước được.
Không có gì đáng ngạc nhiên khi Trung Quốc vốn ở trong khu vực bất ổn, đã quyết định xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa. Tuy nhiên, chúng ta phải nhớ rằng việc thành lập hệ thống này chắc chắn sẽ kéo theo những nỗ lực của các quốc gia khác trong khu vực để tăng cường tiềm năng chiến lược của mình.
Theo VOR