Ít ai biết người "đầy tớ" của dân này đã có một tuổi thơ "dữ dội". Và điều này, ít nhiều đã làm nên một Vương Đình Huệ như hiện nay.
Tuổi thơ "dữ dội"
Làng chài Xuân Lộc - Nghi Xuân (huyện Nghi Lộc, Nghệ An) như một con cá voi khổng lồ nằm ngay cửa biển. Đây là ngôi làng của Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ. Cũng như bao làng chài ven biển khác, Xuân Lộc cũng đầy hương vị mặn mòi của tôm cá, hai bên đường lưới cá giăng đầy. Nhà bố mẹ ông Huệ nằm ở đầu làng, bình dị với mái ngói thâm nâu ẩn hiện dưới luỹ tre xanh hiền hoà.
Bà Võ Thị Cầm trò chuyện với phóng viên |
Tiếp chúng tôi là một cụ bà khoảng 90 tuổi tóc trắng như mây, nhưng vẫn còn nhanh nhẹn và minh mẫn. Đó là mẹ của Bộ trưởng Vương Đình Huệ, bà Võ Thị Cầm (SN 1922).
Bên chén trà mạn, bà Cầm rơm rớm nước mắt kể cho chúng tôi nghe về một thời khốn khó. Năm 19 tuổi, cô Cầm lấy chồng là ông Vương Đình Sâm ở cùng làng và lần lượt sinh được 8 người con. Bà bảo ngày đó bà làm Đội trưởng Đội bốc xếp Hồng Lam, rồi làm Ban Chấp hành Phụ nữ xã, còn chồng làm công an, rồi bưu chính xã.
Trong một trận không kích của máy bay Mỹ, ông Sâm bị thương ở tay và sau đó lâm bệnh nặng rồi qua đời. Bà Cầm phải vất vả, tảo tần vừa làm mẹ, làm cha để nuôi 8 người con khôn lớn nên người.
Về người con thứ tư Vương Đình Huệ, bà Cầm kể: "Huệ sinh ngày 11.7.1957. Tôi sinh mấy đứa con đứa nào cũng dễ, chỉ có sinh nó là khó nhất, chuyển dạ từ chập tối đến sáng bảnh mắt mới đẻ. Khi sinh nó bé tí nhưng nhờ trời, nó không bệnh tật gì mà chóng lớn…".
Ngày đó, chuyện thiếu ăn đối với gia đình Vương Đình Huệ xảy ra thường xuyên. Không có gạo, bà Cầm phải đi nhặt hạt bo bo về đập giập nấu cháo cho các con ăn. Có những đận chồng và các con ốm đau phải đi viện hàng tháng trời, không còn cách nào khác, bà đã đứt ruột bán Vương Đình Huệ cho một gia đình giàu có để cứu gia đình.
Hai năm sau, khi trận cơ hàn qua đi, bà mới đến nhà người ta chuộc con về. "Bán con là trường hợp bất khả kháng. Những năm tháng xa con, lòng tui khi mô cũng như lửa đốt".
Theo lời kể của bà Cầm, từ năm 6 tuổi, cu Huệ đã phải quần quật làm việc nhà, tìm rau nấu cám cho lợn, cùng anh chị ra biển cào nghêu, bắt ốc, nhặt cá rơi.
Bà Cầm đưa tay quệt nước mắt kể: "Những năm học cấp 1 rồi lên cấp 3, trên người nó lúc nào cũng chỉ độc có 1 cái áo thôi. Lỡ gặp mưa là phải vắt phơi khô để mặc lại. Đói ăn, thiếu mặc nhưng chưa khi mô nó đòi hỏi điều gì. Nó hiểu được nỗi vất vả của mẹ nên hễ đi học về là lại lao ra biển cào nghêu, bắt ốc để đỡ đần mẹ, rồi đi chăn trâu cho người ta kiếm gạo".
Học giỏi nổi tiếng
Tuy sinh ra trong hoàn cảnh nghèo khó, nhưng Vương Đình Huệ nổi tiếng thông minh và học giỏi. Ông Vương Đình Hải - một người bạn học từ thuở vỡ lòng với Huệ, cho biết: "Hồi 5-6 tuổi, Huệ đã biết lấy vỏ ốc để làm phép tính. Anh ấy cũng đầu têu trong mọi trò chơi như đánh trận giả. Đặc biệt, Huệ chơi cờ tướng rất giỏi, thắng được mọi cao thủ ở Nghi Lộc".
GS-TS Vương Đình Huệ sinh ngày 11.7.1957, là Uỷ viên Trung ương Đảng khoá X và XI, ĐBQH Khóa XIII. Trước khi được Quốc hội phê chuẩn làm Bộ trưởng Tài chính vào tháng 8.2011, ông đã trải qua các chức vụ là Phó Tổng Kiểm toán, rồi Tổng Kiểm toán Nhà nước.
Trước đó, ông là giảng viên Trường Đại học Tài chính - Kế toán Hà Nội; nghiên cứu sinh tại Trường Đại học Kinh tế Bratislara, Cộng hòa Slovakia; Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính - Kế toán Hà Nội...
Không những giỏi chơi cờ, từ nhỏ Vương Đình Huệ còn rất ham đọc sách. Nhà nghèo không có tiền mua sách, cậu thường đi mượn sách về nhà đọc và biết cách sưu tầm sách cho riêng mình. Ngay từ năm học cấp 2, Huệ đã xây dựng cho mình được một kệ sách hơn 100 cuốn về các tác phẩm văn học nổi tiếng trên thế giới và sách toán học…
Từ cấp 1 đến cấp 3, năm nào Vương Đình Huệ cũng là học sinh giỏi toàn diện và gặt hái được nhiều giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi các cấp. Cô giáo Ngô Mai Sừ - Chủ nhiệm lớp 10C Trường cấp III Nghi Lộc 1, nay đã nghỉ hưu ở TP.Vinh vẫn rất tự hào khi kể về cậu học trò Vương Đình Huệ.
Cô tâm sự: "Vương Đình Huệ là học trò cưng của tôi. Cậu ấy ngoan và học giỏi toàn diện, không những toán, văn mà các môn khác đều giỏi. Huệ rất thông minh, tính toán nhanh và thường đưa ra những cách giải độc đáo đến các thầy cô giáo dạy giỏi đều ngỡ ngàng".
Thầy giáo Hoàng Văn Thái- Hiệu trưởng Trường THPT Nghi Lộc 1- là người bạn học những năm cấp 3 với Vương Đình Huệ, cho biết: "Huệ học giỏi không những nổi tiếng ở Nghi Lộc mà cả tỉnh Nghệ An. Năm lớp 10 (năm 1974), lúc đó cả tỉnh đang khó khăn mà nó vẫn được tỉnh Nghệ An tặng cho chiếc xe đạp về thành tích học tập thì phải biết độ siêu về học hành của nó thế nào rồi. Bây giờ dạy học trò, chúng tôi vẫn nhắc nhở các em về tấm gương Vương Đình Huệ”.
Nói về việc học của con trai Vương Đình Huệ, bà Cầm chỉ vào góc nhà phía tây nhớ lại: "Huệ nó chăm học lắm, có nhiều lúc nó chong đèn học thâu đêm. Những khi đèn dầu hết, nó học nhờ ánh trăng và bắt chước người xưa bắt đom đóm bỏ vào quả cà rỗng để học. Có hôm nó học khuya quá, thương con, nhà còn nắm gạo, tui nấu cháo cho nó nhưng nó không chịu ăn. Nó bảo mẹ ăn đi mà lấy sức, con không đói đâu. Nó bê cháo đến nài cho mẹ ăn làm tui cảm động cứ ôm lấy con mà khóc”.
“Yêu dân thì dân sẽ yêu”
8 người con, chồng bị thương và đau yếu bệnh tật thường xuyên không làm được việc nặng, nên mọi gánh nặng gia đình đều đổ lên đôi vai gầy của bà Cầm. Từ ngày lấy chồng cho đến khi con cái trưởng thành, bà chưa được một giây phút nghỉ ngơi.
Những năm tháng cơ hàn ấy, bà chỉ mặc manh áo vá, còn những thứ lành lặn, bà nhường hết cho chồng, cho con. Tuy vất vả cơ hàn thế, nhưng bà không hề kêu ca lấy nửa lời, luôn thương chồng, yêu con hết mực và giữ cho gia phong trong ấm ngoài êm được xóm làng ca ngợi.
Ông Nguyễn Thanh Hải - Phó Chủ tịch UBND xã Nghi Xuân, hàng xóm với bà Cầm cho biết: "Bà Cầm là người đức độ, thương chồng, yêu con và sống tốt với anh em làng xóm.
Tuy vất vả nuôi 8 người con trong nghèo khó, nhưng cách nuôi dạy con của bà thật tuyệt vời. Đứa nào cũng ngoan ngoãn hiền lành và học giỏi".
Tuy vất vả nuôi 8 người con trong nghèo khó, nhưng cách nuôi dạy con của bà thật tuyệt vời. Đứa nào cũng ngoan ngoãn hiền lành và học giỏi".
Hỏi bà Cầm về bí quyết nuôi con, bà cười: "Bí quyết chi mô, nghèo chữ quá nên trọng người hay chữ, phải bóp bụng mà nuôi con thành ông Trạng, ông Nghè thôi". Quan niệm như vậy, nên dẫu đói nghèo nhưng cả 8 người con (5 trai, 3 gái) đều được bà cho ăn học đến nơi đến chốn và thành đạt.
Trong 8 người con của bà thì người con trai thứ hai Vương Đình Ngọc đã hy sinh năm 1973 ở chiến trường miền Nam, mãi đến năm 2010 vừa qua, đồng đội đã tìm được hài cốt đưa về cho mẹ. “Mất con ai chả đau nhưng nó hy sinh vì Tổ quốc nên mẹ cũng được an ủi và tự hào. Bây giờ con đã về, mẹ cũng mãn nguyện rồi. Có thể an tâm nhắm mắt được rồi” - bà Cầm xúc động nói.
Tiếp chuyện với chúng tôi, bà Cầm vẫn thường dẫn những câu tục ngữ, châm ngôn, thơ để minh họa cho lời nói. Bà cho biết, các tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du, Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn - Đoàn Thị Điểm, Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều, bà đều thuộc làu và có thể đọc ngược. “Có lẽ, đây cũng là những điều đã ảnh hưởng đến một Vương Đình Huệ sau này- một người vừa giỏi toán, vừa biết làm thơ rất hay”- cô giáo Ngô Mai Sừ nói.
Năm nay đã 90 tuổi, nhưng bà Cầm vẫn ham đọc sách, xem ti vi và theo dõi những diễn biến thời cuộc của đất nước. Khi được hỏi cảm nghĩ của mình về người con làm Bộ trưởng Tài chính hiện nay, bà nói: "Con cái thành đạt, ai cũng tự hào. Nhưng đã làm "đầy tớ" của dân thì phải làm cho hết lòng. Yêu lấy dân thì dân sẽ yêu lại. Tôi vẫn thường dặn mỗi khi Huệ về thăm nhà".
Theo Tiến Dũng/Nông thôn ngày nay