Tương tác Putin với Kim Jong-un, Tập Cận Bình sẽ cho thấy sức mạnh của Nga

02/04/2015 07:47
Hồng Thủy
(GDVN) - Tương tác giữa Putin với Tập Cận Bình và Kim Jong-un sẽ cho thấy mức độ những nỗ lực liên tục của Nga để tăng cường quyền lực cho mình ở Thái Bình Dương.
Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Tổng thống Nga Vladimir Putin.

The Moscow Times ngày 1/4 đăng bài phân tích của Peter J. Marzalik, một cây bút tự do nghiên cứu chính sách an ninh đại học George Washington cho rằng, trong lúc quan hệ của Nga với phương Tây sụt giảm xuống mức thấp nhất do những xung đột âm ỷ ở miền Đông Ukraine, Moscow đang tiếp tục trục hướng Đông của mình thông qua việc tìm kiếm quan hệ đối tác chiến lược với Bắc Triều  Tiên.

Những nỗ lực gần đây về hợp tác song phương ngày càng trở nên chặt chẽ hơn trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế và quân sự. Điều này cho thấy Nga muốn tăng cường sức mạnh ở Thái BÌnh Dương và tiếp tục thách thức phương Tây trên phạm vi toàn cầu. Ngày 17/3 Điện Kremlin chính thức xác nhận, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ tới Moscow trong tháng 5, đây là chuyến xuất ngoại đầu tiên của ông kể từ khi lên nắm quyền.

Kim Jong-un là một trong 68 nguyên thủ quốc gia được Tổng thống Nga Vladimir Putin mời đến dự kỷ niệm 70 năm Liên Xô đánh bại phát xít Đức trong Thế chiến thứ II, mặc dù chỉ có 26 nhà lãnh đạo xác nhận sẽ tham dự. Một số nhà phân tích cho rằng, lời mời của Putin với Kim Jong-un chủ yếu là một cử chỉ tượng trưng. Lễ kỷ niệm này là một cơ hội để ông phô trương uy tín quốc tế của mình và giới thiệu vai trò toàn cầu của Nga.

Hơn nữa sự xuất hiện cùng nhau của Putin và Kim Jong-un, người đứng đầu 2 quốc gia là mục tiêu trừng phạt kinh tế của phương Tây cũng có thể tạo ra một hình ảnh khiêu khích "đoàn kết chống phương Tây". Tuy nhiên những người khác tin rằng đã có một chính sách đối ngoại rõ ràng thực dụng hơn của Nga.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Tiến sĩ Leonid Petrov, một giáo sư nghiên cứu châu Á đại học Quốc gia Úc cho rằng, Bắc Triều Tiên là một người bạn "thuận tiện" cho Moscow, đó là cùng chống Mỹ và Bình Nhưỡng là một phần quan trọng của châu Á. Nga đã mất nhiều đồng minh truyền thống và bạn bè, giờ đây Moscow cần có đồng minh, kể cả về kinh tế lẫn chính trị.

Về khả năng Kim Jong-un thăm Moscow sẽ có ý nghĩa nhiều hơn chỉ là một "hoạt cảnh sân khấu chính trị". Nga đang phối hợp thực hiện một nỗ lực làm tăng ảnh hưởng của mình ở Thái Bình Dương. Kim Jong-un thăm Nga đầu tiên chứ không phải Trung Quốc cũng không có gì đáng ngạc nhiên. Trong vài năm qua quan hệ giữa Bình Nhưỡng và Bắc Kinh đã xấu đi do sự phản đối mạnh mẽ hơn từ Trung Quốc đối với chương trình hạt nhân của Triều Tiên.

Bắc Triều Tiên và Nga chia sẻ một lịch sử ngoại giao lâu dài. Người sáng lập CHDCND Triều Tiên Kim Nhật Thành từng phục vụ trong quân đội Liên Xô, được đào tạo đặc biệt tại Liên Xô trong những năm 1940. Trong chiến tranh, Liên Xô đã trở thành ân nhân chính của Bình Nhưỡng cho đến năm 1991. Sau đó dù Trung Quốc trở thành nhà viện trợ của Bắc Triều Tiên, nhưng cố Chủ tịch Kim Jong-il vẫn thỉnh thoảng tới Moscow, kể cả chuyến thăm 1 tháng trước khi qua đời năm 2011.

Khoảng cách quan hệ Trung - Triều ngày càng lớn cho Nga cơ hội thúc đẩy sự hiện diện của họ tại châu Á ngay cả khi đang bị lôi vào miền Đông Ukraine. Putin đã chiếm thế chủ động chiến thuật một lần nữa. Năm 2012 Nga lần đầu tiên đồng ý xóa 90% nợ cho Triều Tiên từ thời Liên Xô, với tổng số tiền là 10 tỉ USD. Moscow còn tái đầu tư vào các dự án năng lượng, y tế, giáo dục giữa 2 nước.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Tháng 10 năm ngoái Nga công bố một liên doanh xây dựng hệ thống đường sắt ở Bắc Triều Tiên trong vòng 20 năm tới, đổi lại Moscow sẽ được quyền tiếp cận các nguồn tài nguyên khoáng sản. Hợp tác khác đang được xem xét bao gồm chia sẻ các khu vực phát triển tiên tiến để thúc đẩy trao đổi thương mại song phương. Một đường ống dẫn khí đốt sinh lời qua Bắc Triều Tiên có thể cung cấp trực tiếp khí đốt của Nga cho Hàn Quốc.

Rõ ràng là Nga đang tăng cường ảnh hưởng của mình ở châu Á, tập trung vào khai thác thị trường năng lượng ngoài châu Âu để giữ vững nền kinh tế Nga trước các lệnh trừng phạt của pương Tây thông qua "thả giá dầu".

Bình Nhưỡng đã rất hoan nghênh Moscow khi tuyên bố năm 2015 là năm hữu nghị đặc biệt Nga - Triều. Đáng chú ý hơn, tháng trước Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Nga Valery Gerasimov cho biết, Nga và Triều Tiên có cuộc diễn tập quân sự chung, một động thái phản ứng lại tập trận chung Mỹ - Hàn hàng năm.

Sự tương tác giữa Putin với Tập Cận Bình và Kim Jong-un sẽ cho thấy mức độ những nỗ lực liên tục của Nga để tăng cường quyền lực cho mình ở Thái Bình Dương trước sự thất vọng của phương Tây.

Hồng Thủy