Bloomberg ngày 13/3 đưa tin cho biết, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đang chuyển hướng thúc đẩy phát triển quan hệ với Nga, trong khi vẫn giữ vững nền tảng quan hệ với Trung Quốc.
Mối quan hệ giữa Moscow và Bình Nhưỡng gần đây đã đạt được nhiều dấu hiệu tích cực. Kim Jong-un được cho là đã đồng ý thăm Nga vào tháng 5 tới. Đây có thể sẽ là chuyến công du đầu tiên của ông Kim ra nước ngoài, một động thái được giới phân tích cho là khác so với tiền lệ các nhà lãnh đạo trước của Triều Tiên thường chọn Trung Quốc làm nơi thăm viếng đầu tiên khi lên cầm quyền.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. |
Sự thắt chặt quan hệ giữa Nga và Triều Tiên nhìn bề ngoài tưởng như xuất phát một phần từ việc cùng chung sự thù địch đối với Mỹ trong bối cảnh Nga đang cần thêm đồng minh mới sau sự kiện sáp nhập Crimea, còn Bình Nhưỡng cảm thấy được bảo vệ trước khả năng hỗ trợ của Moscow, Leonid Petrov, một giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Quốc gia Australia về châu Á và Thái Bình Dương cho biết.
Nhưng theo Bloomberg, điểm mấu chốt trong quan hệ Nga-Triều Tiên hiện nay là lợi ích kinh tế. Triều Tiên muốn thúc đẩy quan hệ với Moscow để ổn định và phát triển nền kinh tế của mình, trong khi Nga cần tìm kiếm thị trường mới thay thế châu Âu.
Chính phủ Nga đã hứa hẹn sẽ giúp Triều Tiên xây dựng các cơ sở hạ tầng, tăng sản lượng bán than, dầu, gỗ cho Bình Nhưỡng. Hai nước cũng đã thành lập một hội đồng thương mại Nga-Triều Tiên để thúc đẩy đầu tư từ Nga. Hai nước cũng tuyên bố năm 2015 là Năm hữu nghị Nga-Triều Tiên.
Hơn nữa, thắt chặt quan hệ với Nga có thể đem lại động lực cho nền kinh tế Triều Tiên đang có dấu hiệu hồi phục. Triều Tiên đang sản xuất nông nghiệp thuận lợi chưa từng có, Joel Wit, một thành viên cao cấp tại Viện Hàn Quốc-Mỹ tại Trường Nghiên cứu Quốc tế cấp cao thuộc Đại học Johns Hopkins cho biết thêm.
Ngoài ra, các số liệu mới thu thập được cũng cho thấy chất lượng cuộc sống của Bình Nhưỡng đang tăng, người dân đang được tiếp cận với nhiều hàng hóa tiêu dùng hơn trước, Charles Armstrong, một giáo sư nghiên cứu Triều Tiên tại Đại học Columbia cho biết.
Bên cạnh đó, những tiến bộ của chương trình hạt nhân cũng giúp Triều Tiên cảm thấy tự tin hơn, chuyên gia Wit nói.
Tuy nhiên, cũng có những giới hạn đối với kỳ vọng của Bình Nhưỡng từ Nga. Không giống như những năm 1950, Tổng thống Vladimir Putin không phải là người hào phóng như Stalin - Andrei Lankov, giáo sư tại Đại học Kookmin ở Seoul nói. Sẽ không còn chuyện cho vay giá rẻ hay miễn phí trong chính quyền Putin vì ông không muốn chi tiền cho Bình Nhưỡng chọc tức người Mỹ hay phương Tây./.