Tướng Trung Quốc đòi "trả đũa" Singapore

01/10/2016 06:38
Hồng Thủy
(GDVN) - Ông Nam cũng cho thấy sự "cay cú" trước thái độ thượng tôn pháp luật của Singapore, quốc đảo này tuy bé nhưng không dễ khuất phục, cũng chẳng thể mua chuộc.

South China Morning Post ngày 1/10 đưa tin, giáo sư Kim Nhất Nam cố vấn quốc phòng có tầm ảnh hưởng ở Trung Quốc lon Thiếu tướng, đã kêu gọi Bắc Kinh trả đũa chống lại lập trường của Singapore ở Biển Đông.

Ông Nam muốn Bắc Kinh phải làm cho quốc đảo Sư tử phải "trả giá cho sự tổn hại nghiêm trọng lợi ích của Trung Quốc".

Bình luận của ông Kim Nhất Nam như đổ thêm dầu vào lửa giữa những lời chỉ trích gay gắt của Trung Quốc về các phát biểu của Singapore bảo vệ Phán quyết Trọng tài.

Kim Nhất Nam là Giám đốc Viện Nghiên cứu chiến lược Học viện Quốc phòng Trung Quốc. Cuối ngày thứ Năm đã cáo buộc Singapore "tích cực quốc tế hóa vấn đề Biển Đông" những năm gần đây khi trả lời phỏng vấn đài Tiếng nói Trung Quốc.

Ông Kim Nhất Nam, ảnh: SCMP.
Ông Kim Nhất Nam, ảnh: SCMP.

Viên tướng này cho rằng, Singapore đã khuyên Washington về vấn đề này, khuấy động cuộc xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc:

"Trung Quốc phải trả đũa Singapore là việc không thể tránh khỏi, và không chỉ trả đũa trên mặt trận dư luận.

Với những gì Singapore đã làm cho đến nay, chúng ta có thể làm điều gì đó, có thể là trả đũa hay xử phạt. Chúng ta phải thể hiện sự bất mãn của mình."

Kim Nhất Nam xác nhận với South China Morning Post, ông đã nói những điều này với đài Tiếng nói Trung Quốc.

Kim Nhất Nam là thành phần của đoàn Trung Quốc tham dự Đối thoại Shangri-la hàng năm ở Singapore trong 2 năm qua.

Chứng minh cho nhận định của mình, Kim Nhất Nam nói rằng Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã dành toàn bộ bài phát biểu một giờ của ông tại Đối thoại Shangri-la năm ngoái để nói về Biển Đông:

"Tên đầy đủ của Đối thoại Shangri-la là gì? Có phải là Hội nghị thượng đỉnh an ninh châu Á? Hiện tại có rất nhiều chủ đề về an ninh châu Á, bao gồm mất cân bằng trong phát triển, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, khủng bố, sắc tộc...

Nhưng tất cả những vấn đề này đã bị bỏ qua và chỉ tập trung vào tranh chấp Biển Đông. Ai thiết lập một chủ đề chính như vậy?"

Kim Nhất Nam cho rằng chính phủ Singapore phối hợp tổ chức diễn đàn này với Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, đã đóng vai trò quan trọng trong việc đưa Biển Đông vào chương trình nghị sự.

Viên tướng này còn chỉ trích cả cố Thủ tướng Lý Quang Diệu rằng, chính ông Diệu đã khuyên Tổng thống Barack Obama khiến Washington thực hiện chiến lược "xoay trục" sang châu Á - Thái Bình Dương.

Theo viên tướng này, cố Bắc Kinh đã không còn mấy tôn trọng cố Thủ tướng Lý Quang Diệu. Kim Nhất Nam nói:

"Chúng tôi hiểu Singapore cần phải tồn tại giữa các nước lớn. Nhưng bây giờ Singapore không tìm kiếm sự cân bằng giữa các nước lớn, mà xúi các nước lớn đối đầu với nhau. Điều này không khác gì chơi với lửa."

Tướng Trung Quốc đòi "trả đũa" Singapore ảnh 2

Thủ tướng Singapore: Không thể để luật rừng thay luật pháp ở Biển Đông

(GDVN) - Nếu không có quy tắc quốc tế về pháp luật mà chỉ là luật rừng, những nước lớn sẽ làm những gì họ muốn, còn những nước nhỏ yếu phải chịu.

Trong cuộc phỏng vấn, Kim Nhất Nam chất vấn Singapore, tại sao cho Mỹ sử dụng căn cứ hải quân Changi, liệu Singapore có còn trung lập giữa Trung Quốc với Hoa Kỳ.

Bằng cách mở cửa căn cứ hải quân này đón Mỹ, Singapore đã giúp Washington có thể thiết lập một sự hiện diện ở khu vực quan trọng đối với hoạt động nhập khẩu năng lượng của Trung Quốc.

"Singapore tuyên bố họ là một quốc gia không liên kết, và căn cứ hải quân Changi là một cảng mở. Nhưng tại sao các bạn không mời hải quân Trung Quốc truy cập?" Kim Nhất Nam đặt câu hỏi. [1]

Cá nhân người viết cho rằng, ông Kim Nhất Nam đưa ra những nhận định vô lý, trịch thượng kẻ cả trong quan hệ quốc tế để dọa dẫm Singapore là một điều khó có thể chấp nhận.

Tất cả những phát biểu và hành động của Singapore cho đến nay chỉ nhằm bảo vệ tự do hàng hải hàng không, hòa bình, ổn định dựa trên trật tự và luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982 và Phán quyết Trọng tài vụ kiện Biển Đông.

Singapore hoàn toàn trung lập, không đứng về phía quốc gia nào trong các bên tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.

Tư duy của viên tướng này là tư duy thời Chiến tranh Lạnh, khi thấy Trung Quốc vừa có chút thực lực sau khi được hưởng hơn 30 năm hòa bình sau Chiến tranh Thế giới II để phát triển, đã bắt đầu tìm cách dương vây.

Phát biểu của ông Nam cũng cho thấy sự "cay cú" trước thái độ thượng tôn pháp luật của Singapore, quốc đảo này tuy bé nhưng không dễ khuất phục, cũng chẳng thể mua chuộc như một số nước khác để ngăn cản đưa căng thẳng, khủng hoảng Biển Đông vào các diễn đàn khu vực.

Khi không ngăn được Singapore bảo vệ luật pháp quốc tế ở Biển Đông, thì một số học giả, kênh truyền thông Trung Quốc như ông Nam tỏ ra cay cú, bất mãn và đòi "trừng trị".

Trong khi hiện nay đã là thời kỳ của "thế giới phẳng", các quốc gia, các nền kinh tế có mối quan hệ tương hỗ, phụ thuộc lẫn nhau chặt chẽ.

Bất luận một "biện pháp trừng phạt" nào Bắc Kinh có thể đưa ra theo tham mưu của những cái đầu bốc hỏa như Kim Nhất Nam chỉ làm mất cơ hội của Trung Quốc, và cơ hội ấy dành cho các nước khác, trong đó có các nước ASEAN.

Singapore tuy nhỏ về diện tích và quy mô dân số, nhưng vị thế, ảnh hưởng, lập trường và tư duy của họ không nhỏ. Singapore không phải con nợ của Trung Quốc, càng không phải đối tượng dễ bắt nạt.

Câu hỏi của ông Nam, tại sao quốc đảo Sư tử mở cửa căn cứ quân sự Changi cho Mỹ mà lại không cho Trung Quốc truy cập thật là nực cười.

Nó không chỉ phản ánh thái độ trịch thượng, mà còn cho thấy rõ nhận thức hời hợt của một người làm nghiên cứu về chiến lược.

Về nguyên tắc, Singapore có thể tuyên bố Changi là một cảng mở, nhưng không có nghĩa ai thích vào thì vào. Đó là chủ quyền quốc gia, là an ninh chiến lược.

Tại sao ông Nam không đặt câu hỏi ngược lại, mời các nước vào thăm quan căn cứ hải quân Du Lâm, Tam Á ở đảo Hải Nam, nơi đặt các tàu ngầm, tàu chiến chiến lược uy hiếp an ninh Biển Đông để giảm bớt lo ngại, căng thẳng trong khu vực?

Người viết không tin các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ nghe theo các ý kiến tham mưu kiểu này, bởi nó hủy hoại ghê gớm hình ảnh của Trung Quốc.

Nhưng việc tuyên truyền của những người như ông Nam có thể kích động và nuôi dưỡng chủ nghĩa dân tộc cực đoan bên trong Trung Quốc.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://www.scmp.com/news/china/diplomacy-defence/article/2024158/chinese-defence-adviser-turns-heat-singapore-over-south

Hồng Thủy