Học giả Trung Quốc giải thích tại sao láng giềng mua nhiều vũ khí phương Tây

30/09/2016 14:59
Hồng Thủy
(GDVN) - Không có quốc gia nào chung biên giới với Trung Quốc có thể đuổi kịp Trung Quốc (về chi tiêu quân sự).

Thời báo Hoàn Cầu ngày 30/9 có bài phân tích lý giải tại sao các nước láng giềng Trung Quốc sẵn sàng mua sắm vũ khí của phương Tây.

Một số học giả Trung Quốc nói với Thời báo Hoàn Cầu, nguyên nhân chủ yếu do bất ổn tại Trung Đông và lo ngại của các nước láng giềng với sự "trỗi dậy" của Trung Quốc.

Tuần trước, Ấn Độ đã ký thỏa thuận với Pháp để mua 36 chiếc máy bay chiến đấu Rafale tổng trị giá 8,82 tỉ USD. Các máy bay này có thể mang đầu đạn hạt nhân chiến thuật, tăng khả năng răn đe hạt nhân cho Ấn Độ.

Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stokhholm, Ấn Độ là nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới.

New Delhi đã chi khoảng 100 tỉ USD cho các hệ thống phòng thủ từ khi Thủ tướng Narendra Modi lên nắm quyền năm 2014.

10 quốc gia nhập khẩu vũ khí nhiều nhất trong giai đoạn 2011-2015 thì có 9 nước thuộc châu Á - Thái Bình Dương. 

Ông Tống Trung Bình bình luận trên đài Phượng Hoàng. Ảnh: v.ifeng.com.
Ông Tống Trung Bình bình luận trên đài Phượng Hoàng. Ảnh: v.ifeng.com.

Tống Trung Bình, một nhà nghiên cứu từ Bắc Kinh nói với Thời báo Hoàn Cầu: Đa số các nước châu Á không có ngành công nghiệp quốc phòng toàn diện và phát triển.

Tuy nhiên họ có nền tảng kinh tế tốt, nên họ sẵn sàng mua vũ khí từ các nước phát triển phương Tây thay vì bỏ thời gian, tiền của để tự nghiên cứu, phát triển.

Ông Bình lưu ý, có hai nguyên nhân thúc đẩy các hợp đồng mua bán vũ khí ở châu Á. Đó là sự hỗn loạn tại Trung Đông và những lo ngại của các láng giềng Trung Quốc, xung quanh sự trỗi dậy của nước này.

Ấn Độ sẽ triển khai những máy bay mua của Pháp tại khu vực biên giới tranh chấp với Pakistan và Trung Quốc.

Ngoài Ấn Độ, các nước láng giềng khác của Trung Quốc nằm trong danh sách 10 nước nhập khẩu vũ khí nhiều nhất giai đoạn 2011 - 2015 có Việt Nam và Hàn Quốc. Ông Bình lý giải:

"Do tranh chấp Biển Đông và sức mạnh ngày càng tăng của hải quân Trung Quốc, các nước như Việt Nam và Philippines đang rất lo ngại.

Nhưng Hoa Kỳ đã không giúp Trung Quốc giải quyết vấn đề một cách hòa bình.

Chính phủ và truyền thông Mỹ đang thổi phồng thuyết "mối uy hiếp từ Trung Quốc" nhằm thuyết phục các nước châu Á rằng, Trung Quốc có ý tấn công họ."

Học giả Trung Quốc giải thích tại sao láng giềng mua nhiều vũ khí phương Tây ảnh 2

Ông Tập Cận Bình tăng răn đe hạt nhân, Trung Quốc thành mối lo hiện hữu với Mỹ

(GDVN) - Thách thức từ Trung Quốc có thể mang bóng dáng của một thách thức quân sự với những dấu hiệu rất rõ ở Biển Đông.

Hua Liming, cựu Đại sứ Trung Quốc tại Iran và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) nói với Thời báo Hoàn Cầu, Mỹ và Nga không muốn giải quyết dứt điểm vấn đê Trung Đông còn để bán vũ khí.

"Khi tôi còn là Đại sứ tại UAE, tôi thường thấy các nhà lãnh đạo từ Anh và Pháp thường xuyên đến rao bán vũ khí của họ.

Cả Nga và Mỹ nay đang mệt mỏi vì cuộc chiến Syria đang diễn ra, nhưng không thể dừng lại."

Ảnh hưởng từ các tập đoàn vũ khí của 2 nước là một nguyên nhân, nhưng điều đó cũng khiến Nga và Mỹ sẽ tiếp tục phải gánh chi phí chiến tranh ngày một gia tăng. [1]

Cá nhân người viết cho rằng, đánh giá của ông Tống Trung Bình về các nước láng giềng mua vũ khí trang bị của các nước phương Tây có nguyên nhân là do Trung Quốc, là đã nhìn thẳng vào "một phần" sự thật.

Tuy nhiên, ông phủ nhận mối đe dọa hoặc mối uy hiếp từ Trung Quốc và gán cho nó cái mũ "tuyên truyền" của Mỹ và phương Tây là không chính xác.

Chính phủ hay truyền thông Mỹ không thể bịa đặt thông tin Trung Quốc kéo giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam năm 2014 hạ đặt bất hợp pháp và gây căng thẳng.

Họ cũng không thể bịa đặt thông tin Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo và quân sự hóa bất hợp pháp ở Trường Sa, Khánh Hòa, Việt Nam. Mối đe dọa ấy là có thật.

Tuy nhiên, phòng thủ và bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia là việc hết sức bình thường, nhất là trong một môi trường an ninh đầy biến động, bất ổn khó lường.

Việt Nam hay các nước trong khu vực như Philippines có mua sắm vũ khí trang bị cũng chỉ để tự vệ, không nhằm đe dọa bất cứ ai.

Nói theo Tiến sĩ Bonnie Glaser từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược quốc tế, tranh chấp Biển Đông thúc đẩy các hợp đồng mua bán vũ khí ở châu Á là sự thật.

Nhưng các nước láng giềng Trung Quốc sẽ không thể theo kịp tốc độ hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc cũng là một sự thật. Do đó theo bà:

"Họ muốn có một lựa chọn khác hơn là cảm thấy rằng chỉ cần thích nghi với Trung Quốc, mà họ không đủ khả năng, ngay cả khi họ gia tăng mua sắm vũ khí.

Không có quốc gia nào chung biên giới với Trung Quốc có thể đuổi kịp Trung Quốc (về chi tiêu quân sự). Hãy nhìn vào chi tiêu quân sự của Bắc Kinh.

Vì vậy các nước (láng giềng Trung Quốc) sẽ phải tìm thêm những cách thức sáng tạo. Họ chắc chắn có thể nâng cao khả năng của mình." [2]

Học giả Trung Quốc giải thích tại sao láng giềng mua nhiều vũ khí phương Tây ảnh 3

Việt Nam - Philippines cùng ASEAN bảo vệ hòa bình, ổn định Biển Đông

(GDVN) - Trong con mắt Trung Quốc và Hoa Kỳ, Philippines, thậm chí cả Việt Nam là những quân cờ mà họ rất muốn lợi dụng để chống lại đối phương.

Theo người viết, hợp tác giữa các nước láng giềng Trung Quốc với nhau, với ASEAN và các nước có lợi ích ở Biển Đông để bảo vệ hòa bình, ổn định và luật pháp quốc tế ở Biển Đông cũng là một lựa chọn.

Vấn đề thứ hai bài báo này nêu ra, dường như là chỉ có Mỹ và Nga thao túng thị trường vũ khí toàn cầu, nguyên nhân của các cuộc xung đột nóng bỏng tại Trung Đông mà lờ đi chính Trung Quốc cũng đang muốn tham gia và tăng thị phần.

Bởi cũng theo Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm được VOA trích dẫn, Siemon Wezeman, một nhà nghiên cứu cao cấp của trung tâm này đánh giá:

Trung Quốc đang tích cực thúc đẩy xuất khẩu vũ khí. Rất nhiều mặt hàng vũ khí Trung Quốc đã có mặt tại các nước có quan hệ tốt với Bắc Kinh, ví dụ như Pakistan, Bangladesh, Myanmar.

Trung Quốc hiện là nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ 3 thế giới sau Mỹ và Nga. Bắc Kinh chiếm gần 6% tổng số vũ khí xuất khẩu toàn cầu giai đoạn 2011 - 2015. [2]

Business Standard ngày 30/9 cho biết, chỉ 5 năm trước Mỹ và Trung Quốc chia sẻ thị phần tương đương trong lượng vũ khí nhập khẩu của Pakistan, lần lượt là 39% và 38%.

Nhưng hiện tại, Trung Quốc đang chiếm 63% vũ khí nhập khẩu của Pakistan và Hoa Kỳ giảm xuống còn 19%.

Ông Tống Trung Bình phàn nàn Mỹ "không giúp Trung Quốc", ngược lại còn "thổi phồng uy hiếp từ Trung Quốc".

Chắc hẳn ông cũng biết tháng trước, Pakistan xác nhận hợp đồng mua 8 tàu ngầm thông thường của Trung Quốc với chi phí từ 4 đến 5 tỉ USD.

Điều đáng nói là những tàu ngầm này có thể khởi động tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân, đánh trả các tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm Ấn Độ. [3]

Chưa kể đến Thái Lan, Campuchia cũng đang trở thành khách hàng của vũ khí Trung Quốc.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://www.globaltimes.cn/content/1009300.shtml

[2]http://www.voanews.com/a/china-arms-exports-double/3212411.html

[3]http://www.business-standard.com/article/international/behind-pakistan-s-military-confidence-china-s-growing-shadow-116093000130_1.html

Hồng Thủy