Việt Nam có thể khai thác được gì từ chuyến thăm của Tổng thống Mỹ?

16/05/2016 06:59
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết
(GDVN) - Mỹ là nước duy nhất có thể lập lại trật tự trên Biển Đông trước hành động leo thang của Trung Quốc. Do đó Việt Nam nên tận dụng tối đa.

LTS: Nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết – nguyên Đại biểu Quốc hội gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài phân tích một số khía cạnh trong quan hệ Việt - Mỹ và những gì Việt Nam nên khai thác, tận dụng từ chuyến đi này để phục vụ sự nghiệp bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và phát triển đất nước.

Xin trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc bài viết này của Giáo sư.

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, ảnh: NMT.
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, ảnh: NMT.

Theo thông báo của Bộ Ngoại giao, từ ngày 23/5 đến 25/5 Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ thăm chính thức Việt Nam. Đây là vị Tổng thống đương nhiệm thứ 3 trong 3 nhiệm kỳ liên tiếp thăm chính thức Việt Nam và thời gian diễn ra chuyến thăm khá dài.

Nó cho thấy sự coi trọng quan hệ Việt - Mỹ từ phía Chính phủ Hoa Kỳ, đồng thời cũng mở ra những cơ hội mới để tăng cường hợp tác giữa hai nước trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là an ninh hàng hải, kinh tế thương mại và giáo dục.

Tan sương đầu ngõ

Cá nhân tôi khá bất ngờ và cảm thấy thú vị về việc các nhà lãnh đạo cao nhất của nước Mỹ như Tổng thống Bill Clinton trước đây khi thăm Việt Nam năm 2000, hay Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden khi chủ trì tiệc chiêu đãi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Hoa Kỳ năm ngoái đã "lẩy" những câu Kiều rất giàu ý nghĩa, hợp cảnh, hợp tình.

Điều đó cho thấy người Mỹ rất hiểu Việt Nam và mong muốn phát triển quan hệ tốt đẹp với Việt Nam.

Nếu chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Bill Clinton có thể xem như chuyến phá băng trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, hai đất nước vì những nguyên nhân lịch sử từng ở hai đầu chiến tuyến, Tổng thống George W. Bush thăm chính thức Việt Nam năm 2006 khi quan hệ hai nước đã có một bước tiến khá dài về hợp tác kinh tế - thương mại, thì chuyến thăm Việt Nam lần này của Tổng thống Barack Obama sau 2 người tiền nhiệm liên tiếp là một bước ngoặt.

Bước ngoặt ấy thể hiện ở chỗ nó diễn ra sau khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Hoa Kỳ năm ngoái. Lần đầu tiên Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam hiện diện tại Phòng Bầu dục, Nhà Trắng trên cương vị quốc khách của đương kim Tổng thống Hoa Kỳ theo lời mời của Tổng thống Obama.

Hai chuyến đi này cho thấy, Mỹ tôn trọng sự lựa chọn thể chế của Việt Nam và hai chế độ, hai nhà nước hoàn toàn có thể hợp tác.

Hai chuyến thăm thể hiện lòng tin chiến lược và mong muốn phát triển quan hệ song phương lên một tầm cao mới, bởi thế người viết rất ấn tượng với câu Kiều mà ông Joe Biden đã "lẩy" trong tiệc chiêu đãi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và phái đoàn Việt Nam: 

"Trời còn để có hôm nay,
Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời".

Bản thân tôi đã đến Hoa Kỳ nhiều lần và mỗi lần đều chứng kiến những chuyển biến trong quan hệ giữa hai nước. Lần đầu tiên tôi đặt chân đến Hoa Kỳ là ngày 1/1/1993 trong một chuyến thăm New York cùng các giảng viên, sinh viên Đại học Laval ở Quebec, Canada.

Khác với nhiều anh em cùng đoàn, tôi phải chờ một tuần để lấy visa. Nhân viên Tòa lãnh sự Hoa Kỳ giải thích:“Ông vui lòng chờ một tuần để chúng tôi hỏi ý kiến Washington, vì hai nước chúng ta chưa có quan hệ ngoại giao”. Nhưng rồi chỉ sau 3 ngày, Tòa lãnh sự đã điện cho tôi, mời lên lấy visa.

Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã gây bất ngờ khi "lẩy" hai câu Kiều rất giàu ý nghĩa, hợp cảnh, hợp tình trong tiệc chiêu đãi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và phái đoàn Việt Nam. Ảnh: Reuters / Tuổi Trẻ.
Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã gây bất ngờ khi "lẩy" hai câu Kiều rất giàu ý nghĩa, hợp cảnh, hợp tình trong tiệc chiêu đãi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và phái đoàn Việt Nam. Ảnh: Reuters / Tuổi  Trẻ.

Chuyến đi đã xóa bỏ nhiều định kiến bấy lâu trong tôi về nước Mỹ. Chỉ lấy một ví dụ nhỏ là có ra đảo Liberty thăm bức tượng Nữ thần Tự do, tôi mới hiểu hơn về lịch sử bức tượng nổi tiếng này – tặng vật của nhân dân Pháp gửi nước Mỹ. Những người dân Mỹ mà tôi tiếp xúc đều tỏ ra khá thân thiện và cởi mở, như mọi người dân nước khác mà tôi từng gặp.

Khi thăm đài tưởng niệm Chiến tranh Việt Nam, một cảm giác ớn lạnh chạy qua sống lưng tôi khi chợt thấy một người phụ nữ ngồi khóc bên bức tường. Chiến tranh là nỗi đau của hai bên chiến tuyến, đặc biệt là những người mẹ và những người có chồng, có cha, có anh em ruột thịt vĩnh viễn ra đi.

Tôi cũng có người em trai hy sinh trong Kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Có lẽ buổi sáng gặp người phụ nữ khóc bên bức tường ấy đã góp phần thay đổi cái nhìn của tôi về nước Mỹ. Những người bên kia chiến tuyến cũng là nạn nhân của chiến tranh. 

Nói điều này, tôi chợt nhớ đến cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Trong số các nhà lãnh đạo Việt Nam, có lẽ hiếm ai có hoàn cảnh đặc biệt như ông. 

Năm 1966 người vợ đầu tiên của ông cùng hai con út, một trai một gái đã thiệt mạng khi quân đội Hoa Kỳ bắn chìm tàu Thuận Phong trong một cuộc càn quét chiến khu Củ Chi. Sau này, người con trai lớn của ông cũng hy sinh trên chiến trường.

Nhưng cố Thủ tướng cũng là nhà lãnh đạo Việt Nam đi đầu trong việc bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ, bởi với ông, lịch sử không được phép lãng quên nhưng cũng không nên là rào cản của tương lai.

"Một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại, có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là vết thương chung của dân tộc, cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu...

Đối với Việt Nam, nhất là ở miền Nam, tôi thường biết và hiểu nhiều gia đình đều có hai bên hết. Chính trong thân tộc của tôi, các anh em tôi, các cháu ruột của tôi cũng có số bên này và số bên kia.

Cái đó có hoàn cảnh của nó. Có những gia đình một người mẹ có con đi chiến đấu, chết ở bên này và đứa con khác thì đi chiến đấu chết ở phía bên kia...", lời phát biểu của cố Thủ tướng thật thấm thía.

Người Mỹ không né tránh lịch sử, chúng ta cũng vậy. Nhìn lại lịch sử để trân trọng hiện tại, hướng tới tương lai hòa bình, hợp tác và hữu nghị. Đây cũng là cách người Nhật Bản ứng xử với lịch sử, ứng xử với Hoa Kỳ, tận dụng tối đa đòn bẩy từ Hoa Kỳ để phát triển phồn vinh.

Mỹ là nước duy nhất có thể lập lại trật tự tại Biển Đông

Việt Nam có thể khai thác được gì từ chuyến thăm của Tổng thống Mỹ? ảnh 3

"Thú thật, tôi rất ngại tham gia hội đồng chấm luận án tiến sĩ"

(GDVN) - GS.Nguyễn Minh Thuyết chia sẻ, đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ là đào tạo người làm công tác nghiên cứu khoa học, giảng dạy đại học, chứ không phải đào tạo quan chức.

Hợp tác an ninh hàng hải trên Biển Đông trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng leo thang quân sự hóa và có nhiều hành động bành trướng, ngang ngược có lẽ là nội dung được dư luận quan tâm hơn cả trong chuyến thăm Việt Nam lần này của Tổng thống Barack Obama.

Lập trường của Hoa Kỳ về vấn đề Biển Đông cũng hết sức rõ ràng: Họ không đứng về bên nào trong vấn đề chủ quyền với các thực thể trên Biển Đông. Nhưng Hoa Kỳ có lợi ích trong việc duy trì và đảm bảo tự do hàng hải, hàng không và bảo vệ luật pháp quốc tế, trật tự quốc tế trên Biển Đông.

Hành động của Trung Quốc hiện nay không chỉ phá vỡ hòa bình, ổn định trong khu vực, đe dọa nghiêm trọng an ninh của các quốc gia ven Biển Đông, mà còn trực tiếp uy hiếp tự do hàng hải, hàng không, phá vỡ luật pháp và trật tự quốc tế trên Biển Đông sau Chiến tranh Thế giới II.

Trước những hành động ngày càng phiêu lưu của Trung Quốc, các nước trong khu vực đều rất lo ngại và đều hy vọng Hoa Kỳ đóng góp nhiều hơn trong việc duy trì hòa bình, ổn định, bảo vệ tự do hàng hải, hàng không và luật pháp quốc tế ở Biển Đông.

Theo nhìn nhận của tôi, hiện nay Mỹ là nước duy nhất có thể lập lại trật tự trên Biển Đông trước hành động leo thang của Trung Quốc. Do đó Việt Nam nên tận dụng tối đa chuyến thăm này của Tổng thống Obama để bàn bạc kế hoạch hợp tác, thắt chặt cam kết đảm bảo an ninh hàng hải trên Biển Đông.

Trong khi có những tín hiệu đáng mừng về khả năng Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam, chúng ta cũng nên tập trung vào các khía cạnh khác liên quan và phục vụ trực tiếp cho chiến lược bảo vệ chủ quyền, quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam và Mỹ, cũng như khu vực trên Biển Đông.

Ví dụ như giao lưu hợp tác quân sự, chia sẻ thông tin tình báo, huấn luyện đảm bảo an ninh hàng hải, Mỹ hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực tuần tra đảm bảo an ninh trên biển. Đặc biệt Việt Nam nên hợp tác chặt chẽ với Hoa Kỳ trong lĩnh vực pháp lý và truyền thông, bởi đấu tranh qua hai kênh này cũng quan trọng không kém.

Bởi lẽ ông Barack Obama là vị Tổng thống Hoa Kỳ đương nhiệm đầu tiên lên tiếng yêu cầu Trung Quốc làm rõ đường lưỡi bò, và khẳng định đường lưỡi bò người Trung Quốc tự vẽ hoàn toàn không có căn cứ trong luật pháp quốc tế. Mà đường lưỡi bò chính là gốc gác tranh chấp, rào cản rất lớn giải quyết tranh chấp trên Biển Đông.

Các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ cũng là những người lên tiếng mạnh mẽ nhất chống lại các hành vi bành trướng ở Biển Đông và có thể tạo áp lực dư luận không nhỏ đối với Trung Quốc. Biển Đông đang là nơi hội tụ lợi ích giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, chúng ta hoàn toàn có thể khai thác và tận dụng tối đa đòn bẩy từ vai trò, vị thế và lập trường, tiếng nói của Hoa Kỳ.

Không liên minh chống nước thứ ba nhưng cần liên minh để bảo vệ mình

Việt Nam có thể khai thác được gì từ chuyến thăm của Tổng thống Mỹ? ảnh 4

Truyện Kiều, quan hệ Việt - Mỹ và bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông

(GDVN) - Các nhà tham mưu chiến lược của Nhà Trắng lại một lần nữa khiến ta giật mình khi tư vấn cho ông Joe Biden lẩy hai câu Kiều thuộc hàng hay nhất...

Việt Nam yêu chuộng hòa bình, mong muốn hợp tác cùng phát triển với các nước yêu hòa bình và công lý. Việt Nam chủ trương không liên minh quân sự với nước này để chống nước kia, nhưng khi độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ bị đe dọa thì liên minh liên kết để bảo vệ mình sẽ tự nó hình thành. Những bài học lịch sử cận hiện đại đã cho thấy rất rõ điều đó.

Dư luận cũng có những quan điểm mong muốn Việt Nam và Hoa Kỳ hình thành quan hệ đồng minh như Mỹ - Nhật, Mỹ - Hàn, Mỹ - Australia để chống lại những thế lực bành trướng. Cá nhân người viết hiểu mong muốn ấy, tuy nhiên đặt vấn đề liên minh quân sự với bất kỳ nước nào trong thời điểm hiện nay với Việt Nam cần hết sức thận trọng.

Việt Nam khác với Philippines, Hàn Quốc, Nhật Bản và Australia. Lãnh thổ Việt Nam tiếp giáp trực tiếp với Trung Quốc và những mối đe dọa quân sự từ Trung Quốc lớn hơn rất nhiều các quốc gia này một khi để quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc rơi vào thế đối đầu.

Chúng ta không thể thay đổi láng giềng, chỉ có cách phát triển cường thịnh và ứng xử khéo léo mới mong giữ vững được độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, hòa bình ổn định và phát triển.

Cha ông chúng ta cũng như người Hàn Quốc, Triều Tiên ngày trước thường xuyên phải đối mặt với những cuộc chiến tranh xâm lược từ Trung Quốc. Nhưng sau mỗi lần đánh thắng, cha ông ta đều giữ thể diện cho nước lớn bằng cách trong xưng đế, ngoài xưng vương để giữ gìn hòa hiếu, độc lập thực sự cho dân tộc.

Ngày nay chúng ta may mắn hơn thế hệ cha ông ở chỗ, văn minh nhân loại và luật pháp quốc tế phát triển, về nguyên tắc nước lớn hay nước nhỏ đều bình đẳng trong quan hệ quốc tế, không còn phải "xưng thần" hay "triều cống" như thời phong kiến. Nhân dân cũng không chấp nhận ai “xưng thần”.

Nhưng bài học cha ông để lại không bao giờ được quên, đó là độc lập dân tộc, toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ là bất khả xâm phạm. Muốn giữ độc lập dân tộc phải biết tự lực tự cường là chủ đạo, đồng thời cần tận dụng tối đa mọi sự giúp đỡ cũng như các xu thế đối nội, đối ngoại có lợi cho mình.

Muốn nhận được sự giúp đỡ ấy, bản thân chúng ta phải tạo dựng được lòng tin chiến lược từ bạn bè, đối tác. Do đó trong vấn đề Biển Đông, chúng ta phải cho công luận khu vực và quốc tế, đặc biệt là những nước quan trọng như Hoa Kỳ, Nhật Bản thấy rõ lập trường của mình, không thể có chuyện coi tranh chấp Biển Đông như "chuyện trong nhà, anh em mâu thuẫn, đóng cửa bảo nhau".

Cũng không thể để bạn bè, đối tác muốn giúp đỡ Việt Nam lại phải đặt câu hỏi hay hiểu lầm về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc chỉ vì, một trong những mục đích chuyến thăm Việt Nam vừa qua của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, ông Thường Vạn Toàn là để "phản bác lại những luận điệu xuyên tạc sai trái của các thế lực thù địch về những vướng mắc, bất đồng trong quan hệ giữa hai nước thời gian qua."

Trong quan hệ với các nước lớn, ứng xử của Việt Nam cần hết sức khéo léo và tỉnh táo, nhưng rõ ràng, minh bạch, không để Trung Quốc đẩy ta rơi vào cái bẫy chính trị hóa các vấn đề pháp lý hay khiến dư luận quốc tế hiểu lầm lập trường của ta giống Trung Quốc.

Chỉ có như vậy, Việt Nam mới không đẩy mình vào thế kẹt trong cạnh tranh ảnh hưởng giữa các cường quốc. Cái bắt tay xuyên Thái Bình Dương hay Tuyên bố Thượng Hải giữa Nixon và Mao Trạch Đông năm 1972 vẫn là bài học nóng hổi.

Đối thoại nhân quyền cần lắng nghe nhau để tìm được tiếng nói chung

Việt Nam có thể khai thác được gì từ chuyến thăm của Tổng thống Mỹ? ảnh 5

Trục quan hệ Mỹ-Việt-Trung dịch chuyển âm thầm mà sâu sắc

(GDVN) - Vị trí địa chiến lược trọng yếu của Việt Nam đã khiến mình trở thành tâm điểm cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc. Người Việt đã từng khổ sở vì điều này.

Các vấn đề về nhân quyền giữa hai nước vẫn còn những nhận thức khác nhau, thiết nghĩ điều này cũng hết sức bình thường. Trong chuyến thăm Việt Nam lần này của Tổng thống Mỹ Barack Obama, vấn đề nhân quyền cũng được hai bên đưa vào chương trình nghị sự.

Thiết nghĩ đây là cơ hội để hai bên lắng nghe nhau, tiếp tục thu hẹp những bất đồng, khác biệt. Nội bộ dư luận Mỹ có những nhận thức khác nhau, thậm chí tranh cãi về vấn đề nhân quyền tại Việt Nam, trong khi chính Hoa Kỳ cũng đang phải gánh chịu hậu quả và bị lên án vì áp đặt mô hình, xuất khẩu hệ giá trị của mình sang các nước Trung Đông, Trung Á như Syria, Lybia, Iraq, Afghanistan...

Tuy nhiên, nhân loại ngày càng văn minh tiến bộ, hệ thống luật pháp từng nước cũng như công pháp quốc tế ngày một hoàn thiện thì những vấn đề về tự do, dân chủ, nhân quyền ngày càng mang tính phổ quát và hình thành chuẩn mực chung của nhân loại. Cả hai nước đều không thể coi thường các giá trị phổ quát của nhân loại.

Trong Hiến pháp và pháp luật Việt Nam cũng như Hoa Kỳ đều có những nội dung quy định rõ về các vấn đề này, tuy có thể còn những cách hiểu và vận dụng khác nhau, nhưng thông qua đối thoại trên tinh thần thiện chí, cầu thị, khách quan, thiết nghĩ chúng ta sẽ tìm được tiếng nói chung.

Làm tốt việc này không chỉ củng cố và phát triển hơn nữa quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, mà quan trọng hơn là nó sẽ góp phần rất lớn củng cố ổn định, đoàn kết xã hội, bởi lẽ những quyền và lợi ích hợp pháp của công dân được quy định trong Hiến pháp và các văn bản luật ngày càng được tôn trọng và thực thi.

Ví dụ việc Quốc hội Việt Nam mới thông qua Luật Tiếp cận thông tin gần đây cũng có thể được xem như một nỗ lực làm tốt hơn việc đảm bảo tự do, dân chủ, nhân quyền. Bởi lẽ thông tin minh bạch vừa là yêu cầu, vừa là đòi hỏi của nhân dân đối với bộ máy nhà nước. Chúng ta càng minh bạch, càng tránh được tham nhũng, lãng phí, bất ổn xã hội... 

Vì vậy, trên nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, hợp tác cùng phát triển, người viết thiết nghĩ chúng ta nên và hoàn toàn có thể xem lĩnh vực nhân quyền là nơi Việt Nam và Hoa Kỳ có thể hợp tác để mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân cả hai nước, thay vì là rào cản của quan hệ song phương.

Tất nhiên mọi sự lợi dụng các giá trị phổ quát này để thực hiện các hành động phạm pháp, thì luật pháp mỗi nước đều có những điều khoản phòng ngừa và điều chỉnh. Việt Nam và Hoa Kỳ hoàn toàn có thể trao đổi và học hỏi lẫn nhau, bởi suy cho cùng lợi ích chung của cộng đồng, xã hội, an ninh quốc gia là vấn đề chung của quốc tế, nhất là trong bối cảnh bùng nổ thông tin và sự xuất hiện, lây lan của chủ nghĩa khủng bố như hiện nay.

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết