Vinashin: Các bị can đã “phá” trên 910 tỷ đồng như thế nào?

22/11/2011 08:29
Nhóm PVĐT/Công an TPHCM
Được giao trọng trách quản lý hàng ngàn tỷ đồng trong khi biết bao doanh nghiệp đang khát vốn nhưng họ kinh doanh vô tội vạ, thi nhau làm trái.
Tàu Hoa sen
Tàu Hoa sen


Viện KSND tối cao vừa hoàn tất bản cáo trạng truy tố Phạm Thanh Bình, nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Vinashin và tám đồng phạm về cùng hành vi “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Được giao trọng trách quản lý hàng ngàn tỷ đồng trong khi biết bao doanh nghiệp đang khát vốn nhưng họ không những không chắt chiu cơ hội để làm giàu cho doanh nghiệp mà kinh doanh vô tội vạ, thi nhau làm trái.

Tiền trảm hậu tấu

Đầu năm 2007, ông Phạm Thanh Bình (khi đó là chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Vinashin) được Công ty Maersk Broker (Singapore) môi giới bán cho tàu Cartour của Italia. Ông Bình đã giao cho Công ty TNHH một thành viên vận tải Viễn Dương Vinashin (Công ty Viễn Dương) do ông Trần Văn Liêm làm giám đốc, thực hiện việc mua tàu. Để hợp thức hóa việc mua tàu, ngày 2-4-2007, ông Phạm Thanh Bình ký công văn gửi Thủ tướng đề nghị cho Vinashin đóng mới sáu tàu biển cao tốc chở khách và trước mắt đề nghị cho thuê, mua hai tàu biển chở khách của nước ngoài.

Mặc dù Thủ tướng chưa có ý kiến nhưng ngày 5-4-2007, Phạm Thanh Bình chỉ đạo và HĐQT Vinashin đã ra nghị quyết đầu tư tuyến vận tải cao tốc Bắc - Nam  trên biển. Đến ngày 12-4-2007, Văn phòng Chính phủ có công văn truyền đạt ý kiến Thủ tướng chỉ cho đóng mới tàu chở khách. Ông Phạm Thanh Bình đã không thông báo ý kiến này cho các thành viên HĐQT biết mà tiếp tục chỉ đạo ông Trần Văn Liêm thực hiện mua tàu Cartour, giao cho Viện khoa học công nghệ tàu thủy và Công ty tài chính công nghiệp tàu thủy (VFC) lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án.

Được sự chỉ đạo của ông Bình, ông Trần Văn Liêm giao cho trưởng phòng kinh doanh Công ty Viễn Dương là Giang Kim Đạt thỏa thuận với chủ tàu về giá thành. Mặc dù báo cáo khả thi của dự án chưa lập xong, dự án chưa được thẩm định và phê duyệt nhưng ông Phạm Thanh Bình đã chỉ đạo mua con tàu này với giá 60 triệu euro, không thực hiện thủ tục chào hàng cạnh tranh theo quy định.

Ký hợp đồng mua tàu xong, ông Trần Văn Liêm mới chỉ đạo thuộc cấp là Phạm Thị Anh Thư soạn thảo tờ trình và ghi lùi ngày để Trần Văn Liêm trình lên tập đoàn. Đồng thời, ông Bình cũng ký quyết định phê duyệt dự án và ghi ngày sau tờ trình cho phù hợp. Hợp thức hóa phê duyệt dự án xong, ông Bình chỉ đạo ông Hồ Ngọc Tùng và bà Trịnh Thị Hậu (khi đó là giám đốc và phó giám đốc Công ty Tài chính CNTT - VFC) tiến hành các thủ tục đặt cọc bảo lãnh mua tàu theo hợp đồng đã ký với nước ngoài. Khi VFC và Công ty Viễn Dương chưa ký hợp đồng tín dụng và dự án chưa lập xong, theo sự chỉ đạo của ông Bình, bà Hậu đã chuyển 80 tỷ đồng đến ngân hàng để bảo đảm cho việc phát hành thư bảo lãnh mua tàu. Sau thời điểm này, ông Hồ Ngọc Tùng và Hoàng Gia Hiệp (phó giám đốc VFC) chỉ đạo cấp dưới làm thủ tục ký hợp đồng cam kết cho Công ty Viễn Dương vay hơn 1.390 tỷ đồng để thực hiện dự án.

Để có vốn thực hiện các dự án của tập đoàn, trong đó có việc mua tàu Cartour, Vinashin tiếp tục phát hành trái phiếu trong nước, huy động 3.000 tỷ đồng và ông Bình ký quyết định ủy thác số tiền này cho VFC quản lý, cho vay.

Trong quyết định này cũng không có dự án đầu tư mua tàu Cartour nên VFC và Công ty Viễn Dương phải tiếp tục ký hợp đồng để hợp thức hóa. Kết quả giá mua tàu Cartour là 60 triệu euro và hơn 311.000 USD tiền nhiên liệu, thuê thủy thủ điều khiển về Việt Nam, sau đó đăng ký, đổi tên thành tàu Hoa Sen.

Sau khi mua tàu, do việc khảo sát hạ tầng dự án không đầy đủ nên hệ thống cầu cảng của Việt Nam không đáp ứng được yêu cầu của tàu Hoa Sen. Cụ thể là hệ thống cầu cảng ở Việt Nam chỉ phù hợp với tàu biển có cửa lên xuống ở mạn tàu trong khi tàu Hoa Sen có cửa lên xuống ở đuôi tàu nên Công ty Viễn Dương phải điều chỉnh dự án, đầu tư xây dựng thêm cầu cảng.

Tháng 2-2008, ông Bình ký quyết định phê duyệt điều chỉnh dự án với tổng mức đầu tư gần 66 triệu euro, tương đương gần 1.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, tàu Hoa Sen cũng chỉ hoạt động được 39 chuyến thì phải dừng hoạt động do kinh doanh không hiệu quả. Ngày 17-2-2008, tàu Hoa Sen bị thủng vỏ ở đáy phải sửa chữa hết gần 350 ngàn USD. Đây là hậu quả của hàng loạt sai phạm trong quá trình mua tàu mà cơ quan an ninh điều tra hành vi phạm tội của các bị can gây thiệt hại gần 470 tỷ đồng trong thương vụ này.

Mua đồ cũ với giá cao

Không chỉ sai phạm trong các dự án tàu thủy, Vinashin còn đầu tư vào nhiều dự án khác, trong đó dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện Sông Hồng, Nam Định, các bị can đã gây thiệt hại cho nhà nước hơn 316 tỷ đồng; dự án đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện diezel Cái Lân, Quảng Ninh, gây thiệt hại hơn 66,5 tỷ đồng.

(Còn tiếp)
    
 
Nhóm PVĐT/Công an TPHCM