Vụ clip nữ sinh bị sàm sỡ: Đáng thương hơn đáng giận

04/12/2011 05:37
Tuệ Minh
(GDVN) - Đó là ý kiến của chuyên gia tâm lý Lê Khanh khi nói về hành vi của 3 nam sinh đeo khăn quàng đỏ quây giữ và sàm sỡ một nữ sinh trong video clip.
Hành vi sàm sỡ bạn nữ của 3 nam sinh trong video clip dài hơn 1 phút như Báo Giáo dục Việt Nam đã đưa tin ngày 30/11 vừa qua đã gây bức xúc trong dư luận.

Phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam đã có buổi trao đổi với Chuyên gia Tâm lý Lê Khanh  – Phòng khám Tâm lý trẻ em & gia đình (TP. Hồ Chí Minh). 
Chuyên gia tâm lý Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý Lê Khanh

Ông Lê Khanh chia sẻ: “Thực ra những hiện tượng như vậy khá phổ biến. Đó là những hành vi không tốt: chọc ghẹo, sàm sỡ các bạn khác phái, theo dõi, rồi quay phim…

Tôi nghĩ điều này xuất phát từ những điểm không hợp lý trong xây dựng chương trình quản lý học sinh. Nhiều khi trong các lớp học nói chung bây giờ, mình chỉ chú trọng giáo dục cái trí (cái kiến thức là chính rất nặng nề) mà không giáo dục cái đức. Trong khi đó, chúng ta vẫn nói là: “Tiên học lễ hậu học văn”. Đó là cái cơ bản, cái gốc của vấn đề. 

Cái thứ hai đó là các giá trị sống bây giờ rất thiếu sự ổn định, sự rõ ràng. Các cháu lớn lên không thấy được các giá trị sống, những điều tốt đẹp xung quanh nó mà các cháu chỉ thấy phần nhiều những điều xấu như: bạo lực, chiến tranh… Những chuyện đó ít nhiều ảnh hưởng đến các đứa trẻ nhất là các cháu trong độ tuổi 11- 12 tuổi đang có những biến đổi mạnh về tâm sinh lý.

Và rồi các yếu tố đó tác động đến tùy theo các cháu. Nếu gia đình nào quản lý tốt, quan tâm đến con cái thì nó sẽ hạn chế bớt. Còn gia đình nào thiếu sự quản lý, chỉ ỷ lại vào sự giáo dục từ nhà trường thì lại càng dễ có những hành động như vậy".
Không ít chuyên gia cho rằng: hành vi này là kết quả từ sự buông lỏng của các gia đình (Ảnh cắt từ clip)
Không ít chuyên gia cho rằng: hành vi này là kết quả từ sự buông lỏng của các gia đình (Ảnh cắt từ clip)

"Chúng ta cũng không trách được các gia đình khi hầu hết các bậc cha mẹ đi làm hết, ít thời gian quan tâm đến con. Theo dõi, tiếp cận, trao đổi, trò chuyện với con cái. Chính điều này không tạo nên sự gắn bó với gia đình mà khi đó đứa trẻ sẽ gắn bó với những cái bên ngoài. Không ai lại dám đảm bảo những thứ bên ngoài đều tốt cả.

Tôi thấy đây là lứa tuổi có rất nhiều biến đổi trong cơ thể về mặt tâm sinh lý. Một trong những biến đổi đó là nhu cầu về tính dục, nhu cầu muốn khám phá về những cảm giác và về giới tính. Phần nào đó thì đây là bản năng cũng giống như con vật đến mùa của nó.

Như vậy đến một giai đoạn, đứa trẻ sẽ có những háo hức, những tò mò về các điểm khác phái. Nếu đứa trẻ đó được lớn lên trong một gia đình có kiểm soát, bản thân đứa trẻ sẽ được định hướng về sự háo hức đó. 

Còn ngược lại, nếu háo hức đó mà không được kiểm soát, không được hướng dẫn thì cũng giống như con thú mà không được huấn luyện. Khi đó, háo hức sẽ bùng lên và… những hành động như báo chí đã nêu lên hoàn toàn có thể xảy ra". Ông Khanh lý giải.

Ông Khanh cho biết thêm: "Ở đây, tôi nghĩ các gia đình cần lưu ý chuyện quan tâm đến con cái nhiều hơn: giao tiếp, gần gũi với con hơn, cần thông cảm hơn cho những khó khăn trong học tập, động viên cháu và dạy cho cháu những kỹ năng ứng xử (kỹ năng sống) thì những hành vi như trong video clip trên mạng sẽ giảm bớt đi phần nào. Đây có thể nói là một tiếng chuông báo động các bậc cha mẹ nhìn lại cách tổ chức gia đình.

Theo ông Khanh: Nếu các cháu được dạy các kỹ năng sống thì những hành vi như thế này sẽ giảm đi đáng kể (Ảnh cắt từ clip)
Theo ông Khanh: Nếu các cháu được dạy các kỹ năng sống thì những hành vi như thế này sẽ giảm đi đáng kể (Ảnh cắt từ clip)

Tôi thấy trong tất cả những hành vi thiếu đạo đức, hành vi không bình thường … thì các cháu đều là nạn nhân. Bởi xét cho cùng thì đó là sự thiếu kiểm soát bản thân, thiếu coi trọng giá trị bản thân. Cái thiếu đó đâu phải các cháu tự có mà phải có sự thêm vào. Sự thêm vào chính là từ sự quan tâm, nhắc nhở.

Tôi vẫn ví công việc “trồng” người  đó giống như trồng một cái cây. Mình cũng phải chăm bón thì cây mới cao và phát triển tốt để cho hoa trái được. Nếu chỉ là vùi một cây xuống không chăm sóc thì cây đó quật quẹo.

Trong chuyện này, tôi thấy các cháu đáng thương hơn là đáng giận. Chỉ vì thiếu đi sự quan tâm, sự chăm sóc mà phải chịu hậu quả từ những hành vi xuất phát từ sự thiếu kiểm soát bản thân như vậy…".
Tuệ Minh