Vụ mặc cả chạy án: Lý do “quan” tòa, “quan” Viện ngăn cản mời luật sư

20/09/2014 12:53
QUỐC TOẢN
(GDVN) - Luật sư Lê Quốc Hiền cho rằng, việc cán bộ Tòa án, Viện Kiểm sát có hành vi ngăn cản bị can mời luật sư bào chữa là vi phạm quyền hành nghề của luật sư...

Vi phạm đạo đức nghề nghiệp

Vụ việc cán bộ Tòa án “hợp tác” với Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa nhận tiền chạy án của bị can Nguyễn Bá Quý, đã gây chấn động dư luận nhiều ngày nay. Những điều mắt thấy tai nghe cho thấy, những người đang được giao phó trọng trách “cầm cân, nảy mực” đã chà đạp lên luật pháp...

Bây giờ, hãy nghe những người “cầm cân” nói gì với bị can trong cuộc hội thoại đã được ghi âm lại: 

“Tội trạng của anh đã rõ rành rành, anh mời luật sư lên để bào chữa là quá coi thường chúng tôi. Tôi nói cho anh biết, luật sư có mà cãi đằng trời. Nếu anh không rút luật sư thì chúng tôi không thể chiếu cố cho anh được. Nể anh là người nhà chị Niên chúng tôi mới giúp, nhưng với điều kiện anh rút luật sư”, ông Nguyễn Đình Hà - Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát huyện Triệu Sơn nói với bị can Nguyễn Bá Quý.

Trụ sở Tòa án Nhân dân huyện Triệu Sơn
Trụ sở Tòa án Nhân dân huyện Triệu Sơn

Tiếp đó, ông Lê Ngọc Hiệp – Chánh án Tòa án Nhân dân huyện Triệu Sơn tiếp tục yêu cầu ông Quý phải làm đơn xin rút luật sư, đồng thời có lời lẽ đe dọa bị can: “Nếu anh mời luật sư thì sẽ bất lợi cho anh. Chúng tôi sẽ xử nghiêm theo mức án từ 3 - 10 năm, xem luật sư của anh giỏi đến mức nào? Có tình cảm lắm cũng xử 3,5 năm án giam”, file ghi âm dẫn lời ông Hiệp.

Sau khi sự việc vỡ lở, các cán bộ có liên quan đã “ra điều kiện” với bị can để xin rút đơn tố cáo nhưng không được chấp thuận.

Sự vi phạm trắng trợn của “quan” tòa, “quan” Viện tại Triệu Sơn đã khiến một vị lãnh đạo trong ngành Tòa án tỉnh Thanh Hóa phải thốt lên rằng: “Tôi không thể tin rằng những cán bộ lãnh đạo Tòa án, Viện Kiểm sát huyện Triệu Sơn lại có thể vi nhận tiền trắng trợn, ngăn cản người tố cáo một cách công khai đến như vậy? Tôi quá buồn, họ vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm nghiêm trọng luật pháp…”

Đến đây, dư luận tự đặt ra câu hỏi: Hành vi của “quan” Tòa, “quan” Viện  Triệu Sơn trong việc cố tình “ép” bị can không mời luật sư nhằm mục đích gì?

Có dấu hiệu tiêu cực trong xử lý án

Về việc này, sáng 20/9, trao đổi với GDVN,  Luật sư Lê Quốc Hiền - Trưởng văn phòng luật sư Lê Quốc Hiền cho rằng: “Vụ việc này (vụ Nguyễn Bá Quý phạm tội cưỡng đoạt tài sản bị cán bộ Tòa án, Viện Kiểm sát huyện Triệu Sơn mặc cả, đe dọa  – PV) chắc chắn có sự khuất tất, mờ ám trong quá trình điều tra, do vậy cơ quan công quyền không muốn sự có mặt của Luật sư tham gia tố tụng, để họ có điều kiện hạch sách nhũng, nhiễu bị cáo”.

Luật sư Hiền viện dẫn, theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự,  Luật sư là người tham gia tố tụng trong một vụ án hình sự với tư cách là người bào chữa cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo hoặc là người bảo vệ quyền lợi cho người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự. Như vậy trong vụ việc bị can Nguyễn Bá Quý (người phạm tội cưỡng đoạt tài sản) có quyền mời Luật sư để bào chữa nhằm bảo vệ quyền lợi cho mình trước Tòa án là đúng pháp luật.

Luật sư Lê Quốc Hiền - Trưởng văn phòng Luật sư Lê Quốc Hiền
Luật sư Lê Quốc Hiền - Trưởng văn phòng Luật sư Lê Quốc Hiền

Theo Luật sư Lê Quốc Hiền, việc các cán bộ Tòa án, Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Triệu Sơn ngăn cản bị can mời luật sư là hành vi vi phạm nghiêm trọng luật trình tố tụng cần được đưa ra ánh sáng và xử lý nghiêm minh trước pháp luật.

“Họ đã chà đạp lên tính thượng tôn của pháp luật, chà đạp lên quyền hành nghề của giới Luật sư Việt Nam, ngăn cản hàng triệu người dân được quyền tiếp cận công lý”, Luật sư Hiền bức xúc.  

Cũng theo Luật sư Hiền, việc các cán bộ Tòa án, Viện Kiểm sát Triệu Sơn có hành vi đe doạ bị can Nguyễn Bá Quý, đề nghị rút Luật sư bào chữa, là vi phạm nghiêm trọng quyền hành nghề của tổ chức Luật sư được quy định trong Hiến pháp và Bộ luật Tố tụng Hình sự tại Khoản 2 điều 9 luật luật sư năm 2012. Theo đó, điều luật trên quy định, nghiêm cấm các cơ quan tổ chức cá nhân có hành vi cản trở  hoạt động hành nghề của Luật sư.

Mặt khác, cơ quan công quyền đã vi phạm nghiêm trọng các quy định về quyền được bào chữa của bị can, bị cáo, được quy định trong Hiến pháp 2013 và Điều 49, Điều 50 Bộ luật Tố tụng dân sự.

Luật sư Lê Quốc Hiền cũng cho rằng, sự việc này đã làm ảnh hưởng (giảm sút) tới niềm tin của người dân đối với cơ quan thực thi pháp luật. Rộng hơn nữa, sự việc gây hưởng không nhỏ tới công cuộc cải cách tư pháp của Đảng và Nhà nước ta. Những hành vi này cần được đưa ra ánh sáng và xử lý nghiêm minh theo pháp luật để làm trong sạch nền tư pháp nước nhà”.

Liệu vụ việc đã đủ căn cứ để khởi tố vụ án? Trả lời câu hỏi này, Luật sư Hiền cho rằng, căn cứ vào những bằng chứng từ phía cơ quan chức năng, tôi cho rằng, sự việc đã đủ căn cứ để khởi tố.

Trong một diễn biến có liên quan, mới đây trong cuộc trao đổi với GDVN, đại diện lãnh đạo Tòa án tỉnh Thanh Hóa cho rằng, đây là sự việc vi phạm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến uy tín của ngành, cán bộ Tòa án Thanh Hóa nói riêng và ngành Tòa án nói chung.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với cơ quan chức năng trong việc xử lý vụ việc. Ngoài ra, lãnh đạo Tòa án Thanh Hóa sẽ tiếp tục chỉ đạo xác minh, làm rõ và xử lý các cán bộ vi phạm (nếu có) theo đúng thẩm quyền và  quy định của pháp luật”, Ông Lê Huy Thịnh – Phó Chánh án Tòa án tỉnh Thanh Hóa

QUỐC TOẢN