Tòa án, Viện Kiểm sát “hợp tác” với bị can để chạy án như thế nào?

19/09/2014 06:44
QUỐC TOẢN
(GDVN) - Băng ghi âm chứng minh, cán bộ Viện Kiểm sát, Tòa án huyện Triệu Sơn đã dọa nạt bị can, yêu cầu đối tượng vi phạm pháp luật không thuê luật sư để bào chữa.

Viện Kiểm sát, Tòa án Nhân dân coi thường luật sư, “vòi” tiền người tố cáo

Do có quen biết với bà Nguyễn Thị Niên – kiểm sát viên, Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Triệu Sơn, ông Nguyễn Bá Quý đã nhờ cán bộ này đấu mối với ông Nguyễn Đình Hà - Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát huyện để tìm cách chạy án.

Tại trụ sở Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Triệu Sơn, ông Hà đã hướng dẫn ông Quý ký vào bản phúc cung ngày (6/8/2014) theo hướng dẫn nhận tội của ông Hà, nhằm mục đích giảm nhẹ tội cho ông Quý.

Sau khi ông Quý làm theo yêu cầu, ông Phó viện trưởng đã đe dọa và yêu cầu bị can này phải làm đơn xin rút luật sư bào chữa.

Băng ghi âm có đoạn ông Hà đe dọa ông Quý: “Tội trạng của anh đã rõ rành rành, anh mời luật sư lên để bào chữa là quá coi thường chúng tôi. Tôi nói cho anh biết, luật sư có mà cãi đằng trời. Nếu anh không rút luật sư thì chúng tôi không thể chiếu cố cho anh được. Nể anh là người nhà chị Niên chúng tôi mới giúp, nhưng với điều kiện anh rút luật sư”.

“Tội của anh theo khung hình phạt từ 3 đến 7 năm. Có nhẹ tôi cũng tuyên cho anh 3,5 năm tù giam”, file ghi âm dẫn lời ông Hiệp.

Ông Hà “vẽ đường” cho ông Quý: “Cái này còn phải xuống tỉnh để xin, may ra mới có được án treo chứ xử ở đây thế,(xử án treo - PV), xuống dưới kia lỡ may bị bắt giam thì chả giải quyết vấn đề gì. Bây giờ sang tòa án xem hết bao nhiêu?”.

Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Triệu Sơn
Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Triệu Sơn

Cũng trong file ghi âm phóng viên thu nhận được, bà Niên, cán bộ Viện Kiểm sát được cho là người đấu mối trong đường dây chạy án này. Trong tất cả các cuộc làm việc giữa ông Quý và các ông, bà là cán bộ Tòa án Nhân dân và Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Triệu Sơn: Nguyễn Đình Hà, Lê Ngọc Hiệp, Lê Thị Thu, đều có mặt bà Niên.

Cũng tại Tòa án Nhân dân huyện Triệu Sơn hôm 19/8/2014, ông Lê Ngọc Hiệp - Chánh án đã giải thích cho ông Quý biết, luật sư không có ý nghĩa gì trong vụ việc này, muốn được giảm nhẹ tội phải do hội đồng xét xử, người quyết định là Chánh án (chỉ ông Hiệp).

Tại đây, ông Hiệp cũng yêu cầu ông Quý phải làm đơn xin rút luật sư, đồng thời có lời lẽ đe dọa bị can: “Nếu anh mời luật sư thì sẽ bất lợi cho anh. Chúng tôi sẽ xử nghiêm theo mức án từ 3 - 10 năm, xem luật sư của anh giỏi đến mức nào? Có tình cảm lắm cũng xử 3,5 năm án giam”, file ghi âm dẫn lời ông Hiệp.

Có thể khởi tố vụ án?

Trước sự việc có liên quan, trao đổi với GDVN chiều 18/9, ông Vũ Trọng Trạng - Viện trưởng viện Kiểm sát Triệu Sơn cho biết, những phản ánh của ông Nguyễn Bá Quý (trong đơn tố cáo kèm file ghi âm của ông Quý) là hoàn toàn có cơ sở.

Được biết, sau khi xảy ra sự việc lãnh đạo Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Triệu Sơn đã tổ chức họp khẩn để xác minh đoạn băng ghi âm kèm theo tố cáo của ông Quý.  Tại cuộc họp, ông Nguyễn Đình Hà và bà Nguyễn Thị Niên xác nhận giọng nói trong file ghi âm là của các cán bộ này.

Cũng theo ông Trạng, việc các cán bộ trên yêu cầu rút luật sư của ông Hà và bà Niên là hành vi vi phạm nghiêm trọng quy định làm việc của ngành, vi phạm luật tố tụng hình sự…

Ông Vũ Trọng Trạng - Viện trưởng Viện Kiểm sát Triệu Sơn trao đổi với PV (ảnh:XH)
Ông Vũ Trọng Trạng - Viện trưởng Viện Kiểm sát Triệu Sơn trao đổi với PV (ảnh:XH)

Lãnh đạo Viện Kiểm sát Nhân dân Triệu Sơn cũng khẳng định, sẽ phối hợp với cơ quan chức năng để điều tra làm rõ sự việc, xử lý nghiêm những cán bộ vi phạm: “

“Hiện tại, chúng tôi đã báo cáo toàn bộ sự việc trên tới Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Thanh Hoá. Đơn vị đang chờ kết luận của cơ quan chức năng để xử lý theo quy định” , ông Trạng cho biết.

Nhằm làm rõ hơn nữa hành vi (nêu trên) của cán bộ Viện Kiểm sát, và Tòa án huyện Triệu Sơn, trong một cuộc trao đổi khác, Luật sư Lê Quốc Hiền (Văn phòng luật sư Lê Quốc Hiền) cho rằng, hành vi trên đã vi phạm nghiêm trọng pháp luật tố tụng hình sự và quy định của ngành.

“Việc một số cán bộ Viện Kiểm sát Nhân dân và Tòa án Nhân dân yêu cầu bị can rút luật sư là vi phạm nghiêm trọng các quy định về quyền được bào chữa của bị can, bị cáo được quy định trong Hiến pháp 2013 và Điều 49, Điều 50 Bộ luật tố tụng dân sự; vi phạm quyền hành nghề của tổ chức luật sư được quy định trong Hiến pháp và Bộ luật tố tụng hình sự  và khoản 5 Điều 27 luật sửa đổi bổ sung luật luật sư năm 2012”, luật sư Hiền viện dẫn.

Trong một diễn biến có liên quan, chiều ngày 18/9, đoàn công tác Cục Điều tra hình sự Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đã có mặt tại Thanh Hóa để làm việc với các nghi can có liên quan tới vụ cán bộ Tòa án Nhân dân huyện, Viện Kiểm sát nhân dân bị tố “làm tiền” bị can để chạy án.

Tại đây, đoàn công tác đã triệu tập các cán bộ có liên quan gồm: Ông Lê Ngọc Hiệp - Chánh án, ông Lê Sỹ Thuần - Thư ký và bà Lê Thị Thu - Thẩm phán, để làm rõ hành vi vi phạm có liên quan.

Theo đó, cán bộ Cục điều tra hình sự - Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao thông tin với GDVN rằng: “Nếu đủ căn cứ sẽ khởi tố vụ án, bị can và đề nghị xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm”

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin tới độc giả vụ việc này.

QUỐC TOẢN