Xin ông Chủ tịch Thanh Hóa "vi hành" 1 lần để thử "nếm mùi chặt chém"

20/07/2012 06:32
Nguyễn Anh Quân
(GDVN) - "Tôi biết công việc hành chính của ông Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa rất bận nhưng tôi mong ông hãy bớt chút thời gian để xuống ăn thử một con ghẹ, uống cốc nước dừa, chụp vài bức ảnh... để biết thế nào là nạn "chặt chém" mà những du khách khi đến biển Sầm Sơn đã và vẫn đang phải chịu đựng...", độc giả Nguyễn Anh Quân bày tỏ.
Bấy lâu nay, du khách kêu ca rất nhiều về nạn chặt chém ở biển Sầm Sơn, Thanh Hóa và nhất là sau khi báo điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải loạt bài và clip về tình trạng chặt chém ở biển Sầm Sơn, đã có rất nhiều độc giả gửi ý kiến, viết thư về tòa soạn.

Một trong số đó, là lá thư của độc giả Nguyễn Anh Quân với mong muốn thông qua báo gửi những lời đề nghị chân thành tới ông Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa và Chủ tịch UBND TX Sầm Sơn hãy xuống thực tế biển Sầm Sơn để tìm hiểu và chứng kiến cảnh chặt chém mà du khách đã và đang gặp phải... Để rộng đường dư luận. Chúng tôi xin đăng tải nguyên văn bức thư này. Mời độc giả cùng theo dõi:
Kính thưa ông Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa! Tôi là Nguyễn Anh Quân, hiện đang sinh sống tại thủ đô Hà Nội. Hôm nay, tôi viết lá thư này, với mong muốn trình bày với ông một vấn đề như sau: Trước hết, là một khách du lịch, tôi phải thừa nhận, khu du lịch Sầm Sơn là nơi có bờ biển đẹp, sóng lớn và là nơi nghỉ ngơi rất lý tưởng. Lợi thế của Sầm Sơn là rất gần Hà Nội, nơi tập trung nhiều người có khả năng đi nghỉ mát hàng năm thậm chí hàng tuần.
Bãi biển Sầm Sơn (Thanh Hóa) đông nghẹt người (Ảnh: Internet).
Bãi biển Sầm Sơn (Thanh Hóa) đông nghẹt người (Ảnh: Internet).

Và sau nhiều năm có dịp quay lại, tôi rất vui mừng trước sự thay đổi rõ rệt về cơ sở vật chất như đường sá thuận tiện hơn, nhiều khách sạn, nhà hàng, dịch vụ mới được mở ra ở khu du lịch biển Sầm Sơn của tỉnh Thanh Hóa. 
Có được điều đó là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Tỉnh ủy, các cấp chính quyền trong tỉnh, trong đó không thể không nhắc đến vai trò của người điều hành là ông.  Thưa ông Chủ tịch, khu du lịch biển Sầm Sơn sầm uất, thu hút nhiều du khách, đó là niềm tự hào của tỉnh. Thế nhưng, đi cùng với đó, một vấn nạn mà bấy lâu nay du khách vẫn kêu rất nhiều là tình trạng "chặt chém", "bắt chẹt" vẫn cứ liên tục tái diễn, và nó có chiều hướng tái diễn mãi không thôi... Gần đây, nếu theo dõi trên báo chí chắc hẳn ông cũng thấy, đã tiếp tục có rất nhiều ý kiến, thậm chí các đoạn video quay lại những cảnh “chặt chém” đến "phát hoảng" mà các chủ nhà hàng ở khu du lịch biển Sầm Sơn dành cho khách du lịch. Một vài năm trước đây thì tôi không nắm được rõ nhưng mới đây thôi, trong chuyến du lịch 2 ngày 1 đêm vào giữa thàng 7 vừa qua, chính bản thân tôi đã được nếm đủ mùi "chặt chém" ở khu du lịch này. Tôi là một người cẩn thận và kỹ càng khi theo dõi rất kỹ phần bảng giá niêm yết theo qui định để vào thuê phòng.  Nhưng thay vì mức giá 250.000 đồng/ phòng nghỉ khép kín bình dân theo niêm yết thì sau một hồi tranh luận với chủ khách sạn, tôi vẫn bị buộc phải trả số tiền tới 500.000 đồng/phòng/ ngày, đêm. Một vài người vào sau còn "than" phải trả tới 600.000 - 700.000 đồng/ phòng/ ngày, đêm. Thưa ông Chủ tịch, chẳng khá hơn, ở các hàng quán ăn uống, dịch vụ xung quanh bãi biển, dù niêm yết giá nhưng thực tế những gì chúng tôi phải thanh toán đều cao hơn gấp đôi, gấp ba, thậm chí là hơn nữa. Một quả dừa ở bãi biển có giá trung bình là khoảng 30.000 đến 50.000 đồng nếu đã mặc cả trước còn không mặc cả thì xin thưa mức giá còn "tùy hứng" chủ hàng, thêm vào đó là tiền ghế ngồi, ít nhất cũng 20.000 đồng/ lượt. Giá các món ăn từ không ít loại hải sản thuộc hàng đặc sản như mực, tôm, ghẹ... ở các nhà hàng quanh khu du lịch Sầm Sơn cũng khiến cho những du khách như tôi "không biết đâu mà lần" khi mà giá niêm yết một kiểu, giá bán lại kiểu khác. Ngay với dịch vụ đi xích lô một vòng quanh được niêm yết là 15.000 đồng/ lượt/ người nhưng người đạp xích lô đã đòi tôi tới 50.000 đồng, đó là chưa kể nhiều người khác đi chừng 500m mà đã bị đòi tới 30.000 đồng, thậm chí là hơn... Nếu ông Chủ tịch đã theo dõi đoạn clip mới đây báo chí đăng tải về cảnh "chặt chém" và chửi bới khách du lịch mà một đoàn du khách gặp phải khi chụp ảnh ở Hòn Trống Mái thì những gì tôi đã gặp cũng y hệt. Thỏa thuận 10.000 đồng/ lượt ngồi lên chụp ảnh cùng đà điểu nhưng người chủ sau đó lại đòi tính theo cách chụp bao nhiêu kiểu tính bấy nhiêu tiền và giá là 20.000 đồng/ kiểu.  Sau hồi tranh cãi, tôi buộc phải trả tới gần 100.000 đồng cho người chủ này. Đó là chưa kể việc, chỉ sờ vào tượng để chụp ảnh hay chụp ảnh có dính hình tượng vào cũng bị "ép" phải trả tiền... Còn nhiều nữa những nỗi bức xúc về cảnh "chặt chém", về hình ảnh chưa đẹp ở khu du lịch Sầm Sơn mà chúng tôi đã gặp phải, chứng kiến nhưng cho phép tôi không kể hết ra vì dung lượng thư có hạn và một số lý do khác.
Cảnh "chặt chém" du khách được cắt ra từ đoạn clip.
Cảnh "chặt chém" du khách được cắt ra từ đoạn clip.

Thưa ông Chủ tịch, tôi biết rằng, công việc hành chính của ông hiện nay là rất bận bịu, nặng nề, vì thế có thể ông chưa có nhiều thời gian đi sâu, đi sát vào công tác quản lý khu du lịch này, hoặc mới chỉ nghe trên báo cáo của cấp dưới gửi lên. Công việc đó, chắc chắn đã được ông giao cho cấp dưới của mình, trực tiếp ở đây là UBND thị xã Sầm Sơn quản lý, giám sát, kiểm tra và báo cáo lại trong các cuộc họp liên quan. Tôi không biết họ đã báo cáo những gì lên với ông. Nhưng cá nhân tôi thấy rằng, dường như “bộ nghe và bộ nhìn” của ông và cấp dưới đang gặp phải những vấn đề nào đó. Tại sao ư? Bởi lẽ, tôi thấy những lời oán than về vấn nạn “chặt chém” đối với khách du lịch đến với Sầm Sơn trên báo chí và trong thực tế rất nhiều, nếu nói không quá là được nghe ra rả hàng ngày...  Tuy nhiên, nhìn từ phía các cơ quan quản lý nhà nước từ ở cấp dưới của ông là UBND thị xã Sầm Sơn, sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, đến UBND tỉnh Thanh Hóa, thì có vẻ những lời than oán của người bị chặt chém chưa vọng đến tai ông và cộng sự, bởi lâu nay các ông chưa có nhiều động thái quyết liệt để ngăn chặn? Phải chăng đó là sự thờ ơ của các cấp chính quyền? Nếu đây là sự thực thì điều đó, thực sự đã khiến cho những khách du lịch như chúng tôi cảm thấy buồn và thất vọng vô cùng. Phải làm thế nào thì những tiếng kêu này mới đến được tai ông? Với cương vị là Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, tôi hy vọng ông nên sớm bớt chút thời gian xuống tận nơi để kiểm tra, tìm hiểu tình hình thực tế. Để khách quan nhất, tôi cũng mong, ông Chủ tịch hãy vào vai một người khách bình thường đến Sầm Sơn du lịch, vào khách sạn hỏi thử giá một phòng, rồi ra quán ăn một con ghẹ, uống quả dừa, chụp ảnh hình nộm tôn ngộ không, hay cưỡi đà điểu chụp ảnh… thì tôi dám chắc ông sẽ thấy ngay thế nào là “chặt chém”. Cũng xin thưa với ông Chủ tịch, khách du lịch như tôi đã phải bỏ tiền ra để tới đây thưởng ngoạn những danh thắng mà thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất này. Nhưng những gì mà tôi phải chịu, tận mắt chứng kiến, tận tai nghe thì thực sự đến Sầm Sơn chỉ làm cho tôi mang thêm cái bực tức vào người. Và chắc chắn chỉ sau một lần đến đây, nhiều du khách cũng như tôi sau lần quay trở lại này sẽ nói lời “chào tạm biệt và không hẹn gặp lại” Vì một khu du lịch Sầm Sơn, Thanh Hóa văn minh, lịch sự, hiện đại theo đúng nghĩa, tôi mong ông Chủ tịch sớm thực hiện chuyến thị sát thực tế này. Kính chúc ông sức khỏe, trí tuệ và thành công!
Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết, những hình ảnh, đoạn video về những dịch vụ và văn hóa ứng xử, nạn chặt chém, những bài tắm nhiều rác thải.... trên cả nước theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY
Nguyễn Anh Quân