Đường dây nóng Xã hội - Pháp luật: 0917.84.9911

Xót lòng hai mẹ con lấy chung một chồng

11/10/2012 16:34
Theo KD & PL
Đó là câu chuyện ở xã Trà Giác, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam, chị Huỳnh Thị Ngọc hơn người yêu Đinh Hồng Tịnh (chàng trai người Ca Dong) đến 15 tuổi. 

Cũng chẳng cưới xin gì, về ở với nhau và sau sáu năm hai đứa con lần lượt ra đời. Thấy làm ăn buôn bán dễ dàng, bà Ngọc về quê nhà ở dẫn lên đứa con gái riêng là H., lúc đó mới 16 tuổi để cùng phụ mẹ và dượng buôn bán. Thế nhưng cô bé ở với mẹ và bố dượng được 3 tháng, H. có thai với… dượng. Thế là từ đó hai mẹ con sống cảnh "chồng chung".

Chuyện tình của người đàn bà miền biển và chàng trai Ca Dong trên núi

Những tưởng chuyện đó chỉ có ở những đất nước nào đó xa xôi, nhưng khi anh bạn tôi chua chát nói ở Việt Nam mình cũng có, tôi vẫn nửa tin nửa ngờ, anh bạn khẳng định chắc nịch: “Cứ lên đó hỏi thì người ta sẽ chỉ tới tận nơi. Người dân ở đó ai cũng biết chuyện hết mà!”. Bàng hoàng, tôi lặn lội lên Trà Giác để tìm hiểu mọi chuyện, và thật bất ngờ khi đó là câu chuyện có thật và cũng thật buồn.

Chúng tôi lên đến Trà Giác, chẳng mấy khó khăn khi hỏi thăm đến nhà bà Huỳnh Thị Ngọc. Căn nhà không hơn túp lều là mấy nhưng lại là chỗ nương thân của 7 con người lam lũ nghèo khó. Bà Ngọc vồn vã mời chúng tôi vào ngồi bên trong chiếc chõng tre đặt ngoài chái, rót nước từ chiếc ấm nhôm bẹp rúm mời, quanh quẩn là 4 đứa nhỏ mặt mũi nhem nhuốc, và câu chuyện buồn được bà kể chậm rãi…

Xot long hai me con lay chung mot chong noi dai ngan
Bà Ngọc đã tới tuổi 55 vẫn phải nuôi con và "cháu ngoại"
 
Hồi ấy là đầu năm 1990, Huỳnh Thị Ngọc một thân một mình lên Trà My buôn bán làm ăn. Ở giữa nơi rừng thiêng nước độc, lại thân cô thế cô nên có nhiều nguy hiểm, và cũng buồn tủi vì thân gái dặm trường. Lúc ấy một chàng trai người Ca Dong hiền lành, chịu khó thường hay đến mua hàng hóa của bà, thấy Ngọc cô độc một mình nên thấy thương. Sau nhiều lần qua lại mua bán, hai người kết thân với nhau. Cũng không biết Ngọc có ma lực gì, mà chỉ một thời gian ngắn, Đinh Hồng Tịnh (chàng trai người Ca Dong) đã bỏ quên cô bạn gái sắp cưới để về sống chung với Ngọc. Mặc dù lúc ấy Ngọc hơn Tịnh những… 15 tuổi. Cũng chẳng cưới xin gì, về ở với nhau và sau sáu năm, hai đứa con lần lượt ra đời.

Cuối năm 1999 thấy làm ăn buôn bán dễ dàng, bà Ngọc về quê nhà ở biển Tam Thanh (nay thuộc Tam Thanh, TP.Tam Kỳ) dẫn đứa con gái đầu là bé Hồng, lúc đó bé mới 16 tuổi để cùng phụ mẹ và dượng buôn bán. Từ Tam Thanh, Tam Kỳ lên Trà Giác, Bắc Trà My, Quảng Nam ở với mẹ và bố dượng được ba tháng, Hồng có thai với… dượng. Bà Ngọc nổi cơn tam bành, cứ suốt ngày chửi bới, rồi đuổi Hồng ra khỏi nhà, bắt lên rẫy xa dựng chòi để ở. Thời gian sau 1 bé gái ra đời. Cũng chẳng biết ông chồng thuyết phục thế nào mà bà Ngọc đồng ý cho con gái ôm con về ở chung với mình thành đại gia đình. Tưởng một lần lầm lỡ rồi thôi, ai ngờ chín tháng sau Hồng lại có thai với… dượng lần nữa. Phen này bà Ngọc làm căng, chửi bới nhiếc móc suốt ngày, Hồng tủi cực quá đang phải mang bụng chửa vượt mặt sang Trà Giáp nấu cơm thuê cho cánh công nhân. Đến ngày chuẩn bị sinh nở, Hồng quay về nhà. Lúc đó, bà Ngọc cũng sắp sinh. Thế là hai mẹ con cùng sinh một năm cho cùng một người “chồng”. Rồi những ngày tháng cả hai mẹ con vượt cạn là những ngày tháng người chồng phải chạy vạy khắp nơi, lo toan đủ thứ. Người ta bảo khổ như vợ đẻ. Đằng này người chồng này lại cùng lúc chăm cho 2 bà vợ trong cùng một ngôi nhà, với những điều kiện khốn khó không thể kể xiết.

Tôi hỏi bà Ngọc: “Mấy đứa con chị đây à? Bảo chúng nó đúng sát vào hai vợ chồng để chụp tấm hình”. Bà liếc nhanh: “Không! à ừ mấy đứa con đó”. Còn ông chồng thì cười rổn rảng: “Thôi đừng chụp chi! Ngại lắm!”. Tôi giương máy lên khi mấy đứa trẻ chơi quanh quẩn bên cạnh, bấm nút mà ngón tay thấy đau, những suy nghĩ cứ hướng vào mấy đứa trẻ. Đau lòng không khi trong số những đứa trẻ sàn sàn tuổi nhau này phải gọi đứa kia là cậu ruột, nhưng số phận lại buộc tụi nó gọi nhau là anh em…

Nỗi đau trong mái lá

Tôi ngồi trò chuyện làm ăn với ông Tịnh và bà Ngọc. Ông thì vừa mới qua tuổi 41, còn bà đã chạm tuổi 55. Và xung quanh họ, mấy đứa con chung của họ đang cười đùa rất ngây thơ, xúm xít quanh tôi bảo mở máy xem ảnh vừa chụp. Tụi nó cười toe toét, hồn nhiên như cây cỏ, như không hề biết là giông bão đã ập đến từ đâu. Vợ chồng bà cũng cười ngượng nghịu… Bà nức nở tâm sự với những lời lẽ như hối hận: “Ông ấy năm nay tuổi 41. Tôi vừa tròn 55 tuổi. Vì cái nghèo không tìm được lối thoát nên không thể lường được hai mẹ con lấy chung chồng. Khi biết, mọi chuyện đã quá muộn”. 

Xot long hai me con lay chung mot chong noi dai ngan
Tương lai của mấy đứa trẻ này rồi sẽ về đâu. 

Chị Thanh, một người cùng xóm gần đó nói: “Lúc ấy biết chuyện, bà con cũng góp ý nhiều lắm, thôn rồi xã cũng có người gọi bả lên làm việc nhưng bả đâu có nghe, còn chửi chúng tôi không ra gì, rằng chuyện riêng của gia đình người ta, xía vô làm gì? Còn nói chuyện khuyên răn với con bé thì nó cũng không nghe, còn bảo rằng, ông ấy thương tôi hơn thương mẹ tôi! Vậy là hết nói nổi!”. Trong câu chuyện về nhà bà Ngọc, một người đàn ông Ca Dong hàng xóm kể lại với những cái lắc đầu ra chiều không đồng ý: “Mỗi lúc uống rượu với tui, thằng Tịnh nó sung sướng không ai bằng vì có bà lớn bà nhỏ, mà bà nhỏ thì thương hơn. Nhưng nó cũng than không có cái chi cho hai bà vợ ăn hết, ngày ngày nó làm quần quật trên nương trên rẫy để có tiền lo cho mấy đứa nhỏ. Thấy cũng tội!”.

Khi thấy Hồng có thai đứa thứ ba với cha dượng, làng xóm nói quá nên Hồng về quê, phá thai rồi lại tiếp tục ở đây với mẹ và cha dượng. Nhưng cũng từ đó hai mẹ con cãi nhau suốt ngày. Khi đứa con thứ hai được hai tuổi, Hồng bỏ nhà ra đi bởi bà Ngọc bắt phải đi vì hai mẹ con không thể chung chồng, bỏ lại mấy đứa con cho bà Ngọc nuôi. Một thời gian sau Hồng cũng quay về thăm con, son phấn lòe loẹt, đổi giọng miền Nam, rồi sau lần ấy đi biệt luôn, nghe đâu Hồng đã lấy chồng Sài Gòn. Bây giờ thì hai đứa  con của Hồng sống chung với “ cha và bà ngoại”. “Mấy đứa con của Hồng không kêu bà Ngọc là bà mà kêu là mẹ, vì bả bắt kêu như rứa, nhưng đối xử tàn tệ với tụi chúng lắm, đánh đập suốt ngày như kiểu mẹ ghẻ thù con chồng!”, một người hàng xóm cho biết. Bà con xóm giềng thấy chuyện ấy thì sợ thêm nhiều chuyện khác. Sau này mấy đứa nhỏ lớn lên, sợ lại sinh chuyện bậy bạ nữa, bởi họ không giáo dục con, khiến chúng hay bày chơi trò người lớn.
Anh Nghĩa, Trưởng công an xã nói: “Mọi chuyện bậy bạ là do vợ chồng bà Ngọc quan hệ với nhau quá lộ liễu, coi thường con cái, hàng xóm còn thấy xấu hổ giùm. Con bé Hồng mới lớn, suốt ngày thấy mấy chuyện đó, răng mà không hư được!”.  Bà Nguyễn Thị Minh Lành, Chủ tịch MTTQ huyện Bắc Trà My buồn bã nói với chùng tôi: “Có lần hỏi mấy đứa bé con của Hồng rằng có nhớ mẹ không, nó bảo rất muốn gặp mẹ nhưng bố không cho, và cũng sợ mẹ Ngọc đánh nên không dám nói. Đau xót nhưng bất lực, vì nó đã vượt khỏi tầm tay mình. Phải tách chúng ra, nhưng bằng cách nào? Luật pháp ư? Căn cứ vào đâu? Rồi khi tách ra sẽ nuôi chúng như thế nào, ai nuôi? Mà đã nuôi là phải đến khi chúng trưởng thành chứ không bỏ ngang được. Nếu có tổ chức nào đó đứng ra nhận thì quá tốt. Họ nuôi  hai đứa trẻ cũng vì biết mẹ chúng không đủ khả năng nuôi con. Thú thật, trầy trật lắm, vì tiền không có, chỉ giúp được ít gạo, sách vở, quần áo đi học thế thôi". Câu chuyện trái ngang và đau đớn ấy có khá nhiều cán bộ xã rồi huyện cũng biết, nhưng câu trả lời chỉ là “cũng được nghe nói”, bởi có lẽ chức phận của họ chỉ dừng lại ở đấy.
Mang suy nghĩ rằng có thể xét mấy đứa con của Hồng vào diện mồ côi để đưa đến các trung tâm chức năng được chăng?! Khi tìm đến các cơ quan chức năng, hóa ra mọi chuyện cũng chẳng mấy dễ dàng. Ông Mai Đức, Phó phòng LĐ – TB – XH huyện Bắc Trà My cho biết: “Nếu là con mồ côi thì phải có giấy chứng tử của cha hoặc mẹ. Có như thế làng SOS mới nhận, bởi điều kiện vào làng này khá nghiêm ngặt. Đằng này, mẹ của chúng bỏ đi chứ không phải chết. Chuyện của hai cháu bé, xã không báo lên đây. Nếu người ta linh động thì có thể đưa chúng vào làng tình thương ở huyện Đại Lộc, nhưng cũng không dễ”. Hỏi chuyện này, ông Nguyễn Xuân Bách – Chủ tịch xã Trà Giác, huyện Bắc Trà My nói: “Xã thì làm được gì hả anh, biết nhưng đứng ngó thôi, vì chúng tôi nghèo lắm, toàn sống nhờ tiền ngân sách. Hai đứa bé đó mỗi tháng lãnh 120 ngàn đồng theo chế độ hỗ trợ cấp học sinh miền núi. Còn chuyện gia đình người ta, vùng cao anh biết rồi, đụng vào là ăn vạ đấy. Chúng tôi chỉ mong có tổ chức, cá nhân nào đó đứng ra giúp, đưa hai chị em ra khỏi căn nhà đó, nuôi cho trưởng thành, mới mong chúng khỏi khổ! Nhưng...”.

Bây giờ, mấy đứa con của Hồng với bố dượng Tịnh vẫn sống ở ngôi nhà đó, đã vào học cấp II. Giữa vùng đại ngàn mọi việc đều hành động theo bản năng, không dễ gì lay chuyển. Trước khi chia tay, tôi vẫn hoang mang. Biết ý, một cán bộ xã nói theo:“Nói được gì nữa hả anh, họ thích cái bụng thì họ làm. Gạo đã thành cơm, mấy đứa nhỏ nay cũng đã hơn 10 tuổi, khơi lại nỗi đau thì tội nó, nhưng nhìn vào thì thấy trái ngang quá, chịu không thấu, hơn nữa đây là vùng thiểu số với nhiều hủ tục, khó lắm các anh ạ”. Chúng tôi về men theo miền sương trắng, vẫn miên man. Núi rừng heo hút, dân trí thấp biết làm sao hơn được. Chỉ biết cầu mong một điều gì đó như là cổ tích sẽ đến với mấy đứa trẻ, để cánh cửa số phận đen đủi không đóng sập vĩnh viễn trước mặt chúng.

Theo KD & PL