Cũng chẳng cưới xin gì, về ở với nhau và sau sáu năm hai đứa con lần lượt ra đời. Thấy làm ăn buôn bán dễ dàng, bà Ngọc về quê nhà ở dẫn lên đứa con gái riêng là H., lúc đó mới 16 tuổi để cùng phụ mẹ và dượng buôn bán. Thế nhưng cô bé ở với mẹ và bố dượng được 3 tháng, H. có thai với… dượng. Thế là từ đó hai mẹ con sống cảnh "chồng chung".
Những tưởng chuyện đó chỉ có ở những đất nước nào đó xa xôi, nhưng khi anh bạn tôi chua chát nói ở Việt Nam mình cũng có, tôi vẫn nửa tin nửa ngờ, anh bạn khẳng định chắc nịch: “Cứ lên đó hỏi thì người ta sẽ chỉ tới tận nơi. Người dân ở đó ai cũng biết chuyện hết mà!”. Bàng hoàng, tôi lặn lội lên Trà Giác để tìm hiểu mọi chuyện, và thật bất ngờ khi đó là câu chuyện có thật và cũng thật buồn.
Chúng tôi lên đến Trà Giác, chẳng mấy khó khăn khi hỏi thăm đến nhà bà Huỳnh Thị Ngọc. Căn nhà không hơn túp lều là mấy nhưng lại là chỗ nương thân của 7 con người lam lũ nghèo khó. Bà Ngọc vồn vã mời chúng tôi vào ngồi bên trong chiếc chõng tre đặt ngoài chái, rót nước từ chiếc ấm nhôm bẹp rúm mời, quanh quẩn là 4 đứa nhỏ mặt mũi nhem nhuốc, và câu chuyện buồn được bà kể chậm rãi…
Hồi ấy là đầu năm 1990, Huỳnh Thị Ngọc một thân một mình lên Trà My buôn bán làm ăn. Ở giữa nơi rừng thiêng nước độc, lại thân cô thế cô nên có nhiều nguy hiểm, và cũng buồn tủi vì thân gái dặm trường. Lúc ấy một chàng trai người Ca Dong hiền lành, chịu khó thường hay đến mua hàng hóa của bà, thấy Ngọc cô độc một mình nên thấy thương. Sau nhiều lần qua lại mua bán, hai người kết thân với nhau. Cũng không biết Ngọc có ma lực gì, mà chỉ một thời gian ngắn, Đinh Hồng Tịnh (chàng trai người Ca Dong) đã bỏ quên cô bạn gái sắp cưới để về sống chung với Ngọc. Mặc dù lúc ấy Ngọc hơn Tịnh những… 15 tuổi. Cũng chẳng cưới xin gì, về ở với nhau và sau sáu năm, hai đứa con lần lượt ra đời.
Cuối năm 1999 thấy làm ăn buôn bán dễ dàng, bà Ngọc về quê nhà ở biển Tam Thanh (nay thuộc Tam Thanh, TP.Tam Kỳ) dẫn đứa con gái đầu là bé Hồng, lúc đó bé mới 16 tuổi để cùng phụ mẹ và dượng buôn bán. Từ Tam Thanh, Tam Kỳ lên Trà Giác, Bắc Trà My, Quảng Nam ở với mẹ và bố dượng được ba tháng, Hồng có thai với… dượng. Bà Ngọc nổi cơn tam bành, cứ suốt ngày chửi bới, rồi đuổi Hồng ra khỏi nhà, bắt lên rẫy xa dựng chòi để ở. Thời gian sau 1 bé gái ra đời. Cũng chẳng biết ông chồng thuyết phục thế nào mà bà Ngọc đồng ý cho con gái ôm con về ở chung với mình thành đại gia đình. Tưởng một lần lầm lỡ rồi thôi, ai ngờ chín tháng sau Hồng lại có thai với… dượng lần nữa. Phen này bà Ngọc làm căng, chửi bới nhiếc móc suốt ngày, Hồng tủi cực quá đang phải mang bụng chửa vượt mặt sang Trà Giáp nấu cơm thuê cho cánh công nhân. Đến ngày chuẩn bị sinh nở, Hồng quay về nhà. Lúc đó, bà Ngọc cũng sắp sinh. Thế là hai mẹ con cùng sinh một năm cho cùng một người “chồng”. Rồi những ngày tháng cả hai mẹ con vượt cạn là những ngày tháng người chồng phải chạy vạy khắp nơi, lo toan đủ thứ. Người ta bảo khổ như vợ đẻ. Đằng này người chồng này lại cùng lúc chăm cho 2 bà vợ trong cùng một ngôi nhà, với những điều kiện khốn khó không thể kể xiết.
Tôi hỏi bà Ngọc: “Mấy đứa con chị đây à? Bảo chúng nó đúng sát vào hai vợ chồng để chụp tấm hình”. Bà liếc nhanh: “Không! à ừ mấy đứa con đó”. Còn ông chồng thì cười rổn rảng: “Thôi đừng chụp chi! Ngại lắm!”. Tôi giương máy lên khi mấy đứa trẻ chơi quanh quẩn bên cạnh, bấm nút mà ngón tay thấy đau, những suy nghĩ cứ hướng vào mấy đứa trẻ. Đau lòng không khi trong số những đứa trẻ sàn sàn tuổi nhau này phải gọi đứa kia là cậu ruột, nhưng số phận lại buộc tụi nó gọi nhau là anh em…
Nỗi đau trong mái lá
Tôi ngồi trò chuyện làm ăn với ông Tịnh và bà Ngọc. Ông thì vừa mới qua tuổi 41, còn bà đã chạm tuổi 55. Và xung quanh họ, mấy đứa con chung của họ đang cười đùa rất ngây thơ, xúm xít quanh tôi bảo mở máy xem ảnh vừa chụp. Tụi nó cười toe toét, hồn nhiên như cây cỏ, như không hề biết là giông bão đã ập đến từ đâu. Vợ chồng bà cũng cười ngượng nghịu… Bà nức nở tâm sự với những lời lẽ như hối hận: “Ông ấy năm nay tuổi 41. Tôi vừa tròn 55 tuổi. Vì cái nghèo không tìm được lối thoát nên không thể lường được hai mẹ con lấy chung chồng. Khi biết, mọi chuyện đã quá muộn”.
Chị Thanh, một người cùng xóm gần đó nói: “Lúc ấy biết chuyện, bà con cũng góp ý nhiều lắm, thôn rồi xã cũng có người gọi bả lên làm việc nhưng bả đâu có nghe, còn chửi chúng tôi không ra gì, rằng chuyện riêng của gia đình người ta, xía vô làm gì? Còn nói chuyện khuyên răn với con bé thì nó cũng không nghe, còn bảo rằng, ông ấy thương tôi hơn thương mẹ tôi! Vậy là hết nói nổi!”. Trong câu chuyện về nhà bà Ngọc, một người đàn ông Ca Dong hàng xóm kể lại với những cái lắc đầu ra chiều không đồng ý: “Mỗi lúc uống rượu với tui, thằng Tịnh nó sung sướng không ai bằng vì có bà lớn bà nhỏ, mà bà nhỏ thì thương hơn. Nhưng nó cũng than không có cái chi cho hai bà vợ ăn hết, ngày ngày nó làm quần quật trên nương trên rẫy để có tiền lo cho mấy đứa nhỏ. Thấy cũng tội!”.
Bây giờ, mấy đứa con của Hồng với bố dượng Tịnh vẫn sống ở ngôi nhà đó, đã vào học cấp II. Giữa vùng đại ngàn mọi việc đều hành động theo bản năng, không dễ gì lay chuyển. Trước khi chia tay, tôi vẫn hoang mang. Biết ý, một cán bộ xã nói theo:“Nói được gì nữa hả anh, họ thích cái bụng thì họ làm. Gạo đã thành cơm, mấy đứa nhỏ nay cũng đã hơn 10 tuổi, khơi lại nỗi đau thì tội nó, nhưng nhìn vào thì thấy trái ngang quá, chịu không thấu, hơn nữa đây là vùng thiểu số với nhiều hủ tục, khó lắm các anh ạ”. Chúng tôi về men theo miền sương trắng, vẫn miên man. Núi rừng heo hút, dân trí thấp biết làm sao hơn được. Chỉ biết cầu mong một điều gì đó như là cổ tích sẽ đến với mấy đứa trẻ, để cánh cửa số phận đen đủi không đóng sập vĩnh viễn trước mặt chúng.