"Tôi sợ những người bán hàng ở Hà Nội lắm, vừa đanh đá, vừa chua ngoa"

05/07/2012 07:19
Hải Phong (Tổng Hợp)
(GDVN) -“Tôi sợ những người bán hàng ở Hà Nội lắm, vừa đanh đá, vừa chua ngoa, vừa hung dữ”, Độc giả Nguyễn Anh Sáng ở Đà Lạt bày tỏ.
Sau khi Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải loạt bài viết xung quanh vấn đề văn hóa ứng xử và văn hóa phục vụ, mới đây là bài viết của độc giả Nguyễn Thanh Tâm: "Một lần ra Hà Nội, chị gái tôi đã bị một 'cú sốc văn hóa' quá nặng”, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã nhận được hàng trăm phản hồi của độc giả. Nhiều độc giả đã lý giải nguyên nhân gây ra tình trạng này.Sốc với văn hóa kiểu chợ trời Nhiều độc giả tiếp tục kể lại những bức xúc của mình khi có dịp đặt chân đến thủ đô Hà Nội. Độc giả Nguyễn Anh Sáng cho biết: “tôi ở Đà Lạt và đã có dịp ra Hà Nội 1 lần. Nếu ở Đà Lạt, khi tôi ở khách sạn bình thường thì họ cũng phục vụ chu đáo lắm, đằng này ở Hà Nội cái điều khiển ti vi hết pin, tôi gọi điện cho lễ tân cũng không gặp ai. Tôi xuống xin pin thì họ nói hết pin rồi, tôi đợi họ đi mua cả buổi cũng không có nên phải tự tìm”. Một độc giả khác bức xúc “tôi sợ những người bán hàng ở Hà Nội lắm, vừa đanh đá, vừa chua ngoa, vừa hung dữ”.
Một quán bún được mệnh danh là "bún mắng" Hà Nội. Ảnh: Internet.
Một quán bún được mệnh danh là "bún mắng" Hà Nội. Ảnh: Internet.
Độc giả có địa chỉ email tranam_vt@...bày tỏ: “sốc thực sự, tôi còn sốc hơn vì người phải chịu cảnh này là một người đến từ Đà Nẵng. Người Đà Nẵng có cách ứng xử văn hóa trong sinh hoạt và cả kinh doanh. Những điều tưởng như rất bình thường về văn hóa giao tiếp, văn hóa bán hàng, văn minh đô thị... -  những nét rất hàng ngày của người Đà Nẵng thì lại xa vời với người Hà Nội, với nơi thủ đô ngàn năm văn hiến".
Còn độc giả có địa chỉ email sweetlyviolet@...chia sẻ: “tôi là người Hà Nội chính gốc mà còn phát sợ với kiểu văn hóa chợ trời như vậy. Nhiều khi đi mua sắm, tôi cũng chẳng dám đôi co cho xong việc, đi ăn uống thì chẳng bao giờ vào những quán như thế”. Một độc giả khác nuối tiếc: “nhiều người Hà Nội thành danh nhờ nếp sống và văn hóa Hà Nội xưa. Ngày ấy Hà Nội ta còn nghèo nhưng từ người bán lạc rang đến quán nước ven đường, dù học vấn không cao nhưng văn hóa của họ thật kính nể”. Tranh luận sôi nổi về nguyên nhân Lý giải về những nguyên nhân gây ra tình trạng này, độc giả Vũ Hải bày tỏ quan điểm: “tôi là người Hà Nội, bố mẹ tôi cũng là người được sinh ra và lớn lên tại đây. Xem xong bài viết này, tôi thấy chua xót và có phần xấu hổ quá. Thiết nghĩ, hiện tượng trên chỉ là con sâu bỏ rầu nồi canh thôi. Một phần lý do nữa là Hà Nội bây giờ có nhiều người tỉnh lẻ, ngoại thành đổ về đây sinh sống và buôn bán quá. Chỉ có những dịp Tết, khi những người ngoại tỉnh về quê thì mới thấy được Hà Nội vắng vẻ đi rất nhiều. Nói điều này để chúng ta thấy rằng những điều bất tiện mà tác giả gặp phải chưa chắc là do cách ứng xử của người Hà Nội gốc, mà có thể là từ những người đến Hà Nội buôn bán mà thôi”.
Một quán ăn ở Hà Nội ngày xưa. Ảnh: Internet.
Một quán ăn ở Hà Nội ngày xưa. Ảnh: Internet.
Theo độc giả Lê Văn Khánh thì anh đã gặp nhiều trường hợp người bán hàng có thái độ rất thiếu văn hóa ở nhiều nơi, chứ không riêng gì Hà Nội. Độc giả này cũng bày tỏ quan điểm “có lẽ chúng ta phải lên án mạnh mẽ hành vi này. Từ xưa tới nay, các cụ ta đã có câu “thuận mua vừa bán”, “lời nói chẳng mất tiền mua/ lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”, nhưng hình như những người bán hàng chửi mắng ấy, họ cảm thấy mình là ông chủ, còn khách hàng chỉ là dân đen”. Độc giả Nguyễn Hồng Sơn nhận định: “đúng là ở Hà Nội và một vài tỉnh phía Bắc thì thái độ phục vụ của người bán hàng thực sự không coi trọng 'thượng đế'. Điều này kém hơn hẳn so với các tỉnh từ miền Trung trở vào, đặc biệt là ở thành phố Hồ Chí Minh. Nhưng nếu chỉ nói rằng do người ngoại tỉnh làm xấu đi văn hóa của người Hà Nội, như vậy có phân biệt quá chăng. Thủ đô là của chung cả nước, chúng ta đều phải có ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa, thử hỏi một mình người Hà Nội (coi như chỉ tính người Hà Nội gốc) thì có làm nên thủ đô ngày nay không, vì vậy đừng do một số hành động không hay mà nói rằng đó là do người ngoại tỉnh. Độc giả có địa chỉ email bacnguyenduy@...cho rằng “có lẽ chúng ta phải suy nghĩ lại cách giáo dục công dân gắn với tri thức của chúng ta, phải chăng đó là một phần sản phẩm mà lỗi thuộc về nền giáo dục của chúng ta”. Trong khi đó, độc giả Lê Phúc khẳng định “muốn xem đất nước hoặc một tỉnh thành nào đó có văn minh thực sự hay không thì chúng ta hãy đến những nơi công cộng như: bệnh viện, chợ, bến xe, trạm xe buýt... thì chúng ta sẽ thấy được nét văn minh của địa phương”. Độc giả này còn đề xuất thêm “nếu chúng ta làm một bài toán thống kê đối với những người miền Nam và miền Trung, thậm chí là khách quốc tế có dịp ghé thăm Hà Nội thì tôi chắc rằng không dưới 90% sẽ giống như trường hợp giống chị Huyền”.
Hải Phong (Tổng Hợp)