Tổng đài bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài: Ghi nhận 500 cuộc/ngày

09/02/2015 16:05
Hồng Nhung
(GDVN) - Mỗi ngày, tổng đài đường dây nóng bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài nhận được khoảng 500 cuộc gọi hỏi hoặc nhờ trợ giúp.

Sau một tuần số điện thoại đường dây nóng bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài 00844 62 844 844 được Bộ Ngoại giao chính thức vận hành, bước đầu ghi nhận nhiều tích cực và sự đón nhận của người dân.

Theo ông Hồ Anh Vũ – Phụ trách Phòng Bảo hộ Công dân và Pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài, Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết: "Tính đến hôm nay (9/2) đã một tuần tổng đài chính thức hoạt động. Theo số lượng thông tin từ tổng đài Vietel thông báo thì khoảng 500 cuộc 1 ngày, sau đó chuyển cho Cục Lãnh sự 40 cuộc/ ngày.

Thông tin người dân phản ánh nhiều chuyện, từ những chuyện mà tổng đài có thể trả lời giúp như trong đợt tập huấn, thường là những câu hỏi đơn giản như tôi mất hộ chiếu ở nước ngoài xử lý như thế nào… Còn trong trường hợp mà cần gặp cơ quan đại diện hoặc có vấn đề ở nước nào, tổng đài đã hướng dẫn đến gặp cơ quan đại diện nước đó. Yêu cầu này là nhiều nhất.

Bên cạnh đó, người nhà lao động Việt Nam ở một số nước phản ánh về tình hình lao động Việt Nam ở các nước đó. Những thông tin này phòng thường nhận được rồi, người nhà chỉ hỏi lại, tổng đài cũng đã thông tin".

Buổi lễ khai trương thổng đài bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài. Ảnh: VNN
Buổi lễ khai trương thổng đài bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài. Ảnh: VNN

Đối với việc chênh lệch múi giờ ở nước ngoài so với Việt Nam, ông Vũ cho hay, có hai luồng câu hỏi, một là công dân có vấn đề gọi trực tiếp từ nước ngoài về, hai là công dân có vấn đề ở nước ngoài nhưng lại gọi trước cho gia đình, và gia đình là những người phản ánh cho tổng đài. 

Với trường hợp gia đình phản ánh thì không gặp rắc rối gì về thời gian, bởi họ toàn gọi ban ngày. Còn đúng ở khi ở nước ngoài gọi về, họ gọi muộn hơn nhưng tổng đài hoạt động 24/24 giờ nên không có vấn đề gì.

Những trường hợp gọi về ban đêm không nhiều, nhưng nếu có thì cũng được hướng dẫn liên hệ trực tiếp đến các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài, có xử lý ngay. 

Nếu trường hợp phức tạp hơn thì có thể chuyển lại thông tin bằng văn bản cho Cục Lãnh sự để xử lý, có thể qua đường email hoặc qua gửi đơn để Cục Lãnh sự có thông tin, sau đó sẽ xác minh lại sự việc với cơ quan liên quan.

Ghi nhận điểm tích cực của số điện thoại đường dây nóng giúp đỡ công dân Việt Nam ở nước ngoài, ông Vũ cho biết, sau thời gian được tuyên truyền, người dân đã biết đến thông tin này. 

"Từ trước đến nay, người dân không biết phản ánh những thông tin ở đâu, giờ họ biết đến tổng đài có thể gọi đến để hỏi hoặc nhờ trợ giúp. Nhiều trường hợp người ta chỉ hỏi để biết là trong trường hợp gặp sự cố như vậy thì họ phải làm gì, chứ chưa chắc họ là những người đang gặp khó khăn thực sự như thế.

Thứ nữa, có một số trường hợp họ gửi đơn thư đến hoặc chưa đến họ cũng gọi để hỏi. Người ta gọi đến Cục Lãnh sự để phản ánh, coi như là một hệ thống thông tin liên lạc, họ để lại thông tin của họ, sau này mình có thông tin mới về người thân của họ có thể liên hệ trực tiếp với họ. Bởi nhiều khi từ chỗ Cục Lãnh sự mà muốn gửi thư trả lời công dân mà gửi qua đường văn bản sẽ mất nhiều thời gian hơn, trong khi người dân cũng mong mỏi. Đây là một thuận lợi rất lớn", ông Vũ nói thêm.

Về định hướng phát triển tiếp theo của số điện thoại đường dây nóng, ông Vũ cho biết: “Trước mắt sẽ tiếp tục đào tạo thêm cho đội ngũ điện thoại viên, bởi vì người ta phải nắm được càng nhiều vấn đề càng tốt. Bởi công dân hỏi rất đa dạng, không phải vấn đề nào cũng có thể trả lời được, nếu mà tổng đài viên có thể trả lời ngay cho người dân thì người ta sẽ an tâm hơn.

Còn về lâu dài, hy vọng thông tin của tổng đài cũng như giải đáp của Cục Lãnh sự sẽ đến được trực tiếp với những người cần giúp đỡ.

Cục Lãnh sự sẽ nghiên cứu hình thức mới hơn, ví như khi công dân của ta đến nước nào đó, họ sẽ nhận được luôn tin nhắn là nếu bạn gặp rắc rối ở nước đấy thì bạn có thể liên hệ ngay với cơ quan đại diện của Việt Nam ở đó, chứ không nhất thiết phải gọi về trong nước.

Hồng Nhung