Ngày 22/3, một vụ việc bạo lực học đường nghiêm trọng đã xảy ra tại trường Trung học cơ sở Phù Ủng (Ân Thi, Hưng Yên) khi một nữ sinh lớp 9 tên Y bị 5 bạn học cùng hành hạ, lột quần áo.
Một tuần sau, ngày 22/9, clip em Y bị các bạn bạo hành xuất hiện trên mạng đã gây ra làn sóng phẫn nộ trong cộng đồng. Những hình ảnh bạo lực mà các nữ sinh lớp 9 gây ra cho bạn mình đã khiến rất nhiều người bức xúc.
Bạo lực học đường từ lâu đã trở thành một nỗi ám ảnh trong giáo dục. Nhiều giải pháp đã được đưa ra nhưng tình trạng bạo lực học đường vẫn có những diễn biến phức tạp.
Trước thực trạng nhiều vụ việc dâm ô, bạo lực học đường và xâm hại tập thể xảy ra, Bác sĩ Nguyễn Trọng An, Nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Trẻ em, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng (RTCCD) đã chia sẻ với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam về một số nguyên nhân dẫn đến sự việc đau lòng.
Bác sĩ Nguyễn Trọng An là người Việt Nam được tôn vinh trong hội nghị toàn cầu các cá nhân và tổ chức có thành tích bảo vệ sức khỏe và quyền trẻ em tại New York, Hoa Kỳ vào ngày 12/6/2017.
Theo báo cáo của Bộ Công an, 6 tháng đầu năm 2018, cả nước xảy ra 720 vụ xâm hại trẻ em, trong đó xâm hại tình dục trẻ em gồm 573 vụ, chiếm 79,5% tổng số vụ xâm hại trẻ em. Qua đó, lực lượng công an đã xác minh, điều tra xử lý hình sự 538 vụ với 579 đối tượng, xử lý hành chính 55 vụ và đang điều tra 127 vụ. |
Theo Bác sĩ Nguyễn Trọng An, một trong những nguyên nhân đầu tiên dẫn đến những vụ việc đau lòng đã xảy ra chính là việc nhận diện các nguy cơ có tác hại cho trẻ ở Việt Nam chưa được thực hiện tốt.
“Ở đây tôi nói thẳng là hệ thống, đội ngũ làm công tác trẻ em của chúng ta không có do bộ máy đã bị giải tán hết.
Chúng ta không còn đội ngũ cán bộ xã hội, cộng tác viên làm việc, hợp tác với trẻ em ở cộng đồng nên các nguy cơ nguy hiểm đến trẻ em chưa được nhận diện kịp thời.
Gần đây nhất có một cuộc họp của thủ tướng có đưa ra đề nghị các xã phải có thêm một cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em.
Nhưng vấn đề đang đặt ra là ai sẽ trả lương cho cán bộ này? Cơ chế hoạt động như thế nào? Nếu là cán bộ kiêm nhiệm, họ có kiến thức bảo vệ trẻ em hay không? Những vấn đề này cần phải được đặt ra và nhìn nhận thực tiễn.
Các cán bộ trẻ em, các cán bộ làm công tác xã hội, công tác cộng đồng họ phải sống ở khu vực đó, họ có kiến thức, nhận diện tốt các nguy cơ từ cộng đồng đối với trẻ em.
Sau đó các cán bộ này mới có những tư vấn ngăn chặn trước các nguy cơ đúng như luật trẻ em đã đề ra đó là hệ thống phòng ngừa, giải quyết các nguy cơ không để xảy ra.
Hiện nay chúng ta đang thiếu mạng lưới đó cho nên là những vụ việc đau lòng đối với trẻ em vẫn đang xảy ra”, Bác sĩ An nêu.
Bác sĩ Nguyễn Trọng An hi vọng sự vào cuộc quyết liệt của cộng đồng sẽ đầy lùi các nguy cơ với trẻ em (Ảnh tuyên tuyền luật trẻ em năm 2016) |
Nguyên nhân tiếp theo được Nguyên Phó cục trưởng Cục bảo vệ và Chăm sóc trẻ em chỉ ra:
“Giáo dục nhà trường là một phần phần thứ hai phải là sự hỗ trợ của cộng đồng cho cha mẹ các em.
Về vấn đề nhà trường, chúng ta phải nhìn nhận thẳng thắn rằng khối lượng giáo dục các kỹ năng cho học sinh là chưa đủ và chưa đi vào thực chất.
Thử hỏi hiện nay trong trường chúng ta dành bao nhiêu thời gian để trẻ học về đạo đức, các kỹ năng sống, giáo dục về phòng chống tai nạn thương tích, giáo dục về bơi tự cứu, giáo dục về phòng chống xâm hại tình dục…
Trẻ em bây giờ đi học là từ sáng đến tối toàn những kiến thức hàn lâm như ngoại ngữ, Toán, Hóa… lõ cả mắt ra nhưng những kiến thực thực tế thì hoàn toàn bằng 0.
Hiện nay có tình trạng rất nhiều em phải đeo kính, mặt lúc nào cũng lờ phờ như con gà công nghiệp không có một cháu nào có kỹ năng bảo vệ mình khi gặp vấn đề xảy ra.
Trong khi đó, để nhồi nhét kiến thức được thật nhiều, học sinh hết học chính khoá ở trường, lại phải học thêm vào giờ nghỉ, ngày nghỉ làm cho các em vô cùng mệt mỏi, căng thẳng, tuổi thơ của chúng vô tình bị “đánh cắp”.
Cuộc sống khô khan, đơn điệu, nhàm chán đó đã ảnh hưởng rất lớn tới đời sống tâm hồn và sự phát triển nhân cách của học sinh.
Đây là một trong những lý do làm cho một bộ phận học sinh trở nên lạnh lùng, cục cằn, thậm chí có tính cách du côn.
Dẫn đến hỗn láo với thầy cô, người lớn; tàn bạo với học sinh cùng trang lứa mà ngày ngày chúng ta được chứng kiến.
Câu chuyện đau lòng đã xảy ra tại Hòa Bình khi có 8 em đã mất mạng là sự cảnh tỉnh trong cách giáo dục và trang bị các kỹ năng cho trẻ của chúng ta.
Sự vô cảm của cộng đồng đang khiến những đứa trẻ bị bỏ rơi.
Đây được Bác sĩ Nguyễn Trọng An nhìn nhận là một nguy cơ hiện hữu dẫn đến những vụ việc đau lòng xảy ra.
Theo đó, bác sĩ An: “Mặc dù là một trong những nước đầu tiên ký công ước quốc tế về quyền trẻ em nhưng Việt Nam đã giải tán toàn bộ hệ thống bảo vệ trẻ em từ trung ương đến cơ sở.
Sau đó sáp nhập bộ phận đó vào với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.
Bản thân tôi đi sang Genever khi bảo vệ công ước quốc tế về quyền trẻ em tôi cũng bị văn vẹo là tại sao bảo vệ trẻ em lại giao về Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (nguyên văn nước ngoài hỏi tại sao lại giao về Bộ Tàn phế binh chiến tranh).
Thương binh với Lao động thì làm sao bảo vệ được trẻ em. Cho nên ngay từ trên Trung ương có đủ các ban bệ, rồi cả một Ủy ban vừa mới thành lập… nhưng những vụ việc trẻ em bị xâm hại, bị hãm hại chưa thấy lên tiếng”.
Hình ảnh kinh hoàng do các học sinh lớp 9 trường Trung học cơ sở Phù Ủng gây ra cho bạn mình. (Ảnh: VOV) |
Bác sĩ Nguyễn Trọng An bức xúc và lấy ví dụ về vụ việc cháu bé bị hiếp dâm tại Chương Mỹ nhưng kẻ thủ ác vẫn được tại ngoại.
Đặc biệt, nguyên Phó Cục trưởng cục bảo vệ và Chăm sóc trẻ em bức xúc với cách làm của công an huyện Chương Mỹ.
Thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, mỗi năm Việt Nam có khoảng 2.000 trẻ em bị xâm hại được phát hiện, trong đó trẻ em bị xâm hại tình dục chiếm hơn 60%. Những hành vi, vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em chỉ khi chạm ngưỡng hình sự mới bị phát hiện, xử lý, do đó những con số được nêu ra có thể chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”. |
“Vụ việc có nhiều diễn biến xấu gây bức xúc cho xã hội nhưng Lãnh đạo của Ủy ban quốc gia về trẻ em vẫn không có tiếng nói.
Cuối cùng chính tôi phải điện cho Hội Quyền trẻ em, lúc ấy họ mới có công văn rồi lúc ấy Cục trẻ em mới lên tiếng. Sau đó hung thủ mới bị bắt lại”, bác sĩ An nêu.
“Trở lại câu chuyện học sinh nữ bị xâm hại tập thể ở Quảng Trị. Cả một buổi tiệc sinh nhật đó, gia đình các em có biết không? Tại sao lại xảy ra vụ việc xâm hại tập thể như vậy mà cộng đồng không biết để can thiệp?
Vai trò của các tổ chức xã hội có trong cộng đồng khi xảy ra vụ việc này hoàn toàn không có. Có thể nói là vô cảm.Vấn đề ở đây chính là câu chuyện thờ ơ của cộng đồng đối với các nguy cơ xảy đến với trẻ em.
Trẻ em đang bị bỏ rơi bởi sự vô cảm của cộng đồng, của người lớn, của nhà trường…” Nguyên Cục Phó Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em bày tỏ.