Trò “Chơi ô ăn quan” và chuyện “Tít to, tít bé”

05/11/2015 08:13
Xuân Dương
(GDVN) - Liệu có phải “không ít” lãnh đạo đều biết, nhưng “biết (mà) không nói”, hay là phải chọn thời điểm nói sao cho… “yên tâm”, nói xong rồi là “tròn trách nhiệm”,

Có hai chuyện, một liên quan đến ngày xửa ngày xưa là trò chơi dân gian Việt Nam “Chơi ô ăn quan”,  một liên quan đến Toán học hiện đại là số lượng câu nói có nghĩa có thể tạo ra từ ba từ đơn.  Xin cóp nhặt để bạn đọc tham khảo.

Chuyện thứ nhất: “Chơi ô ăn quan”

Hỏi mấy đứa cháu học phổ thông bây giờ, chẳng đứa nào biết “Chơi ô ăn quan” là gì. Các bạn tuổi trẻ tài cao nay đang tầm 30-40 tuổi, trong túi rủng rỉnh tận mấy cái bằng bên Tây, bên Mỹ không biết những ai đã từng chơi trò “Chơi ô ăn quan”? 

Nếu mà chưa biết xin được mạn phép giới thiệu, tuy nhiên vì dốt hội họa nên người viết đành phải “đạo hình” trên YouTube. 

Giới kiếm hiệp bên Tàu chia loài người thành 4 hạng: Quân tử, chân tiểu nhân, tiểu nhân, ngụy quân tử. 

Những kẻ tiểu nhân thành thật, công khai với bàn dân thiên hạ rằng mình là tiểu nhân, chỉ xếp hạng dưới quân tử một bậc. Còn những kẻ ăn cắp mà lại che dấu hành vi ăn cắp gọi là “ngụy quân tử”, loại này xếp hạng cuối cùng. 

Vì đã nhận là “đạo hình”, nghĩa là xếp mình vào hàng “chân tiểu nhân” nên xin các bạn lượng thứ, xin bớt tranh luận về bản quyền tác giả, kẻo lại giống như cái cô nhà thơ nào đó làm mất thời gian người đọc.

Trò “Chơi ô ăn quan” và chuyện “Tít to, tít bé” ảnh 1
Hình vẽ trò chơi dân gian - Ô ăn quan (Ảnh cắt từ YouTube)

Hình vẽ trò chơi trực tuyến cho thấy, 10 ô “dân” mỗi ô có 5 viên sỏi, 2 ô “quan” mỗi ô có 10 viên, các viên sỏi tượng trưng cho của cải, lúc đầu của dân là như nhau, của quan gấp đôi dân. 

Riêng ô “quan” nếu thiếu sỏi thì lấy một cục gì đó to to thay thế cho 10 viên sỏi. Sở dĩ trong ô quan có thể thay 10 viên sỏi bằng một “cục to” vì của cải trong ô “quan” không được lấy đi chia nên chỉ cần một cục to cho khác “dân” là được.

Hai người chơi oẳn tù tì ai thắng đi trước. 

Người chơi bốc sỏi trong ô bất kỳ chia vào các ô khác theo chiều kim đồng hồ, mỗi ô 1 viên. Khi viên cuối cùng trên tay dải xuống sẽ xảy ra mấy tình huống:

- Nếu ô kế tiếp là ô “dân” mà còn “của” thì lấy “của dân” chia tiếp;

- Nếu gặp ô “quan” thì phải “xì tốp” (stop), nhường cho đối thủ chơi, không được lấy “của” trong ô “quan” để chia;

- Nếu ô kế tiếp là ô trống thì được lấy “của” trong ô kế bên ô trống làm của mình kể cả ô đó là ô “quan”;

Lấy xong “của” trong một ô nếu lại gặp ô trống và kế bên cạnh là ô có “của” thì được phép lấy tiếp cho đến khi gặp hai ô trống hoặc tất cả các ô đều hết của;

Trường hợp đặc biệt khi cả hai ô quan bị “ăn” hết thì kết thúc ván chơi, bọn trẻ đồng thanh đọc câu: “hết quan hoàn dân thu quân bán ruộng” trước khi chia sỏi bắt đầu ván mới. 

Trò “Chơi ô ăn quan” và chuyện “Tít to, tít bé” ảnh 2

Nhân dân sẽ dựa vào đâu để tin tỉ lệ điểm số mà Bộ Giáo dục vừa công bố?

(GDVN) - Chưa kể, học sinh cũng chưa đủ dữ liệu để đăng ký vào các trường đại học, dù mình đã vượt qua tốt nghiệp với điểm số không thấp...

Trong trò chơi này không biết vô tình hay hữu ý, người xưa đã hàm chứa khá nhiều thông điệp, rằng:

- “Quan” thoạt đầu chỉ giàu gấp đôi “dân”;

- Chỉ có thể lấy “của dân” đem chia và đương nhiên khi chia “của dân” thì “quan” luôn luôn có phần, còn “của quan” thì không được lấy đem chia cho bất kỳ ai;

- Sự tích tụ “của” trong ô “quan” diễn ra liên tục;

- Khi ô “quan” cách xa ô “dân” thì “quan” mới mất “của”. 

Nói theo ngôn ngữ hiện đại, khi “quan” không còn ở gần “dân”, khi “quan” với “dân” không còn liên hệ gì thì cũng là lúc của cải mà “quan” tích lũy được sẽ “không cánh mà bay”. Khi cả hai “quan” không còn “của” thì cuộc chơi kết thúc, đó là lúc quan “hoàn dân”, trở lại là người thường.

Lý lẽ của người xưa như thế, chẳng biết ngày nay lý luận cao siêu thế nào nhưng có lẽ không ít người cho đó là trò chơi con trẻ, làm gì có chuyện lấy hết “của” trong ô “quan”, làm gì có chuyện “hoàn dân”, cùng lắm là trở thành “cha chú” của quan mới mà thôi.

Chuyện thứ hai: chuyện cái tít

Với ba chữ số 1, 2, 3 có thể tạo nên 6 số khác nhau là 123, 132, 213, 231, 312, 321.

Nếu có nhiều chữ số hơn mà muốn tạo thành các số có ba chữ số thì phải dùng đến Công nghệ thông tin, số chữ số tạo được sẽ được tính theo công thức có dùng đến “Tổ hợp chập ba của n phần tử”, chuyện ấy xin dành cho các bạn yêu thích Toán học. 

Với ba chữ “không”, “biết”, “nói” hình thành được bao nhiêu câu nói có nghĩa? Cứ theo cách làm với ba con số nêu trên, tạm thời hình thành 6 câu sau: “không biết nói”, “không nói biết”, “biết không nói”, “biết nói không”, “ nói không biết” và “nói biết không”.  

Trong 6 câu này, xem ra hai câu “không nói biết” “nói biết không” không rõ nghĩa lắm tuy đôi khi cũng được dùng, vậy nên ở đây chỉ chú trọng đến 4 câu còn lại.

Báo Vietnamnet.vn ngày 24/10/2015 có bài “Xây nhà sai phép, Phó Giám đốc Sở đổ tại vợ, mình không biết”. Vị lãnh đạo mà bài báo đề cập Phó Giám đốc sở Giao thông Vận tải TP. Hà Nội. 

Bài báo dẫn lời ông Phó Giám đốc rằng: “Tôi ủy quyền hết cho vợ, tôi không liên quan”. Ông ấy nói ông không liên quan vì đã ủy quyền hết cho vợ, tức là ông “nói không biết” chuyện ngôi nhà vợ ông đang xây vượt quá quy định chỉ … 3 tầng! 

Trò “Chơi ô ăn quan” và chuyện “Tít to, tít bé” ảnh 3

Cáo quan - Quan cáo, chuyện xưa, nay hiếm!

(GDVN) - Ngày nay chắc chẳng có bậc giáo sư, tiến sĩ nào lại tự nguyện xin thôi phẩm hàm giáo sư, tiến sĩ để nhận lấy danh vị “thường dân”.

Ông “nói không biết” vì vợ con, anh em ông “không báo cáo” cho ông, cũng như ngôi nhà 8B Lê Trực gần Lăng Bác xây vượt phép chẳng ai báo cáo cho lãnh đạo thì làm sao lãnh đạo biết, cổ nhân dạy “không biết thì không có lỗi” cơ mà? 

Tại phiên họp Quốc hội đang diễn ra, Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết ngân sách năm 2016 chỉ còn 45.000 tỷ tức là khoảng 2 tỷ USD. 

Để “nuôi sống” 40.000 xe công, mỗi năm ngân sách phải chi gần 13.000 tỷ. Chuyện này diễn ra không phải đột ngột trong một hai tháng, hay một hai năm, chuyện này đã được quy định trong Quyết định 59 từ cái năm “mùng thất” (2007) nào rồi . 

Chuyện này các chuyên gia cũng đã cảnh báo từ lâu, truyền thông không thiếu lời “nhắn nhủ”, đến bây giờ người dân mới biết, có điều khi biết thì sự việc đã rồi, biết để đấy chứ người dân thì “không biết nói” thế nào, “không biết nói” cho ai nghe. 

Liệu có phải “không ít” lãnh đạo đều biết, nhưng “biết (mà) không nói”, hay là phải chọn thời điểm nói sao cho… “yên tâm”, nói xong rồi là “tròn trách nhiệm”, là “tròn nhiệm kỳ”…?

Gần đây, Vietnamnet.vn tờ báo điện tử uy tín thuộc vào hạng “top” của Việt Nam đăng bài: “Con lãnh đạo làm lãnh đạo là hạnh phúc của dân tộc”. Người trong cuộc cho rằng “đó là cái tít không lành mạnh”!  

“Cuộc giải thích” này khiến cho dư luận phải “băn khoăn”, phải “tâm tư” vì rõ ràng là một trong hai bên “không biết nói”, ai “không biết nói” thì dân biết, có điều dân biết nên dân mong rằng ai đó có lòng vì dân, vì nước hãy “biết nói không” với chính mình và quan trọng là “biết nói không” đúng lúc, đúng chỗ.

Khái niệm “Dân chủ” hiểu đơn giản là “dân làm chủ”. Có thể do một bộ phận cư dân chưa nhận thức hết được quyền làm “chủ” của mình nên nhiều bài báo phải giải thích thêm, rằng dân chủ nghĩa là “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Trong bốn “quyền dân” đó thì “dân biết” đứng hàng đầu. 

Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 19/8/2011 đã viết: “để cho “dân biết” thì phải công khai, minh bạch các công việc, các kế hoạch, các chủ trương lớn của  Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền, đoàn thể, cũng như các cơ quan, đơn vị. Dân phải được thông tin đầy đủ, đa chiều”.

Từ ý kiến trên tờ báo của quân đội, có thể thấy vụ “lãnh đạo trẻ” sở dĩ hơi “nhạy cảm” chẳng qua là do dân không được nói cho biết.

Nếu dân được biết những quy định về tiêu chuẩn cấp Sở ban hành năm 2004 lâu quá rồi, nói theo ngôn ngữ dân gian là “hết đát (date)” thì chắc chả ai bàn tán làm gì.

Một khi dân không bàn tán nữa mà cánh báo chí cứ “cố bàn” thêm thì đương nhiên đó hẳn không chỉ là“cái tít không lành mạnh” mà có khi còn là cả bài báo? 

Bài báo nêu trên báo Quân đội nhân dân còn viết: “Dân có quyền đòi hỏi được cung cấp thông tin về mọi mặt (cố nhiên là trừ các vấn đề bí mật quốc gia). 

Sự thông tin có định hướng-nhìn trên đại thể vì quyền lợi quốc gia-là cần thiết; nhưng nó hoàn toàn trái ngược với sự bưng bít thông tin, từ chối cung cấp thông tin, thông tin một chiều, cắt xén thông tin và thông tin không khách quan, không trung thực
”.

Tại kỳ họp Quốc hội lần này, lần đầu tiên dân được biết những con số không biết có phải là “bí mật quốc gia” giống như dữ liệu kỳ thi quốc gia vừa qua, khi hai vị Bộ trưởng và một Thứ trưởng công bố như sau:

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn: “Năm 2015, thu ngân sách ước tính sẽ vượt dự toán 17.400 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngân sách Trung ương vẫn đói kém khi hụt thu tới 31.000 tỷ đồng”. [1]

Ông Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Tài chính trong tờ trình gửi Quốc hội, cho biết: “Thu ngân sách năm 2016 sẽ tăng cao hơn dự toán năm 2015 gần 61.000 tỷ đồng”. 

Thế nhưng Bộ trưởng Kế hoạch đầu tư Bùi Quang Vinh “bức xúc cho biết, tình hình ngân sách năm tới vẫn rất căng thẳng vì áp lực chi. Trong khi đó, con số thực để phân bổ hiện vỏn vẹn còn 45.000 tỷ đồng”. 

Nhận xét về số liệu bên Tài chính công bố, Bộ trưởng Vinh cho rằng “những số liệu này nghe rất vui nhưng bản chất số tuyệt đối năm nay hụt so với năm ngoái”. [2]

Trò “Chơi ô ăn quan” và chuyện “Tít to, tít bé” ảnh 4

Bỏ án tử hình đối với tội tham nhũng là có lỗi với dân

(GDVN) - Một số ý kiến cho rằng, việc bỏ án tử hình đối với tội danh tham nhũng có "thể tiếp" tay cho hành vi tham nhũng, có lỗi với nhân dân…

Sau khi “dân biết” thì đến là “dân bàn”. Thay mặt “dân”, Dân trí bàn bằng cái tít lớn như sau: “Ngân sách thiếu tiền, áp lực thuế phí “đè” lên vai người dân”, [3].

Còn Vietnamnet.vn chuyên mục Tuần Việt Nam ngày 31/10/2015 thì bàn qua cái tít lớn “Tiền dân và xe quan” kèm hai cái tít nhỏ: 

“Bộ phận nào khỏe nhất? 

Xin thưa, đó là đôi vai của người dân lao động. Đôi vai… gánh thuế và phí”.

“Bộ phận nào yếu nhất? 

Xin nói ngay, đó là đôi chân …quan chức!”

Người viết thì rất chi là lo cho các bác ấy, không biết rồi đây các bác bên Dân trí, bên Vietnamnet có nghĩ lại chứ cứ để vậy biết đâu lại có người học theo cách nói vui dân gian “vợ cả, vợ lẽ, tất cả đều là vợ cả” mà bảo rằng “tít to, tít bé, tất cả đều không lành mạnh”!

“Dân làm” thì khỏi phải nói, từ xưa đến nay “làm” là thuộc tính của dân, nó quen thuộc đến nỗi từ câu đồng dao “Đã là mèo, phải bắt chuột. Bắt được chuột, phải chén ngay” người ta nói chệch đi thành “đã là dân, phải kiếm sống. Đã kiếm sống, đóng phí ngay”.

Còn mệnh đề “dân kiểm tra” thì có lẽ dân nên “biết không nói” cho đúng lúc bởi nhờ dân kiểm tra mà đội ngũ công bộc của mình đã trở nên tinh khiết hơn vàng bốn số 9, tỷ lệ tạp chất nghe đâu chỉ chừng 4 phần triệu, thế thì kiểm tra làm gì?

Ngồi nghĩ mãi không biết chọn cái “tít” thế nào cho “lành mạnh”, xin bạn đọc gợi ý.  

Tài liệu tham khảo:

[1] http://vietnamnet.vn/vn/kinh-te/269863/ngan-sach-can-tien--vat-va-doi-no--tinh-ke-di-vay.html

[2] http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/chinh-tri-viet-nam/ngan-sach-duoc-chi-45000-ty-dong-bo-truong-khdt-dau-dau-3289860/

[3] http://dantri.com.vn/kinh-doanh/ngan-sach-thieu-tien-ap-luc-thue-phi-de-len-vai-nguoi-dan-20151022210422335.htm

Xuân Dương