LTS: Kết quả Đại hội Đảng bộ các tỉnh, thành phố nhiệm kỳ 2015-2020 vừa qua cho thấy, nhiều cán bộ trẻ tuổi được bầu vào Ban Chấp hành, thậm chí giữ những vị trí chủ chốt trong bộ máy lãnh đạo địa phương…
Vấn đề đặt ra là, cần có cái nhìn khách quan, công bằng đối với những cán bộ ở độ tuổi trẻ có tâm, có tầm, được giao phó trọng trách quan trọng, thay vì tư duy theo kiểu “con cháu các cụ”.
Để làm rõ thêm vấn đề này, hôm 18/10, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
PV: Ông bình luận gì về việc nhiều cán bộ ở độ tuổi trẻ được bầu, bổ nhiệm giữ các vị trí chủ chốt trong bộ máy lãnh đạo địa phương thời gian gần đây?
Ông Vũ Quốc Hùng: Đây là điểm mới trong cơ cấu tổ chức bộ máy lãnh đạo. Nó cũng phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước trong việc lựa chọn cán bộ, đáp ứng điều kiện khi bầu cử (trong thành phần cấp ủy phải luôn có tỷ lệ xứng đáng là cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc…).
Không nên có suy nghĩ cứng nhắc những người được bầu, bổ nhiệm, vào các vị trí lãnh đạo chủ chốt là những người trẻ tuổi.
Bởi lẽ, độ tuổi khoảng 30-45 tuổi chính là thời điểm người ta sung sức, chín chắn về trí tuệ, sức khỏe, có thể đảm đương tốt công việc, trọng trách được giao.
Ông Nguyễn Xuân Anh, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, được coi là một trong số ít Bí thư Thành ủy trẻ tuổi nhất nước khi đắc cử vị trí này trong nhiệm kỳ 2015-2020. Ảnh: Vnexpress.net. |
Do đó, nếu nói những cán bộ đó tuổi còn trẻ, đảm nhiệm vị trí quan trọng trong bộ máy chính quyền thì chưa hẳn chính xác.
Bởi lẽ, họ có thể trẻ hơn so với thế hệ lãnh đạo trước đây, nhưng không hẳn trẻ hơn so với cương vị đảm nhiệm.
Tuy nhiên, vấn đề quan trọng không nằm ở độ tuổi lãnh đạo. Quan trọng là những người trẻ được bầu, bổ nhiệm vào các vị trí quan trọng phải là những người có tâm, có tầm, có đủ sức cống hiến…
Ông vừa nhắc tới cái tâm và tầm của người lãnh đạo. Đây được coi là 2 yếu tố quan trọng nhất trong công tác cán bộ?
Ông Vũ Quốc Hùng: Đúng vậy, cái “tâm” ở đây tức là đạo đức cán bộ phải trong sáng. Làm cán bộ phải luôn lấy dân làm gốc, thông cảm, chia sẻ, thấu hiểu nhân dân.
Cái “tầm” của người cán bộ không phải thước đo về học
Tân Bí thư Đà Nẵng: “Không cho phép lợi dụng chức quyền để vun vén cá nhân” |
vị, mà đó là sự hiểu biết, biểu hiện ở khả năng gần dân, tiếp thu ý kiến xác đáng của người dân; biết tập hợp, đoàn kết được quần chúng nhân dân, cán bộ đảng viên xung quanh mình, phục vụ cho mục tiêu, lợi ích chung của quốc gia, dân tộc.
Những người không có tâm và tầm sẽ không hiểu và làm được điều này. Do đó, đây là hai vấn đề cốt lõi nhất trong công tác cán bộ.
Bên cạnh đó, không ít ý kiến cho rằng, nhiều người trẻ được bầu, bổ nhiệm vào cương vị lãnh đạo chủ chốt là do họ có “bệ phóng” thuận lợi. Theo ông, vấn đề này cần nhìn nhận như thế nào cho khách quan, công bằng?
Ông Vũ Quốc Hùng: Trước tiên phải ghi nhận tinh thần trách nhiệm và sự sáng suốt của các Đại hội Đảng bộ cấp cơ sở. Họ đã hết sức công tâm, tín nhiệm, chọn ra những người đủ sức, đủ tài, đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo chủ chốt tại địa phương.
Bên cạnh đó, không ít ý kiến cho rằng, cán bộ trẻ được đề bạt, bổ nhiệm là do mối quan hệ.
Đây vừa là áp lực, vừa là hồi chuông để nhắc nhở những người trẻ vừa được bầu, bổ nhiệm phải phấn đấu hết sức, không được chủ quan, kiêu ngạo.
Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương (ảnh: Báo Lao động). |
Dư luận không phải không có lý, nhưng đôi khi cũng làm vấn đề trở nên phức tạp hơn.
Do đó, cần có cái nhìn công bằng trong công tác cán bộ, đăc biệt là cán bộ trẻ được bổ nhiệm giữ cương vị lãnh đạo chủ chốt.
Ông cha ta thường nói “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Do đó những người là con, em của những cán bộ chân chính - họ được sống, rèn luyện trong môi trường tốt, tiếp tục phấn đấu để noi gương bố, mẹ, cha, anh đi trước, để trở thành những người có ích nước, cho dân thì rất đáng mừng.
Điều này hoàn toàn ngược lại đối với cán bộ không có tâm, tức là họ chỉ mong thu vén cho con cái họ cái chức, cái quyền, mặc dù thế hệ kế cận không được học hành tới nơi, tới chốn.
Nếu để loạt vào bộ máy lãnh đạo những người không đủ đức, đủ tài, thì cơ quan tổ chức, những người làm công tác nhân sự, cũng phải suy nghĩ lại việc làm của mình.
Thời gian sẽ chứng minh cho chúng ta thấy, cán bộ tốt, xấu như thế nào?
Chúng ta có thể chết đi, nhưng lịch sử không bao giờ chết. Lịch sử sẽ xem xét một cách nghiêm túc, công bằng, công khai tất cả những ai thật sự vì nước, vì dân.
Như vậy, làm thế nào để loại bỏ những người xu nịnh, chạy chọt, không đủ đức, đủ tài, đảm nhiệm những cương vị lãnh đạo, thưa ông?
Ông Vũ Quốc Hùng: Vấn đề đề bạt, bổ nhiệm phải tiến hành dân chủ thực sự chứ không được hình thức. Để chọn được người tài, người lãnh đạo, tổ chức Đảng... phải hết sức công tâm, vô tư, công khai minh bạch.
Bên cạnh hình thức bầu cử, nên thực hiện thi tuyển lãnh đạo và nhân rộng hình thức này.
Hai hình thức tuyển chọn cán bộ này phải được tiến hành song song.
Mặt khác, đối với công tác cán bộ, không nên phân biệt là con cán bộ, hay con nông dân. Đã là hiền tài phải được đối xử công bằng.
Mặt khác, cần loại bỏ nhóm lợi ích tác động vào việc thi cử, bầu bán, với mục đích xấu, nhằm thu vén, mưu lợi cá nhân.
Kiểu làm ăn như vậy sẽ có tội với lịch sử, có tội với đất nước.
Là thế hệ lãnh đạo đi trước, ông có lời khuyên nào dành cho đội ngũ lãnh đạo trẻ vừa được bầu, bổ nhiệm giữ các cương vị chủ chốt trong bộ máy lãnh đạo địa phương?
Ông Vũ Quốc Hùng: Cán bộ được bầu vào các vị trí lãnh đạo chủ chốt ở các địa phương tuổi từ 30-45 tuổi là độ tuổi sung sức, chín chắn về trí tuệ, sức khỏe.
Những người được bầu, bổ nhiệm phải là những cán bộ chân chính, gần dân, khiêm tốn, chịu khó học hỏi như Bác Hồ từng nói làm cán bộ phải cần, kiệm, liêm, chính, chí, công vô tư.
Tôi hy vọng họ có, giữ gìn sức khỏe, làm việc hết khả năng của mình, xứng đáng với lá phiếu được bầu và kỳ vọng của nhân dân.
Tiếp thu những góp ý của dân trong chỉ đạo đường lối, làm cho dân giàu nước mạnh, tất cả vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân.