Trong phiên thảo luận về dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi) chiều qua (30/10) tại Quốc hội, Đại biểu Trương Thị Huệ (đoàn Thái Nguyên) đề nghị quy định trách nhiệm hình sự pháp nhân là các cơ quan tổ chức nhà nước trước các lần phạm tội liên quan đến quản lý sử dụng đất đai, quản lý sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng, ban hành các văn bản trái quy định làm thiệt hại cho ngân sách nhà nước và công dân.
Tại khoản 1 điều 8, Hiến pháp 2013 quy định, Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật; quản lý xã hội bằng hiến pháp và pháp luật; thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ. Trong khi chúng ta đang xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN – có nghĩa là các cá nhân, tổ chức, và cơ quan công quyền đều phải tuân theo pháp luật.
"Vì vậy không có lý do gì khi vi phạm pháp luật, các cơ quan nhà nước không phải chịu trách nhiệm hình sự", bà Huệ nhấn mạnh.
Đại biểu Trương Thị Huệ khẳng định, quy định "trách nhiệm hình sự" với pháp nhân để đảm bảo công bằng, tránh khoảng trống pháp luật hình sự đối với pháp nhân là các cơ quan nhà nước. Bởi vì so với pháp nhân là tổ chức kinh tế, thì pháp nhân là cơ quan nhà nước, có trách nhiệm cao trong xã hội; thực hiện chức năng, điều hành xã hội.
"Vì vậy, nếu pháp nhân này để xảy ra vi phạm pháp luật thường gây hậu quả lớn về kinh tế và đặc biệt là tổn thất lòng tin của nhân dân và chế độ, do đó cần phải xử lý nghiêm khắc hơn", bà Huệ nhận định.
Đại biểu Quốc hội Trương Thị Huệ, đoàn Thái Nguyên. ảnh: VOV. |
Trên thực tế hiện nay, các quy định của pháp luật cho phép các cơ quan, tổ chức nhà nước có thẩm quyền khi ban hành các quyết định hành chính thì có thẩm quyền chung và thẩm quyền riêng.
Thẩm quyền riêng thì đã rõ, còn nếu không quy định trách nhiệm hình sự thì các quyết định hành chính theo thẩm quyền chung, liên quan đến các việc như quy hoạch sử dụng đất, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đến việc thu hồi đất, giao đất cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất… vì chỉ chịu trách nhiệm hành chính. Do vậy không loại trừ có khả năng nương nhẹ cho nhau.
Bà Huệ dẫn thí dụ các vụ việc báo chí đã nêu nhiều trong thời gian qua, nhân dân cũng vô cùng bức xúc, đó là việc quan chức, cán bộ nhà nước "ăn đất", tham nhũng khi làm chính sách.
Giàu, có tiền thì thoát tù, còn dân nghèo thì sao? |
Theo báo cáo của Ủy ban Tư pháp thì nóng nhất vẫn là đất đai. Qua công tác thanh tra đã thu hồi cho nhà nước hơn 52.000 tỷ đồng và 1.788ha đất.
Đây mới chỉ là kết quả thể hiện qua công tác thanh tra, và theo Đại biểu Huệ thì thực tế con số còn lớn hơn nhiều. Phải chăng cũng vì lâu nay tập thể chịu trách nhiệm không cao?
"Vì vậy, nếu đưa pháp nhân là cơ quan công quyền của nhà nước vào bộ luật hình sự thì sẽ góp phần vào việc giải quyết được 3 vụ mà hiện nay nhân dân đang bức xúc, đó là: Hạn chế việc làm sai lại núp bóng tập thể mà lâu nay nhân dân đang bất bình về việc cứ có thành tích thì cá nhân được hưởng, nhưng khuyết điểm lại đổi lỗi cho tập thể.
Mà việc xử lý tập thể, không cần nói ai cũng biết, đó là đã tiến hành kiểm điểm sâu sắc, rút kinh nghiệm phê bình nghiêm khắc, kết quả là đâu lại vào đó", bà Huệ bày tỏ.
Nếu Bộ luật hình sự (sửa đổi) quy định pháp nhân là cơ quan nhà nước làm sai phải chịu trách nhiệm trước pháp luật sẽ bắt buộc các cá nhân trong tập thể phải có tinh thần trách nhiệm trong công việc chung bảo vệ tập thể. Qua đó cũng sẽ khắc phục bệnh thờ ơ, thiếu tinh thần trách nhiệm trong việc ban hành các văn bản chính sách pháp luật.
Cũng theo Đại biểu Trương Thị Huệ, lâu nay cử tri, báo chí cũng nói nhiều đến việc cần xử lý những người ngồi trên mây làm chính sách dẫn đến nhiều văn bản vi phạm pháp luật, ban hành hoặc đang dừng ở dự thảo vấp phải phản ứng mạnh của dư luận xã hội do thiếu thực tế, không khả thi, thậm chí trái khoái, vô cảm đẩy cái khó cho dân.
Ban hành thông tư, hướng dẫn không đúng với tinh thân của nghị định làm thiệt hại nhiều tỷ đồng cho ngân sách nhà nước. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng phải kể đến đó là một số người làm chính sách đã vô cảm thiếu thực tế, vì lợi ích cục bộ, không vì lợi ích của người dân. Nên nếu quy định trách nhiệm hình sự đến cơ quan nhà nước sẽ góp phần để khắc phục vấn đề này.
Điều đó cũng sẽ góp phần khắc phục bệnh độc đoán, chuyên quyền của người đứng đầu, cũng như bệnh thiếu tinh thần trách nhiệm ngại va trạm của từng cá nhân trong tập thể khi bàn công việc chung.
Nếu tập thể không bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì không loại trừ người đứng đầu sẽ thể hiện quyền lực và áp đặt ý chí cá nhân một cách thiếu cân nhắc, không chịu tham khảo lắng nghe ý kiến của các cá nhân trong tổ chức.
Bên cạnh đó các thành viên của tổ chức cũng sẽ thờ ơ với công việc chung để tránh va chạm, mất lòng lãnh đạo. Hậu quả là nhiều quyết định mang danh tập thể, nhưng bản chất là ý chí cá nhân hoặc của một nhóm người vì lợi ích nhóm. Ai trong tập thể cũng biết nhưng không nói ra được đặc biệt là những việc liên quan đến đất đai, đầu tư, đấu thầu…