Đinh Văn Long (37 tuổi), Lê Trường Xuân (25 tuổi), Phạm Quỳnh Anh (30 tuổi) và Phạm Ngọc Trường Giang (22 tuổi) cùng trú ở Hà Nội đang bị tạm giữ về hành vi sử dụng trái phép thông tin thẻ ngân hàng làm giả thẻ thanh toán hàng hóa để chiếm đoạt tiền. Giữa tháng 8, Trung tâm thẻ Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) trình báo về việc liên tục xuất hiện các test thẻ tại một thiết bị chấp nhận thẻ với nhiều loại thẻ khác nhau. Một số thẻ test thành công, mua hàng tại các cửa hàng bán điện thoại ở Hà Nội… lên đến hàng trăm triệu đồng. Trưa 31/8, cơ quan chức năng phát hiện số thẻ 5438... có nhiều nghi vấn vì test nhiều lần trên chiếc máy tra thẻ mà một hãng taxi ở Hà Nội bị mất. Chiều cùng ngày, số thẻ này đã thực hiện giao dịch mua một điện thoại iPhone gần 14 triệu đồng. Người có tên trên thẻ thực hiện giao dịch là Phạm Quỳnh Anh, số thẻ trên là do Ngân hàng Federal Saving Bank tại Mỹ phát hành.
Những chiếc thẻ ATM giả. Ảnh: An ninh thế giới. |
Phạm Quỳnh Anh bị được đưa về trụ sở làm rõ; Xuân, Giang và Long lần lượt bị bắt. Tại nơi ở của Long, cảnh sát thu giữ số lượng lớn tang vật gồm 72 thẻ trên có in logo master card, visa card của các ngân hàng, 22 thẻ master card của các ngân hàng đã có thông tin dữ liệu, 21 phôi thẻ master card, máy in thẻ, máy dập nổi tên và số thẻ… cùng rất nhiều chứng minh thư thật và giả. Long, chủ mưu trong đường dây sản xuất thẻ tín dụng giả này có trình độ văn hóa mới hết lớp 9. Khi khám nơi ở của Long, các trinh sát thu được quyển "bí kíp" sản xuất thẻ tín dụng giả, ghi chép khá tỉ mỉ trong một cuốn vở học sinh với nét chữ còn nguệch ngoạc. Long khai nhận đã học mót "bí kíp" này bằng cách sao chép trên các trang diễn đàn của hacker. Anh ta thú nhận phải vào rất nhiều diễn đàn để copy vì mỗi diễn đàn chỉ dạy một khâu rồi tổng hợp lại thành quy trình dạy làm thẻ tín dụng giả hoàn chỉnh. Long lên Lạng Sơn mua phôi thẻ cùng các thiết bị, máy móc về sản xuất thẻ tín dụng giả dựa trên những thông tin đánh cắp được của các chủ thẻ được hacker trao đổi, mua bán lại với nhau trên mạng Internet. Long đưa cho đồng bọn đi mua hàng trên địa bàn Hà Nội và chọn các mặt hàng có giá trị cao như Iphone, Ipad, máy tính xách tay… Sẵn các thiết bị như máy scan, máy dập thẻ, máy đọc thẻ…, ngoài việc sản xuất thẻ tín dụng giả, Long còn tự sản xuất cho riêng mình một số thẻ giả mạo nhân viên tại các cơ quan… Trên các tấm thẻ giả này, Long in ảnh của mình nhưng lấy nhiều tên khác nhau như Đinh Văn Long, Vũ Thế Hùng… Theo khai nhận của Long thì những tấm thẻ giả mạo này chỉ là thử tay nghề, trình độ sử dụng các phần mềm xử lý ảnh trên vi tính của anh ta. Long khai những đồng tiền phi pháp kiếm được quá dễ dàng nên ném hết vào "đập đá" cùng bạn bè, tỏ ra rất hào phóng trong chi tiêu. Thậm chí đối với Phạm Quỳnh Anh, một cô "cave" mới quen biết qua những lần "đập đá", Long "tặng" ngay một tấm thẻ tín dụng mang tên chính chủ. Theo khai nhận của Quỳnh Anh thì việc làm giả thẻ tín dụng của Long khá nhanh. Sau khi đưa ảnh cùng chứng minh thư nhân dân cho Long, Quỳnh Anh ngồi quán nước đợi và chỉ một tiếng sau, Long đã mang thẻ tín dụng ra tặng bạn gái với chỉ dẫn hãy vào các cửa hàng điện thoại di động có thanh toán thẻ sắm một chiếc iPhone. Trong những người tham gia đường dây của Long, Giang tự nhận là sinh viên năm thứ 5 một trường ĐH ở Hà Nội. Cậu ta có vẻ ngoài bảnh trai, cặp kính cận dày cộp, tóc vuốt keo dựng "mào gà". Giang thản nhiên thừa nhận do nhu cầu tiêu tiền của mình quá cao nên cùng Xuân đi mua hàng bằng những chiếc thẻ tín dụng giả.
Ông trùm sản xuất thẻ giả Đinh Văn Long. Ảnh: An ninh thế giới. |
"Tôi quen anh Xuân khoảng 2 năm trước, thấy có rất nhiều tiền, dùng điện thoại đắt tiền. Anh Xuân nói đi theo anh ấy sẽ học được nhiều thứ, nói tôi phải biết kiếm tiền để không phụ thuộc bố mẹ. Nhưng đi theo Xuân chỉ đưa cho tôi thẻ tín dụng mang tên Nghiêm Trần Đông, Trần Việt Anh, Nguyễn Văn Tùng để sử dụng thanh toán mua hàng", Giang nói. Giang "tự hào" khoe cậu ta đi học bằng xe máy SH và hàng tháng được bố cho 2 triệu đồng để "tiêu vặt". Thừa nhận số tiền đó gần bằng lương của bố, nhưng theo Giang vẫn không đủ nhu cầu tiêu tiền của bản thân nên lúc nào cậu ta cũng nghĩ cách kiếm tiền, bằng lô đề, tháng nào "lộc" nhất trúng cả trăm triệu đồng. Có tiền, Giang chơi thuốc lắc trên quán bar, khi thì "đập đá" ở quán karaoke. Rồi Giang than vãn: "Không phải lúc nào cũng nhiều tiền như vậy. Khổ nhất là những lần 3 ngày trong túi chỉ có 50.000 đồng". Phòng PC46 Công an Hà Nội, cơ quan chức năng đang mở rộng vụ án, bắt giữ tiếp những người liên quan.
Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết, những ý kiến của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!
Theo An ninh thế giới