Trung Quốc cho UAV tấn công bay thử hay chỉ là trò chơi truyền thông?

25/11/2013 15:18
Lê Cường
(GDVN) - Theo một số tờ báo mạng Trung Quốc, ngày 21/11/2013 vừa qua, tại Tổ hợp công nghiệp hàng không Hồng Đô, Trung Quốc đã tiến hành cho bay thử nghiệm đối với một loại UAV từng được tiết lộ trước đó với tên gọi Lợi Kiếm/Kiếm Sắc.
Cuộc thử nghiệm đối với UAV tấn công Lợi Kiếm (UCAV - Unmanned Combat Aerial Vehicle) được truyền thông Trung Quốc cho là thành công.

Tuy nhiên, đoạn video được truyền thông nước này đăng tải chỉ quay lại cảnh chiếc UAV Lợi Kiếm lúc đang chạy taxi là hình ảnh động, còn khi bay trên trời là những hình ảnh chụp dường như chỉ là những khuôn hình cắt ghép.

UAV tấn công Lợi Kiếm (UCAV - Unmanned Combat Aerial Vehicle)
UAV tấn công Lợi Kiếm (UCAV - Unmanned Combat Aerial Vehicle)

Theo báo chí nước ngoài, máy bay không người lái tàng hình đầu tiên Lợi Kiếm của Trung Quốc do Tập đoàn công nghiệp máy bay Hồng Đô và Tập đoàn công nghiệp máy bay Thẩm Dương Trung Quốc hợp tác nghiên cứu chế tạo. Chương trình này được khởi động từ năm 2009, lần đầu tiên thử nghiệm trên mặt đất vào vào tháng 12 năm 2012.

Loại máy bay không người lái này được thiết kế để Không quân và lực lượng hàng không Hải quân Trung Quốc thực hiện nhiệm vụ tác chiến, nó còn có thể được sử dụng để tiến hành nhiệm vụ trinh sát ở dọc biên giới mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền.

UAV tấn công Lợi Kiếm của Trung Quốc là loại máy bay không người lái thứ ba hiện có, sau máy bay không người lái X-47 của Mỹ và máy bay không người lái NEURON do nhiều nước châu Âu hợp tác nghiên cứu chế tạo.

Nguyệt san "Kanwa Defense Review" Canada số tháng 7/2013 từng có bài viết đáng giá rằng, Ngoại hình khí động học cơ bản của Lợi Kiếm hầu như đã tham khảo máy bay không người lái X-47B của Hải quân Mỹ, X-45C của Không quân Mỹ và NEURON của Pháp.

Việc Trung Quốc nghiên cứu và chế tạo UAV Lợi Kiếm rõ ràng muốn cạnh tranh tính tàng hình với máy bay tấn công không người lái của Âu-Mỹ, vì vậy rất nhấn mạnh đến sự “hòa hợp” của cánh, tương đồng với X-47B và NEURON, đều không thiết kế cánh đuôi. Trong tương lai, nhiệm vụ tấn công tác chiến tầm xa của hải, không quân sẽ chủ yếu sử dụng máy bay không người lái tàng hình.

Bài báo cho rằng, máy bay tấn công không người lái Lợi Kiếm của Trung Quốc sử dụng động cơ AL-31F do Nga chế tạo. Đây là loại động cơ chủ yếu của máy bay chiến đấu thế hệ thứ ba hiện nay của Trung Quốc, gồm có J-10, J-11 và Su-27, Su-30 mua của Nga.

Động cơ AL-31F đã được sử dụng cho các máy bay chiến đấu từ Su-27SK và một loạt máy bay J-11 cho đến J-16. Việc sử dụng động cơ này cho máy bay không người lái, ống phun ở đuôi rõ ràng để lộ ra bên ngoài, chưa có bất cứ việc xử lý kiểu che kín nào. Trong khi đó, ống phun đuôi động cơ của X-47B và NEURON đã được thiết kế kiểu che kín, giảm nhiệt độ cho ống phun.

Bài báo chỉ ra, từ việc máy bay tấn công không người lái Lợi Kiếm sử dụng động cơ AL-31F còn có thể nhận thấy, kích cỡ cơ bản của Lợi Kiếm muốn tiếp cận với X-47B. Ngoại hình của nó càng giống với máy bay X-45C do Không quân Mỹ phát triển.

Động cơ của X-47B là động cơ phản lực F-100-220U do Công ty Pratt & Whitney sản xuất. Động cơ dòng F-100 cũng được trang bị cho máy bay chiến đấu F-16 và F-15.

Loại động cơ này làm cho tốc độ của X-47B có thể đạt 0,9 Mach, hành trình đạt 3.889 km, bán kính tác chiến đạt 1.900 km, đồng thời X-47B có thể tiến hành tiếp dầu trên không. Do đó có thể thấy, bán kính tác chiến của X-47B cơ bản lớn hơn máy bay chiến đấu tàng hình F-117A trước đây.

Ngoài ra, theo bình luận của giới chuyên gia, dựa vào các hình ảnh khá thô, không phát hiện thấy máy bay không người lái Lợi Kiếm của Trung Quốc trang bị ống tiếp dầu trên không. Trung Quốc đã thiết kế tương đối nhiều bom dẫn đường GPS cho máy bay không người lái tàng hình, trong tương lai còn có thể sử dụng bom dẫn đường dựa vào hệ thống vệ tinh Bắc Đẩu.

Hiện nay còn chưa rõ máy bay Lợi Kiếm đã sử dụng vật liệu composite với tỷ lệ thế nào. Trung Quốc lạc hậu xa so với Âu-Mỹ trên phương diện này, vì vậy năng lực tàng hình không thể đánh đồng.
Lê Cường