Tiến sĩ Gregory Poling - Giám đốc Sáng kiến Minh bạch hàng hải châu Á, cùng với Tiến sĩ Zack Cooper thành viên Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược quốc tế (CSIS), ngày 30/3 có bài bình luận trên cổng thông tin điện tử của CSIS dự kiến khả năng diễn biến trên Biển Đông hậu phán quyết của PCA.
Tiến sĩ Gregory Poling, ảnh: Chụp màn hình Youtube. |
Hai học giả đưa ra một số khả năng Trung Quốc leo thang gây hấn trên Biển Đông trong trường hợp Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague, Hà Lan ra phán quyết bất lợi cho Bắc Kinh trong vụ kiện giải thích, áp dụng Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) ở Biển Đông, đặc biệt chú trọng vào bãi cạn Scarborough.
Khả năng thua kiện cao và liều lĩnh leo thang
Hai Tiến sĩ tin rằng, nhiều khả năng Bắc Kinh sẽ thua kiện trong một số nội dung mà Philippines khởi kiện nước này lên PCA. Nếu Tòa ra phán quyết bất lợi cho Trung Quốc, nước này có thể (vin cớ) hành động chứng minh rằng, họ sẽ không tuân thủ phán quyết của Tòa.
Những khả năng leo thang trên Biển Đông từ phía Trung Quốc sau phán quyết của PCA được Tiến sĩ Gregory Poling và Zack Cooper phán đoán bao gồm:
Một là áp đặt một lệnh phong tỏa quân đội Philippines tiếp tế cho lực lượng đồn trú (bất hợp pháp) ở bãi Cỏ Mây, Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam).
Khả năng thứ 2 là Trung Quốc sẽ triển khai bất hợp pháp các loại vũ khí hiện đại ra một số đảo nhân tạo nước này xây dựng trái phép ở Trường Sa. Khả năng thứ 3 là đơn phương áp đặt một vùng nhận diện phòng không trên Biển Đông.
3 mục đích Trung Quốc cố ý kéo giàn khoan 981 ra cửa vịnh Bắc Bộ |
Tuy nhiên khả năng nguy hiểm nhất có thể xảy ra là Trung Quốc sẽ tiến hành hoạt động bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo và quân sự hóa bãi cạn Scarborough mà họ chiếm quyền kiểm soát từ Philippines tháng Tư 2012.
Điều này đã được Đô đốc John Richardson, Tham mưu trưởng Hải quân Hoa Kỳ cảnh báo, theo Reuters ngày 19/3.
Ông cho biết đã có một số tàu Trung Quốc tập trung hoạt động trên bề mặt bãi cạn này.
Tuy nhiên hai học giả từ CSIS cho biết, tính đến ngày 24/3 vẫn chưa thấy hoạt động nạo vét ở Scarborough, nhưng không loại trừ khả năng này và các tàu có mặt ở Scarborough lúc đó đang làm công tác khảo sát tiền thi công.
Tại sao Bắc Kinh lại nhắm vào Scarborough?
Bãi cạn Scarborough nằm cách đảo Luzon, Philippines 120 hải lý, cách thủ đô Manila 185 hải lý. Cách quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) trên 250 hải lý. Nếu xây dựng được một tiền đồn quân sự vững chắc ở đây, quân đội Trung Quốc có thể duy trì sự hiện diện (bất hợp pháp) gần như trên khắp Biển Đông.
Thậm chí từ chỗ đứng chân này, Trung Quốc có thể mở rộng phạm vi hoạt động (bán kính tác chiến) đến nhiều khu vực phòng thủ trọng yếu của Philippines. Điều này đặc biệt có ý nghĩa chiến lược khi Philippines đã nhất trí cho Washington sử dụng 5 căn cứ quân sự.
Do đó nếu như Trung Quốc tiến hành bồi đắp xây dựng đảo nhân tạo bất hợp pháp ở Scarborough, Philippines và Hoa Kỳ sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức trực tiếp. Từ góc độ an ninh, động thái này sẽ làm suy yếu nhận thức về vai trò và sự sẵn sàng của Hoa Kỳ trong việc duy trì an ninh khu vực.
Tiến sĩ Zack Cooper trả lời phỏng vấn đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV, ảnh: CCTV. |
Điều này trở nên đặc biệt đúng vì Philippines đã mất quyền kiểm soát Scarborough năm 2012 sau khi Mỹ "thất bại trong nỗ lực làm trung gian hòa giải" cuộc khủng hoảng Philippines - Trung Quốc ở đây năm 2014.
Một sân bay, một cầu cảng nếu được xây dựng ở Scarborough, khả năng quân sự của Trung Quốc trên Biển Đông sẽ tăng nhanh chóng, Mỹ và đồng minh, đối tác càng khó đối phó.
Cảnh báo hậu quả và giải pháp ứng phó
Nếu Trung Quốc bồi đắp, xây dựng ở Scarborough sẽ tàn phá môi trường Biển Đông một cách ghê gớm.
PCA có thể ra phán quyết hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo Trung Quốc tiến hành (bất hợp pháp) ở Trường Sa đã vi phạm luật pháp quốc tế. Nếu Trung Quốc lặp lại ở Scarborough thì điều đó có nghĩa, Bắc Kinh đang chống lại Luật pháp quốc tế và các cơ quan tài phán quốc tế.
Trung Quốc thuê ngư dân ra Trường Sa 27 ngàn USD 1 tàu, không cần đánh cá |
Về mặt ngoại giao, Tiến sĩ Gregory Poling và Zack Cooper cho rằng, hành động bồi lấp xây dựng đảo nhân tạo nếu diễn ra ở Scarborough có thể là "chiếc đinh cuối cùng đóng lại nắm quan tài" cho những nỗ lực của ASEAN trong việc quản lý khủng hoảng khu vực bằng con đường ngoại giao.
Hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo, quân sự hóa ở Scarborough nếu xảy ra sẽ là một tín hiệu đến khu vực rằng, mọi cuộc đàm phán giữa Bắc Kinh với ASEAN chỉ là một màn kịch (do Bắc Kinh đạo diễn) và không còn cần thiết.
Các bên liên quan gồm cả Mỹ khó đối phó với thủ đoạn "chiến thuật vùng xám" của Trung Quốc ở Biển Đông, thay đổi hiện trạng mà không cần công khai sử dụng vũ lực.
Tuy nhiên, sử dụng lực lượng tàu bán vũ trang và tàu dân sự phối hợp để ngăn chặn các hoạt động bồi đắp, xây dựng ở Scarborough là biện pháp phản ứng khả dĩ, Mỹ và Philippines có thể ngăn chặn hoạt động bồi lấp ở đây.
Những hậu quả về an ninh, môi trường, ngoại giao nếu xảy ra việc bồi đắp đảo nhân tạo và quân sự hóa Scarborough đang đặt ra đòi hỏi những phản ứng cứng rắn và thiết thực như vậy.
Việc đầu tiên Hoa Kỳ có thể làm là chia sẻ thông tin tình báo về các hoạt động bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông.
Phát biểu của Đô đốc John Richardson với Reuters cho thấy, Mỹ đang theo dõi chặt chẽ mọi động tĩnh của Trung Quốc ở Scarborough. Tuy nhiên Mỹ chưa chia sẻ thông tin tình báo này cho đồng minh.
Trung Quốc có thể vin cớ Mỹ can thiệp, kéo tên lửa DF-21C hay DF-26 ra Trường Sa |
Giải pháp thứ hai được Tiến sĩ Gregory Poling và Tiến sĩ Zack Cooper đề xuất, đó là Hoa Kỳ cần công khai tuyên bố rằng mình buộc phải can thiệp nếu quân đội hay tàu thuyền Philippines bị tấn công ở Scarborough hay khu vực khác trên Biển Đông theo Điều 5 Hiệp ước Quốc phòng Mỹ - Philippines.
Bước cuối cùng và cũng là giải pháp cứng rắn nhất để ngăn chặn đà bành trướng của Trung Quốc ở Scarborough theo hai học giả CSIS, đó là Philippines và Hoa Kỳ phải chuẩn bị phương án can thiệp trong thời gian ngắn.
Mặc dù có sự chênh lệch khá lớn về thực lực hải quân cũng như cảnh sát biển, nhưng theo Gregory Poling và Zack Cooper, Philippines chứ không phải Hoa Kỳ, cần đi đầu trong việc chống lại các hành động leo thang của Trung Quốc ở Scarborough.
Trong trường hợp Trung Quốc dùng vũ lực, Hoa Kỳ sẽ can thiệp để bảo vệ luật pháp và chuẩn mực quốc tế.
Bắc Kinh đang tỏ ra khá tự đắc với những hành vi leo thang, bắt nạt ở Biển Đông, nhưng không phải không do dự lo lắng trước một cuộc đụng độ quân sự, đối đầu ở khu vực, đặc biệt là với Hoa Kỳ hay các nước láng giềng.
Chìa khóa cho một phản ứng thành công có thể rút ra từ những gì Việt Nam đã đấu tranh chống lại việc Trung Quốc hạ đặt bất hợp pháp giàn khoan 981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa tháng 5/2014, hai ông nhận xét.