Trung Quốc dùng chiêu gì đi nữa, cũng không thể biến “lưỡi bò” thành “lưỡi hổ"

24/04/2018 07:44
Tiến sĩ Trần Công Trục
(GDVN) - Những việc làm này là vô bổ, thậm chí là rất “buồn cười”; thể hiện sự bất cập thông tin về công nghệ, khoa học kỹ thuật biển trong thời đại hiện nay.

South China Morning Post ngày 22/4 đưa tin, giới nghiên cứu Trung Quốc đang đề xuất một đường “lưỡi bò” mới, nối liền 9 nét đứt mà họ tự vẽ ra trên Biển Đông. 

Theo một nhà khoa học cao cấp tham gia dự án do chính phủ Trung Quốc tài trợ, đường “lưỡi bò” mới sẽ bắt đầu từ một vị trí nằm ở cửa Vịnh Bắc Bộ giữa Trung Quốc và Việt Nam, đi về phía Nam vào vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Philippines và kết thúc ở phía Đông Nam Đài Loan. 

Sự thay đổi hình thức thể hiện đường biên giới biển theo yêu sách đơn phương của Trung Quốc, từ một đường tưởng tượng đi qua lúc thì 9 đoạn, lúc thì 10 đoạn đứt khúc, thành một đường liên tục, nhằm mục đích gì và tại sao họ phải làm như vậy vào thời điểm hiện nay? 

Trong bài “Trung Quốc âm mưu thắt chặt thêm thòng lọng lưỡi bò ở Biển Đông”, nhà báo Hồng Thủy đã cung cấp thông tin và đã có những bình luận khá thú vị về động thái này của Trung Quốc. 

Dưới góc độ chuyên môn về kỹ thuật bản đồ và những quy định pháp lý liên quan, chúng tôi xin được bổ sung thêm những ý kiến nhận xét, đánh giá như sau:

Động tác thừa, thiếu hiểu biết luật pháp quốc tế

Xét về kỹ thuật bản đồ, hải đồ, giữa 2 cách vẽ nói trên không làm thay đổi nội dung cần được thể hiện trên các loại bản đồ, hải đồ; nhất là các đường biên giới đi qua các khu vực có địa hình bằng phẳng, trên sông hồ hay trên các vùng biển. 

Tiến sĩ Trần Công Trục, ảnh do tác giả cung cấp.
Tiến sĩ Trần Công Trục, ảnh do tác giả cung cấp.

Thậm chí trên biển, theo quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 và theo thông lệ, các nước thành viên Công ước không nhất thiết phải vạch những con đường cụ thể, dù là các đoạn đứt khúc hay liên tục;

Chỉ cần các nước thành viên Công ước công bố tọa độ địa lý của các điểm cơ sở trong hệ thống đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải của quốc gia ven biển. 

Những người hoạt động trên biển chỉ cần căn cứ vào các tọa độ địa lý đó để tác nghiệp trên các loại hải đồ thích hợp là có thể xác định chính xác vị trí nơi mình hoạt động hay vị trí của đối tượng mà mình có nhiệm vụ theo dõi, quản lý…

Tất nhiên không có quy định nào cấm việc vẽ ra các đường biên giới, ranh giới, hay thậm chí cả việc bỏ tiền, bỏ công sức ra để xây dựng cả một hệ thống cột mốc ở giữa biển. 

Tuy nhiên, những việc làm này là vô bổ, thậm chí là rất “buồn cười”; thể hiện sự bất cập thông tin về công nghệ, khoa học kỹ thuật biển trong thời đại hiện nay. 

Cho nên, có thể thấy rằng sự thay đổi hình thức thể hiện đường biên giới biến theo yêu sách đường chữ U với 9 hay 10 đoạn, mà Trung Quốc nhiều lần đưa vào trong nhiều tài liệu, sơ đồ, bản đồ, hải đồ… không có mục đích nào khác ngoài mục đích chỉ để tuyên truyền.

Mục tiêu của họ là nhằm phổ biến rộng rãi và tranh thủ giành lấy sự mặc nhiên thừa nhận của cộng đồng quốc tế đối với yêu sách phi lý này. 

Và từ đó, Trung Quốc mới có cơ hội hợp thức hóa nó tại các diễn đàn quốc tế. 

Chẳng hạn như năm 2009, đường chữ U bao gồm 9 nét lần đầu tiên được chính phủ Trung Quốc thể hiện trong một công hàm đệ trình lên Liên Hợp Quốc.

Trung Quốc dùng chiêu gì đi nữa, cũng không thể biến “lưỡi bò” thành “lưỡi hổ" ảnh 2

Canh gác chủ quyền lãnh thổ quốc gia có nằm ngoài trách nhiệm ngành Văn hóa?

Động thái này diễn ra nhân việc Việt Nam và Malaysia cùng gửi hồ sơ theo thủ tục lên Tiểu ban ranh giới thềm lục địa của Liên Hợp Quốc;

Hồ sơ chung của 2 nước được đệ trình để xác định ranh giới thềm lục địa nằm ngoài phạm vi 200 hải lý tính từ đường cơ sở trong Biển Đông. 

Vì vậy, dù Trung Quốc có cố tình thay đổi hình thức thể hiện, đường đứt đoạn hay đường liên tục, hay…gì gì đi chăng nữa, thì cũng không thể biến “lưỡi bò” thành “ lưỡi hổ” để hăm dọa thiên hạ được! 

Bởi vì, trong nhiều thập kỷ, yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc trên Biển Đông rất tối tăm, mơ hồ với lúc thì 9 nét, lúc thì 10 nét đứt đoạn, không hề có tọa độ rõ ràng. 

Phán quyết Tòa Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 ngày 12/7/2016 đã bác bỏ cái gọi là "quyền lịch sử" mà Trung Quốc yêu sách bên trong đường “lưỡi bò”. 

Một trong những lý do Trung Quốc thua trong vụ kiện trọng tài này là vì họ không thể xác định chính xác tọa độ của yêu sách.

Tuy nhiên, cho đến nay, Bắc Kinh vẫn không không chịu từ bỏ đường “lưỡi bò”, dù đối mặt với phản đối mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế

Trung Quốc sẽ tiếp tục thúc đẩy các thủ đoạn độc chiếm Biển Đông

Từ những phân tích nói trên, chúng tôi đồng tình với Tiến sĩ Ian J. Storey, chuyên gia cao cấp Viện Yusof Ishak, Singapore đã cảnh báo, thay đổi đường 9 đoạn (thành đường lưỡi bò liền mạch) sẽ gây hại cho sự ổn định của khu vực.

Bởi vì, nếu Trung Quốc công bố yêu sách của họ ở Biển Đông bằng một đường liên tục nối liền 9 đoạn, cho thấy Trung Quốc đã thể hiện thái độ bấp chấp chân lý và lẽ phải;

Thông qua việc này, thêm một lần nữa họ đã cố tình bác bỏ hoàn toàn Phán quyết Trọng tài ngày 12/7/2016. Động thái này sẽ gây ra mối lo ngại sâu sắc cho các quốc gia ở Đông Nam Á và xa hơn nữa.

Ngày 28/3/2014, Thủ tướng Đức Angela Merkel tặng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tấm bản đồ mô tả lãnh thổ Trung Quốc thời Khang Hy nhà Thanh, biên giới cực Nam chỉ đến đảo Hải Nam, hoàn toàn không có đường đứt đoạn, càng không có 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam). Ảnh: antipodefoundation.org.
Ngày 28/3/2014, Thủ tướng Đức Angela Merkel tặng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tấm bản đồ mô tả lãnh thổ Trung Quốc thời Khang Hy nhà Thanh, biên giới cực Nam chỉ đến đảo Hải Nam, hoàn toàn không có đường đứt đoạn, càng không có 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam). Ảnh: antipodefoundation.org.

Như vậy có thể thấy, mục đích của cái gọi là "dự án nghiên cứu khoa học" này được thúc đẩy bởi âm mưu chính trị nhằm tăng cường yêu sách của Trung Quốc để chuẩn bị cho những thay đổi có thể trong chính sách độc chiếm Biển Đông mà họ đang rắp tâm tổ chức thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau.

Chẳng hạn, dựa vào yêu sách “lưỡi bò”, Trung Quốc đòi có quyền đánh bắt cá, khảo sát và khai thác dầu khí hoặc tài nguyên khoáng sản, dưới hình thức “hợp tác khai thác chung”,  cho đến việc xây dựng các căn cứ quân sự với các cảng nước sâu, sân bay… 

Ép các nước ven Biển Đông phải "gác tranh chấp (không có thực), cùng khai thác (trên vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa hợp pháp của họ)" không xong, Trung Quốc có thể sử dụng đến các sức ép từ quân sự, chính trị, ngoại giao cho đến kinh tế.

Thời gian tới, rất có thể các nước khác ven Biển Đông sẽ phải đối mặt với nhiều cạm bẫy lẫn sức ép nhiều hơn từ phía Trung Quốc.

Và vì vậy, nối liền 9 đoạn thành một đường liên tục cũng có thể được ví như là một sợi “ thòng lọng” thay vì “lưỡi bò”; đây cũng chỉ là 1 bước đi của quá trình độc chiếm Biển Đông mà thôi.

Tiến sĩ Trần Công Trục