South China Morning Post ngày 18/3 đưa tin, Bắc Kinh đang mời các học giả phương Tây được lựa chọn tham gia góp ý cho kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm tới và cách để tránh bẫy thu nhập trung bình.
Hình minh họa, nguồn: SCMP. |
Sau gần 4 thập kỷ tăng trưởng liên tục, tương lai của nền kinh tế Trung Quốc ra sao hiện đang là trọng tâm tranh cãi.
Trong khi nhiều chuyên gia dự báo Trung Quốc đang phát triển mạnh mẽ, tăng trưởng chậm lại là do tái cơ cấu, vẫn có một số quan điểm tin rằng, Trung Quốc sắp "sụp đổ" đến nơi.
Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chậm lại trong bối cảnh dư thừa công xuất sản xuất công nghiệp, lao động mất việc làm và ô nhiễm nặng nề. Chính phủ nước này đã tung ra một loạt các biện pháp, bao gồm tái cơ cấu công nghiệp, đổi mới công nghệ để điều chỉnh nền kinh tế tăng trưởng bền vững.
Các cố vấn kinh tế bên ngoài được Trung Quốc mời góp ý cho rằng, đã đến lúc Bắc Kinh xem xét và giải quyết các vấn đề căn bản như sở hữu nhà nước và nhu cầu yếu của thị trường.
Joseph Stiglitz, một nhà kinh tế đoạt giải Nobel nói với South China Morning Post bên lề hội thảo chuyên đề tại Đại học Thanh Hoa hôm Thứ Sáu rằng, ông sẽ tư vấn cho chính phủ Trung Quốc làm nhiều hơn nữa để tăng tổng cầu.
Trừ khi có nhu cầu đầy đủ từ thị trường, nếu không Trung Quốc sẽ phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp lan tràn và kìm hãm tăng trưởng, vị Giáo sư Đại học Columbia này cho biết. Vấn đề quan trọng hiện nay của kinh tế Trung Quốc là nhu cầu.
Các biện pháp kích thích nền kinh tế như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp có thể không khuyến khích đầu tư. Về lâu dài, đổi mới hệ thống chính trị phải được tiến hành đồng thời với hệ thống kinh tế nước này mới giảm được căng thẳng xã hội.
"Sẽ rất khó khăn để thúc đẩy một nền kinh tế hiện đại, phát triển nếu anh cố gắng kiểm soát mọi khía cạnh của Internet", ông Stiglitz nói.
Đại diện Phòng Thương mại của Liên minh châu Âu tại Trung Quốc khuyến cáo chính phủ nước sở tại tiếp tục cải cách và mở cửa thị trường để đảm bảo thành công của kế hoạch 5 năm.