Khách du lịch chụp ảnh trong trang phục của hoàng đế Càn Long và Hàm Hương trước khu di tích được cho là lăng mộ của Hàm Hương/Iparhan ở Kashgar, Tân Cương sau khi được nghe kể truyền thuyết về nàng (do Bắc Kinh sáng tác). |
Tờ New York Times ngày 18/8 đưa tin, trong 6 thập kỷ qua Trung Quốc đã dành nguồn lực lớn để sáng tác những câu chuyện lịch sử để tìm cách hợp pháp hóa các quy tắc và che dấu những thất bại trong quản lý và điều hành của mình.
Nạn đói kém khiến hàng triệu người chết trong thế kỷ trước được cho là gây ra bởi thời tiết xấu chứ không phải chính sách kinh tế sai lầm của Mao Trạch Đông. Sử sách Trung Quốc thường đổ lỗi cho Hoa Kỳ khơi mào Chiến tranh Triều Tiên.
Khi nhắc đến các dân tộc thiểu số Trung Quốc, bộ máy tuyên truyền đặc biệt của Bắc Kinh đã nỗ lực sáng tác những câu chuyện lịch sử nhằm mô tả người Duy Ngô Nhĩ, Mông Cổ, Tây Tạng hay các nhóm dân tộc khác là một thành viên của "đại gia đình Trung Hoa có truyền thống lâu đời". Những câu chuyện này nhằm pha loãng bản sắc dân tộc của họ và hợp pháp hóa các cuộc di cư của người Hán đến các khu tự trị xa xôi.
Khách du lịch đến với Kashgar, Tân Cương ngày nay thường được các hướng dẫn viên Trung Quốc kể cho nghe câu chuyện về nang Hương Phi, tên Duy Ngô Nhĩ là Iparhan, người theo truyền thuyết là một mỹ nữ đặc biệt của xứ Kashgar này đã trở thành một phi tần được Càn Long sủng ái.
"Tình yêu giữa nàng và hoàng đế Càn Long rất mãnh liệt. Sau khi Hương Phi qua đời, Càn Long đã điều 120 lính ngự lâm hộ tống thi thể nàng trở lại cố hương để chôn cất. Đó là một hành trình kéo dài 3 năm", lời người hướng dẫn viên Trung Quốc nói với khách du lịch khi đứng trước lăng mộ của Hương Phi ở Kashgar, Tân Cương.
Nhưng một người dân địa phương thuộc tộc Duy Ngô Nhĩ lại đưa ra một phiên bản khác hẳn. Iparhan là một nhân vật bi kịch, thậm chí là một nô lệ tình dục của Càn Long và bị mẹ của vị hoàng đế này sát hại khi cô liên tục từ chối đòi hỏi của Càn Long. Câu chuyện về Hàm Hương mà hầu hết người Trung Quốc (người Hán) vẫn kể là do họ bịa đặt, sự thật thậm chí Iparhan thậm chí không được chôn ở Kashgar, người đàn ông Duy Ngô Nhĩ xin giấu tên nói với New York Times để tránh gặp rắc rối với nhà chức trách.
Truyền thuyết Hương Phi - Càn Long thành đề tài hấp dẫn của điện ảnh Trung Quốc. |
James A. Millward, một giáo sư tại đại học Georgetown chuyên nghiên cứu về các vùng đất biên giới đa sắc tộc của Trung Quốc cho biết, Bắc Kinh đã tìm cách sử dụng lịch sử như một công cụ chính trị để chống lại nguyện vọng đòi độc lập của các nhóm dân tộc thiểu số và hợp pháp hóa những nỗ lực của họ để cai trị các vùng đất đầy bất ổn này.
Mặc dù những câu chuyện lịch sử sáng tác là một công cụ khá mạnh nhưng nó cũng cho thấy sự bất an của Bắc Kinh đối với một số khía cạnh của quá khứ, giáo sư Millward nói.
Trong bối cảnh bất ổn tại Tân Cương liên tục gia tăng với những vụ đụng độ chết người xảy ra liên tiếp, phương pháp tuyên truyền các câu chuyện lịch sử sáng tác này đã được thúc đẩy một cách cấp bách hơn. Trong năm qua ít nhất đã có 200 người thiệt mạng ở đây, một số trong đó là người Hán. Nhiều người Duy Ngô Nhĩ bị bắn bởi lực lượng an ninh chính phủ.
Những lúc như thế này, có vẻ như câu chuyện về Hương Phi hay Iparhan là chiếc phao mà Trung Quốc cần. "Truyền thuyết" về Hương Phi thực tế chỉ được biết đến từ đầu thế kỷ 20 và các nhà sử học "chính thống" Trung Quốc đã hậu thuẫn cho nó, thay đổi đáng kể diện mạo của lịch sử.
Họ tìm cách biến Iparhan thành phương tiện để thể hiện "tình hữu nghị lâu dài giữa người Hán và người Duy Ngô Nhĩ" vốn có văn hóa, đức tin Hồi giáo và ngôn ngữ Turkic châu Á khác hẳn người Hán.
Câu chuyện về Iparhan trước khi có "truyền thuyết Hương Phi" cho biết cô bị bắt bởi lính nhà Thanh trong 1 trận đánh và cô bị giết hoặc bị các hoạn quan trong cung ép phải tự tử. Câu chuyện đã được thay đổi với kết cục lãng mạn và hạnh phúc khi Càn Long cho xây dựng hẳn một cung điện nguy nga có nhà thờ Hồi giáo và một ngôi làng Kashgari thu nhỏ bên ngoài cửa sổ phòng cô ở Bắc Kinh với ăm ắp những sản vật quê hương.
Những ngày này Hương Phi trở thành chủ đề của các bài thơ, vở kịch và chương trình truyền hình. Thậm chí cái tên Hương Phi còn được đặt cho một chuỗi nhà hàng thịt nướng, một thương hiệu nho khô và một dòng nước hoa ở Trung Quốc.
Các sản phẩm tuyên truyền của Trung Quốc đặc biệt thu hút bởi nhân vật nữ chính, thường là phi tần của hoàng đế Trung Hoa và có liên quan đến cuộc đấu tranh quyền lực, chiến tranh giữa Trung Hoa với các nước nhỏ láng giềng.
Hình ảnh Vương Chiêu Quân được thể hiện trên hàng loạt các tác phẩm điện ảnh, hội họa, thi ca mê hoặc lòng người. |
Ở khu tự trị Nội Mông là câu chuyện về nàng Vương Chiêu Quân được cho là một trong tứ đại mỹ nhân của Trung Quốc mà vua Hán Nguyên Đế nhà Hán "ban" cho một hoàng tử Mông Cổ để củng cố liên minh giữa nhân dân 2 nước. Mỹ nhân này phải gánh một trách nhiệm lớn lao, mang lại 60 năm hòa bình giữa nhà Hán với nhà Hung Nô ở phương Bắc.
Tại Tây Tạng có truyền thuyết về công chúa Văn Thành, cháu gái vua Đường Thái Tông được gả cho vua Thổ Phồn (tên gọi Tây Tạng thủa trước) trong thế kỷ thứ 7 để chiêu an vị vua hiếu chiến này.
Nhiều người dân Tây Tạng cảm thấy kinh ngạc khi Văn Thành thường xuyên được bộ máy tuyên truyền của Trung Quốc mô tả như là một bậc "mẫu nghi thiên hạ" mang đến tập quán canh tác tiên tiến, nghề dệt vải để dạy cho dân Tây Tạng. Thậm chí Bắc Kinh còn phóng đại lên rằng Văn Thành là người đưa Phật giáo vào Tây Tạng, sáng tác bảng chữ cái Tây Tạng trong khi một số sử gia còn đang đặt câu hỏi về sự tồn tại của nhân vật này.
Sự oán giận của những người dân địa phương tại những khu tự trị xa xôi của Trung Quốc còn bắt nguồn từ quyết định của chính phủ để biến những địa điểm danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa tâm linh của cha ông họ thành địa điểm du lịch không còn có ý nghĩa tôn giáo. Những di tích ấy được giao cho một công ty của người Hán quản lý và thu các khoản tiền từ khách du lịch.