Một siêu giàn khoan được Trung Quốc thử nghiệm tại cảng Đại Liên tháng 10/2014. Ảnh: Interfax Energy. |
Interfax Energy ngày 15/6 đưa tin, Trung Quốc sẽ mở rộng "hạm đội" siêu giàn khoan nước sâu để khai thác (tranh cướp) nguồn tài nguyên dầu khí trong Biển Đông (mà Bắc Kinh nhảy vào) tranh chấp, các chuyên gia ngành công nghiệp dầu khí nước này nói với Interfax. Một "hạm đội" siêu giàn khoan lớn hơn có thể là nguồn gốc leo thang căng thẳng giữa Trung Quốc với các nước láng giềng.
Trung Quốc sẽ xây dựng thêm các siêu giàn khoan nước sâu bổ sung trên nền tảng giàn khoan 981 hiện có trong thời gian kế hoạch 5 năm lần thứ 13, 2016-2020, Zhao Zhiming, Trưởng cố vấn Hiệp hội Dầu khí và công nghệ hóa dầu Trung Quốc tuyên bố.
Bắc Kinh đã khiến người Việt vô cùng tức giận vào mùa hè năm ngoái khi hạ đặt siêu giàn khoan 981 (bất hợp pháp) trong vùng biển Việt Nam, Interfax Energy lưu ý. 981 có thể khoan tới độ sâu 3000 mét và mất 1 tỉ USD để chế tạo nó. 981 thuộc biên chế Tập đoàn Dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC).
"Có các giàn khoan tiên tiến hơn như 981 sẽ giúp Trung Quốc thực hiện bước đại nhảy vọt trong việc khai thác (tranh cướp) dầu khí ở Biển Đông", Zhao Zhiming nói. Giàn khoan nước sâu tự chế mới nhất của CNOOC sau 981 hiện đang hoạt động trên Biển Đông, khu vực phía Nam Hồng Kông.
Siêu giàn khoan này có thể hoạt động ở các vùng biển sâu 1500 mét và khoan giếng sâu 7600 mét, có thể chống lại gió mạnh tốc độ 117 km/h. 3 siêu giàn khoan tương tự đang trong giai đoạn thiết kế. Ngoài CNOOC, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC) và Sinopec cũng đang bắt kịp cuộc đua xây dựng siêu giàn khoan.
CNPC và Sinopec đã "lẽo đẽo theo sau CNOOC" vì chính phủ Trung Quốc đang ít quan tâm đến 2 tập đoàn này. Gao Xiangqian, cố vấn Viện Nghiên cứu Thăm dò phát triển dầu khí của CNPC nói với Interfax Energy: "Có những rủi ro cao trong hoạt động thăm dò khai thác nước sâu và không người quản lý nào muốn chịu nếu chính quyền trung ương không hỗ trợ đầy đủ".
CNOOC đã ca ngợi giàn khoan 981 như bước đột phá lớn trong sức mạnh công nghệ của ngành dầu khí nước này. Tuy nhiên một nhà điều hành của CNOOC thừa nhận rằng, hầu hết thành phần thiết bị của 981 đều phải nhập khẩu. Hàm lượng công nghệ nội địa Trung Quốc rất ít.
"Cá nhân tôi nghĩ rằng khái niệm công nghệ và nền tảng thiết kế giàn khoan của Trung Quốc vẫn đang ở trình độ như các nước phát triển trong những năm 1980, 1990", Feng Chen, Trưởng chi nhánh Sinopec tại Thượng Hải cho biết.