Trung Quốc tăng ngân sách quốc phòng là nguyên nhân "chạy đua vũ trang" ở châu Á

06/03/2018 10:59
Hồng Thủy
(GDVN) - Trung Quốc tăng ngân sách quân sự không chỉ khiến các nước láng giềng phải tăng phòng thủ, mà Mỹ, Nga cũng phải tăng theo, Biển Đông có thể dậy sóng.

South China Morning Post ngày 5/3 cho biết, các quốc gia láng giềng Trung Quốc đang bị mắc kẹt trong các tranh chấp với Bắc Kinh buộc phải gia tăng phòng thủ khi nước này tăng chi tiêu quân sự.

Thứ Hai ngày 5/3, Quốc hội Trung Quốc khai mạc kỳ họp thường niên tại Bắc Kinh.

Thủ tướng Lý Khắc Cường đọc báo cáo công tác chính phủ, ông cho biết ngân sách quân sự năm nay dự kiến chi 1,1 ngàn tỉ nhân dân tệ (khoảng 173,6 tỉ USD).

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường lau mồ hôi khi đọc báo cáo chính phủ tại phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội thường niên hôm qua 5/3, ảnh: Đa Chiều.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường lau mồ hôi khi đọc báo cáo chính phủ tại phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội thường niên hôm qua 5/3, ảnh: Đa Chiều.

Tờ báo Hồng Kông dẫn lời ông Lý Khắc Cường khi đọc báo cáo cho biết:

"Với những thay đổi sâu sắc về môi trường an ninh quốc gia, chúng ta phải khẳng định chắc chắn về vai trò lãnh đạo của đồng chí Tập Cận Bình trong việc tăng cường sức mạnh quân sự, xây dựng quốc phòng và các lực lượng vũ trang."

Từ năm 2017, ngân sách quốc phòng Trung Quốc đã vượt qua mức 100 ngàn tỉ nhân dân tệ, và ông Tập Cận Bình đã cam kết sẽ nâng quân đội Trung Quốc lên tầm cỡ "đội quân đẳng cấp thế giới" vào giữa thế kỷ này.

Giáo sư Yoichi Shimada từ Đại học Fukui bình luận:

"Đó là một mức gia tăng lớn, nhưng cũng phải nhớ rằng đây là 'bí mật mở', bởi chi tiêu quân sự thật sự của Trung Quốc lớn hơn nhiều những con số chính phủ họ công bố.

Không chỉ là quy mô chi tiêu ngân sách quân sự của Trung Quốc gây ra mối quan tâm, mà năng lực quân sự Trung Quốc cũng đang được cải thiện rất rõ rệt.

Mặc dù chính quyền Donald Trump đã cam kết tăng chi tiêu quân sự, nhưng tốc độ tăng trưởng của quân đội Trung Quốc đang nhanh hơn Hoa Kỳ.

Chiến đấu cơ tàng hình J-20 Trung Quốc được nhiều người cho là "sao chép" F-35 Hoa Kỳ, ảnh: SCMP / Tân Hoa Xã.
Chiến đấu cơ tàng hình J-20 Trung Quốc được nhiều người cho là "sao chép" F-35 Hoa Kỳ, ảnh: SCMP / Tân Hoa Xã.

Đối với Nhật Bản, quần đảo Senkaku là mối quan tâm trực tiếp rõ ràng nhất.

Nhưng người Nhật cho rằng mối đe dọa lớn nhất chính là an ninh hàng hải trên đường vận chuyển 70% dầu mỏ từ Trung Đông phải đi qua Biển Đông."

Giám đốc trung tâm nghiên cứu châu Á, Đại học Temple, Nhật Bản Jeff Kingston nhận định:

"Cách đây không lâu, người ta cho rằng Hoa Kỳ sẽ liên minh với các đồng minh trong khu vực, nhưng giả định này đã bị ném ra ngoài cửa sổ vì Donald Trump thắng cử.

Nhật Bản và các nước khác đã không còn cảm thấy an toàn với liên minh đó, vì họ lo lắng Donald Trump có thể "thỏa thuận" với Trung Quốc mà không quan tâm đến các lo ngại an ninh của đồng minh.

Những khả năng không thể đoán trước này khiến họ buộc phải xem lại chi phí cho phòng thủ của mình một lần nữa." [1]

The Washington Post ngày 5/3 dẫn đánh giá của Viện Nghiên cứu hòa bình Stokholm cho biết, Trung Quốc chi khoảng 1,9% GDP cho quân sự, trong khi Hoa Kỳ chi 3,3% GDP.

Trung Quốc tăng ngân sách quốc phòng là nguyên nhân "chạy đua vũ trang" ở châu Á ảnh 3

Các nước láng giềng nên cảnh giác với sức mạnh quân sự Trung Quốc đang gia tăng

Chi tiêu quân sự của Trung Quốc năm 2018 sẽ vượt xa mức tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.

Ông Trương Nghiệp Toại, Thứ trưởng Ngoại giao và là người phát ngôn của kỳ họp Quốc hội Trung Quốc năm nay tuyên bố:

"Trung Quốc cam kết phát triển hòa bình, và Trung Quốc theo đuổi một chính sách quốc phòng tự vệ. Sự phát triển của Trung Quốc sẽ không gây nguy hiểm cho các nước khác."

Tuy nhiên Giáo sư Andrew Ercikson từ Viện Nghiên cứu hàng hải Trung Quốc, Học viện Hải quân Hoa Kỳ ở Newport cho biết:

"Điều này cho thấy chiến lược lớn của Tập Cận Bình để phục hưng Trung Hoa, không chỉ bao gồm giấc mộng Trung Quốc, mà còn là giấc mộng quân sự hùng mạnh đặc biệt." [2]

Xung quanh động thái này, Reuters dẫn lời nhà nghiên cứu Sam Roggeveen từ Trung tâm Nghiên cứu quốc phòng và chiến lược, Đại học Quốc gia Australia cho biết:

"Tốc độ và quy mô của việc tăng ngân sách quốc phòng này thực sự rất ấn tượng, rất đáng báo động đối với Australia và nhiều nước khác trong khu vực.

Có đầy đủ những dấu hiệu cho thấy Trung Quốc muốn mở rộng khả năng quân sự ở Biển Đông.

Tôi nghĩ cuối cùng chúng ta sẽ thấy các tàu chiến và máy bay ở đó thường xuyên, nếu không muốn nói là vĩnh viễn.

Cái không rõ ràng ở đây lại là, không biết liệu Hoa Kỳ có sẵn sàng đương đầu với các thách thức đó hay không." [3]

Không chỉ kích thích các nước láng giềng phải tăng cường phòng thủ, Nikkei Asia Review ngày 6/3 cho rằng, sự tích tụ quân sự của Trung Quốc còn đang khuyến khích Hoa Kỳ, Nga tăng chi tiêu quân sự. [4]

Tài liệu tham khảo:

[1]http://www.scmp.com/news/asia/east-asia/article/2135802/asian-arms-race-stoked-chinas-booming-defence-budget-analysts

[2]https://www.washingtonpost.com/world/asia_pacific/china-boosts-defense-budget-seeking-world-class-military-but-tells-neighbors-not-to-worry/2018/03/05/17a27efb-2a9d-4508-a06e-f3129bd1ea45_story.html?utm_term=.d976fbaaf1c6

[3]https://www.nbcnews.com/news/china/china-boosts-defense-spending-cites-war-preparedness-n853536

[4]https://asia.nikkei.com/Politics-Economy/International-Relations/China-s-defense-budget-shows-determination-to-rival-US-forces

Hồng Thủy