Trưởng Ban Kinh tế Trung ương thảo luận về học thuyết Abenomics

06/08/2014 10:50
Thanh Liêm (từ Tokyo)
(GDVN) - Bên cạnh những tác động rõ ràng đối với kinh tế Nhật Bản, Abenomics còn tạo được những ảnh hưởng tích cực đến quan hệ kinh tế giữa Nhật Bản với các nước Đông N

Chiều ngày 5/8, tại Tokyo, Nhật Bản, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương GS.TS Vương Đình Huệ đã thảo luận với Giáo sư Etsuro Honda, Cố vấn đặc biệt của Thủ tướng Abe về kinh tế về học thuyết kinh tế Abenomics.
 
Chia sẻ với Giáo sư Vương Đình Huệ và Đoàn công tác Ban Kinh tế Trung ương, Giáo sư Etsuro Honda cho biết: Mô hình chính sách kinh tế Abenomics đã tạo đà cho kinh tế Nhật Bản khởi sắc và đưa kinh tế Nhật Bản thoát khỏi tình trạng giảm phát kéo dài gần hai thập kỷ kể từ năm 1992. Thời gian gần đây, các chính sách phiên bản mới được Chính phủ của Thủ tướng Abe liên tục đưa ra nhằm tạo đà cho kinh tế Nhật Bản phát triển vững chắc đã mang lại nhiều kỳ vọng cho giới doanh nhiệp và người dân Nhật Bản.

Giáo sư Etsuro Honda nhấn mạnh, bên cạnh những tác động rõ ràng đối với kinh tế Nhật Bản, Abenomics còn tạo được những ảnh hưởng tích cực đến quan hệ kinh tế giữa Nhật Bản với các nước Đông Nam Á, một địa bàn có tầm quan trọng đặc biệt trong chính sách đối ngoại, kinh tế, an ninh và chính trị của Tokyo.

Trao đổi với cố vấn kinh tế đặc biệt của Nội các Nhật, ông Etsuro Honda, Trưởng Ban Kinh tế T.Ư Vương Đình Huệ nói: “Chính sách Abenomics của Thủ tướng Shinzo Abe đã mang lại thành công bước đầu, làm thay đổi cơ cấu kinh tế Nhật Bản và đây là kinh nghiệm quý để Việt Nam tham khảo trong quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển nhanh và bền vững ở Việt Nam”.

Tại cuộc làm việc giữa Trưởng Ban Kinh tế Trung ương với Chủ tịch Liên minh Nghị sĩ hữu nghị Nhật-Việt, đã đi đến thống nhất Liên minh Nghị sĩ hữu nghị Nhật-Việt sẽ phối hợp cùng Ban Kinh tế T.Ư, hỗ trợ, tư vấn cho các dự án ODA có nguồn vốn từ Nhật Bản vào Việt Nam phù hợp định hướng cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; hỗ trợ, tư vấn về chiến lược phát triển cơ sở hạ tầng và các trung tâm nghiên cứu cho Việt Nam trong quá trình tái cơ cấu kinh tế.

Ông Toshihiro Nikai đề nghị Việt Nam quan tâm đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tạo điều kiện để các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Nhật Bản đến hợp tác, đầu tư ở Việt Nam, tôn vinh các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh tốt; hợp tác trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực.

Ông Toshihiro Nikai nhấn mạnh, hiện nay cơ hội hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước là rất lớn, đặc biệt là các cơ hội đầu tư phát triển những ngành công nghiệp dân dụng và mở rộng khả năng trao đổi lao động chất lượng cao, tốt nghiệp đại học từ Việt Nam sang làm việc tại các tỉnh của Nhật Bản.

Thăm và làm việc tại tỉnh Kanagawa, tỉnh lớn thứ hai của Nhật Bản với dân số 9,8 triệu dân, GDP đạt trên 300 tỷ USD. Trưởng Ban Kinh tế T.Ư Vương Đình Huệ và ông Masao Kurokawa, Phó Tỉnh trưởng tỉnh Kanagawa đã cùng trao đổi, thảo luận về chính sách phát triển đặc khu chiến lược quốc gia, các cơ chế đặc thù cho đặc khu, cơ hội thu hút nguồn lực kỹ thuật có tay nghề từ Việt Nam để tận dụng lợi thế chính sách đặc khu chiến lược quốc gia.

Cũng nhân dịp đến tỉnh Kanagawa, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đã đến thăm Công ty Nissan Motor, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đã trao đổi về chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô mà Thủ tướng Chính phủ Việt Nam vừa phê duyệt; trao đổi về các cơ hội đầu tư Công ty vào Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp ô tô, trao đổi kinh nghiệm về kỹ thuật, quản lý; Thu hút, đào tạo các lao động kỹ thuật cao từ Việt Nam.

Chuyến công tác của Trưởng Ban Kinh tế Trung ương tới Nhật Bản và Hàn Quốc từ 5 – 13/8 với mục tiêu nhằm tăng cường, thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản, Việt Nam và Hàn Quốc trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu, rộng vào nền kinh tế khu vực và toàn cầu. Nghiên cứu và trao đổi kinh nghiệm với Nhật Bản và Hàn Quốc về các chính sách phát triển kinh tế; đổi mới cải cách thể chế kinh tế; chính sách tài khóa và tiền tệ; hệ thống quản lý và giám sát tài chính; hợp tác phát triển công nghiệp, nông nghiệp với Việt Nam và các lĩnh vực khác trong bối cảnh mới. Khảo sát thực tiễn hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp nhỏ và vừa của hai nước Nhật Bản và Hàn Quốc.

Thanh Liêm (từ Tokyo)