Trường học thiếu nhân lực y tế, sao lại ngừng cấp chứng chỉ hành nghề với y sĩ?

27/05/2022 06:18
Ngân Chi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo ĐB Nguyễn Thị Thu Dung, cần tính toán lại việc ngừng cấp chứng chỉ hành nghề với y sĩ, nâng cao chất lượng, vì đây là lực lượng cần thiết cho y tế cơ sở.

Chất lượng đào tạo của các trường y khác nhau

Phát biểu tại buổi thảo luận tại tổ chiều 26/5 về Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã giải thích thêm một số vấn đề các Đại biểu Quốc hội quan tâm: “Đến thời điểm hiện nay, có lẽ chỉ có mỗi Việt Nam là nước duy nhất không thi cấp chứng chỉ hành nghề.

Chúng ta cứ học xong rồi thực tập 18 tháng, căn cứ trên những hồ sơ, giấy tờ để cấp chứng chỉ hành nghề. Vì vậy, không đánh giá được chất lượng của các bác sĩ khi ra trường như thế nào”.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng đề cập: “Hiện nay chúng ta có 27 trường đào tạo khối ngành y, song, chất lượng đào tạo của các trường không giống nhau. Muốn đảm bảo công bằng trong khám, chữa bệnh, thì chất lượng là một trong những yếu tố quan trọng. Vì vậy, thi cấp chứng chỉ hành nghề bước đầu phải đảm bảo chuẩn chung của một bác sĩ khi ra hành nghề.

Chúng ta chưa có chuẩn chung trong chất lượng cho nên dự thảo luật đưa ra và xây dựng chuẩn năng lực nghề nghiệp của các bác sĩ và các đối tượng khác”.

“Việc cấp chứng chỉ hành nghề bắt buộc người bác sĩ ấy phải tham dự các kỳ thi, có giá trị trong vòng 5 năm. Nhưng để đảm bảo cho việc thuận lợi cũng như tạo mọi điều kiện, đặc biệt để khuyến khích với người bác sĩ khi ra hành nghề phải nâng cao năng lực, phải học tập suốt đời” - Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long (Ảnh: H.B).

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long (Ảnh: H.B).

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Y tế, trong dự thảo luật, có đưa ra 2 cách thức có thể cấp chứng chỉ hành nghề:

Một là, trong giai đoạn 5 năm, người bác sĩ đó có thể tham gia các hội thảo, chuyển giao các kỹ thuật, có thể triển khai những chuyên môn mới.

“...Nếu bây giờ cấp chứng chỉ suốt đời thì sẽ không có động lực cho người bác sĩ phải học. Đó là lý do vì sao, lần này, chúng ta phải đưa ra việc cấp chứng chỉ hành nghề đối với bác sĩ trước, sau đó mới đến các đối tượng khác. Nếu làm được như vậy, chúng ta đã hội nhập được với quốc tế”, Bộ trưởng phân tích.

Cần tính toán lại việc bỏ mã chức danh y sĩ

Trao đổi bên lề Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Đoàn Đại biểu tỉnh Thái Bình, hiện đang là Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Thái Bình) cho biết, trong sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh, bà quan tâm tới vấn đề đang xin ý kiến là cấp chứng chỉ hành nghề. Cơ quan soạn thảo có đề nghị ngừng cấp chứng chỉ hành nghề từ 1/1/2025 đối với đối tượng y sĩ, chỉ để y sĩ trong lực lượng vũ trang.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung bày tỏ quan điểm về quy định ngừng cấp chứng chỉ hành nghề với đối tượng y sĩ. (Ảnh: H.B).

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung bày tỏ quan điểm về quy định ngừng cấp chứng chỉ hành nghề với đối tượng y sĩ. (Ảnh: H.B).

Không những như thế, các cơ quan, xí nghiệp, trường học cũng đang thiếu nhân lực y tế và đối tượng y sĩ phù hợp với các đơn vị này. Nữ Đại biểu đề cập: “Theo tôi, cần tính toán lại vì đối tượng y sĩ này đang công tác ở tuyến y tế cơ sở là chính, qua đại dịch Covid-19 vừa rồi chúng ta thấy y tế cơ sở đang yếu cả về số lượng và chất lượng, y sĩ là những người hoạt động tích cực ở tuyến này".

Mặt khác, Đại biểu cũng nhận định, y sĩ chỉ được đào tạo trong 2-3 năm như trước đây thì quả thực không đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân cũng như tình hình thực tế. Vì vậy, vấn đề đặt ra không phải là ngừng cấp chứng chỉ hành nghề với đối tượng này, đồng nghĩa bỏ mã chức danh này.

“Chúng ta phải xem xét nâng cao trình độ đào tạo đối với chức danh y sĩ để họ đáp ứng yêu cầu thực tế hiện nay. Đây là lực lượng cần thiết cho y tế cơ sở khi chúng ta không đảm bảo nhân lực bác sĩ cho tuyến y tế cơ sở hiện nay”, vị Đại biểu kiến nghị.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung nhận định thêm, dự án luật lần này đã đề cập vấn đề phát triển y tế cơ sở nhưng chưa đủ, cần có chính sách và quan tâm hơn nữa. Mặc dù Đảng và Nhà nước quan tâm, nhiều Nghị quyết và văn bản đề ra, tuy nhiên, Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi cần được nghiên cứu để có những điều luật cụ thể hơn để tạo điều kiện cho y tế cơ sở thực sự phát triển.

Thảo luận cho ý kiến tại Tổ, Đại biểu Bùi Văn Nghiêm (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long) cho rằng: “Về giá trị giấy phép hành nghề, trong luật chỉ nêu có giá trị 5 năm. Nhưng nếu như chỉ cấp 5 năm, thì sau 5 năm sẽ như thế nào? Tôi cho rằng, nếu cơ sở hành nghề không vi phạm, thì nên gia hạn 5 năm một lần để giảm thủ tục hành chính, vì khi hết hạn, phải làm thủ tục mất mấy tháng, vậy thì vấn đề hành nghề trong thời gian đó sẽ ra sao?”.

Ngân Chi