TS Đinh Xuân Thảo: Xem lại phát biểu của Bộ trưởng Đinh La Thăng

07/04/2012 11:51
Hải Phong (Tổng hợp)
(GDVN) - TS Đinh Xuân Thảo: Xem lại phát biểu của Bộ trưởng GTVT. Mức phí chưa điều chỉnh là 'chưa phù hợp'...là những tin bài nóng về vấn đề thu phí giao thông.
TS Đinh Xuân Thảo: Xem lại phát biểu của Bộ trưởng GTVT

Báo Tiền Phong đăng tải ý kiến của TS Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội (QH). TS Thảo cho rằng nên xem xét lại phát biểu của Bộ trưởng Đinh La Thăng liên quan đề án thu phí lưu thông và phí hạn chế phương tiện cá nhân.

Như thông tin đã đưa trước đó, tại cuộc họp với báo chí ngày 3/4, Bộ trưởng Bộ GTVT khẳng định sẽ thu phí lưu hành và phí hạn chế phương tiện cá nhân bởi Chính phủ, QH đã có nghị quyết về vấn đề này.

TS Đinh Xuân Thảo Ảnh: P.V.
TS Đinh Xuân Thảo Ảnh: P.V.

TS Thảo đưa ra quan điểm: “Cách hiểu của Bộ trưởng GTVT là tại kỳ họp thứ hai vừa qua, QH đồng ý việc thu phí hạn chế phương tiện giao thông là không đúng. QH mới chỉ thông qua chủ trương chung về đầu tư cho giao thông, phí và thu phí chỉ là một giải pháp. Còn biện pháp thu như thế nào, bao giờ thu, về nguyên tắc, phải có đề án cụ thể. Chính phủ phải trình đề án đó ra UBTVQH cho ý kiến, quyết định, rồi mới triển khai. Phải đúng quy trình. Trong trường hợp này, đề án của Bộ GTVT gặp phản ứng trái chiều của dư luận, nhân dân và ngay tại phiên họp UBTVQH mới đây cũng có nhiều ý kiến đề nghị đưa ra QH xem xét.

Vì vậy, tôi nghĩ, đề án thu phí theo đề xuất của Bộ GTVT cần đưa ra thảo luận tại QH để nhân dân biết. Nếu thấy hợp lý, QH sẽ đồng tình còn nếu không phù hợp, QH không thông qua, điều đó là bình thường”.

Bên cạnh đó, TS Thảo cho rằng muốn thu phí thì Bộ GTVT cần tham khảo, lấy ý kiến nhân dân, bởi dân là người bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, phải có sự tách bạch rõ phí lưu hành, xem nó có trùng thuế, trùng phí không. Vì ở nước ta đã có rất nhiều khoản thuế và phí trên một phương tiện - từ nhập khẩu, đăng ký, đăng kiểm, phí thu qua xăng dầu...

Giá thành đầu xe ở Việt Nam có thể nói do phí và thuế đã trở thành đắt nhất thế giới. Nếu nói thu để bảo trì, bảo dưỡng, đầu tư trở lại hạ tầng giao thông thì phải rõ ràng, phải công bằng: Ai lưu hành nhiều thu nhiều, không thể đổ đồng như đề án. Thu bao nhiêu, sử dụng ra sao, phải giải trình rõ. Bên cạnh đó, phải tính toán xem việc thu phí hạn chế phương tiện vào nội đô có hiệu quả thực sự không?
Mức phí chưa điều chỉnh là "chưa phù hợp"

Liên quan đến đề xuất, kiến nghị về chủ trương thu phí mà Bộ GTVT đang đề xuất, báo Tuổi Trẻ đã phỏng vấn Bộ trưởng Đinh La Thăng. Bộ trưởng Thăng ủy quyền cho Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường trả lời bằng văn bản.

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường. Ảnh: T.Phùng
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường. Ảnh: T.Phùng

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường đưa ra ý kiến về việc Bộ GTVT cho rằng mức phí liên quan đến giao thông ở nước ta thấp hơn các nước trong khu vực trong khi người dân lập luận rằng thu nhập của người dân Việt Nam thấp hơn các nước nên mức phí này vẫn cao. Ông nói: “Mức thu phí sử dụng đường bộ theo hình thức BOT của nước ta hiện nay thấp hơn rất nhiều so với mức thu của một số nước trên thế giới.

Mặc dù thu nhập của người dân chúng ta có thấp hơn so với thu nhập của người dân một số nước nhưng với mức thu phí đã được ban hành từ năm 2004 đến nay đã gần 10 năm chưa được điều chỉnh tăng là chưa phù hợp với tình hình kinh tế xã hội hiện tại, chưa thật sự tạo được động lực mạnh mẽ cho các thành phần kinh tế bỏ vốn đầu tư vào lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông.

Về thu nhập bình quân đầu người thì từ năm 2004 (năm ban hành mức phí BOT đường bộ) đến nay thì thu nhập của người dân Việt Nam đã có sự tăng trưởng rất nhiều.
Kiến nghị xem xét về phí bảo trì đường bộ

VTC News đăng tải thông tin, ngày 6/4, Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM đã có văn bản gửi Chính phủ và các bộ ngành liên quan về một số nội dung bất hợp lý trong quy định về phí đường bộ hiện nay.
Thời gian qua, Hiệp hội đã nhận được nhiều ý kiến phản ánh của các doanh nghiệp (DN) vận tải hàng hóa trong việc thu phí giao thông đường bộ hiện nay, đặc biệt là những khó khăn của DN khi áp dụng chính thức phí bảo trì đường bộ mà Chính phủ mới ban hành, dự kiến sẽ triển khai thu vào ngày 1/6 tới.
Để góp phần tháo gỡ khó khăn cho DN, hiệp hội kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan một số nội dung như sau: Xem xét phương thức thu phí để bảo đảm tính công bằng cho người nộp phí. Cụ thể, cần thay đổi phương thức thu phí hàng năm trên đầu phương tiện giao thông cơ giới đường bộ được quy định tại nghị định. 
Vì phương thức thu này chưa bảo đảm được tính công bằng cho người nộp phí, sẽ tạo ra nhiều hệ lụy rất phức tạp. Ngoài ra, cần xem xét mức thu phí sao cho phù hợp với thực tế sử dụng đường bộ của người trả phí. Thay đổi cách thu phí theo kỳ đăng kiểm như trong dự thảo thông tư quy định cách thu phí hàng tháng đối với mỗi phương tiện.
Bên cạnh đó, hiệp hội cũng kiến nghị thay đổi cách tính vé tháng tại Thông tư 90/2004/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 7-9-2004. Kiến nghị Bộ Tài chính có biện pháp bảo đảm các trạm thu phí phải thu phí đúng đối tượng, đặt trạm thu phí đúng khoảng cách tối thiểu giữa các trạm trên cùng một tuyến đường phải cách nhau 70km.
“Cần công khai về thuế và phí giao thông người dân đang phải nộp”
Nhìn nhận dự thảo mức phí bảo trì đường bộ là hợp lí, nhưng trao đổi với báo Dân trí, TS. Khuất Việt Hùng (Trưởng bộ môn Quy hoạch và Quản lý GTVT, trường Đại học GTVT) cho rằng cần có sự công khai minh bạch về những khoản thuế và phí mà người dân đang phải nộp, trong đó có bao nhiêu là dành cho giao thông.
Đánh giá về việc Bộ GTVT vừa đưa ra dự thảo Thông tư mới về hoạt động thu - chi quỹ bảo trì đường bộ, trong đó chốt các mức thu cơ bản đối với 8 nhóm ô tô và và 4 nhóm xe máy, TS Hùng nhận định việc giãn các nhóm đối tượng nộp phí bảo trì đường bộ của Bộ GTVT là hết sức bình thường chứ không phải lúng túng.

Cần công khai về các loại thuế và phí giao thông người dân đang phải nộp
Cần công khai về các loại thuế và phí giao thông người dân đang phải nộp

TS Hùng cũng nêu quan điểm đồng tình với chủ trương và các loại phí giao thông mà chủ phương tiện phải nộp theo đề xuất của Bộ GTVT: Cả thế giới đang thu phí bảo trì đường bộ, nước ngoài họ gọi đó là thuế, còn Việt Nam thì gọi là phí.

Tuy nhiên ông cho rằng, nếu muốn hợp lòng dân và nhận được sự đồng thuận trong việc nộp phí này thì Bộ GTVT nên đề nghị Chính phủ, đề nghị Bộ Tài chính công bố chính xác hiện nay có bao nhiêu khoản thuế và phí mà người dân đang phải nộp, trong đó có bao nhiêu là dành cho giao thông, hiện ngân sách dành cho giao thông còn hay hết và nếu phải thu thì thu bao nhiêu là đủ, người dân hiện đang được trợ giá bao nhiêu tiền/chuyến đi? Còn với quỹ bảo trì đường bộ, cần công khai số tiền mấy nghìn tỷ thu được sử dụng như thế nào, chi hết bao nhiêu và còn bao nhiêu.
Hải Phong (Tổng hợp)