TS "rởm" có 6 năm dạy tại Hutech: Học phần ông Hải dạy không thể được công nhận?

30/11/2023 06:38
Việt Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ông Nguyễn Trường Hải bị phát hiện chưa từng học thạc sĩ, tiến sĩ tại Trường ĐH KHTN, ĐHQG TPHCM. Đáng nói, ông này từng có 6 năm dạy ở Hutech.

Liên quan đến việc ông Nguyễn Trường Hải sử dụng bằng thạc sĩ, tiến sĩ (do Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cấp) "rởm" để đi dạy ở nhiều trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, nguồn thông tin của phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam cho biết, ông Hải đã từng giảng dạy đến 6 năm (2016 đến 2022) tại Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh (Hutech).

Ngày 28/11, xác nhận với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh – Phó Hiệu trưởng của Hutech cho hay, sau khi tiến hành rà soát kỹ lại thông tin đội ngũ giảng viên của trường, thì được biết là ông Nguyễn Trường Hải đã từng giảng dạy tại trường từ năm 2016 đến 2022, chứ không phải chỉ 2 năm (2016 đến 2018) như thông tin ban đầu trường kiểm tra.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh chia sẻ, trong thời gian đó, ông Nguyễn Trường Hải dạy tại Hutech với vai trò là giảng viên thỉnh giảng, chứ không được bổ nhiệm bất cứ chức vụ nào tại khoa.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về việc, bằng thạc sĩ và tiến sĩ của ông Hải đều không có trong dữ liệu cấp bằng, thì những học phần, môn học mà ông này dạy cho sinh viên sẽ được xử lý ra sao?

Văn bằng tiến sĩ của ông Nguyễn Trường Hải đã được xác định là không có trong dữ liệu nơi cấp bằng (ảnh: CTV)

Văn bằng tiến sĩ của ông Nguyễn Trường Hải đã được xác định là không có trong dữ liệu nơi cấp bằng (ảnh: CTV)

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh trả lời: “Giảng viên thì cũng dạy theo các giáo trình của nhà trường đã được chuẩn hóa kiến thức nhất định. Thầy cô chủ yếu mang tính hướng dẫn cho các em sinh viên là nhiều.

Còn khi thi cử, nhà trường có ngân hàng, đề thi riêng, chứ không phải thầy cô nào dạy là chấm thi, ra đề. Khi sinh viên thực hiện các đồ án môn học thì cũng có một hội đồng đánh giá, gồm từ 2 đến 3 thành viên cả trong và ngoài trường, nên nếu sinh viên đã vượt qua các kỳ thi thì chắc chắn phải đạt một chuẩn kiến thức nhất định”.

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh – Phó Hiệu trưởng của Hutech nhấn mạnh: “Qua sự việc của ông Nguyễn Trường Hải, nhà trường sẽ rút kinh nghiệm sâu sắc, rà soát lại kỹ hơn quy trình tuyển dụng nhân sự về sau này”.

Còn theo Phó Giáo sư Đỗ Văn Dũng – nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, trong trường hợp này của ông Nguyễn Trường Hải là chưa đủ chuẩn giảng viên để giảng dạy bậc đại học (yêu cầu tối thiểu phải là thạc sĩ).

Do đó, làm sao các trường đại học những nơi mà ông Hải đã từng thỉnh giảng lại có thể công nhận các học phần, môn học mà ông Hải dạy được.

“Về mặt nguyên tắc là phải bắt sinh viên học lại” – Phó Giáo sư Đỗ Văn Dũng khẳng định.

Theo Phó Giáo sư Đỗ Văn Dũng, hiện nay, ở các trường đại học hay cao đẳng, khi làm hợp đồng mời giảng viên thỉnh giảng, các trường sẽ chỉ căn cứ vào hồ sơ đương sự khai báo, chủ yếu là chỉ chú ý vào lý lịch khoa học của người được mời, như là đã từng dạy trường nào, bằng cấp ra sao, có bao nhiêu nghiên cứu .

Ngoài ra, việc thỉnh giảng có khi chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, nên các trường đã không chú ý đến việc cần phải xác thực, kiểm tra bằng cấp.

Sau mỗi học kỳ, sinh viên sẽ đánh giá chất lượng giảng dạy của giảng viên thỉnh giảng, nếu trình độ yếu quá thì có khi trường không ký tiếp hợp đồng.

Song song đó, Phó Giáo sư Đỗ Văn Dũng còn cho biết thêm, với một số ngành thì số người có chuyên môn đúng ngành là rất ít. Vì vậy, một số trường đại học, nhất là với trường tư thục thì sẽ cần giảng viên thỉnh giảng rất nhiều.

Nắm bắt được tâm lý ngành học đang cần nhân lực thỉnh giảng nhiều, đối tượng làm bằng giả đã rất liều lĩnh làm cả bằng thạc sĩ, tiến sĩ.

Phó Giáo sư Đỗ Văn Dũng nhấn mạnh: “Việc này sẽ gây thiệt thòi nhiều cho các em sinh viên, vì phải học trong những tiết học mà giảng viên giảng dạy có chất lượng kém”.

Đại diện Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh xác nhận với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, theo thông tin cá nhân (tên, ngày tháng năm sinh, nơi sinh) của ông Nguyễn Trường Hải, nhà trường đã tiến hành rà soát lại dữ liệu, kiểm tra lại thông tin thì xác nhận là ông Hải chưa từng học bất cứ một bậc học nào tại trường này.

Luật Giáo dục 2019, tại Điều 71 quy định về thỉnh giảng như sau:

"1. Thỉnh giảng là việc cơ sở giáo dục mời người đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 67 của Luật này đến giảng dạy. Người được cơ sở giáo dục mời giảng dạy được gọi là giáo viên thỉnh giảng hoặc giảng viên thỉnh giảng.

2. Giáo viên, giảng viên thỉnh giảng phải thực hiện nhiệm vụ quy định tại Điều 69 của Luật này. Giáo viên, giảng viên thỉnh giảng là cán bộ, công chức, viên chức phải bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ nơi mình công tác".

Theo quy định của Luật Giáo dục đại học 2018: "Trình độ tối thiểu của chức danh giảng viên giảng dạy trình độ đại học là thạc sĩ, trừ chức danh trợ giảng; trình độ của chức danh giảng viên giảng dạy trình độ thạc sĩ, tiến sĩ là tiến sĩ. Cơ sở giáo dục đại học ưu tiên tuyển dụng người có trình độ tiến sĩ làm giảng viên; phát triển, ưu đãi đội ngũ giáo sư đầu ngành để phát triển các ngành đào tạo".

Việt Dũng