Đã về hưu nhiều năm nhưng bà Trương Thị Thuý Lan (81 tuổi, nguyên Hiệu trưởng trường Chuyên Văn – Toán Thường Tín, nay là trường Trung học cơ sở Nguyễn Trãi) vẫn nhớ về cậu học trò nghèo Vũ Bình Dương (sinh năm 1978, xã Dũng Tiến, Thường Tín, Hà Nội) thuộc lứa học sinh học tập tại nhà trường vào những năm đầu thành lập.
“Khi Vũ Bình Dương vào trường, em ấy có học lực khá, nhưng trong môi trường toàn người học giỏi, gia đình khá giả, Dương đã cố gắng vươn lên”, nguyên Hiệu trưởng trường Chuyên Văn – Toán Thường Tín vẫn nhớ hình ảnh cậu học trò đạp xe hàng chục cây số đến trường mỗi ngày.
Bà Lan chia sẻ thêm, những năm bà giữ vai trò quản lý trường Chuyên Văn – Toán Thường Tín, hằng năm nhà trường chỉ tuyển 40 học sinh giỏi trên địa bàn huyện. Sau đó, trong mỗi năm học, nhà trường tổ chức các đợt kiểm tra với học sinh trong trường, nếu ai không vượt qua sẽ bị trả về trường địa phương.
Cậu học trò nghèo “bén duyên” môn Hoá
Vũ Bình Dương sinh ra trong gia đình thuần nông ở vùng quê nghèo thuộc huyện Thường Tín. Năm Dương lên 2 tuổi, bố mất, mình mẹ lam lũ nuôi Dương và người anh ăn học.
Tuổi thơ của Dương gắn liền với việc chăn trâu, cắt cỏ hay đó là các trò chơi cùng bạn bè trang lứa như đá “bóng bưởi”, tắm sông… Dù nghịch ngợm nhưng với sự thông minh, nhanh nhẹn, cậu học sinh có vóc dáng nhỏ bé gầy gò luôn là học sinh giỏi của lớp khi còn học tiểu học.
Dương còn trở thành tâm điểm của những ánh mắt ghen tỵ, khi giáo viên dành sự quan tâm dành cho cậu nhiều hơn, bởi thầy cô thương hoàn cảnh của Dương.
“Tôi vẫn nhớ hình ảnh cô chủ nhiệm lớp 3 tặng cho tôi chiếc bút viết mới vào dịp đầu năm học, hay đó là chiếc áo khoác ấm thơm tho vào mùa đông giá rét, khiến tôi vừa thích thú vừa có cảm giác ấm áp vô cùng”, Phó Giáo sư Vũ Bình Dương nhớ lại.
Bước sang bậc trung học cơ sở, Dương đỗ vào trường Chuyên Văn – Toán Thường Tín. Dẫu vậy, chàng thiếu niên vẫn có đam mê vui chơi cùng những đứa bạn trong làng.
Có những lúc, Dương nghĩ, mình học để làm gì, toàn những kiến thức khó hiểu trong sách vở, không giúp ích cho việc cấy cày, mò cua bắt ốc của mình?
Tuy nhiên, trong một môi trường học tập toàn người giỏi, có lúc Dương đã tự đặt hỏi: “Chẳng nhẽ mình lại học nhàng nhàng như này thôi sao”?.
Trả lời cho câu hỏi đó, Dương đã bén duyên khi được học môn Hoá do thầy Từ Trọng Hiến là một giáo viên giỏi giảng dạy.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Bình Dương (Ảnh: MD) |
Sự nhạy bén trong tư duy và liên tưởng thực tế đã giúp Dương “ngấm” các phản ứng hoá học nhanh hơn.
Đó là khi thầy giảng về sự đổi màu của quỳ tím, Dương liên tưởng ngay đến bát canh rau muống khi được vắt chanh sẽ chuyển từ màu xanh sang đỏ nhạt.
Có những bài học ở trên lớp được Dương áp dụng ngay khi về nhà.
Đó là để tạo ra khí Hidro, chàng thiếu niên mảnh khảnh, gầy gò đã hì hụi cắt hẳn miếng vỏ nhôm từ cái cặp lồng cơm của mình ngâm vào nước vôi. Khi thấy lấm tấm sủi bọt, Dương biết có khí rồi, nhưng để biết có đúng là khí mình cần không, cậu đã tìm cách dẫn nó sang một bình khác để sẵn miếng đinh rỉ.
"Vài ngày sau, tôi mở ra thấy cái đinh sáng loáng cùng với miếng vỏ cặp lồng cơm biến mất trong bình nước vôi ... lúc đó sướng rơn người vì biết mình vừa khám phá ra điều mà tôi cho là cao siêu lắm", Phó Giáo sư Vũ Bình Dương nói.
Chưa hết, có lần Dương còn tự chế ra “bia cỏ” và khi mở nắp, khí ga bật mạnh khiến nắp tung lên vỡ mấy viên ngói nhà cấp bốn.
“Nhà đã dột rồi, mày còn làm dột thêm hả thằng kia”, câu mắng "vốn" của bà nội vang lên nhưng Dương không buồn mà càng thấy khoái chí. Và rồi cậu cũng đã tự làm ra “bia cỏ” để cho người thân uống thử, kết quả cậu nhận được lời khen
Chẳng nhẽ mình lại nhàng nhàng?
Hằng ngày, Dương đạp xe từ nhà đến trường khoảng chục cây số, mang theo là chiếc cặp lồng đựng cơm, bữa nào ngon thì có thêm miếng trứng, còn không toàn rau. Vào những ngày mưa gió, lạnh giá, chặng đường đó càng trở nên xa hơn và thành nỗi ám ảnh với cậu học trò nghèo.
Tốt nghiệp Trung học cơ sở, bạn bè của Dương phần đông đỗ vào các trường Trung học phổ thông Chuyên, còn Dương chỉ đỗ vào trường Trung học phổ thông có tiếng ở huyện.
Lần này, cậu đã đặt câu hỏi cho bản thân về tương lai sẽ ra sao. Rồi cậu đặt mục tiêu phải cố gắng học tập để thi vào Trường Đại học Dược Hà Nội.
“Có lần, tôi cùng bạn đạp xe hàng chục cây số lên phố để tham quan Trường Đại học Dược. Đi qua đó, tôi ngửi thấy mùi dung môi như acetone, ether, tetracycline… Tôi cảm thấy phấn chấn, kích thích mạnh mẽ. Lòng quyết tâm trỗi dậy, tôi tự hứa với mình là phải thi đỗ Trường Đại học Dược Hà Nội”, Phó Giáo sư Vũ Bình Dương nhớ lại.
Những năm cấp ba, Dương cũng may mắn khi được giáo viên chủ nhiệm quan tâm, tận tình kèm cặp. Nhưng đến cuối tháng đóng tiền học thì lớp trưởng thông báo: “Bạn Dương được cô miễn tiền học nhé”. Trong Dương khi đó vừa có cảm giác ngại ngùng vừa thấy bản thân càng phải cố gắng hơn nữa.
Đền đáp công ơn thầy cô và gia đình, Dương đã đạt được mục đích khi thi đỗ vào Trường Đại học Dược Hà Nội.
Phó Giáo sư Vũ Bình Dương hướng dẫn các Nghiên cứu sinh làm luận án (Ảnh: MD) |
Năm Dương thi đại học, người anh của cậu cũng thi lại đại học. Ngày hai anh em đạp xe lên Trường Đại học Dược Hà Nội xem kết quả, thấy mình đã đỗ, Dương sướng như điên nhưng không dám biểu lộ ra ngoài, vì chưa biết kết quả của anh ra sao.
Khi biết anh cũng trúng tuyển, Dương và anh mới có niềm vui trọn vẹn. Trọn vẹn hơn nữa là niềm hạnh phúc của người mẹ vì các con có tương lai tốt đẹp hơn.
Bước chân vào trường đại học, Vũ Bình Dương say mê các tiết học có những lúc quên ăn quên ngủ để làm thí nghiệm. Đó là những buổi học về truyền tải cơ chế phản ứng hoá học của Giáo sư Phan Đình Châu, hay sự tỉ mỉ của Giáo sư Phạm Xuân Sinh mỗi khi nghiên cứu chế biến thuốc…
“Với tôi, tất cả những điều đã học được từ các thầy cô giáo của thời đại học là hành trang vững chắc cho tôi khi bước vào sự nghiệp làm thầy sau này”, Phó Giáo sư Vũ Bình Dương nói.
Cha đẻ của “tỏi đen”
Cậu học trò nghèo năm nào sau những nỗ lực cố gắng hiện đang giữ chức vụ Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ứng dụng và sản xuất thuốc của Học viện Quân y.
Tiếp phóng viên tại phòng làm việc của mình, Đại tá, Phó Giáo sư Vũ Bình Dương chia sẻ về con đường bén duyên với môi trường quân đội.
Phó Giáo sư Dương cho hay, sau khi tốt nghiệp đại học, anh được gọi đi học sĩ quan dự bị nửa năm tại trường Học viện Quân y. Đúng quãng thời gian này, nhà trường thông báo tuyển giảng viên, anh liền đăng ký ứng tuyển và trúng tuyển.
Những năm tháng đứng trên giảng đường đại học, Vũ Bình Dương như được sống lại quãng thời gian học trò, sinh viên. Thi thoảng nhớ về thầy cô, anh lại lấy giấy bút ra viết lại hồi ức.
Giảng dạy trong môi trường quân đội, anh được nhà trường tạo mọi điều kiện để anh phát huy năng lực của bản thân là làm nghiên cứu khoa học.
Những nghiên cứu ứng dụng của Phó Giáo sư Vũ Đình Dương như các loại thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ được đến tay người tiêu dùng và được xã hội thừa nhận.
“Cha đẻ” của tỏi đen, vị dược liệu từng làm mưa, làm gió trên thị trường khoảng gần chục năm về trước chính là Phó Giáo sư Vũ Bình Dương.
Chia sẻ về đề tài này, Phó Giáo sư Vũ Bình Dương cho hay, trong quá trình đi học ở nước ngoài, khi nghiên cứu các tài liệu về tỏi, anh nhận thấy việc lên men tỏi đen để sử dụng sẽ có nhiều hàm lượng dinh dưỡng tốt hơn tỏi tươi. Sau đó, anh đã dành tâm huyết 4 năm (2011-2015) để nghiên cứu cho ra loại thực phẩm chức năng này.
Theo đó, khi dùng công nghệ lên men tỏi sẽ tạo ra hoạt chất mới, nó giúp tăng cường khả năng miễn dịch, chống ung thư, ô xy hoá tốt hơn tỏi tươi gấp 50 lần.
Công trình nghiên cứu này của Phó Giáo sư Vũ Bình Dương đã được nhận Giải thưởng sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam năm 2015.
Nhìn lại quãng thời gian thuở học sinh và sinh viên, Đại tá - Phó Giáo sư Vũ Bình Dương nhận thấy bản thân may mắn khi học ở mỗi cấp học, nhà trường thì anh đều gặp được các thầy cô giáo giỏi về chuyên môn, yêu thương anh.
“Sự dạy dỗ của các thầy cô đã giúp tôi có được sự nghiệp như ngày hôm nay, tôi mãi khắc ghi trong lòng. Những gì tôi nhận được từ thầy cô, tôi sẽ dành lại cho những thế hệ học trò của tôi”, Đại tá, Phó Giáo sư Vũ Bình Dương, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ứng dụng và sản xuất thuốc Học viện Quân y chia sẻ.