Tính từ đầu năm 2024 đến giữa tháng 2/2025, trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã có 3 trường gắn với chữ “quốc tế” thông báo ngưng hoạt động, với lý do phần lớn liên quan đến tài chính, đó là các trường: Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam (AISVN), Trường Quốc tế Ngôi sao Sài Gòn, Trường Quốc tế Sài Gòn Pearl.
Nhân viên tuyển sinh kể lại quá trình tư vấn ở một trường gắn chữ quốc tế
Trong quá trình tìm hiểu về các trường có gắn với chữ “quốc tế” trên địa bàn thành phố, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với anh V.T. từng là một nhân viên tuyển sinh của AISVN trong giai đoạn từ năm 2022 đến 2023 để nghe anh nói về những cách thức tư vấn tuyển sinh của trường ở thời điểm đó.
Theo anh T., anh được tuyển vào làm tư vấn tuyển sinh ở AISVN tại thời điểm tháng 2/2022, ngay sau tết âm lịch.
Để chuẩn bị cho việc tuyển sinh của năm học 2022-2023, anh T. đã phải tìm kiếm các dữ liệu thông tin của lượng phụ huynh tiềm năng có thu nhập cao qua các kênh như các hội nhóm có tương tác cao trên mạng xã hội, tham gia vào các ngày hội tư vấn tuyển sinh, trả lời điện thoại và thu thập thông tin do phụ huynh gọi điện thoại tới trường tư vấn, thực hiện một số chiến dịch marketing nhỏ trên nền tảng mạng xã hội để có thể đưa các hình ảnh của trường đến với học sinh.
Sau đó, anh T. cho biết sẽ đến giai đoạn tư vấn trực tiếp tại trường. Sau khi tìm hiểu nhu cầu từ phía phụ huynh, thì nhân viên tư vấn thường sẽ giới thiệu về các chương trình học tại trường, học phí, cơ sở vật chất cũng như nhiều chế độ khuyến mãi cũng như các lưu ý về mặt thủ tục cho phụ huynh nắm và thực hiện.

Về Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam (AISVN), trong các tài liệu quảng cáo và nhà trường khi đó cũng đã tập huấn cho các nhân viên tuyển sinh với các nội dung viễn cảnh vô cùng tươi sáng là trường quốc tế có diện tích lớn nhất Thành phố Hồ Chí Minh, các phòng học và phòng chức năng được trang bị đầy đủ các thiết bị hiện đại, tối tân, có hồ bơi, nhà thi đấu đa năng, sân bóng đá ngoài trời, là được đạt chuẩn quốc tế, được Tổ chức Tú tài Quốc tế cấp giấy phép giảng dạy chương trình Tú tài Quốc tế toàn phần (từ 3 tuổi đến lớp 12).
Đặc biệt, lúc đó thì phụ huynh cũng được giới thiệu về các gói huy động tài chính, có nghĩa là phụ huynh sẽ đóng vào trường khoản tiền từ vài tỷ đến vài chục tỷ đồng, tùy theo bậc học lớp con mình đăng ký. Tuy nhiên, số tiền này sẽ không được trường tính lãi suất trong suốt thời gian học sinh theo học ở trường.
Đổi lại, học sinh sẽ không phải đóng bất cứ chi phí nào trong suốt quá trình học ở AISVN. Hợp đồng vay vốn ghi rõ, khi học sinh hết thời hạn học tập tại trường hay là học sinh muốn chuyển trường vì lý do sức khỏe hay vì lý do nào đó, nhà trường sẽ phải hoàn trả lại số tiền đã vay của phụ huynh trong một khoảng thời gian được quy định.
Thế nhưng, thực tế thì đến hạn trả tiền cho phụ huynh, nhà trường đã không thực hiện điều này, nên thời điểm cách đây hơn 1 năm trước, phụ huynh đã phải căng băng rôn đòi nợ trước cổng trường.
Tình cảnh "quay đi mắc lưới, quay lại mắc câu" của phụ huynh trường quốc tế
Là một phụ huynh có cả 3 con học tại AISVN, chị T.M. (nhà ở Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh) kể lại, tại thời điểm năm 2019, với ý định cho con học lâu dài, chị đã đóng vào trường 12 tỷ đồng để cho 2 con học tại AISVN vì những lời quảng cáo hoành tráng của nhà trường.
Kể lại với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, chị M. nhớ lại: “Lúc đó, căn cứ vào những gì trong hợp đồng mà trường ghi lại, khi học sinh học xong lớp 12 hay chuyển đi, trường sẽ trả lại toàn bộ tiền cho phụ huynh, thì coi như là 2 con tôi sẽ được học miễn phí, không tốn tiền học.
Khi tôi có đứa con thứ 3 vào độ tuổi đến trường, tôi cũng tin tưởng AISVN và đóng thêm 4 tỷ đồng nữa vào trường. Khi sự việc xảy ra tại AISVN, con tôi mới học được có 5 năm, còn con út chỉ mới học được có một tháng. Tất cả cũng chỉ vì đặt lòng tin quá mức đối với nhà trường”.
Theo chị M., sự việc xảy ra tại AISVN làm phụ huynh khi đó lâm vào tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan”. Nếu để con ở lại trường thì không biết việc học của con sẽ không biết đi đâu về đâu, có thể bị dang dở.
Còn nếu chuyển con đi thì tìm trường cho con học tiếp hoàn toàn không dễ, vì chương trình học ở AISVN là chương trình Tú tài Quốc tế, không dễ gì tìm được trường và chương trình phù hợp, và số tiền hiện phụ huynh đã đóng góp cho trường chưa biết sẽ “đi đâu về đâu”, do trường gặp khó khăn về tài chính nghiêm trọng.
Ngoài ra, tại thành phố cũng chỉ có vài trường dạy chương trình Tú tài Quốc tế. Nếu cho con tiếp tục học chương trình này, hay chuyển sang chương trình khác, thì lấy đâu ra tiền để duy trì đóng học phí khi đó cũng là cả một vấn đề.
Đồng thời, việc chuyển trường cho cả 3 con đến học nơi khác sau một thời gian đã gắn bó với AISVN cũng là cả một vấn đề.
“Các con sau một thời gian đã gắn bó với bạn bè, thầy cô ở đây, giờ chuyển tất cả đi trường khác, chắc chắn ít nhiều cũng sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của các con” – chị M. nói.
Cho đến nay, hiện tất cả các con chị đã được chuyển đến học ổn định tại một trường ngoài công lập nằm trên địa bàn Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh.