Vừa qua, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã đăng tải một số bài viết ghi nhận những câu chuyện, tình cảnh của giáo viên xung quanh việc luân chuyển từ vùng khó khăn về vùng thuận lợi không hề đơn giản dù họ đã đáp ứng đủ thời gian. Chính vì thế, nhiều thầy cô mong mỏi dự thảo Luật Nhà giáo làm sao quy định hợp lý hơn và có chính sách đồng bộ để chính sách này có thể khả thi.
Theo Khoản 3 Điều 23 Dự thảo Nhà giáo (dự thảo 5) về thuyên chuyển nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập quy định: “Nhà giáo đã công tác ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ 03 năm trở lên được cơ sở giáo dục nơi nhà giáo công tác và cơ quan quản lý giáo dục theo thẩm quyền giải quyết cho thuyên chuyển khi nơi đến đồng ý tiếp nhận”.
Giáo viên “cắm bản” 20 năm loay hoay để được luân chuyển
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Lê Thị Hòa (sinh năm 1984), giáo viên môn Âm nhạc Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (xã Cư Amung, huyện EaH’leo, tỉnh Đắk Lắk) cho hay: “Quê tôi ở Hà Tĩnh, sau khi tốt nghiệp đại học, năm 2004, tôi nhận công tác ở một trường tiểu học ở miền Trung.
Năm 2005, Đắk Lắk vẫn còn nhiều khó khăn, giáo dục vẫn còn nhiều hạn chế, các môn năng khiếu phát triển muộn hơn so với nhiều tỉnh thành khác, số lượng giáo viên chuyên môn giảng dạy các môn học này cũng rất ít. Vì vậy, tôi quyết định đến Trường Tiểu học Lê Đình Chinh, một ngôi trường thuộc vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh để giảng dạy môn Âm nhạc và ở tại nhà công vụ của trường. Đến nay, tôi vừa tròn 20 năm công tác tại trường.
Sau khi kết hôn, tôi cùng gia đình định cư tại huyện Ea Súp (Đắk Lắk). Tuy nhiên, quãng đường 50km từ nhà đến trường còn nhiều đoạn đất đỏ gập ghềnh, đi lại khó khăn nên tôi vẫn ở lại nhà công vụ để thuận tiện cho việc giảng dạy. Hiện tại, ngoài tôi, còn có 3 thầy cô khác cũng ở tại nhà công vụ do nhà cách trường quá xa.
Nhiều năm công tác xa nhà, tôi có rất ít thời gian bên chồng và các con, chỉ có thể về gặp gia đình vào cuối tuần hoặc dịp lễ Tết, nghỉ hè. Gia đình nhiều lần bày tỏ mong muốn tôi chuyển về công tác gần nhà để tiện chăm sóc các con và đây cũng là nguyện vọng của tôi.
Tôi cũng rất trăn trở khi mẹ của tôi đã lớn tuổi vẫn sống một mình ở Hà Tĩnh không ai chăm sóc. Tôi mong muốn được chuyển công tác về gần gia đình tại huyện Ea Súp để có thể đón mẹ vào sống chung và làm tròn chữ hiếu. Nếu chưa chuyển về gần nhà, tôi chưa thể đón mẹ vào sống cùng vì tôi chưa đủ điều kiện về thời gian để chăm sóc.
Tôi đã 2 lần làm đơn xin chuyển công tác nhưng do đặc thù môn học Âm nhạc mỗi trường chỉ có cần 1-2 giáo viên, đa số là những giáo viên trẻ nên tôi chưa có cơ hội luân chuyển.
Hiện tại, tôi đang học thêm ngành Giáo dục Tiểu học để có thể đảm nhận dạy các môn học khác ngoài môn Âm nhạc với hi vọng tăng cơ hội được luân chuyển. Tháng 5/2025, tôi sẽ hoàn thành chương trình học và tôi dự định sẽ tiếp tục làm đơn xin chuyển công tác về gần nhà. Tôi hy vọng lần này có thể thực hiện được đúng như nguyện vọng".

Cùng bàn về vấn đề này, ông Lê Văn Hoàng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) cho biết, khoảng 60 - 70% giáo viên trên địa bàn huyện đến từ địa phương khác. Trong đó, 20 - 30% giáo viên có nguyện vọng được chuyển công tác về gần gia đình hoặc đến khu vực thuận lợi hơn.
Giáo viên đủ điều kiện sẽ được huyện hỗ trợ chuyển công tác nếu đáp ứng thời gian giảng dạy theo quy định. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là giáo viên phải tự tìm đơn vị tiếp nhận. Khi đơn vị đó đồng ý, giáo viên mới có thể hoàn tất hồ sơ trình lên huyện.
Riêng đối với việc luân chuyển giáo viên trong địa phương, huyện có 11/11 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, tuy nhiên, một số xã có vị trí thuận lợi hơn về giao thông hoặc gần vùng thuận lợi nên nhiều giáo viên mong muốn được chuyển đến. Do đội ngũ giáo viên chủ yếu là người trẻ, nếu ai cũng xin chuyển về các xã thuận lợi thì huyện khó đáp ứng hết. Vì vậy, việc luân chuyển chỉ được xem xét khi có nhu cầu thực tế và phù hợp với điều kiện giảng dạy của ngành.
Khi giáo viên xin luân chuyển nhưng chưa được chuyển công tác, thầy cô vẫn tiếp tục giảng dạy tại đơn vị đang làm việc. Trong trường hợp đặc biệt như giáo viên có con nhỏ hoặc chồng công tác trong lực lượng vũ trang xa gia đình, huyện sẽ xem xét điều chuyển về các xã có vị trí thuận lợi hơn về giao thông.

Luân chuyển giáo viên gắn với điều động giúp giải quyết “bài toán” thừa - thiếu giáo viên cục bộ
Thầy Triệu Văn Toàn, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Lãng Ngâm (huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn) cho hay, hiện nay trường có 19 giáo viên, trong đó 4 giáo viên chuyển đến từ khu vực thuận lợi hơn.
Có giáo viên đã gắn bó với điểm trường vùng sâu, vùng xa suốt hàng chục năm nhưng chưa có cơ hội chuyển về nơi thuận lợi hơn. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi cá nhân mà còn thiếu công bằng giữa các giáo viên. Việc luân chuyển giáo viên chủ yếu gặp khó khăn từ phía nơi tiếp nhận, còn quá trình chuyển công tác tại trường và địa phương chuyển đi không có trở ngại lớn.
Trước thực trạng đó, rất cần có một giải pháp luân chuyển giáo viên hợp lý hơn. Nếu giáo viên công tác tại vùng đặc biệt khó khăn trong một khoảng thời gian nhất định, sau đó được chuyển đến nơi có điều kiện tốt hơn và được thay thế bằng giáo viên khác, sự phân bổ nhân lực sẽ trở nên công bằng hơn. Cần có giải pháp cụ thể để tránh tình trạng giáo viên mong muốn được trở về vùng thuận lợi nhưng không có đơn vị nào nhận. Để việc luân chuyển giáo viên diễn ra hiệu quả, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị liên quan, đặc biệt là giữa nơi chuyển đi và nơi tiếp nhận.
Ngoài ra, việc luân chuyển giáo viên gắn với điều động sẽ giúp giải quyết “bài toán” thừa - thiếu giáo viên cục bộ. Bên cạnh đó, cần có sự thống nhất đầu mối quản lý giáo dục, thực hiện phân cấp, phân công hợp lý trên cơ sở bảo đảm vai trò chủ động của ngành Giáo dục.
Một điểm mới nổi bật trong dự thảo Luật Nhà giáo là đề xuất giao quyền chủ động cho ngành giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo.
Bày tỏ quan điểm về đề xuất này, thầy Toàn cho biết, về công tác tuyển dụng giáo viên, hàng năm, Ủy ban nhân dân huyện sẽ tổ chức rà soát, tổng hợp nhu cầu tuyển dụng giáo viên từ các trường, sau đó thực hiện tuyển dụng chung giáo viên cho toàn huyện. Tuy nhiên, cách làm này còn tồn tại một số hạn chế, nhất là trong việc đảm bảo tính phù hợp về chuyên môn và nhu cầu thực tế của từng cơ sở giáo dục.
Do đó, nếu việc tuyển dụng giáo viên được giao cho ngành giáo dục, quá trình tuyển dụng sẽ linh hoạt hơn, giúp các đơn vị giáo dục lựa chọn giáo viên phù hợp với yêu cầu chuyên môn, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy.

Về phía Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tu Mơ Rông cho rằng, hiện nay, việc tuyển dụng giáo viên tại địa phương do Ủy ban nhân dân huyện phụ trách, Phòng Nội vụ là cơ quan tham mưu, trong khi Phòng Giáo dục và Đào tạo chỉ đóng vai trò đề xuất. Điều này dẫn đến một số bất cập bởi cơ quan chịu trách nhiệm chính không trực tiếp quản lý chuyên môn ngành giáo dục.
Mặt khác, điều này dẫn đến việc tuyển dụng giáo viên chưa hoàn toàn phù hợp nhu cầu thực tế của ngành. Trong một số trường hợp, Phòng Giáo dục và Đào tạo đề xuất nhưng quá trình xét duyệt của huyện chậm trễ do nhiều thủ tục, ảnh hưởng đến công tác giảng dạy và sắp xếp nhân sự tại các trường.
Việc giao quyền chủ động tuyển dụng giáo viên cho ngành giáo dục, quy trình tinh gọn, linh hoạt hơn là rất cần thiết. Điều này sẽ giúp ngành kịp thời điều động giáo viên đến những điểm trường cần bổ sung nhân sự trong các trường hợp cấp bách, chẳng hạn như hỗ trợ giảng dạy khi có giáo viên nghỉ vì vấn đề sức khỏe hoặc tăng cường nhân lực trong giai đoạn ôn tập, thi cử.
Mặt khác, để đảm bảo tính dân chủ và sự đồng bộ trong quản lý, trước khi triển khai các nhiệm vụ, Phòng Giáo dục và Đào tạo vẫn cần xin ý kiến tập thể lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện. Nếu quá trình này chỉ dừng ở việc lấy ý kiến chung, thay vì phải qua nhiều bước thẩm định từ Phòng Nội vụ như hiện tại thì việc điều động, bố trí giáo viên sẽ diễn ra nhanh hơn, phù hợp với nhu cầu thực tế.