Bộ Giáo dục và Đào tạo hiện đang trình Chính phủ dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm.
Chưa có cơ chế chặt chẽ trong việc thu hồi chi phí bồi hoàn
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Thị Minh Nguyệt - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nam Định cho biết: “Kể từ khi Chính phủ ban hành Nghị định số 116 đến nay, tỉnh Nam Định chưa đặt hàng đào tạo giáo viên trình độ đại học theo yêu cầu của Luật Giáo dục 2019, tỉnh chỉ giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên mầm non đối với trường cao đẳng sư phạm.
Mặc dù chưa đặt hàng đào tạo giáo viên trình độ đại học, nhưng năm 2024, địa phương đã tuyển dụng được 69 giáo viên trung học phổ thông; các huyện, thành phố tuyển dụng được 1.046 giáo viên (564 giáo viên mầm non; 452 giáo viên tiểu học; 30 giáo viên trung học cơ sở)”.
Theo cô Nguyệt, Nghị định số 116/2020/NĐ-CP thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với đội ngũ giáo viên.
“Tuy nhiên, trong quá trình khiển khai, địa phương chưa tự cân đối ngân sách, đồng thời, chưa có cơ chế ưu tiên tuyển dụng đối với những sinh viên thuộc đối tượng đào tạo theo nghị định này sau khi tốt nghiệp” - cô Nguyệt chia sẻ.
Cùng bàn về vấn đề này, Tiến sĩ Quách Thanh Hải - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh nhìn nhận: “Nghị định số 116 đã tạo động lực rõ ràng hơn cho thí sinh đăng ký vào ngành sư phạm, đặc biệt với những em có hoàn cảnh khó khăn. Trước đây, nhiều thí sinh dù yêu thích nghề giáo vẫn “e ngại” không theo đuổi do không đủ khả năng trang trải trong quá trình học tập.
Với Nghị định số 116, ngoài việc được hỗ trợ học phí, sinh viên sư phạm còn được nhận hỗ trợ chi phí sinh hoạt hàng tháng. Chính sách này giúp giảm bớt gánh nặng tài chính, tạo điều kiện để sinh viên sư phạm yên tâm học tập, nâng cao chất lượng đào tạo cũng như chuẩn bị tốt hơn cho công việc giảng dạy sau này.
Song song với đó, Nghị định số 116 quy định sinh viên tốt nghiệp ngành sư phạm phải cam kết làm việc trong ngành giáo dục có thời hạn. Điều này giúp xác định lộ trình nghề nghiệp rõ ràng ngay từ đầu, thí sinh cần có cân nhắc kỹ lưỡng khi đăng ký xét tuyển”.

Tuy nhiên thầy Quách Thanh Hải cũng chỉ ra, quá trình triển khai Nghị định số 116 cũng có những “điểm nghẽn” ở từng vị trí khác nhau: “Thứ nhất, việc đặt hàng đào tạo giáo viên giữa các địa phương và trường đại học chưa thực sự đồng bộ. Trường hạn chế hoặc không có thông tin về nhu cầu đặt hàng của các địa phương, dẫn đến chỉ nhận được chỉ tiêu phân bổ từ Bộ Giáo dục và Đào tạo. Mặc dù, có đủ năng lực đào tạo, nhưng không có đặt hàng từ các địa phương, nên trường chỉ có thể đào tạo đủ chỉ tiêu được Bộ Giáo dục và Đào tạo phân bổ.
Thứ hai, sau khi sinh viên sư phạm tốt nghiệp, cơ sở giáo dục đại học sẽ gửi thông tin về Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi sinh viên sư phạm thường trú. Tuy nhiên, việc theo dõi sinh viên sau khi tốt nghiệp có phục vụ ngành giáo dục hay không hiện vẫn chưa có cơ chế rõ ràng, trách nhiệm của các bên liên quan vẫn chưa được thống nhất. Vì vậy, cần bổ sung thêm cơ chế quản lý sau khi sinh viên sư phạm tốt nghiệp.
Thứ ba, nhiều sinh viên lo lắng về việc hỗ trợ, bố trí việc làm sau khi học ngành sư phạm bằng phương thức đào tạo theo nhu cầu xã hội do Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp kinh phí. Nếu không được hỗ trợ và không tìm được việc làm trong các cơ sở giáo dục, sinh viên vẫn phải hoàn trả toàn bộ khoản hỗ trợ, dù rất mong muốn làm việc và cống hiến cho ngành giáo dục.
Tương tự, đối với sinh viên theo diện đặt hàng từ địa phương, nếu sau khi tốt nghiệp, không có vị trí giảng dạy phù hợp tại địa phương đó, cũng phải hoàn trả toàn bộ kinh phí đã nhận. Điều này gây tâm lý hoang mang cho thí sinh khi cân nhắc lựa chọn ngành sư phạm. Vì vậy, cần có cơ chế hỗ trợ hoặc bố trí việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp”.
Cùng chia sẻ với phóng viên về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Quyết - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao Hà Nội cũng cho rằng, Nghị định số 116 đã có tác động lớn tới các cơ sở đào tạo giáo viên, thu hút được nhiều sinh viên chất lượng vào ngành sư phạm trong thời gian qua. Tuy nhiên, nghị định này vẫn còn những vướng mắc khi triển khai thực tế.
“Theo Nghị định số 116, các khoản hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt cho sinh viên sư phạm được chi trả từ ngân sách. Trong khi đó, ngân sách chi hỗ trợ hàng năm cho sinh viên sư phạm theo đào tạo của địa phương được cấp về cơ sở giáo dục có nơi còn chậm, dẫn đến việc thực hiện chi trả cho sinh viên chưa đúng thời hạn. Điều này khiến nhà trường không được tự chủ xác định chỉ tiêu trong công tác tuyển sinh.
Cho đến nay, hàng năm, Trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao Hà Nội chỉ được giao chỉ tiêu đào tạo khoảng hơn 200 sinh viên chuyên ngành Giáo dục thể chất. Đây là tình trạng khó khăn chung cho các trường chuyên ngành Thể dục thể thao cũng như ảnh hưởng trực tiếp tới quy mô đào tạo của nhà trường.
Bên cạnh đó, việc xác định chỉ tiêu đào tạo theo nhu cầu của các địa phương gặp khó khăn do thiếu dữ liệu chính xác. Một số địa phương chưa có kế hoạch rõ ràng về việc tuyển dụng giáo viên sau khi sinh viên tốt nghiệp, khiến sinh viên lo ngại về cơ hội việc làm.
Một số sinh viên bỏ học giữa chừng, không tốt nghiệp hoặc không làm trong ngành giáo dục sau khi tốt nghiệp, sẽ phải hoàn trả số tiền đã nhận, phải bồi hoàn kinh phí, nhưng không có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, khiến việc thu hồi kinh phí khó thực hiện.
Sinh viên có thể bị ràng buộc quá lâu, trong khi điều kiện làm việc và đãi ngộ ngành sư phạm chưa thực sự hấp dẫn. Nhiều trường hợp sinh viên tốt nghiệp nhưng không thể tìm được việc làm trong ngành giáo dục do địa phương không có chỉ tiêu tuyển dụng, khiến họ bị buộc hoàn trả một cách bất hợp lý. Một số sinh viên ra trường nhưng làm việc trong các lĩnh vực liên quan (trung tâm đào tạo, gia sư, xuất khẩu lao động liên quan đến giáo dục,…), không rõ có thuộc diện phải bồi hoàn hay không” - thầy Quyết phân tích thêm.

Cần điều chỉnh quy định bồi hoàn kinh phí theo hướng linh hoạt hơn
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Quyết, thực tế hiện nay, phần lớn sinh viên sư phạm được đào tạo không thuộc diện đặt hàng hay đấu thầu từ địa phương. Vì vậy, kinh phí hỗ trợ cho những sinh viên này được cấp từ ngân sách nhà nước, không phải do các địa phương chi trả. Việc thu hồi cũng không phải trách nhiệm thuộc cơ sở đào tạo. Chính vì vậy, vấn đề thu hồi không được quan tâm và không có cơ chế xử lý trường hợp chậm trả hoặc không thể trả, dẫn đến tình trạng khoản nợ chưa được thanh toán đúng hạn và vẫn chưa thu hồi được theo kế hoạch.
Số tiền hỗ trợ học phí và sinh hoạt phí trong suốt 4 năm đại học là khá lớn, nếu phải hoàn trả một lần sau khi tốt nghiệp, có thể gây áp lực tài chính nặng nề. Nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp vẫn chưa có thu nhập ổn định, việc trả nợ ngay lập tức khó khả thi.
Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao Hà Nội cũng cho rằng, để thu hồi chi phí bồi hoàn, có thể giao cho Sở Giáo dục và Đào tạo của các địa phương. Vị hiệu trưởng lý giải: “Đơn vị này cần có trách nhiệm theo dõi việc sử dụng nhân lực sư phạm sau tốt nghiệp và thu hồi kinh phí đào tạo.
Sở Giáo dục và Đào tạo có thể phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh để giám sát và hỗ trợ sinh viên tìm việc làm trước khi yêu cầu bồi hoàn chi phí hỗ trợ. Các Sở Giáo dục và Đào tạo cần phối hợp với các cơ sở đào tạo giáo viên để có dữ liệu chi tiết về sinh viên, nhằm giám sát và hỗ trợ sinh viên thực hiện nghĩa vụ bồi hoàn. Bên cạnh đó, trường đào tạo sư phạm có thể đóng vai trò trung gian, theo dõi tình trạng sinh viên sau khi tốt nghiệp và phối hợp với địa phương để thực hiện thu hồi kinh phí.
Nghị định số 116 hiện đang giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là cơ quan hướng dẫn, theo dõi và đôn đốc sinh viên sư phạm bồi hoàn kinh phí hỗ trợ. Tuy nhiên, địa phương không phải là đơn vị cấp kinh phí cho sinh viên sư phạm thuộc đối tượng đào tạo theo nhu cầu xã hội đồng thời, địa phương không chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai, hướng dẫn gây khó khăn cho việc thực hiện”.
Để thực hiện hỗ trợ sinh viên sư phạm thực sự hiệu quả, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nam Định đề xuất thêm: “Chính phủ cần có cơ chế hỗ trợ đào tạo đối với các địa phương chưa tự cân đối ngân sách và quy định rõ từng tỉnh thành sẽ đặt hàng đào tạo với đơn vị đào tạo giáo viên theo vùng, miền, để thuận tiện cho sinh viên theo học tại đơn vị đào tạo.
Chính phủ cấp kinh phí hỗ trợ trực tiếp đối với các cơ sở đào tạo giáo viên không thuộc phạm vi quản lý của cấp tỉnh, để các đơn vị lập dự toán kinh phí hàng năm theo chỉ tiêu đào tạo.
Quy định rõ cơ chế quản lý chất lượng đối với các sinh viên được hỗ trợ trong quá trình đào tạo và có cơ chế ưu tiên tuyển dụng đối với những sinh viên thuộc đối tượng đào tạo theo Nghị định số 116 sau khi tốt nghiệp”.

Ở một khía cạnh khác, Tiến sĩ Quách Thanh Hải lại cho rằng: “Để tăng tỷ lệ sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp làm việc trong ngành giáo dục, cần bổ sung chính sách hỗ trợ việc làm ngay từ khi sinh viên còn đang ngồi trên ghế nhà trường. Có thể, cần xây dựng cổng thông tin tuyển dụng giáo viên cấp quốc gia, tăng cường kết nối giữa các bên liên quan như: địa phương, các cơ sở giáo dục đại học, sinh viên.
Ngoài ra, cần khuyến khích khởi nghiệp trong lĩnh vực giáo dục và hỗ trợ chuyển đổi công tác cho những trường hợp không thể tiếp tục giảng dạy.
Bên cạnh đó, cần cải thiện môi trường làm việc để khuyến khích giáo viên. Việc tăng lương khởi điểm, hỗ trợ nhà ở, đi lại, song song với việc giảm áp lực công việc và hồ sơ hành chính sẽ giúp giáo viên yên tâm gắn bó với nghề. Đồng thời, cần tạo cơ hội phát triển nghề nghiệp bằng các chương trình đào tạo nâng cao chuyên môn và xây dựng lộ trình thăng tiến rõ ràng.
Không chỉ vậy, cần điều chỉnh quy định bồi hoàn kinh phí theo hướng linh hoạt hơn. Nên miễn hoặc giảm mức chi phí bồi hoàn cho sinh viên không tìm được việc do thiếu chỉ tiêu tuyển dụng, đồng thời cho phép trả góp để giảm áp lực tài chính. Quan trọng hơn, chỉ yêu cầu bồi hoàn khi sinh viên đã được hỗ trợ tìm việc nhưng vẫn không thực hiện cam kết làm việc trong ngành giáo dục”.
Nên “mở rộng” đối tượng sinh viên được hưởng chính sách hỗ trợ
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Thoa - Trưởng phòng, Phòng Đào tạo đại học và Công tác sinh viên, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Huế) cho biết: “Nhà trường triển khai thực hiện Nghị định số 116 từ năm học 2021-2022, tính đến nay đã được 4 năm. Trong 4 năm qua, nhà trường chỉ nhận được hợp đồng đặt hàng 1 chỉ tiêu của địa phương, còn lại chủ yếu thực hiện đào tạo chỉ tiêu theo nhu cầu xã hội do Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ”.
Phó Giáo sư Nguyễn Thị Kim Thoa cũng cho biết thêm, một số ngành có vị trí việc làm liên quan đến lĩnh vực giáo dục cần quan tâm áp dụng cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ để đảm bảo sự hiệu quả trong công tác đào tạo và sử dụng lao động, ví dụ như ngành Tâm lý học giáo dục. Hiện nay, theo Thông tư số 20/2023/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 16/12/2023 hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông và các trường chuyên biệt công lập, có vị trí việc làm “Tư vấn học sinh”. Vì vậy, nên có cơ chế để áp dụng đối với ngành này.
“Việc đào tạo theo cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ sẽ tạo sự kết nối chặt chẽ giữa đơn vị sử dụng lao động và đơn vị đào tạo. Công tác quản lý chất lượng đào tạo được tăng cường, người học có ý thức trách nhiệm với việc xây dựng và thực hiện kế hoạch học tập hiệu quả trong suốt khoá học để đạt chất lượng đầu ra, đáp ứng được yêu cầu sử dụng lao động của địa phương, đơn vị đã đặt hàng” - cô Thoa nhấn mạnh.