Ước mơ “canh giữ biên cương” của cậu học trò người Mông đam mê Lịch sử

01/05/2021 06:08
Diệp Lam
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Để biến ước mơ khoác màu áo xanh thành hiện thực, Hạng Mí Ly đang chăm chỉ ôn luyện với mục tiêu là thi đỗ vào Học viện Biên phòng.

Sinh ra và lớn lên nơi bản nghèo, cậu học trò người Mông tự ý thức rằng, chỉ có con đường học vấn mới có thể đưa cậu đến tương lai tươi sáng hơn và góp sức gánh vác gia đình, bảo vệ quê hương.

Hành trình tìm “con chữ” của cậu bé Mông

Nhắc đến cậu học trò người Mông vượt khó, Hạng Mí Ly (18 tuổi), bạn bè đồng trang lứa nơi bản nghèo tại huyện Đồng Văn (Hà Giang) ai cũng tấm tắc khen.

Không chỉ nhiều năm liền đạt danh hiệu học sinh giỏi, Hạng Mí Ly còn có 2 năm liên tiên tiếp giành giải cao trong các cuộc thi học giỏi môn Lịch sử cấp tỉnh.

Là con thứ trong một gia đình nghèo có 3 anh chị em, bố mẹ Ly cũng như bao cặp vợ chồng người Mông khác, lập gia đình từ khi tuổi chưa 18, sau lần gặp nhau và hẹn ước ở lễ hội Gầu Tào.

Cả bố và mẹ đều không biết chữ, gia đình 5 miệng ăn trước đây chỉ dựa vào những nương ngô trên đồi, nuôi thêm 2 con lợn, 1 con bò cùng vài con gà để duy trì sinh hoạt cơm, ngô tối thiểu.

Cậu học trò người Mông Hạng Mí Ly. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Cậu học trò người Mông Hạng Mí Ly. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Ngay từ nhỏ, Hạng Mí Ly đã ý thức được và luôn tự nhủ với bản thân: “Cũng vì bố mẹ không có kiến thức làm ăn nên cái nghèo, cái đói cứ đeo đẳng mãi không nguôi.

Phải chăm chỉ học hành, bởi chỉ có con đường học vấn mới có thể mở ra một tương lai rạng rỡ cho bản thân và cả gia đình”.

Ấy vậy, vì điều kiện gia đình không cho phép, thay vì được đi học đều đặn như các bạn đồng trang lứa, nhiều lúc, Hạng Mí Ly phải nghỉ học giữa chừng, theo bố mẹ lên nương tra ngô.

Quyết tâm phải bám lấy “con chữ”, năm học lớp 3, Ly đã xin bố mẹ xuống trường dưới trung tâm thị trấn để học nội trú, mỗi tuần mới về thăm nhà một lần.

Hồi ấy, nếu bắt gặp hình ảnh cậu bé 8 tuổi đi bộ men theo con đường núi gập ghềnh gần 7km, dẫn từ thôn Pố Lồ đến trung tâm thị trấn Đồng Văn, chắc hẳn, sẽ luôn nhìn thấy nụ cười rạng rỡ của cậu khi được tìm đến “con chữ”.

Ly tâm sự, cuộc sống tự lập ban đầu của cậu rất khó khăn. Trẻ con rời xa nếp nhà, mọi sinh hoạt đều phải tự lập, có lúc, Ly cũng tủi thân, muốn chạy ùa về nhà ôm lấy mẹ.

Nhưng chính sự quan tâm, động viên của cô giáo, sự sẻ chia của bạn bè đã tạo nguồn động lực lớn cho Hạng Mí Ly quyết tâm học tập.

Cứ như vậy, những năm tháng Tiểu học và Trung học cơ sở dần trôi đi, năm 2018, Ly thi trúng tuyển vào trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học phổ thông tỉnh Hà Giang.

Cậu học trò người Mông lại tiếp tục khăn gói xuống học tại ngôi trường cách nhà đến hơn 150km.

Mỗi năm, người con hiếu thảo chỉ có thể về thăm gia đình vào những dịp nghỉ dài ngày như nghỉ hè hoặc Tết Nguyên đán.

Về đến nhà, Ly lại xăm xắn lên nương phụ giúp bố mẹ tra ngô. Nương trồng ngô của gia đình cách nhà hơn 3km, đường núi đá khó đi, không thể chạy xe máy, phải đi bộ nên cứ sáng sớm, gia đình lại cùng nhau lên nương, ăn trưa ngay tại nương, đến tối mới về.

Đêm về, khi cả nhà chìm vào giấc ngủ cũng là lúc cậu học trò chăm chỉ ôn lại bài.

Ly luôn tranh thủ thời gian học tập, ngay cả sau giờ học. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Ly luôn tranh thủ thời gian học tập, ngay cả sau giờ học. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Đam mê Lịch sử vì có thể “cảm nhận quá khứ, hiểu biết hiện tại”

Vốn yêu thích tìm hiểu những sự kiện diễn ra trong quá khứ, lại được khơi nguồn cảm hứng từ giáo viên chủ nhiệm, cậu học trò lớp 10 khi đó đã tìm thấy niềm đam mê thực sự của mình.

Đã 3 năm trôi qua, cậu học sinh lớp 12A5 (trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học phổ thông tỉnh Hà Giang) vẫn luôn muốn tìm hiểu thêm thật nhiều về Lịch sử.

Ly chia sẻ: “Sau khi thi đỗ vào lớp 10, em nhận thấy giờ giảng Lịch sử của cô giáo thật cuốn hút, chính cách truyền tải của cô khiến em bị cuốn theo một cách lạ kỳ.

Thú thực, những buổi đầu tiên mới tham gia đội tuyển bồi dưỡng học sinh giỏi Sử, em chỉ biết ngồi nghe cô đọc rồi chép, vẫn còn bỡ ngỡ rất nhiều.

Nhưng sau vài buổi, vừa tự tìm hiểu, đọc thêm sách và các tài liệu, em không chỉ có thể “bắt nhịp”, mà còn thực sự cảm nhận được cái hay của môn học này.

Nhiều bạn thường hay nói môn Lịch sử rất khô khan và quá nhiều mốc thời gian, sự kiện khó nhớ, nhưng riêng em thấy Lịch sử rất hấp dẫn, sinh động.

Mỗi mốc thời gian có thể gắn với cả một câu chuyện, mà nếu chúng ta chịu khó tìm hiểu, thì giống như được bước vào một kho tàng.

Đó là lý do khiến trong khi các bạn cảm thấy ngại học môn Lịch sử, thì em lại vô cùng yêu thích”.

Sau 2 kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, Hạng Mí Ly đều đoạt giải Nhì môn Lịch sử. “Đối với em, Lịch sử luôn giàu sức sống. Em mê Sử bởi nó giúp em biết thêm và cảm nhận một phần nào đó về quá khứ, từ đó, hiểu thêm về hiện tại” - cậu học trò lớp 12 nhấn mạnh.

Không chỉ chủ động học tập, cậu lớp trưởng còn thường xuyên giúp đỡ bạn bè, ai có gì không hiểu, Ly đều giảng giải kỹ lưỡng. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Không chỉ chủ động học tập, cậu lớp trưởng còn thường xuyên giúp đỡ bạn bè, ai có gì không hiểu, Ly đều giảng giải kỹ lưỡng. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Nói về cậu học trò ưu tú, cô Trần Thị Lan Anh (giáo viên chủ nhiệm lớp 12A5) bày tỏ: “Ly là học sinh giỏi vượt khó, là lớp trưởng gương mẫu, luôn tham gia các hoạt động bề nổi của trường lớp.

Mặc dù gia đình có hoàn cảnh hết sức khó khăn, nhưng em luôn nỗ lực vươn lên, dành sự chăm chỉ của bản thân để bù đắp cho những yếu tố ngoại cảnh.

Với sự ham học hỏi, mỗi khi gặp bất cứ vướng mắc nào trong tiếp cận kiến thức, Ly đều chủ động trao đổi với giáo viên.

Học sinh nội trú thì thường đến cuối tuần mới được dùng điện thoại, nên Ly tranh thủ tận dụng tối đa thời gian đó để tra cứu, tìm hiểu tài liệu trên mạng Internet.

Không chỉ vậy, em còn rất nhiệt tình trong việc giúp đỡ các bạn học khác. Thời gian mỗi buổi tối là lúc học sinh nội trú ôn lại bài cũ một lượt nữa, Ly luôn cởi mở và tận tình chỉ bài giúp các bạn”.

Ước mơ khoác màu áo xanh, bảo vệ biên cương

Sinh ra tại vùng quê nghèo, nơi nhiều bạn bè nghỉ học từ rất sớm để lập gia đình, để đi làm phụ giúp gia đình, thậm chí, có người rủ Ly bỏ học, đi làm thuê ở bên kia biên giới, nhiều lúc cậu cũng lưỡng lự, đắn đo. Nhưng rồi, quyết tâm tìm tương lai tươi sáng của Ly lại được vỗ về.

Nhiều khi, cậu học trò với dáng người nhỏ nhắn cũng trăn trở vì rất nhiều học sinh vùng cao phải bỏ lỡ việc học:

“Học sinh người dân tộc thiểu số nói chung và người Mông nói riêng cũng có tư chất thông minh, chăm học. Chỉ có điều, cuộc sống quá khó khăn nên không có điều kiện học tập như các bạn ở thành phố.

Điều đó rất đáng tiếc! Nếu như được quan tâm hơn nữa, đời sống phát triển lên thì em tin chắc rằng sẽ có nhiều bạn học tốt…”.

Buổi hoạt động trải nghiệm tham quan, tìm hiểu về người lính Vị Xuyên và giao lưu với đơn vị bộ đội đang làm nhiệm vụ nơi biên giới, như tiếp thêm động lực cho Ly quyết tâm theo đuổi ước mơ chiến sĩ biên phòng. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Buổi hoạt động trải nghiệm tham quan, tìm hiểu về người lính Vị Xuyên và giao lưu với đơn vị bộ đội đang làm nhiệm vụ nơi biên giới, như tiếp thêm động lực cho Ly quyết tâm theo đuổi ước mơ chiến sĩ biên phòng. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Nhắc đến ước mơ trong tương lai, Hạng Mí Ly không giấu nổi ánh mắt háo hức: “Em ước mơ trở thành một người lính khoác màu áo xanh, góp phần bảo vệ biên cương Tổ quốc.

Để biến ước mơ đó thành hiện thực, em vẫn đang ôn luyện thật chăm chỉ, mục tiêu là thi đỗ vào Học viện Biên phòng.

Một phần vì vào môi trường nền nếp, tác phong chỉn chu, em càng có cơ hội rèn mình, bố mẹ có thể tự hào về em, mà gia đình cũng không phải lo lắng tiền ăn học cho em”.

“Nhưng sâu hơn cả, em sinh ra và lớn lên ở vùng biên, từ nhỏ đã được nghe rất nhiều và cũng từng chứng kiến một vài lần về câu chuyện của những người lính biên thùy…

Đặc biệt, trong năm qua, mỗi lần được cầm điện thoại trên tay, em lại đọc được những tin tức về nỗi niềm vất vả của người lính biên phòng trong cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19, với nhiệm vụ bảo vệ đường mòn, lối mở, ngăn chặn kịp thời các đối tượng nhập cảnh trái phép mang theo nguy cơ dịch bệnh.

Mỗi lần đọc được tin tức về những người lính biên phòng, em càng thầm cảm ơn những đóng góp của các chú, các anh, càng thêm quyết tâm trở thành người lính để sau này có thể đứng trong hàng ngũ, góp một phần nhỏ bé, gánh vác trách nhiệm bảo vệ biên cương” - chàng trai người Mông nở một nụ cười chất phác.

Diệp Lam